Petrovietnam II - Nơi "Lửa thử vàng, gian nan thử sức"

07:00 | 25/05/2017

896 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Cách đây gần 30 năm, vào một buổi sáng, tôi đang trên đường đi công tác phía Nam thì nhận được quyết định của tổ chức giao nhiệm vụ làm Giám đốc Công ty Petrovietnam II. Quyết định này đến với tôi khá đột ngột nhưng không bất ngờ…

Gần 30 năm trước, ngày 20/5/1988, anh Trương Thiên - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dầu khí Việt Nam ngày ấy, đã ký một quyết định quan trọng mang số 967 thành lập trở lại Công ty Dầu khí II (Petrovietnam II) - là đơn vị tiền thân của PVEP bây giờ, trực thuộc Tổng Cục Dầu khí, có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh.

petrovietnam ii noi lua thu vang gian nan thu suc
Tiến sỹ Đặng Của

Petrovietnam II ra đời từ thực tiễn của ngành Dầu khí nước nhà, trước hết là đón các nhà thầu nước ngoài vào tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam. Về sau, do nhu cầu phát sinh, Petrovietnam II có thêm trách nhiệm theo dõi, giám sát khai thác của các nhà thầu nước ngoài trên cơ sở hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC). Những đối tác nước ngoài đầu tiên của Công ty là Hydrocacbon India Ltd của Ấn Độ và Shell-Fina của Hà Lan và Bỉ. Petrovietnam II cũng là đầu mối cho mọi hoạt động, quan hệ dịch vụ đối ngoại, bảo vệ và quản lý về nhân lực của các công ty và nhà thầu của 2 công ty nước ngoài này. Và cũng ở thời điểm đó, vào một buổi sáng, tôi đang trên đường đi công tác phía Nam thì nhận được quyết định của tổ chức giao nhiệm vụ làm Giám đốc Công ty Petrovietnam II.

Quyết định này đến với tôi khá đột ngột nhưng không bất ngờ. Bởi có lẽ, tổ chức nhận thấy ít nhiều tôi đã từng có kinh nghiệm nhiều năm làm lãnh đạo ở Liên đoàn Địa chất 36. Tuy nhiên, cũng phải nói thật là tâm trạng tôi khi đó vừa mừng vừa lo. Mừng vì nhận được sự tín nhiệm của tổ chức, sự tin cậy của anh em đồng nghiệp. Lo vì nhiệm vụ quá lớn lao, trách nhiệm nặng nề và cũng phải nói thêm rằng, ở thời điểm đó đơn vị còn thiếu đủ bề.

Về cơ sở vật chất thì thời điểm 1988, tức là chỉ hai năm sau khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, kinh tế đất nước còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Trong khi dầu khí là ngành kinh tế quá non trẻ, thời điểm đó chỉ thấy chi những khoản ngoại tệ khổng lồ, chưa khai thác được dầu nên gần như không thấy khoản thu nào. Petrovietnam II còn khó khăn gấp bội khi Công ty Dầu khí II vốn đã giải thể vào năm 1978 nên toàn bộ cơ sở vật chất bị phân tán gần hết. Chưa kể, khi mới thành lập lại, không chỉ thiếu cơ sở vật chất mà nhân sự cũng thiếu. Lúc đó chúng tôi thiếu cán bộ chuyên môn có năng lực, biết ngoại ngữ và thiếu cả kinh nghiệm làm việc với đối tác nước ngoài, đặc biệt là đối tác từ các nước tư bản ở thời điểm đó.

petrovietnam ii noi lua thu vang gian nan thu suc

Thêm nữa, không có trụ sở làm việc, văn phòng công ty phải nhờ trạm liên lạc cũ của Tổng cục Dầu khí Việt Nam. Tất cả đều ở chung trong ngôi nhà số 7 Mạc Đĩnh Chi, Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Lúc đầu, đơn vị còn không có kế toán trưởng, chưa mở được tài khoản nên nợ lương cán bộ, công nhân viên dài dài. Suốt một năm trời, tìm mãi mới được một kế toán trưởng để trả lương cho anh em. Có những thời điểm quá khó khăn, không còn cách nào khác, Ban Giám đốc phải trực tiếp đi vay vàng của cá nhân, để bán lấy tiền trả lương cho cán bộ, công nhân viên. Do ngành Dầu khí thời điểm này còn non trẻ nên đa số lực lượng cán bộ kỹ thuật có hạn. Những cán bộ có trình độ chuyên môn cao thì chỉ muốn ở ngoài Tổng cục, không muốn xuống cơ sở.

Để giải bài toán về nguồn nhân lực, Ban Giám đốc Petrovietnam II quyết định đào tạo cấp tốc tại chỗ cho một số cán bộ trẻ, năng động, yêu nghề, đồng thời tìm cách thu hút nguồn nhân lực từ miền Bắc vào làm việc. Chưa kể, có những trường hợp lãnh đạo Petrovietnam II phải đến tận nhà để động viên. Biên chế trong đơn vị khi ấy, ngoài Ban Giám đốc gồm tôi và Phó Giám đốc Đỗ Đình Luyện cùng một số cán bộ khoa học kỹ thuật được đào tạo ở nước ngoài về, tổng số có 50 người nhưng địa bàn quản lý trải rộng từ Đà Nẵng trở vào.

Các cụ đã nói “an cư lạc nghiệp”, nhưng thời điểm ấy, đa số cán bộ, công nhân viên của Petrovietnam II đều chưa ổn định được chỗ ở, để người lao động an tâm công tác, Ban Giám đốc Petrovietnam II xoay sở mọi cách và chỉ trong một thời gian ngắn đã hỗ trợ mua được gần 30 căn hộ cho người lao động. Dĩ nhiên, thời điểm đó bản thân tôi cũng nhận không ít lời ra tiếng vào cho hành động được coi là quá táo bạo này.

Nhưng những việc đó vẫn không khiến chúng tôi lo lắng bằng việc lo thủ tục để chọn vị trí khoan. Đó là thời điểm đất nước mới mở cửa, nhiều vấn đề mang tính an ninh, chính trị cần tuân thủ và cảnh giác cao độ. Những vấn đề liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển, thêm vào đó là nạn vượt biên trái phép vào đúng thời gian đó càng khiến khâu lo thủ tục giấy tờ cho các vị trí thăm dò trên biển thêm phức tạp, nhất là khi nhân sự tham gia công tác có chuyên gia nước ngoài. Chưa kể, tính cục bộ địa phương cũng là một rào cản không nhỏ. Thậm chí có một số nơi lấy cớ cho rằng, công tác nổ mìn thăm dò địa chấn làm cho hoạt động của tàu đánh cá gặp khó khăn, nên yêu cầu Công ty bồi thường hàng chục nghìn USD…

petrovietnam ii noi lua thu vang gian nan thu suc

Trăm lần khó, vạn lần khó, nhưng khó mấy cũng phải vượt qua, chỉ sau 4 năm vượt qua muôn vàn thử thách, Petrovietnam II đã trở thành một đối tác đầy sức mạnh và bản lĩnh, dần trưởng thành trong lĩnh vực dầu khí. 4 năm vừa ổn định tổ chức, cơ sở vật chất vừa triển khai công việc, Petrovietnam II đã ký kết được 12 hợp đồng dầu khí kiểu phân chia sản phẩm với các công ty lớn của nước ngoài như ONGC (Ấn Độ), Shell Petrofna, Total, BP, Enterprise- CEP, IPLClydesecab, Sceptre Resources, Petrocan, Petrofna, BHP, Petronas…

Song song với công tác này thì Petrovietnam II chủ động nhiều hoạt động tìm kiếm thăm dò. Tính đến hết tháng 12/1991, Petrovietnam II đã thu nổ trên 80.000 km địa chấn và khoan gần 20 giếng tại các thềm lục địa. Đây được coi là công việc phi thường xét trong điều kiện kinh tế, nhân lực và kỹ thuật thời điểm bấy giờ.

Cũng trong giai đoạn này, Petrovietnam II đã làm nên kỳ tích phát hiện ra mỏ khí Lan Tây - Lan Đỏ thuộc dự án khí Nam Côn Sơn, trữ lượng được xác định là 58 tỉ m3. Đây là những mỏ khí tự nhiên đầu tiên được khai thác để đảm bảo cung cấp ổn định khí một cách dài hạn ở mức 2,7 tỉ m3/năm, được coi là xương sống của ngành công nghiệp khí Việt Nam. Khi thăm dò Lan Tây - Lan Đỏ, chúng tôi phải tiến hành khoan 3 giếng mới thấy kết quả. Giếng khoan đầu ở độ sâu 1.200m, khí phụt lên quá mạnh, đẩy bật giàn khoan lên, phải đổi vị trí khác nhưng vẫn bị sự cố như lần đầu. Đến lần thứ ba mới có kết quả.

Đó cũng là một trong những ký ức đặc biệt nhất trong cuộc đời làm dầu khí của tôi.

Và tôi còn một kỷ niệm đặc biệt quan trọng khác, đó là thời điểm 20h ngày 30/4/1984, đúng 9 năm sau ngày giải phóng miền Nam, các chuyên gia Việt Nam, trong đó có tôi và chuyên gia Liên Xô trên tàu Mikhain Mirchink phát hiện thấy tầng dầu và 26 ngày sau, tầng dầu này được xác định là tầng dầu công nghiệp. Ngọn lửa dầu bùng cháy trên biển ngoài khơi Vũng Tàu, báo tin vui cho cả nước. Và chính tôi thời điểm đó là Vụ trưởng trực tiếp giám sát thi công giếng khoan ở mỏ Bạch Hổ đã viết báo cáo gửi về Tổng Cục trưởng Nguyễn Hòa.

Trở lại câu chuyện Petrovietnam II, đến năm 1993, đòi hỏi từ thực tế phát triển ngành công nghiệp dầu khí phục vụ công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Petrovietnam II được đổi tên thành Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (tên giao dịch quốc tế là Petrovietnam Exploration and Production Company - PVEP). Từ đó Công ty có thêm chức năng là đại diện trực tiếp của Tổng Công ty trong các dự án với các nhà thầu nước ngoài. Ông Nguyễn Ngọc Cư được điều về làm Giám đốc PVEP giai đoạn từ năm 1993 đến năm 1999.

Ngày nay, nhắc đến PVEP không thể không nhắc đến Petrovietnam II và nhắc đến Petrovietnam II không thể không nhắc về những tháng ngày gian khó khi Công ty mới thành lập văn phòng ở TP Hồ Chí Minh cho đến ngày phát hiện dòng khí thương mại với trữ lượng lớn ở mỏ khí Lan Tây - Lan Đỏ. Và nhắc đến những vất vả cũng như vinh quang ở Petrovietnam II thì không thể không nhắc đến thế hệ đầu tiên trong giai đoạn này. Bằng kiến thức, kinh nghiệm, lòng yêu nghề, bản lĩnh, quả cảm… chúng tôi đã vượt qua muôn vàn thử thách, khó khăn để Petrovietnam II có những thành quả đáng tự hào và niềm tự hào đó tiếp tục được hun đúc, truyền lửa qua các thế hệ kế tiếp ở PVEP và phát triển vững mạnh như hôm nay.

TS Đặng Của - Nguyên Giám đốc Petrovietnam II

DMCA.com Protection Status