Mỏ Đại Hùng:

Số phận kỳ lạ của mỏ dầu khí trị giá... 1 USD (kỳ II)

09:00 | 24/10/2019

4,937 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trong chặng đường 10 năm ấy Đại Hùng đã qua tay các công ty dầu khí có tiếng tăm, có tiềm lực và kinh nghiệm nhưng không vượt qua được trầm luân. Điều đó cho thấy, khai thác dầu khí không hề dễ dàng như người ta tưởng tượng, cũng lý giải vì sao trên thế giới, không một quốc gia nào có thể tự “làm tất ăn cả” mà phải kêu gọi hợp tác đầu tư vào lĩnh vực đầy rủi ro này.

Phát hiện mỏ Đại Hùng

Để bảo đảm triển khai công việc không gây trở ngại đến hoạt động của các công ty nước ngoài, thời gian đó Thường vụ Hội đồng Chính phủ yêu cầu các ngành ngân hàng, tài chính, hải quan, nội vụ, quốc phòng, bưu điện, hàng không dân dụng… phải cải tiến cách làm việc, phối hợp chặt chẽ để phục vụ công tác dầu khí được nhanh chóng, kịp thời. Nhưng dù phía Việt Nam đã cố gắng hỗ trợ, việc hợp tác với các công ty Deminex, Agip và Bow Valley do nhiều nguyên nhân, đặc biệt dưới sức ép của Mỹ cấm vận và sự phá hoại của các thế lực thù địch chống Việt Nam, đã không đạt được kết quả mong muốn. Giai đoạn 1979-1980 các công ty này đã bỏ dở giữa chừng và lần lượt rút khỏi Việt Nam.

TS Ngô Thường San - Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Petrovietnam là một trong những nhân chứng lịch sử đã chứng kiến những ngày tháng thăng trầm và cả những giây phút hạnh phúc khi Việt Nam khai thác dòng dầu đầu tiên. Vào thời gian đó ông giữ chức vụ Giám đốc Công ty Dầu khí II rồi sau đó làm Tổng Giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và vì vậy, với trọng trách của mình, ông đã có mặt trong rất nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi cấp cao trong và ngoài nước. TS Ngô Thường San khẳng định rằng, dầu khí là lĩnh vực liên quan chặt chẽ và rất nhạy cảm với các vấn đề đối ngoại, địa chính trị. Chúng ta lúc ấy vừa ra khỏi cuộc chiến tranh, đất nước còn rất khó khăn... muốn có dầu, có tiền, lại mở mang được quan hệ quốc tế, cần phải hết sức linh hoạt, khôn ngoan, thậm chí phải mạo hiểm để giải những bài toán khó đầy áp lực về kinh tế, về năng lượng cho đất nước. Chúng ta cũng từng phải trả giá rất nhiều, mất mát không nhỏ do những hiểu lầm, do thiếu kinh nghiệm, do “cân đối” chưa khéo các mối quan hệ quốc tế.

so phan ky la cua mo dau khi tri gia 1 usd ky ii
Giàn Đại Hùng 01

Mặc dù hợp tác với các công ty phương Tây không thành công, nhưng trong những năm tiếp xúc, đàm phán hợp đồng, làm việc với các công ty này, cán bộ Việt Nam đã có cơ hội làm quen, học tập, nắm bắt được công nghệ mới, trưởng thành rất nhiều về mặt quản lý và chuyên môn nghiệp vụ. Sau này nhiều cán bộ trở thành nòng cốt cho giai đoạn hợp tác đa phương khi có Luật Đầu tư nước ngoài (tháng 12/1987).

Ngày 3/7/1980, tại Điện Kremlin Mátxcơva, Hiệp định giữa Việt Nam và Liên Xô về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía nam Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ký kết. Sau đó Hiệp định Dầu khí Việt - Xô năm 1981 Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro được thành lập là một bước ngoặt cho sự phát triển ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam khẳng định, đây là một sự kiện lớn thể hiện sự hợp tác trên tinh thần đồng chí anh em giúp Việt Nam vượt qua khó khăn lúc này để phá thế bao vây, cấm vận kinh tế của Mỹ và các thế lực khác do Mỹ ủng hộ chống phá Việt Nam. Sự hợp tác giữa hai nước thời điểm này là rất cần thiết, nhân dân Việt Nam ghi nhớ và biết ơn nhân dân Liên Xô, Chính phủ Liên Xô về sự kiện này.

Đến cuối năm 1985, Nghị định thư giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Liên bang CHXHCN Xô-viết về việc tiếp tục phát triển hợp tác trong thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía nam Việt Nam được ký kết.

Như vậy là từ năm 1980 đến năm 1989, sau các ký kết hợp tác, các tàu nghiên cứu khoa học của Liên Xô là Poisk, Iskatel, Viện sĩ Gambursev, Malưgin tập trung khảo sát ở 7 lô (lô 09, 15, 16, 04, 05, 10 và 11) có triển vọng dầu khí nhất thuộc trũng Cửu Long và Nam Côn Sơn (trên 50.000 km tuyến địa vật lý).

Việc phát hiện và khai thác có hiệu quả dầu trong tầng chứa đá móng granitoid nứt nẻ là thành tựu khoa học và công nghệ của Petrovietnam, đi tiên phong là Vietsovpetro, đã mang lại lợi ích kinh tế to lớn và là sự đóng góp về mặt khoa học và thực tiễn cho khoa học dầu khí thế giới. 3 mỏ có trữ lượng công nghiệp là Bạch Hổ, Rồng và Đại Hùng được phát hiện trong thời gian này được coi là sự mở màn cho kỷ nguyên dầu khí Việt Nam.

Lúc đó, Vietsovpetro tiến hành khảo sát địa chấn bổ sung và khoan 2 giếng thăm dò ở Lô 05 trên cấu tạo Đại Hùng. Giếng ĐH01 được khoan vào năm 1988 đã có phát hiện dầu khí. Giếng ĐH02 được khoan vào năm 1990 và ngày 31-8-1990 khi tiến hành thử vỉa số 02 đã phát hiện dầu khí công nghiệp.

Vào giai đoạn 1991-1992, trong bối cảnh Liên Xô sụp đổ, Liên bang Nga tiếp quản quyền lợi và nghĩa vụ của Liên Xô cũ cũng đang gặp nhiều khó khăn, Petrovietnam (sau khi báo cáo và được Chính phủ cho phép) đã bàn với đối tác Nga trong Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro đưa mỏ Đại Hùng (051A) và Thanh Long (051C) vào đấu thầu quốc tế nhằm lôi kéo đầu tư nước ngoài vào sớm thăm dò, khai thác các mỏ này.

Thời kỳ 1990-1995 có thể coi là thời kỳ mà đất nước bứt phá khỏi vòng vây cô lập và cấm vận để thoát ra không gian kinh tế rộng mở mà mỗi quốc gia trong thế giới ngày nay đều cần có để phát triển.

Năm 1992, Petrovietnam đã ký được hàng chục hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí với các đối tác quốc tế tại các vùng do Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro trả lại, trong số đó một số hợp đồng đã phát hiện ra các mỏ dầu khí có tính thương mại.

Tháng 4/1993, nghĩa là gần 20 năm sau giếng khoan của Mobil Oil, Hợp đồng dầu khí PSC Lô 05-1A Đại Hùng lần đầu tiên được ký kết với tổ hợp nhà thầu đa quốc gia gồm BHPP (Australia), Petronas Carigali Overseas (Malaysia), PVEP (Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí thuộc Petrovietnam), Total (Pháp) và Đại Hùng Oil Development (Sumitomo - Nhật Bản) tiến hành hoạt động thăm dò và phát triển mỏ Đại Hùng.

Sau khi khoan các giếng thăm dò, giếng phát triển và mua bán cải hoán thiết bị, xử lý, minh giải tài liệu địa chấn, lắp đặt hệ thống khai thác sớm với tổng chi phí lên đến 394,35 triệu USD (cam kết tối thiểu là 178,70 triệu USD), ngày 14/10/1994, tổ hợp nhà thầu đã khai thác được tấn dầu đầu tiên từ mỏ Đại Hùng. Từ thời điểm đó đến đầu năm 1996 nhà thầu đã khai thác được 7,5 triệu thùng dầu và bán được 129,9 triệu USD. Kết quả này cho thấy trữ lượng dầu khí thực tế giảm đáng kể so với tính toán kỳ vọng ban đầu.

Lúc đó, nhà thầu liên doanh vẫn chưa hoàn thành khối lượng khoan thẩm lượng theo quy định của Hợp đồng PSC tại cấu tạo Đại Hùng nhưng vì kết quả các giếng khoan không khả quan khiến họ rất thất vọng, họ cương quyết không khoan thêm nữa (mỗi giếng khoan lúc đó chi phí hàng chục triệu USD) và liên tục kiến nghị phía Việt Nam điều chỉnh lại nội dung hợp đồng. Thậm chí còn gây sức ép là sẽ phải ngừng hệ thống khai thác sớm nếu phía Việt Nam cùng các nhà thầu không thể tìm được giải pháp thích hợp.

Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, giá dầu thế giới xuống thấp, hiệu quả đầu tư vào ngành dầu khí không cao, lại quá nhiều rủi ro. Cần phải biết rằng, với các hợp đồng PSC các nhà thầu bị ràng buộc bằng các cam kết đầu tư ban đầu, các điều khoản kinh tế, thương mại chặt chẽ, nếu không tính toán chính xác thì sẽ tổn thất lớn.

Do tình hình kinh tế khó khăn, nhà thầu ở Đại Hùng không muốn bỏ thêm chi phí vào thăm dò thẩm lượng nữa mà muốn “ăn non”, lấy gần hết tiền bán dầu thu được để bù vào những khoản đầu tư bỏ ra, tìm đủ mọi lý do và ra thêm các điều kiện để ép Việt Nam nhượng bộ. Tuy không muốn các nhà thầu đóng mỏ nhưng phía Việt Nam kiên quyết không chấp nhận sửa đổi các hợp đồng đã ký. Trong suốt năm 1996, ba cuộc đàm phán căng thẳng đã được tổ chức nhưng đều bế tắc.

Không chỉ vậy, trong thời điểm ấy, BHPP còn tự ý mời Công ty AMDEL và Công ty Geoservices của nước ngoài vào lắp đặt thiết bị phân tích mẫu dầu khí của mỏ Đại Hùng trái phép, vi phạm các điều khoản của Hợp đồng PSC, vi phạm pháp luật Việt Nam và nghiêm trọng hơn, BHPP đã cung cấp toàn bộ tài liệu (thuộc loại tối mật) về cấu tạo mỏ Đại Hùng cho Công ty SSI (Mỹ) trong khi chưa xin phép các cơ quan chức năng của Nhà nước Việt Nam.

Vào lúc khó khăn đó, Công ty Total (Pháp) lại quyết định rút khỏi liên doanh và đòi bán lại số cổ phần tham gia của họ, theo thỏa thuận từ trước của liên doanh tổ hợp nhà thầu, nếu không thu xếp được đối tác nhận gánh vác 10,625% hợp đồng của Total thì đương nhiên tổ hợp nhà thầu tan vỡ và hợp đồng bị chấm dứt. Tới cuối năm 1996, Petronas Carigali Việt Nam và Đại Hùng Oil Development đã đồng ý nhận lại phần vốn của Total.

Khi không đạt được mục đích trong cuộc chơi không dễ dàng này, giữa năm 1997 BHPP cũng quyết định “bỏ của chạy lấy người”, chuyển nhượng toàn bộ nghĩa vụ và quyền lợi của mình cho Petronas Carigali. Sau khi được Chính phủ Việt Nam cho phép, từ tháng 7/1997, Công ty Petronas Carigali Việt Nam chính thức trở thành nhà điều hành dự án Đại Hùng. Petronas Carigali Việt Nam không đầu tư vào khoan thẩm lượng bổ sung mà tiếp tục duy trì khai thác tại khu vực khai thác sớm với các giếng khai thác có sẵn, họ chỉ khoan thêm một giếng và đưa vào khai thác từ tháng 10/1998 với lưu lượng ban đầu khoảng 3.000 thùng/ngày.

Tháng 2/1999, sau hơn một năm thực hiện vai trò nhà điều hành, nhận thấy việc tiếp tục dự án không mang lại hiệu quả kinh tế, nên 2 bên nhà thầu nước ngoài là Petronas Carigali và Đại Hùng Oil Development của Sumitomo đã “bó giáo đầu hàng” và xin rút khỏi Dự án Đại Hùng.

Để không làm gián đoạn quá trình khai thác mỏ, từ ngày 12/2/1999 Petrovietnam đã tạm giao cho Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro tiếp quản.

Trước tình hình các nhà thầu nước ngoài lần lượt rút khỏi Dự án Đại Hùng, ngày 26/3/1999, Petrovietnam đã trao đổi với đối tác RVO Zarubezhneft (Liên bang Nga), là đối tác nước ngoài duy nhất còn lại của Dự án Đại Hùng, về việc 2 phía tiếp tục đầu tư thăm dò và khai thác dự án này và giao cho Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro thay mặt 2 phía điều hành. Sau đó, được sự chấp thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ tháng 5/1999 Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã chính thức điều hành mỏ Đại Hùng.

Vào thời điểm đó, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã tập trung hoàn thiện bộ máy điều hành và đặt mua thiết bị thay thế, sửa chữa các thiết bị kỹ thuật, duy trì khai thác; tiếp tục khoan được 14 giếng, gồm 9 giếng khoan tìm kiếm, thăm dò và 5 giếng khai thác, 1 giếng bơm ép nước duy trì áp suất vỉa.

Tuy nhiên, bởi gặp quá nhiều khó khăn do yêu cầu đầu tư lớn, do thời tiết không thuận lợi và những rủi ro khách quan, sản lượng khai thác không thể đạt được như kỳ vọng, phía Nga khẳng định, việc tiếp tục khai thác dầu ở Đại Hùng là không hiệu quả về mặt kinh tế, chi phí khai thác dầu cao hơn doanh thu bán dầu. Lại xét thấy mỏ Đại Hùng là mỏ dầu khí nhỏ, có điều kiện địa chất rất phức tạp, ở vị trí biển có độ sâu nước lớn, hằng năm chịu ảnh hưởng mạnh của dòng chảy ngầm, nên tháng 5/2003, sau 4 năm vật lộn không thành, RVO Zarubezhneft đã xin rút khỏi Đại Hùng, bàn giao “gấu lớn khó nhằn” Đại Hùng lại cho phía Việt Nam tự quyết định.

Trong chặng đường 10 năm ấy Đại Hùng đã qua tay các công ty dầu khí có tiếng tăm, có tiềm lực và kinh nghiệm nhưng không vượt qua được trầm luân. Điều đó cho thấy, khai thác dầu khí không hề dễ dàng như người ta tưởng tượng, cũng lý giải vì sao trên thế giới, không một quốc gia nào có thể tự “làm tất ăn cả” mà phải kêu gọi hợp tác đầu tư vào lĩnh vực đầy rủi ro này.

(còn tiếp)

Nguyễn Tiến Dũng

DMCA.com Protection Status