Sức sống ở Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

06:10 | 14/02/2024

23,760 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Chúng tôi có mặt tại Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 (xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) khi xuân Giáp Thìn đang đến rất gần. Song, không khí lao động tại nhà máy vẫn diễn ra hết sức nhộn nhịp, khẩn trương.
Sức sống ở Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
Toàn cảnh NMNĐ Thái Bình 2

“Ngày tư ngày tết các cơ quan, công sở, trường học… có thể nghỉ, chứ riêng nhà máy điện thì không. Chúng tôi vẫn phải bảo đảm 2 tổ máy phát điện 24/24h để có đủ nguồn điện cho nhân dân cả nước đón xuân trong yên bình, an vui và ánh sáng chan hòa” - đồng chí Mai Văn Long, Giám đốc nhà máy chia sẻ ngay khi chúng tôi vừa bước qua cổng nhà máy.

Trước mắt tôi là khuôn viên NMNĐ Thái Bình 2 xanh, sạch đẹp. Tiếng máy móc cũng chỉ rì rầm một góc. Khác với tưởng tượng của tôi về cảnh bụi bặm mù mịt, hay những tiếng động rầm rập đinh tai nhức óc.

Tôi được anh Hà Đăng Hùng, cán bộ Phòng Tổ chức - Hành chính đưa xuống từng phòng ban, từng phân xưởng. Đầu tiên là khu vực tuyển than. Than là nguyên liệu chính cho 2 tổ máy phát điện lên đến 600 MW mỗi tổ. Mỗi năm nhà máy sẽ nhập từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) với lượng tiêu thụ gần 3 triệu tấn/năm.

Riêng việc kiểm tra xem than có đạt chất lượng hay không cũng cần tới mấy chục công nhân và thiết bị chuyên dụng. Các anh chị em làm việc tập trung cao độ đến mức không hề biết có người lạ đang quay phim, chụp ảnh. Nhìn khối lượng than đồ sộ được nhập về, tôi mới mường tượng được phần nào khối lượng công việc mà hơn 400 cán bộ, công nhân viên (CBCNV) nhà máy phải đảm đương mỗi ngày.

Nhà máy sử dụng dây chuyền đưa than tự động từ kho, bãi vào hệ thống nghiền. Một trong những công việc vất vả nhất là bảo dưỡng sửa chữa (BDSC) cho hệ thống này. Theo anh Nguyễn Hữu Hiệu - nhóm trưởng nhóm BDSC máy nghiền than, mỗi khi máy nghiền có vấn đề, công nhân sẽ phải đi theo một kíp, chui vào máy để xử lý. Mặc dù có quần áo bảo hộ, khẩu trang song khói bụi vẫn len lỏi vào từng ngóc ngách quần áo, vào mũi vào mắt... nên anh em rất vất vả.

Sức sống ở Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
Dù còn nhiều khó khăn, song mỗi dịp Tết đến Xuân về, lãnh đạo nhà máy đều tổ chức đón Xuân cho CBCNV

Thêm vào đó, do số lượng linh kiện thiết bị của nhà máy quá nhiều, lên đến cả triệu thiết bị và do “đắp chiếu” quá lâu nên sau khi đưa vào vận hành, nhiều bộ phận thỉnh thoảng lại hỏng vặt. CBCNV Phân xưởng BDSC gần như ngày nào cũng có việc để làm. Không chỉ mất công sức, quá trình vận hành các tổ máy nhiều khi cũng phải đối mặt với những nguy hiểm tiềm tàng, nhất là khi có sự cố bất ngờ cần xử lý gấp...

Hùng tiếp tục dẫn tôi đến phòng làm việc của anh Nguyễn Văn Mạnh - Phó Quản đốc phụ trách Phân xưởng BDSC. Do có nhiều năm công tác tại Nhà máy Điện Cà Mau, anh Mạnh được lựa chọn “biệt phái” nắm đội gồm 20 kỹ sư công nhân có trình độ cứng ra Bắc phụ trách BDSC cho NMNĐ Thái Bình 2 từ tháng 6-2020. Đến tháng 8-2022, đội được bổ sung thêm 15 người phụ trách toàn bộ công tác BDSC cho nhà máy.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm công tác, trong đó có tới 12 năm công tác tại các nhà máy điện ngành Dầu khí, anh Mạnh cho biết, làm việc tại NMNĐ Thái Bình 2 mới thấy khối lượng công việc lớn và phức tạp hơn nhà máy điện khí rất nhiều. Chính vì vậy, CBCNV BDSC phải thấm nhuần “văn hóa” của người BDSC là “thái độ hơn trình độ”.

Anh Mạnh chia sẻ: “Trong những nhà máy sản xuất công nghiệp lớn, đặc biệt là nhà máy điện than, người làm nghề BDSC phải xác định chịu được “bẩn”. Mỗi ngày phải hít hơi dầu, mỡ và cả bụi than nên chuyện tay chân mặt mũi lấm lem, ăn cơm lẫn… đất cát là “chuyện thường ngày ở huyện”. Tại NMNĐ Thái Bình 2, khối lượng công việc nhiều, thiết bị đa dạng, bởi vậy, người BDSC phải yêu nghề và nhiệt huyết.

Nguyên một buổi sáng, tôi và anh Hùng đi “rạc cẳng” mà vẫn chưa hết các phòng, ban, phân xưởng trong nhà máy. Tận mắt chứng kiến không khí lao động hăng say tại đây, có lẽ không nhiều người biết được rằng, NMNĐ Thái Bình 2 từng bị “đóng băng” nhiều năm, tưởng rằng “chết đến nơi” rồi!

2. Theo đề án ban đầu, NMNĐ Thái Bình 2 có quy mô 131,74 ha, tổng mức đầu tư 41.799 tỉ đồng. Nhà máy sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi, lò than phun đốt trực tiếp, tuần hoàn tự nhiên với thông số cận tới hạn và các chỉ tiêu cao về hiệu suất, độ ổn định, an toàn, tuân thủ tuyệt đối các điều kiện phát thải theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Đây là nhà máy được các chuyên gia đánh giá là thân thiện, bảo vệ môi trường với các công nghệ giảm phát thải NOx, lọc bụi, khử SOx, xử lý nước thải hiện đại.

NMNĐ Thái Bình 2 được Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) làm chủ đầu tư, chính thức hòa lưới điện quốc gia tháng 4-2023. Dự án do Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PETROCONs) là tổng thầu EPC (thiết kế, mua sắm và xây dựng). Liên danh nhà thầu Sojitz (Nhật Bản) - Dealim (Hàn Quốc) là nhà thầu cung cấp thiết bị chính. Petrovietnam điều hành, quản lý dự án (QLDA), đồng thời phối hợp với kênh phân phối, vận hành của Petrovietnam và sử dụng nguyên liệu than của TKV để sản xuất. Chính vì vậy, có thể nói NMNĐ Thái Bình 2 là công trình điểm của ngành năng lượng với sự tổng hòa của 3 tập đoàn năng lượng lớn nhất nước.

Sức sống ở Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
Giáp Tết, song CBCNV nhà máy vẫn lao động hăng say

Với 2 tổ máy, tổng công suất phát điện 1.200 MW, NMNĐ Thái Bình 2 có quy mô công suất lớn nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Nhà máy cung cấp trên 7,2 tỉ kWh điện/năm, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Bình nói riêng, khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói chung.

Tháng 3-2011, nhà máy được khởi công, song sau gần 10 năm triển khai đầu tư xây dựng, lắp đặt, NMNĐ Thái Bình 2 vẫn dang dở và có nguy cơ “đắp chiếu” do vấp phải vô số khó khăn. Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương cùng nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động Petrovietnam, Ban QLDA Điện lực Dầu khí Thái Bình 2, từ tháng 7-2021 Dự án NMNĐ Thái Bình 2 mới bắt đầu được “hồi sinh”.

Quyết tâm sớm đưa dự án đi vào hoạt động, Petrovietnam đã phát động chiến dịch 500 ngày đêm tới ngày phát điện thương mại. Đồng hồ đếm ngược được lắp đặt, để tất cả các lực lượng làm việc trên công trường cùng chung một ý chí thi đua về đích! Đặc biệt, Petrovietnam đã nhanh chóng tái cấu trúc bộ máy và rà soát, cải thiện hệ thống quy trình, kịp thời bổ sung nhân lực chất lượng, uy tín, kinh nghiệm để quản lý, điều hành, triển khai dự án. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, xây dựng các cơ chế phù hợp theo quy định của pháp luật để khơi thông dòng tiền cho nhà thầu, đáp ứng tiến độ dự án. Ngày 27-4-2023, lễ khánh thành NMNĐ Thái Bình 2 chính thức được tổ chức. Việc hồi sinh nhà máy, cũng như chính thức hòa lưới điện quốc gia đã thể hiện năng lực của người dầu khí.

Đặc biệt tinh thần của CBCNV tại NMNĐ Thái Bình 2 ngày một được nâng cao. Ai ai cũng phấn chấn từ khi hòa lưới điện quốc gia thành công. Đến nay đội ngũ CBCNV tại nhà máy hoàn toàn tự tin vận hành thành công và hiệu quả.

Tận mắt chứng kiến không khí lao động hăng say tại đây, có lẽ không nhiều người biết được rằng NMNĐ Thái Bình 2 từng bị “đóng băng” nhiều năm...

3. Có một điểm đặc biệt tại nhà máy là trong số hơn 400 CBCNV, nhiều anh chị em đã nên duyên từ đây. Cả hai vợ chồng đều làm tại nhà máy, nơi ăn ở sinh hoạt cũng được nhà máy “bao cấp” nên dễ hiểu vì sao họ rất yên tâm công tác.

Tại Phòng Điều hành, tôi gặp nữ cán bộ Phạm Thị Thanh Bình (quê Quỳnh Lưu, Nghệ An). Bình đã có 10 năm công tác tại Ban QLDA NMNĐ Thái Bình 2, nay làm công việc văn phòng tại nhà máy. Chồng Bình là Bùi Văn Chức (quê Ứng Hòa, Hà Nội) hiện công tác tại Phân xưởng Vận hành. Nữ nhân viên quê xứ Nghệ cho biết, sau khi lấy nhau, thấy công việc của chồng vất vả, thất thường, cô đã vận động anh xin vào nhà máy cùng làm với mình. Sau một thời gian cân nhắc tính toán, Chức đã làm đơn và may mắn được nhận vào làm việc tại đây.

Sức sống ở Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
Công nhân nhà máy bảo dưỡng máy nghiền than

Còn nữ cán bộ Hoàng Thị Hải Yến (quê Vụ Bản, Nam Định) có tuổi đời còn rất trẻ. Tốt nghiệp Trường Đại học Điện lực, sau một thời gian làm việc tại Hà Nội, đầu tháng 6-2022, Yến đầu quân về nhà máy. Công tác tại Phòng Vận hành, Yến cũng tham gia 3 ca 5 kíp hằng tuần như các đồng nghiệp nam.

Công việc hằng ngày của Yến và đồng nghiệp là trực các hệ thống, giám sát thiết bị, ghi thông số… Thời gian, số liệu cần hết sức chuẩn chỉ. Dịp tết năm 2023, do chưa lập gia đình nên Yến xung phong trực cả Tết Dương lịch lẫn Âm lịch. Trước tết, em tranh thủ về quê thăm gia đình và đúng 30 Tết, không quản ngại đường xa phi xe máy từ Nam Định sang Thái Bình để kịp nhận bàn giao ca trực.

“Năm nay mà trực giao thừa thì không phải đi một mình nữa rồi, Yến vừa tuyển được “xế cứng” anh ạ” - Bình vừa nói vừa cười.

Tưởng cô gái này đùa vui, song Yến xác nhận, người yêu hiện đang công tác tại nhà máy. Sau khi cưới, Yến dự định sẽ xin một gian nhà công vụ để hai vợ chồng ở, gắn bó với nhà máy hơn.

Chúng tôi đã dành thời gian để đến thăm nhà công vụ của CBCNV, chỉ cách nhà máy vài trăm mét. Mấy dãy nhà trước đây vốn là của Ban QLDA, nay được chuyển giao lại cho nhà máy. Tại căn nhà cuối cùng của dãy, tôi gõ cửa và gặp anh công nhân trẻ Bùi Văn Chức vừa ngủ dậy sau ca trực đêm qua. Anh chia sẻ, từ ngày hai vợ chồng chuyển về ở nhà công vụ, cả hai có thêm thời gian chăm sóc con cái và cũng giảm được nhiều chi phí.

“NMNĐ Thái Bình 2 đã vượt qua năm 2023 với nhiều thách thức, khó khăn và đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tiếp nối thành tích này, trong năm 2024, tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động nhà máy phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng, kiên quyết hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra”.

(Ông Hồ Công Kỳ - Giám đốc PVPGB)

4. Sau một ngày trời đi quanh nhà máy, chúng tôi trở lại gặp Giám đốc Mai Văn Long. Long vốn quê Hà Tĩnh, mấy năm trước, đang ở vị trí Phó Giám đốc NMNĐ Vũng Áng 1, anh được “biệt phái” về hỗ trợ vận hành NMNĐ Thái Bình 2, giữ vị trí Phó Trưởng ban QLDA - Quản đốc Phân xưởng Vận hành. Tháng 7-2023, anh Long được bổ nhiệm làm Giám đốc nhà máy.

Trò chuyện với tôi, anh Long chia sẻ nỗi trăn trở về nhà công vụ cho CBCNV. Trước đây, dãy nhà công vụ phía sau nhà máy được xây tạm cho Ban QLDA, dự định ở khoảng vài năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhà máy đã chính thức đi vào hoạt động và ít nhất cũng phải duy trì vài chục năm nữa, thì nơi ăn chốn ở cho anh chị em cần phải khang trang hơn. “Hiện anh em đang ở ghép 3-4 người một phòng vỏn vẹn 16m2. Nhà máy rất mong Tập đoàn, Chi nhánh Phát điện Dầu khí (PVPGB) sớm phê duyệt kế hoạch để sửa chữa dãy nhà công vụ ở đây cho anh em” - anh Long chia sẻ.

Năm 2023 nhà máy sản xuất được gần 3 tỉ kWh điện, nhưng chưa vận hành thương mại (COD). Giám đốc nhà máy cho biết, thời gian tới, sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy để có thể COD. Năm 2024 nhà máy đặt chỉ tiêu là vượt kế hoạch Tập đoàn đưa ra là sản xuất khoảng 5,6 tỉ kWh. “Chúng tôi đặt ra chỉ tiêu này để vượt qua chứ không phải là để hướng đến” - anh Long nhấn mạnh.

Để vận hành nhà máy đạt mục tiêu đề ra, hằng tuần, ban lãnh đạo tổ chức họp với trưởng các phòng ban, vạch ra kế hoạch chi tiết, tuần này ai sẽ làm nhiệm vụ gì và phải hoàn thành đúng kế hoạch. Với phương châm “một đội ngũ một mục tiêu” tất cả đều tập trung để làm sao vận hành được nhà máy một cách tốt nhất, phát được điện tối đa khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) huy động.

Một điều đáng mừng là hiện công tác tự đào tạo tại nhà máy được tổ chức chuyên nghiệp, đều đặn. Các cán bộ trẻ luôn được thế hệ đàn anh dìu dắt, “cầm tay chỉ việc” để sớm nắm được mọi kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa…

Ngoài ra, ban lãnh đạo nhà máy cũng quán triệt cần phải có kế hoạch và tầm nhìn dài hạn. Ngay từ năm 2023, phải có kế hoạch năm 2024 sẽ làm gì nhằm chủ động cân đối dòng tiền, mua sắm vật liệu, thiết bị… Bước sang năm 2024 thì phải có kế hoạch của năm 2025, thậm chí đến 2030.

Sức sống ở Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
Công nhân nhà máy bảo dưỡng quạt gió cấp 1 tại Tổ máy số 1

5. Trước tôi, đã có những phóng viên viết nhiều bài về NMNĐ Thái Bình 2, về sự hồi sinh kỳ diệu của nơi này sau quãng thời gian tưởng như bị “chết yểu”.

Sau khi gặp gỡ, tiếp xúc, chứng kiến những con người hết sức nhiệt tình, tâm huyết, mẫn cán, kiên cường… ở nơi đây, tôi chợt nghĩ bao nhiêu bài viết, bao nhiêu câu chữ cũng khó mà nói hết.

Đặc biệt sau một thời gian chứng kiến nhiệt huyết của CBCNV nhà máy, trong đầu tôi bất chợt nảy ra dòng suy nghĩ. Nghe thì có vẻ hơi “giáo khoa”, song phải chăng NMNĐ Thái Bình 2 được hồi sinh, thậm chí ngày một cứng cáp, khoẻ mạnh một phần còn do lý tưởng từ những cán bộ trẻ tuổi, muốn “ghi dấu” về một “công trình thế kỷ”, cũng là mộng ước xây dựng quê hương, xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh?

Để vận hành nhà máy đạt mục tiêu đề ra, hằng tuần, ban lãnh đạo tổ chức họp với trưởng các phòng ban, vạch ra kế hoạch chi tiết. Với phương châm “một đội ngũ một mục tiêu” tất cả đều tập trung để làm sao vận hành được nhà máy một cách tốt nhất.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 diễn tập chữa cháy cảng nhập nhiên liệuNhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 diễn tập chữa cháy cảng nhập nhiên liệu
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2: Kiên quyết hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2: Kiên quyết hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024
Ban QLDA Điện lực Dầu khí Thái Bình 2: Quyết tâm hoàn thành quyết toán dự án trong thời gian sớm nhấtBan QLDA Điện lực Dầu khí Thái Bình 2: Quyết tâm hoàn thành quyết toán dự án trong thời gian sớm nhất

Minh Tiến

DMCA.com Protection Status