Petrovietnam nghiên cứu, đánh giá về những tác động của kinh tế thế giới và Việt Nam đầu năm 2023

20:12 | 16/05/2023

6,120 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Sáng 16/5, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức tọa đàm: “Diễn biến kinh tế thế giới và Việt Nam đầu năm 2023 và tác động tới Petrovietnam”.
Petrovietnam nghiên cứu, đánh giá về những tác động của kinh tế thế giới và Việt Nam đầu năm 2023
Toàn cảnh Tọa đàm

Tham dự tọa đàm có ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Thương hiệu và Cạnh tranh; ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính); ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Về phía Petrovietnam có Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng; Phó Tổng Giám đốc Dương Mạnh Sơn, đại diện các ban chuyên môn Tập đoàn.

Petrovietnam nghiên cứu, đánh giá về những tác động của kinh tế thế giới và Việt Nam đầu năm 2023
Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Mở đầu chương trình, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ đã trình bày tổng quan về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian qua. Trong đó, tập trung vào các nội dung quy định pháp lý trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng, điều hành CSTT năm 2022, 4 tháng đầu năm 2023, định hướng điều hành CSTT năm 2023.

Theo Vụ trưởng Vụ CSTT Phạm Chí Quang, bối cảnh vĩ mô năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 biến động nhanh và mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, vượt khỏi mọi dự đoán trước đó. Từ suy thoái sâu trong đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu nhanh chóng chuyển trạng thái thành lạm phát cao kỷ lục, lên mức trên 8% tại Mỹ và trên 10% tại châu Âu, hơn 80 quốc gia lạm phát từ 2 con số trở lên trong năm 2022.

Lạm phát tăng cao nên xu hướng thắt chặt tiền tệ là không tránh khỏi. Fed tăng lãi suất với tần suất và mức độ nhanh nhất trong lịch sử, tăng 5% chỉ trong 14 tháng. Thị trường quốc tế biến động mạnh, từ tiền tệ với đồng USD có thời điểm tăng giá lên mức kỷ lục trong 20 năm, đến cổ phiếu, trái phiếu và lưu chuyển dòng vốn toàn cầu. Xu hướng tăng lãi suất, bán can thiệp ngoại tệ diễn ra tại nhiều nước mới nổi và đang phát triển nhằm bảo vệ đồng nội tệ trước áp lực mất giá quá mạnh, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Những tháng đầu năm 2023, nhiều quốc gia đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế kèm lạm phát cao, thương mại toàn cầu giảm, khủng hoảng tại một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu tiếp tục đặt ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường, là một nền kinh tế có độ mở rất lớn như Việt Nam, nội tại còn nhiều khó khăn thách thức, công tác điều hành CSTT, nhất là điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng gặp rất nhiều khó khăn để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau như: Làm sao để vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao; vừa giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất; vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Kinh nghiệm tại các quốc gia trên thế giới cho thấy việc duy trì một mức lạm phát ổn định ở thấp hợp lý góp phần không nhỏ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kéo theo xu hướng cải thiện rõ ràng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, lãi suất hạ thấp, thanh khoản tốt lên, tỷ giá ổn định và dự trữ ngoại hối tăng, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đối với Việt Nam, giai đoạn duy trì lạm phát ổn định là thời cơ thuận lợi cho các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô yên tâm hơn với việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát - mục tiêu hàng đầu - có dư địa để tập trung cho mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm trước, bằng việc chuyển đổi chính sách và các giải pháp quản lý điều hành.

Đồng thời, đây cũng là thời cơ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bằng các chính sách miễn, giảm, hoãn một số khoản thu ngân sách, hỗ trợ lãi suất đầu tư hoặc cho vay tạm trữ sản phẩm khi giá cả xuất khẩu bị sụt giảm; huy động trái phiếu Chính phủ với lãi suất thấp hơn để phục vụ cho đầu tư công…

Có thể nói, việc điều hành CSTT năm 2022 đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có từ biến động phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới và trong nước, đặc biệt là vấn đề lạm phát, lãi suất tăng cao ở một số quốc gia, tình hình địa chính trị quốc tế diễn biến khó lường… Bối cảnh kinh tế toàn cầu thời gian tới tiếp tục còn nhiều yếu tố bất lợi và khó lường, các Ngân hàng Trung ương tiếp tục duy trì thắt chặt CSTT, tăng lãi suất để tiếp tục kiểm soát lạm phát.

Vụ trưởng Vụ CSTT Phạm Chí Quang cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam có độ mở cửa lớn, những biến động kinh tế thế giới tác động tới kinh tế, tiền tệ trong nước là không tránh khỏi. Điều hành CSTT trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất định như hiện nay đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi phải theo sát diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, trên cơ sở phân tích, dự báo để phối kết hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn các công cụ phù hợp với thời điểm, hoàn cảnh…

Petrovietnam nghiên cứu, đánh giá về những tác động của kinh tế thế giới và Việt Nam đầu năm 2023
Ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế ( Bộ Tài chính)

Trình bày về vấn đề Thuế tối thiểu toàn cầu và tác động tới Việt Nam, ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, thuế tối thiểu toàn cầu là loại thuế đánh vào các doanh nghiệp lớn, công ty đa quốc gia có doanh thu lớn, nhưng lại đầu tư vào những nước có mức thuế suất thấp nhằm trốn thuế, tiềm ẩn nguy hại về cạnh tranh không lành mạnh.

Để ngăn chặn việc này mà không mất đi tính cạnh tranh toàn cầu, các nước đã thống nhất đưa Thuế tối thiểu toàn cầu vào các doanh nghiệp đầu tư lớn bằng cách đặt ra giới hạn về đóng thuế tại nước sở tại hoặc chính quốc, tạo sự công bằng, tránh trốn thuế. Các nước đã thống nhất Thuế tối thiểu toàn cầu là mức thuế áp dụng cho các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro và có mức lợi nhuận trên 10% doanh thu sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% trên mức lợi nhuận. Ưu điểm của Thuế tối thiểu toàn cầu là tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các quốc gia, tránh trốn thuế… Nếu áp dụng, Việt Nam có thể kiểm soát được các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài an toàn hơn, tránh thất thu thuế khi những doanh nghiệp này trốn thuế tại các nước không bị truy thu thuế.

Hiện nay Bộ Tài chính đang đánh giá đầy đủ, toàn diện các tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam, trong đó, tập trung đánh giá tác động đến ngân sách Nhà nước, nhà đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, từ đó có những giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, bảo đảm quyền thu thuế của Việt Nam cũng như sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024. Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024, ước tính khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, hiện các chính sách ưu đãi về thuế trong thu hút đầu tư của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Theo đó, nhờ có chính sách ưu đãi thuế cạnh tranh, cùng với các thế mạnh như: Tình hình kinh tế chính trị ổn định, nguồn lao động lớn..., dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm 20 nước thu hút FDI hàng đầu thế giới. Năm 2022, Việt Nam cũng đã thu hút gần 30 tỷ USD, dù giảm so với cùng kỳ nhưng cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch.

Tuy nhiên, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn FDI toàn cầu, do đó Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế. Qua thống kê, hiện nay có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%, trong đó, thường là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao. Theo đó, tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (đạt khoảng 131,3 tỷ USD).

Một vấn đề đang quan tâm, đó là nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì số thu NSNN về thuế thu nhập doanh nghiệp không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu áp dụng Quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu ngân sách Nhà nước. Trường hợp Việt Nam không thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung thì toàn bộ số thu được ưu đãi cho các doanh nghiệp hiện tại sẽ được các nước phát triển có doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của các nước đó.

Petrovietnam nghiên cứu, đánh giá về những tác động của kinh tế thế giới và Việt Nam đầu năm 2023
Ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Thương hiệu và Cạnh tranh

Trình bày về sự hình thành và tiến triển của chuỗi cung ứng toàn cầu, những vấn đề lưu tâm, ông Võ Trí Thành cho biết, xu hướng toàn cầu hóa và tiến trình hội nhập kinh tế thế giới sau gia nhập WTO đã đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường sôi động của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên trước sự lây lan mạnh mẽ của dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy nghiêm trọng. Điều này đã tạo nên những thách thức và cả cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam. Một chuỗi cung ứng hoàn hảo đòi hỏi phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp tham gia. Đồng thời họ cũng phải quản lý tốt dòng thông tin, sản phẩm và các vấn đề tài chính để tránh tổn thất và đạt mức lợi nhuận tối đa trong toàn chuỗi.

Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu và tiếp cận nền sản xuất tiên tiến thế giới đối với các quốc gia nhỏ. Tuy nhiên, lợi ích từ GVC không chia đều cho tất cả các nước tham gia mà tùy thuộc vào đặc điểm vị trí mỗi nước trên bản đồ GVC.

Trong đại dịch vừa qua, có thể thấy các doanh nghiệp có sự kết nối tốt hơn, cũng như có sự chuyển đổi cách thức quản trị, quản lý, tương tác khách hàng, thị trường, người tiêu dùng, nhiều DN sử dụng công nghệ số để thay đổi cách thức tiếp cận thị trường và quản trị. Đặc biệt là quản trị rủi ro, rất nhiều doanh nghiệp, kể cả tư nhân đều rất chú trọng. Nhiều doanh nghiệp lập ra phòng tác chiến nhằm phản ứng linh hoạt, nhanh với thị trường. Các xu hướng của thế giới hiện nay như: Chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng, phát triển bền vững (xanh, an toàn, nhân văn), gắn với xu hướng mới về tiêu dùng, các cam kết hội nhập, vấn đề địa chính trị thế giới – tự do hóa, hội nhập va đập mạnh mẽ với chủ nghĩa bảo hộ...

Ông Võ Trí Thành nhận định, năm 2023 nhiều dự báo cũng cho rằng nếu có suy thoái cũng là suy thoái nhẹ; kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm. Kinh tế Trung Quốc năm 2023 lại tăng trưởng tốt hơn năm 2022 (4,4% so với 3,2%) do nới lỏng chính sách zero-covid và bình ổn được thị trường bất động sản. ASEAN-5 (có Việt Nam) giảm tốc đôi chút (4,9% so với 5,3%), nhưng khả năng chống chịu vẫn khá cao. Năm 2023 Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thấp hơn 2022 và lạm phát khoảng 4,5%, cao hơn 2022.

Áp lực tài chính - tiền tệ từ bên ngoài nhiều khả năng sẽ dịu bớt. Chính sách của Fed sẽ “bồ câu” hơn, cả về cường độ và tần suất tăng lãi suất. Lạm phát cao toàn cầu sẽ qua đỉnh và giảm dần trong năm tới. Biến động đầu tháng 12/2022 trên thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam đã cảm nhận được sự dịu bớt đó. Tỷ giá VND/USD chỉ còn mất giá trên 4%. Ngân hàng nhà nước đã nới thêm 1,5% - 2% room tín dụng 2022.

Thực hiện đầu tư công và cả Chương trình phục hồi và phát triển cho tròn trịa không đơn giản nhưng chắc sẽ được đẩy nhanh hơn. Cam kết rõ ràng và cách xử lý thích hợp những vấn đề tài chính – tiền tệ nổi cộm cùng tiếp tục triển khai cải cách cơ cấu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tạo lại niềm tin thị trường, từ đó thúc đẩy đầu tư và cả tiêu dùng.

Nói thêm ở đây về FDI vào Việt Nam. FDI vào Việt Nam đều có xu hướng giảm trong ba năm qua. Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều tiềm năng thu hút FDI có chất lượng, nhất là khi dòng vốn FDI đến với mỗi quốc gia là khác biệt và mang tính lựa chọn cao. Độ hấp dẫn FDI tùy thuộc nhiều vào cách dịch chuyển các chuỗi cung ứng/chuỗi giá trị toàn cầu gắn với lợi thế so sánh, môi trường kinh doanh, khả năng kết nối và tiếp cận thị trường (như FTAs), niềm tin đối tác, việc bắt nhịp CMCN 4.0, kỷ nguyên số và sự đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.

Hàm ý đối với doanh nghiệp với 1 thông điệp chung trong một thế giới nhiều bất trắc, đổi thay, đầy gam màu sáng tối thì rất cần “vượt nguy, tận cơ”, “tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại”, và càng cần “hành động quyết liệt, khôn khéo, linh hoạt”.

Petrovietnam nghiên cứu, đánh giá những tác động của kinh tế thế giới và Việt Nam đầu năm 2023
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng

Phát biểu kết luận, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng ghi nhận, đánh giá cao các nội dung được chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm. Tổng Giám đốc yêu cầu các Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, các ban chuyên môn, các đơn vị cập nhật, phân tích các định hướng chính sách, đặc biệt liên quan đến tín dụng, tiền tệ, đồng thời cập nhật các thông tin về chính sách tài khóa của Chính phủ để đánh giá những tác động đến Petrovietnam trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc giao các ban chuyên môn đánh giá về tác động thuế tối thiểu toàn cầu, các vấn đề liên quan đến chiến lược phát triển Hydrogen xanh...

M.C - H.A

DMCA.com Protection Status