Petrovietnam: Giải pháp đột phá về cơ chế quản lý

10:16 | 28/11/2012

3,277 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Cách thức quản lý được coi là nhân tố quyết định sức sống và thành công của mọi tổ chức, quy trình. Một trong những giải pháp đột phá được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đề ra trong quá trình tái cấu trúc và đổi mới nhằm thực hiện thành công chiến lược tăng tốc phát triển là giải pháp về cơ chế quản lý.

Đầu tư hiệu quả, có trọng điểm

Hiện nay, Petrovietnam là tập đoàn kinh tế đầu tàu của đất nước, mô hình mục tiêu của Tập đoàn được xây dựng trên các quan điểm cơ bản của Đảng tại Nghị quyết TƯ3, Nghị quyết TƯ9 khóa IX, các kết luận của Bộ Chính trị và mới đây nhất là của Hội nghị TƯ6 khóa XI, khẳng định kinh tế Nhà nước có vai trò nòng cốt trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô.

Chúng ta thường thấy, các tập đoàn ở những nước kinh tế thị trường phát triển hoạt động vì lợi nhuận tối đa của doanh nghiệp mình và điều tiết hoạt động theo thị trường. Ở nước ta, các tập đoàn kinh tế Nhà nước hoạt động với những trọng trách lớn lao hơn, có ý nghĩa quan trọng hơn và lợi nhuận chưa phải là mục tiêu tối thượng.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là đơn vị hội nhập sớm nhất và toàn diện nhất

Petrovietnam được tổ chức và hoạt động theo yêu cầu của Nhà nước. Mô hình mục tiêu của Petrovietnam về cơ bản là: Công ty Mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoạt động với tư cách là tập đoàn đầu tư đa lĩnh vực và trực tiếp triển khai một số hoạt động quyết định được lựa chọn trong chuỗi các hoạt động dầu khí cốt lõi, các đơn vị thành viên là các doanh nghiệp chuyên ngành. Mục tiêu chính là xây dựng Petrovietnam thành tập đoàn kinh tế năng động, có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế, tối ưu hóa việc sử dụng mọi nguồn lực sẵn có, xã hội hóa, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi... và mục tiêu cao nhất, cũng là tầm nhìn chiến lược đến 2025 của Tập đoàn là xây dựng Petrovietnam trở thành “Tập đoàn kinh tế dầu khí hàng đầu trong khu vực - Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam”, một doanh nghiệp dân tộc kiểu mẫu tốt nhất, thực sự là trụ cột, chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Kết quả kinh doanh thành công của Tập đoàn những năm vừa qua đã đủ để nói lên hiệu quả của mô hình Petrovietnam.

Vị trí quan trọng của ngành Dầu khí đặt ra yêu cầu cấp bách về đổi mới, mở cửa hội nhập. Dầu khí là ngành có hiệu quả cao đi kèm rủi ro, đầu tư lớn, không thể tự “làm tất ăn cả” mà phải thu hút vốn đầu tư của các đối tác nước ngoài về công nghệ sản xuất, quản lý doanh nghiệp, đào tạo đội ngũ cán bộ... chính điều đó là một nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới toàn diện Tập đoàn.

Petrovietnam xây dựng cơ chế, chính sách đa dạng hóa các hình thức hợp tác đầu tư, thu hút tối đa các nguồn lực của các thành phần kinh tế, vốn từ thị trường tài chính trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực dầu khí. Tập đoàn đã triển khai chọn đối tác tin cậy, hình thành các tổ hợp để tham gia đấu thầu, mua cổ phần, mua tài sản (mỏ) ở nước ngoài trong các dự án tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí ở các khu vực thích hợp.

Để đảm bảo phát triển bền vững ngành Dầu khí và an ninh năng lượng phát triển đất nước, bên cạnh việc mở rộng hoạt động thăm dò, khai thác ở trong nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã và đang triển khai thành công hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác ở nước ngoài. Hiện tại, Tập đoàn đang mở ra những mối quan hệ hợp tác và tham gia đầu tư vào dự án thăm dò khai thác dầu khí ở gần 20 quốc gia trên thế giới.

Công tác đổi mới doanh nghiệp của Petrovietnam là đồng bộ và xuyên suốt cả quá trình. Tập đoàn luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao toàn diện của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực và tạo nhiều điều kiện thuận lợi của các bộ, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể Trung ương và các địa phương.

Có những thời điểm quan trọng như khi có được quyết định tách riêng Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thành đảng bộ độc lập trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, quyết định này đã tạo điều kiện nâng cao một bước vai trò lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng đối với Tập đoàn, góp phần sớm đưa các chủ trương chính sách của Đảng đi vào cuộc sống một cách sinh động và hiệu quả.

Táo bạo, đột phá, tăng tốc phát triển

Một chiến lược có phương hướng dài hạn đúng đắn, xác định được phạm vi hành động một cách hoàn chỉnh, có tính toán đầy đủ về mục tiêu, về nguồn lực và thị trường... sẽ mang tính khả thi cao.

Không có giải pháp độc lập nào có thể thành công khi thực hiện cả một chiến lược, do đó Petrovietnam đặt ra cả một hệ thống giải pháp và triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt đồng bộ cả hệ thống, trong đó tập trung cao độ thực hiện 3 nhóm giải pháp đột phá nhằm thực hiện thắng lợi chiến lược tăng tốc phát triển của Tập đoàn là các nhóm giải pháp trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nhóm giải pháp trong lĩnh vực quản lý và nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực.

Mặc dù vậy, để thực hiện những giải pháp về quản lý đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược, thiết lập được những mục tiêu, thực hiện chiến lược và theo thời gian phải điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với hoàn cảnh.

Đối với Petrovietnam, phương thức tổ chức quản lý Tập đoàn đã được thay đổi căn bản, quan hệ quản lý giữa Công ty Mẹ và Công ty Con được chuyển từ liên kết theo kiểu hành chính sang liên kết bằng cơ chế đầu tư tài chính, xóa bỏ các mệnh lệnh hành chính phi kinh tế, tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng trước pháp luật giữa các chủ thể kinh tế, giải phóng sức sản xuất, cởi trói cho doanh nghiệp tự chủ kinh doanh tìm kiếm cơ hội và tổ chức thực hiện, mang lại hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo quyền chi phối của Công ty Mẹ theo tỷ lệ nắm giữ vốn, bổ nhiệm nhân sự chủ chốt, phê duyệt điều lệ, chiến lược, kế hoạch phát triển phù hợp với Luật Doanh nghiệp và điều lệ từng công ty, tạo sự thống nhất đồng thuận toàn Tập đoàn trong việc thực hiện các mục tiêu chung, giảm thiểu các xung đột lợi ích cục bộ.

Công tác quản trị điều hành đã đạt được tiến bộ rõ rệt, năng lực của người điều hành đã dần đáp ứng được yêu cầu quyết liệt của thực tiễn. Hiện nay, tốc độ xử lý khối lượng công việc lớn đang được đẩy nhanh, chất lượng được nâng cao, tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo. Tác phong lãnh đạo trong Tập đoàn có những thay đổi cơ bản, mọi người ngày càng thực sự có trách nhiệm, quan tâm hơn đến công việc và tuân thủ các quy định, quy chế, quy trình, sâu sát, bám việc đến cùng.

Quản lý là lĩnh vực tổng hợp của nhiều ngành khoa học như kinh tế, xã hội, chính trị, tâm lý v.v… Hiện nay Petrovietnam có đội ngũ cán bộ quản lý rất trẻ và năng động, họ có năng lực nhận thức, biết kế thừa các thành tựu, kinh nghiệm về quản lý và biết kết hợp giữa việc phát huy những thành quả tốt đẹp với việc dám nghĩ dám làm, mạnh dạn áp dụng những mô hình mới.

Lãnh đạo các cấp trong Tập đoàn đều nhận thức sâu sắc và quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Chính phủ  về công tác sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tập đoàn, đó chính là yếu tố quyết định đến kết quả thực hiện, bên cạnh đó còn triển khai tốt công tác tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công nhân viên các đơn vị bằng nhiều hình thức phong phú gắn với thực tiễn cơ sở, công khai, dân chủ để tạo sự nhất trí cao trong nhận thức mọi người.

Cần phải nhấn mạnh rằng, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo của lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu, sự ủng hộ, đồng thuận của các tổ chức chính trị xã hội cùng chung tay, quyết liệt vào cuộc là hết sức quan trọng.

Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp là việc làm thường xuyên, liên tục nhằm thích ứng với cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa theo chiến lược và kế hoạch được phê duyệt để đạt mục tiêu hiệu quả kinh tế, xã hội ngày càng cao và phải được triển khai đồng bộ tất cả các nhiệm vụ liên quan từ tổ chức sắp xếp chức năng nhiệm vụ, cơ cấu cán bộ, cơ chế chính sách quản lý, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, củng cố tổ chức đảng, các tổ chức chính trị xã hội.

Thực chất phương thức quản trị nội bộ dựa trên nền tảng kế hoạch mục tiêu, điều hành theo hệ thống quy chế quản trị ISO kết hợp với áp lực cạnh tranh của thị trường để phân bổ tối ưu các nguồn lực. Tuy nhiên, với số lượng và dự án quy mô quá lớn, thậm chí có những dự án các tổng công ty chưa bao giờ thực hiện tổng thầu thì khả năng quản trị để đảm bảo có hiệu quả là một vấn đề đòi hỏi xem xét để tìm phương thức phù hợp. Hơn nữa, ngoài mục tiêu đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ, chất lượng mục tiêu lợi nhuận do sức ép của các cổ đông và thị trường buộc các tổng công ty phải linh hoạt trong phương thức thực hiện, xử lý tài chính và danh mục đầu tư có thể quá sức quản lý hoặc lạc mục tiêu ảnh hưởng tổng thể mục tiêu chính của Tập đoàn, không đạt được lợi ích tổng thể.

Quyết định kịp thời, triển khai quyết liệt

Nhằm đảm bảo việc sắp xếp đổi mới đạt mục tiêu, đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, Petrovietnam xác định có trách nhiệm đến cùng, chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ nhiều mặt đối với các doanh nghiệp thành viên và giữa các doanh nghiệp thành viên với nhau sau cổ phần hóa và trong quá trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp.

Trong triết lý kinh doanh của Petrovietnam có một tiêu chí “Cải tiến liên tục”, điều này được hiểu là không có sự vĩnh cửu trong suy nghĩ, mọi sáng kiến đều được tôn trọng và đóng góp vào sự thành công chung. Đến nay, mỗi cán bộ, công nhân viên của Tập đoàn đều quán triệt phương châm hành động chung là: Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết định kịp thời, triển khai quyết liệt.

Nền công nghệ sản xuất hiện đại đòi hỏi quy trình quản lý tiên tiến tương xứng (Ảnh: Trung tâm điều hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất)

Để phát triển nhanh, bền vững, Công ty Mẹ đang từng bước chuyển từ hoàn toàn đầu tư tài chính sang kết hợp thực hiện một số chức năng kinh doanh cốt lõi làm đầu tàu định hướng, mở đường, hỗ trợ, giám sát các công ty con hoạt động hiệu quả hơn và là trung tâm kết nối, mở rộng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm theo chiến lược chung, đảm bảo phát huy mạnh mẽ sức cạnh tranh kể cả về quy mô lẫn chất lượng, mở rộng hoạt động ra nước ngoài, đầu tư chiều sâu và đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh.

Petrovietnam định hướng tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tái cấu trúc các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn, hướng tập trung nguồn lực theo lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính, thu hẹp đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, kiên quyết loại bỏ các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, hạn chế, tiến tới loại bỏ cạnh tranh nội bộ. Công ty Mẹ thực hiện quyền của chủ sở hữu Tập đoàn đối với các công ty con trong việc thành lập, tổ chức lại, thay đổi cơ cấu sở hữu trên cơ sở bảo toàn và phát triển vốn và hệ thống các quy định, quy chế thống nhất, giám sát đảm bảo mục tiêu chiến lược chung, lượng hóa các chỉ tiêu công ích để tính toán hiệu quả thực sự, lấy tỷ suất lợi nhuận và hiệu quả đầu tư là tiêu chí cơ bản. Đồng thời hoàn thiện phương thức quản lý, giám sát hoạt động của công ty thành viên thông qua cơ chế chính sách đồng bộ đối với người đại diện là yếu tố quyết định đến hiệu quả kinh doanh của Tập đoàn.

Là một ngành hội nhập sớm nhất và toàn diện nhất, việc nâng cao năng lực phân tích, dự báo, thiết lập chính sách và quản trị chiến lược, quản trị rủi ro với hệ thống đầy đủ các quy chế, quy trình nội bộ tiên tiến, hiện đại tại Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên là công tác được Petrovietnam quan tâm đặc biệt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt toàn cầu.

Và cuối cùng, yếu tố song hành tác động đến mọi quyết định về quản lý chính là con người. Petrovietnam luôn coi trọng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và bồi dưỡng đội ngũ để đủ sức quản lý trước tốc độ và quy mô phát triển nhanh của Tập đoàn. Đến nay, tổng số lao động trong toàn Tập đoàn là hơn 50.000 người, số lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm trên 40%, công nhân kỹ thuật chiếm gần 35%. Qua kinh nghiệm làm việc và đào tạo, số lượng cán bộ có thể đảm đương được ở những vị trí quản lý, kỹ thuật quan trọng thay thế được người nước ngoài mỗi ngày một tăng nhiều thêm, chất lượng được nâng lên rõ rệt, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của từng đơn vị.

Trong 5 năm tới, kế hoạch của Petrovietnam là xây dựng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, khoa học công nghệ và công nhân kỹ thuật dầu khí Việt Nam đủ mạnh về chất lượng và số lượng để có thể tự điều hành các hoạt động dầu khí cả ở trong nước và các dự án đầu tư ở nước ngoài.

Nguyễn Tiến Dũng

 

DMCA.com Protection Status