TS Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương:

Quan trọng nhất là phải đưa Nghị quyết vào cuộc sống

08:04 | 22/08/2024

5,061 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ngày 24-4-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 76-KL/TW (KL76) nhằm đánh giá 8 năm thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW (NQ41), đồng thời mở ra những hướng phát triển, định hướng mới phát triển ngành Dầu khí Việt Nam nói chung và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) nói riêng. Để có cái nhìn tổng thể về KL76 và các vấn đề trong khâu thực hiện, TS Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Năng lượng Mới/PetroTimes.
Quan trọng nhất là phải đưa Nghị quyết  vào cuộc sống
TS Nguyễn Đức Hiển

PV: Xin ông cho biết những nội dung cơ bản nhất trong KL76 của Bộ Chính trị?

TS Nguyễn Đức Hiển: Qua 8 năm triển khai thực hiện NQ41 của Bộ Chính trị, ngày 24-4-2024, Bộ Chính trị đã ban hành KL76. Và KL76 cũng mở ra những hướng phát triển mới, những định hướng mới cho phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam nói chung, Petrovietnam nói riêng.

Trước hết, KL76 mở ra một không gian phát triển mới cho Petrovietnam thông qua việc định hướng những chủ trương khai thác các điều kiện, tiềm năng của ngành trong phát triển về lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Đối với Petrovietnam, KL76 có định hướng phát triển Tập đoàn trở thành một tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia, song song với việc gắn phát triển các lĩnh vực truyền thống của ngành Dầu khí, nhưng đồng thời cũng xác định vai trò chủ lực tiên phong của Tập đoàn trong phát triển các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Điển hình là phát triển điện gió ngoài khơi, điện gió ven biển, các hoạt động về phát triển lĩnh vực hydrogen, amoniac, tham gia vào chuỗi nhập khẩu cung ứng LNG, cũng như đồng thời xác định vai trò của Petrovietnam trong phát triển lĩnh vực về công nghiệp sản xuất thiết bị năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo và năng lượng mới.

Thứ hai, KL76 đã xác định các chủ trương, định hướng để xây dựng và phát triển một số trung tâm năng lượng quốc gia, tích hợp giữa khí, điện, LNG và các lĩnh vực về công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Một số địa phương có tiềm năng và lợi thế như là Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa, Quảng Ngãi và nhiều địa phương khác. Và tại những địa phương này đều xác định phát huy vai trò chủ lực của Petrovietnam.

Thứ ba, KL76 đã định hướng, chủ trương về triển khai thí điểm một số các dự án trong lĩnh vực năng lượng mới như: Phát triển các dự án điện gió ngoài khơi phục vụ xuất khẩu, các dự án về sản xuất hydrogen, amoniac… Và trong các dự án, các chương trình này, đề ra việc xác định những cơ chế chính sách có tính chất đặc thù để thúc đẩy phát triển các dự án nói riêng, cũng như phát triển ngành Dầu khí của Việt Nam nói chung.

Thứ tư, KL76 đề ra yêu cầu, nhiệm vụ là tiếp tục thể chế hóa các định hướng, chủ trương vẫn còn phù hợp, còn nguyên giá trị trong NQ41.

8 năm qua, từ khi có NQ41, nhiều chủ trương, định hướng, đặc biệt là các cơ chế đặc thù cho Petrovietnam cũng chưa được kịp thời thể chế hóa, nay KL76 yêu cầu tiếp tục phải thực hiện. Đồng thời KL76 cũng định hướng một số các cơ chế chính sách cho Petrovietnam, ví dụ liên quan đến nâng cao hệ số thu hồi dầu khí; bảo đảm nguồn vốn, các cơ chế đặc thù cho hoạt động của Petrovietnam. Bên cạnh đó là các yêu cầu cơ chế phát triển các lĩnh vực từ thượng nguồn đến hạ nguồn trong lĩnh vực dầu khí với những định hướng mới, liên quan đến phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng nhập khẩu, vận chuyển, xử lý liên quan đến một số lĩnh vực về công nghiệp khí theo đúng định hướng sử dụng hạ tầng quy mô lớn, dùng chung, trong đó xác định trọng tâm của các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực dầu khí.

Như vậy, KL76, ngoài tiếp tục kế thừa những chủ trương định hướng tại NQ41, Bộ Chính trị cũng xác định những định hướng mới, tạo cơ chế chính sách cho thúc đẩy ngành Dầu khí Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và kịp thời nắm bắt xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới hiện nay.

Quan trọng nhất là phải đưa Nghị quyết  vào cuộc sống
Khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ

PV: Thưa ông, bấy lâu nay Đảng ta luôn chú trọng việc làm thế nào để “đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”. Vậy để đưa NQ41 và KL76 vào thực tiễn hoạt động của Petrovietnam, cần phải tập trung vào những vấn đề gì?

TS Nguyễn Đức Hiển: Tại KL76, Bộ Chính trị đã chỉ ra, một trong những nguyên nhân chủ quan làm cho nhiều mục tiêu phát triển của ngành Dầu khí mà chủ lực là Petrovietnam chưa đạt được theo yêu cầu của NQ41 đó là việc thể chế hóa trên tinh thần NQ41 thành các chính sách. Vì vậy lần này, trong KL76 đã nêu các nhiệm vụ lớn, cụ thể cho các cơ quan, tổ chức từ Quốc hội, Chính phủ cho đến các ban cán sự Đảng của các Bộ và Tỉnh ủy có liên quan. Để triển khai được KL76, tôi cho rằng một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là việc Ban cán sự Đảng Chính phủ phải sớm chỉ đạo xây dựng chương trình và kế hoạch hành động theo yêu cầu nêu tại KL76.

Một vấn đề cực kỳ quan trọng khác, theo tôi là cần nâng cao công tác hướng dẫn, kiểm tra giám sát trong việc triển khai KL76. Hiện nay quá trình hoàn thiện các cơ chế chính sách cần sự tham gia của các bộ, ngành để cụ thể hóa các cơ chế chính sách mang tính chất rất đặc thù. Bởi vì hoạt động của Petrovietnam có rất nhiều đặc thù, khác biệt, đòi hỏi cách tiếp cận phê duyệt chính sách cũng phải phù hợp với đặc điểm của ngành và phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì vậy, NQ41 và sau này là KL76 đã đề ra rất nhiều các định hướng chủ trương cần phải hoàn thiện các thể chế. Tôi cho rằng các bộ, ngành có liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phải sớm trên cơ sở chương trình hành động của Chính phủ để hoàn thiện các cơ chế chính sách và pháp luật nói chung.

Hiện nay Luật Dầu khí 2022 đã được ban hành và đã tạo được các bước cơ bản về các thể chế chung cho ngành Dầu khí. Tuy nhiên trước yêu cầu phát triển, còn nhiều các cơ chế chính sách mang tính chất rất đặc thù của ngành và rất nhiều các luật có liên quan khác đang trong tiến trình sửa đổi. Ví dụ như Luật Quản lý sử dụng vốn tại doanh nghiệp nhà nước, rồi các cơ chế khác cần phải tiếp tục trên cơ sở các định hướng chủ trương của Đảng để sớm hoàn thiện, làm sao nâng cao được vai trò phân cấp, phân quyền cho HĐTV, HĐQT các doanh nghiệp nhà nước. Cũng như làm sao nâng cao hiệu quả các cơ quan đại diện chủ sở hữu. Đồng thời phải có cơ chế chính sách để ngành đó phát triển phù hợp với điều kiện từng ngành.

Tất cả những định hướng đã đề cập rất đầy đủ về chủ trương, nhưng thể chế hóa nó thành chính sách, thành các cơ chế cụ thể còn đang rất thiếu.

PV: Thưa ông, việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí chứa đựng rất nhiều rủi ro. NQ41 cũng đã yêu cầu phải có cơ chế đặc thù cho Petrovietnam, tuy nhiên, cho đến nay, có vẻ như chưa thực hiện được nhiều?

TS Nguyễn Đức Hiển: Tại KL76, Bộ Chính trị đã xác định lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực đóng vai trò cốt lõi phải đi trước một bước và phải có cơ chế để lĩnh vực này thực sự phát triển. Trong KL76, NQ41 cũng đã có những định hướng về mặt cơ chế chính sách đặc thù cho các lĩnh vực từ thượng nguồn đến hạ nguồn của Petrovietnam, trong đó có lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò.

Đặc điểm tính chất của lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác là có rủi ro rất lớn. Nên tôi cho rằng định hướng cần phải khuyến khích và có cơ chế để tạo ra quỹ cho tìm kiếm thăm dò của Petrovietnam. Hiện nay, Luật 69 là Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang trong tiến trình hoàn thiện. Về định hướng, một số lĩnh vực có đặc thù như dầu khí cũng đã có những lĩnh vực phải hình thành một số quỹ ngoài ngân sách. Và chỉ khi nào hình thành cơ chế quỹ ngoài ngân sách này, mới tạo ra điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực đặc thù như Petrovienam có thể thực hiện nhiệm vụ cốt lõi là tìm kiếm, thăm dò, khai thác để gia tăng trữ lượng dầu khí trong nước cũng như nước ngoài. Thông lệ quốc tế, các mô hình về quỹ cho tìm kiếm, thăm dò của các tập đoàn năng lượng trên thế giới rất nhiều. Tôi cho rằng đề xuất cơ chế này, về mặt chủ trương cũng như triển khai cần phải sớm hình thành để tạo điều kiện cho ngành Dầu khí có thể phát triển.

Hiện nay về mặt chủ trương để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phát triển, Đảng đã ban hành một số nghị quyết rất quan trọng. Đầu tiên là Nghị quyết 12-NQ/TW về đổi mới sắp xếp DNNN ban hành ngày 3-6-2017 của Ban Chấp hành TW khóa XII. Đối với ngành Dầu khí có NQ41 và KL76 và gần đây, đối với các doanh nghiệp, trong đó có DNNN nói chung, đã ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17-11-2022 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Quan trọng nhất là phải đưa Nghị quyết  vào cuộc sống
Toàn cảnh Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau

Từ những chủ trương đó, tôi cho rằng, quan trọng nhất là sớm thể chế hóa những định hướng của Đảng để tạo điều kiện thuận lợi cho DNNN thực hiện sứ mệnh tiên phong, chủ đạo trong những lĩnh vực mà Nhà nước cần phải nắm giữ, những lĩnh vực liên quan đến quốc phòng an ninh hoặc những lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân không thực hiện.

Với những DNNN như Petrovietnam cần phải hình thành được những cơ chế chính sách thực sự tạo phân cấp, phân quyền thuận lợi nhất cho HĐTV, HĐQT. Đồng thời cũng hình thành cơ chế quản lý giám sát của các cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Đối với DNNN nói chung, cũng như Petrovietnam nói riêng, một trong những vấn đề rất quan trọng là tạo điều kiện để thay đổi cơ chế quản trị chung, những vấn đề tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ tại DNNN cũng phải khác với công chức và viên chức. Điều này, NQ12 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã nhấn mạnh. Rồi về chế độ lương thưởng, vận hành bộ máy, tôi cho rằng những định hướng này cần sớm thể chế hóa theo yêu cầu của NQ12. Và yêu cầu nữa rất quan trọng, phải sớm sửa đổi Luật 69 theo đúng yêu cầu của nghị quyết.

Những ngành nghề có tính chất rất đặc thù và đóng vai trò rất quan trọng như Petrovietnam với đóng góp 6-9% ngân sách Nhà nước hằng năm, doanh thu chiếm khoảng 10% GDP cả nước, là những lĩnh vực rất then chốt, là phải có những cơ chế chính sách, thực sự thúc đẩy và tạo thuận lợi để phát triển.

Hiện nay NQ29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã có định hướng chúng ta phải xây dựng một số tập đoàn, DNNN trong lĩnh vực như Petrovietnam, phải “đặt hàng” một số các chính sách rất đặc thù để khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực sự lớn mạnh. Tôi cho rằng về mặt chính sách phải thể chế hóa sớm nội dung này.

Các cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động DNNN cũng cần phải yêu cầu đánh giá tổng thể, không phải đánh giá theo từng dự án đầu tư. Rồi việc tháo gỡ cơ chế chính sách cho thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đối với DNNN cũng đang rất vướng mắc. Tôi cho rằng tất cả những định hướng này đã đề cập rất đầy đủ về chủ trương, nhưng thể chế hóa nó thành chính sách, thành các cơ chế cụ thể, còn đang rất thiếu.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

KL76, ngoài tiếp tục kế thừa những chủ trương định hướng tại NQ41, Bộ Chính trị cũng xác định những định hướng, tạo cơ chế chính sách cho thúc đẩy ngành Dầu khí Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và kịp thời nắm bắt xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới hiện nay.

Nguyễn Như Phong

Mobile Version DMCA.com Protection Status