Phân bón chịu thuế GTGT vấn đề cấp bách

14:34 | 18/06/2022

15,422 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Mới đây, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) bày tỏ mong Quốc hội sớm quyết định đưa phân bón trở lại mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) để giữ ổn định sản xuất, giảm giá bán.
Phân bón chịu thuế GTGT vấn đề cấp bách
Tặng phân bón NPK Phú Mỹ cho nông dân

Hiệu ứng ngược của Luật thuế 71/2014/QH13

Năm 2014, xuất phát từ yêu cầu giảm giá phân bón, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, Quốc hội khóa XIII khi sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (Luật 71/2014/QH13) đã đưa mặt hàng phân bón từ đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT, áp dụng từ năm 2015.

Tuy nhiên, Luật 71/2014/QH13 đã không những không giúp nông dân hưởng lợi từ giá phân bón mà còn gây hiệu ứng ngược.

Phân bón là mặt hàng không chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh phân bón không được khấu trừ, doanh nghiệp buộc phải hạch toán một phần vào chi phí khiến giá thành sản phẩm tăng lên 5-8%, làm cho giá phân bón đến tay nông dân cũng bị tăng theo, kéo theo chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp cũng tăng lên đáng kể.

Đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước, Luật 71/2014/QH13 cũng gây ra ảnh hưởng tiêu cực. Hiện nay, các doanh nghiệp tại Việt Nam tập trung vào thị trường nội địa, có xuất khẩu nhưng thấp hơn nhiều so với nhập khẩu. Ước tính, với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỉ đồng mỗi năm, với số thuế GTGT không được khấu trừ ở mức 5%, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000- 4.000 tỉ đồng/năm. Đây là con số rất lớn nếu xem xét đến lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nhiều năm qua.

Phân bón chịu thuế GTGT vấn đề cấp bách
Kỹ sư của Phân bón Cà Mau hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho nông dân

Phân bón Việt thua trên sân nhà

Nghiêm trọng hơn cả là vấn đề cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón nhập khẩu các loại năm 2014 (thời điểm trước khi Luật 71/2014/QH13 được áp dụng) chỉ là 3,7 triệu tấn, nhưng đến năm 2017 đã lên tới hơn 5,6 triệu tấn, tăng gần 2 triệu tấn, riêng urê tăng gần 2,5 lần. Con số này liên tục tăng trong những năm qua.

Nguyên nhân là ở hầu hết các nước sản xuất phân bón lớn có lợi thế về nguồn nguyên liệu giá rẻ, có các chính sách ưu đãi, nên giá phân bón thấp. Do vậy, khi xuất khẩu sang Việt Nam, phân bón có giá cạnh tranh hơn.

Chưa kể, với việc hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán phân bón để cạnh tranh với phân bón nội địa. Thực tế thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong khu vực, kể cả các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, đều được hậu thuẫn để chen chân vào thị trường Việt Nam, khiến doanh nghiệp trong nước thua trên sân nhà.

Có thể thấy, nếu Luật 71/2014/QH13 không sớm được sửa đổi, phân bón trong nước sẽ dần bị phân bón nhập khẩu chèn ép, doanh nghiệp có thể phải thu hẹp quy mô sản xuất.

Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo, chính sách thuế có nguy cơ đẩy ngành sản xuất phân bón Việt Nam “đi thụt lùi”, từ những doanh nghiệp sản xuất phân bón có công nghệ hiện đại dần dần thành các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất lạc hậu. Bởi về dài hạn, nếu không có sự thay đổi về chính sách thuế, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh, đơn giản nhất là nhập khẩu phân bón về bán dựa trên thế mạnh của mình về hệ thống phân phối, thay vì đầu tư công nghệ hiện đại để tạo nên thế mạnh về sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cuối cùng, sản phẩm nông nghiệp và môi trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các loại phân bón được sản xuất bằng công nghệ lạc hậu, giá rẻ.

Đặc biệt, việc phụ thuộc vào nguồn cung phân bón từ nước ngoài sẽ khiến nền nông nghiệp và an ninh lương thực của nước nhà trở nên lệ thuộc, mong manh.

Do đó, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội vừa qua, đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang” đã đề nghị: “Rất mong Quốc hội sớm quyết định đưa phân bón trở lại mặt hàng chịu thuế GTGT, nhất là trong bối cảnh hiện nay ngành nông nghiệp đang rất cần được hỗ trợ để giảm chi phí đầu vào”.

Phân bón chịu thuế GTGT vấn đề cấp bách
Kho hàng của Phân bón Phú Mỹ

Tình thế cấp bách

Các chuyên gia tài chính đã tính toán, phân tích, khi đưa phân bón trở lại chịu thuế GTGT thì giá phân bón không những không tăng mà còn có những tác động tích cực và toàn diện trên nhiều khía cạnh.

Nông dân cả nước sẽ được lợi hơn nhờ việc mua các sản phẩm phân bón giá thấp hơn, giảm chi phí vật tư đầu vào, cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập; đồng thời giúp giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, giảm lượng phân bón nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ được lợi hơn nhiều thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động đang làm việc trong ngành công nghiệp phân bón.

Phân bón chịu thuế GTGT vấn đề cấp bách
Bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Hiện nay, do tình hình thế giới có nhiều bất ổn bởi dịch bệnh, chiến tranh, khiến giá phân bón thế giới cũng như trong nước duy trì ở mức cao đáng kể. Song, việc xuất khẩu nông sản đang ngày càng khó khăn dẫn đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của nông dân thêm chồng chất khó khăn.

Do đó, để góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các nhà sản xuất phân bón, trong đó có 2 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là Phân bón Phú Mỹ và Phân bón Cà Mau, hơn lúc nào hết, những bất cập trong Luật 71/2014/QH13 cần nhanh chóng được sửa đổi, bởi vì chậm một ngày là cả nông dân, doanh nghiệp và nền nông nghiệp trong nước đều chịu thiệt hại

Lê Trúc

DMCA.com Protection Status