Phân bón Cà Mau - Hành trình 10 năm cống hiến

15:00 | 16/02/2021

5,257 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Năm 2021 đánh dấu 10 năm Đạm Cà Mau có mặt trên thị trường, trở thành Thương hiệu quốc gia. Trong năm 2020, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã chính thức mở rộng tên thương hiệu từ “Đạm Cà Mau” sang “Phân bón Cà Mau” - bước chuyển đột phá để vươn tới những mục tiêu và giá trị mới.
Phân bón Cà Mau - Hành trình 10 năm cống hiến
Phân bón Cà Mau đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2020

Nhìn lại hành trình 10 năm của Phân bón Cà Mau, có thể khẳng định đó là hành trình của sự phát triển và cống hiến với nỗ lực vươn lên vị thế dẫn đầu thị trường phân bón Việt Nam. Nếu chọn một năm tiêu biểu nhất trong hành trình ấy, có lẽ đó sẽ là năm 2020. Bởi trong năm 2020, một PVCFC quản trị, điều hành hiệu quả; một PVCFC bản lĩnh, sáng tạo trong vận hành sản xuất, kinh doanh; một PVCFC trong giông bão càng vững vàng vươn lên như hình ảnh cây đước, cây tràm Nam Bộ.

Ngay từ đầu năm 2020, cuộc “khủng hoảng kép” do dịch Covid-19 và thiên tai bão lũ, hạn mặn khiến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón như PVCFC chịu tác động vô cùng lớn. Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp và mạnh nhất chính là thị trường xuất khẩu nông sản bị ngừng trệ, giá cả sụt giảm, diện tích canh tác thu hẹp, nhu cầu sử dụng phân bón giảm mạnh.

Trước tình hình đó, PVCFC đã xác định, hoạt động quản lý, quản trị, điều hành hơn bao giờ hết phải được nâng lên mức độ “đỏ”, lãnh đạo “vững tay chèo” dẫn dắt đội ngũ nhân sự thực hiện tốt mọi mặt hoạt động.

PVCFC tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tiết giảm chi phí thông qua vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau ổn định, nâng cao năng suất, tối ưu hóa và tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Bên cạnh đó, PVCFC tăng cường rà soát, điều chỉnh các quy định quản trị nội bộ, các định mức kinh tế kỹ thuật, hạ giá thành sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường ít chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chính vì thế, trong năm 2020, nhà máy sản xuất duy trì ở mức 110% công suất và đạt kỷ lục sản lượng sản xuất urê quy đổi 928,49 nghìn tấn, về đích trước 14 ngày so với kế hoạch. Trong bối cảnh khó khăn của thị trường, PVCFC vẫn tiêu thụ 930,65 nghìn tấn urê, đạt 107% kế hoạch và tăng 16% so với năm 2019. Đặc biệt, PVCFC xuất khẩu gần 300 nghìn tấn urê sang thị trường Campuchia, tăng 32% so với năm 2019, đồng thời xuất khẩu sang Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Brasil...

Phân bón Cà Mau - Hành trình 10 năm cống hiến
Cảng xuất hàng Nhà máy Đạm Cà Mau

Đặc biệt, trong năm 2020, PVCFC đã được Nhà bản quyền công nghệ Haldor Topsose công nhận đứng trong Top các nhà máy có hiệu quả hoạt động tốt nhất về công suất trung bình năm. Ngoài ra, Haldor Topsose đánh giá Nhà máy Đạm Cà Mau có mức tiêu hao năng lượng tốt nhất trên thế giới so với các nhà máy cùng bản quyền và nằm trong Top 10% các nhà máy tiêu hao năng lượng thấp nhất. Đây là một dấu son rực rỡ đánh dấu sự nỗ lực, sáng tạo của người lao động PVCFC suốt bao năm qua...

Có thể khẳng định, hành trình 10 năm của PVCFC là một hành trình của sự cống hiến. Đầu tiên, bằng công sức và trí tuệ, PVCFC đã cống hiến cho nền nông nghiệp nước nhà qua việc tạo ra bộ sản phẩm Phân bón Cà Mau, mang đến giải pháp toàn diện về dinh dưỡng cho cây trồng.

Từ những ngày đầu đi vào hoạt động, với sản phẩm chủ lực là Đạm Cà Mau hạt đục, đến nay PVCFC đã nghiên cứu và cho ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu của thị trường, điển hình là N.Humate+TE và N46.Plus mang thương hiệu Phân bón Cà Mau, giúp giảm thất thoát đạm tối đa, gia tăng hiệu quả khi sử dụng, tiết kiệm 20-30% lượng phân bón so với urê thông thường.

Phân bón Cà Mau - Hành trình 10 năm cống hiến
Phân bón Cà Mau - Hành trình 10 năm cống hiến

Đặc biệt, PVCFC đã đầu tư xây dựng Phân xưởng NPK Cà Mau với công nghệ urê nóng chảy hiện đại nhất hiện nay. Phân xưởng NPK đã trải qua quá trình chạy thử và chuẩn bị chính thức tung sản phẩm ra thị trường. Khi đi vào vận hành ổn định, mỗi năm Phân xưởng NPK sẽ cung cấp cho nông dân 300.000 tấn phân bón NPK mang thương hiệu Phân bón Cà Mau với giá cạnh tranh, tạo sự ổn định trên thị trường phân bón.

Trong xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, PVCFC đang hợp tác với các đối tác quốc tế, nghiên cứu để sản xuất dòng sản phẩm hữu cơ vi sinh trong thời gian tới. Mục tiêu của PVCFC là hướng đến cung ứng nguồn phân bón dinh dưỡng chất lượng, tốt cho đất, xanh môi trường, lợi cho nông dân và góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Bên cạnh đó, hành trình cống hiến của PVCFC còn là công tác an sinh xã hội, trách nhiệm với cộng đồng. Gần 10 năm qua, PVCFC đã trích 340 tỉ đồng thực hiện các chương trình an sinh xã hội, trong đó có hơn 34 tỉ đồng dành cho tỉnh cực Nam Tổ quốc. Đặc biệt, trong những năm gần đây, người dân phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách mới về thiên tai, dịch bệnh..., đời sống nhà nông chưa được cải thiện nhiều, để biến “giấc mơ con chữ” thành hiện thực không dễ dàng. Thấu hiểu điều đó, hằng năm, PVCFC đều dành một phần kinh phí, trao học bổng cho học sinh, sinh viên tại các trường trong và ngoài tỉnh Cà Mau. Khi PVCFC 10 tuổi cũng là chừng ấy thời gian Quỹ học bổng “Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng” thực thi sứ mệnh và trách nhiệm với cộng đồng, vun đắp những mầm xanh cho Cà Mau nói riêng, đất nước nói chung.

PVCFC đã bước qua hành trình 10 năm phát triển, cống hiến với những thành tựu đáng tự hào, góp phần tích cực vào giữ vững an ninh nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng cực Nam Tổ quốc nói riêng và cả nước nói chung. Đó là nền tảng vững chắc để PVCFC bước sang một giai đoạn mới với những thành công mới.

Lê Trúc

DMCA.com Protection Status