Tầm nhìn, vị thế của BSR trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng

22:23 | 08/05/2023

4,694 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Chiều ngày 8/5, Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức hội thảo “Tầm nhìn và vị thế của BSR trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”. Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập BSR (09/5/2008 – 09/5/2023).

Dự hội thảo có ông Trần Thanh Tùng - Vụ Phó Vụ Dầu khí và Than và bà Ngô Thúy Quỳnh - Vụ Phó Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương); ông Phạm Văn Chất – Trưởng Ban Công nghiệp Khí và Lọc hoá dầu và bà Nguyễn Thị Thuỷ Tiên – Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Petrovietnam. Về phía Hội Dầu khí Việt Nam có TS Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội. Về phía BSR có ông Nguyễn Văn Hội – Chủ tịch HĐQT, cùng các thành viên trong Ban Giám đốc NMLD Dung Quất và các Ban chức năng thuộc BSR.

TS Nguyễn Quốc Thập và ông Nguyễn Văn Hội chủ trì hội thảo.

Tầm nhìn, vị thế của BSR trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng
Toàn cảnh buổi hội thảo.

Thách thức và cơ hội trong ngành năng lượng tại Việt Nam

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Hội – Chủ tịch HĐQT BSR cho biết, trải qua 15 năm thành lập và phát triển, BSR đã hoàn thành mắt xích cuối cùng trong hoạt động của Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất từ khai thác đến sản xuất sản phẩm. Từ khi cho ra dòng sản phẩm đầu tiên đến nay, NMLD Dung Quất (do BSR quản lý, vận hành) đã sản xuất hơn 90 triệu tấn dầu thô và xuất bán ra thị trường trên 85 triệu tấn sản phẩm, doanh thu đạt hơn 1,42 triệu tỷ đồng. Với các kết quả sản xuất kinh doanh ấn tượng, NMLD Dung Quất đã góp phần giúp tỉnh Quảng Ngãi lọt top 10 tỉnh, thành có số thu ngân sách cao nhất cả nước, góp phần tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và miền Trung.

“Các kết quả qua từng năm của BSR đã cho thấy tầm nhìn, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng NMLD Dung Quất. Trước những khó khăn hiện hữu, để xác định vị thế của BSR trong lĩnh vực lọc hoá dầu và ngành năng lượng, BSR tổ chức hội thảo với kỳ vọng nhận được những chia sẻ tích cực, những nhìn nhận từ các góc nhìn khác nhau để tìm ra định hướng chiến lược đúng đắn, giúp BSR phát triển trong thời gian tiếp theo”, ông Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh.

Tầm nhìn, vị thế của BSR trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng
Ông Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch HĐQT BSR phát biểu khai mạc hội thảo.

Dự hội thảo, ông Đặng Hải Anh – đại diện Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) đã trình bày tham luận “Quy hoạch tổng thể về năng lượng Quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050”. Theo tham luận, ngành năng lượng Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức như đảm bảo an ninh năng lượng đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng cao; tài nguyên và khả năng sơ cấp truyền thống đang suy giảm; cam kết của Việt Nam tại COP26 trong điều kiện nhiều công nghệ chưa thương mại hoá và khả năng huy động vốn khó khăn; tác động tiêu cực của địa chính trị và xung đột trên thế giới đến nguồn cung và giá năng lượng; thách thức về chuyển đổi lao động đối với khu vực cung cấp năng lượng hoá thạch truyền thống trong nước. Bên cạnh đó, các cơ hội cho ngành năng lượng cũng mở ra như quyết tâm chuyển đổi và mô hình sử dụng về ngành năng lượng của nền kinh tế sẽ đáp ứng các cam kết của quốc tế; thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn; thu hút mối quan tâm đầu tư vào thị trường năng lượng của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam có khả năng tiếp cận công nghệ, nguồn vốn, công cụ tài chính cacbon trong xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu và có thể đón đầu, tham gia vào chuỗi giá trị năng lượng toàn cầu.

Tầm nhìn, vị thế của BSR trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng
GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng – nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Petrovietnam) phát biểu tại hội thảo.

Dự và phát biểu tại hội thảo, GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng – nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Petrovietnam) đã có những trao đổi, góp ý về một số vấn đề nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng trong lĩnh vực chế biến dầu khí của Petrovietnam. Theo đó, tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi năng lượng đã diễn ra nhưng vẫn chưa có chiến lược rõ ràng và từ đó chưa quy hoạch nghiêm túc trong vấn đề này. Các Nhà máy lọc dầu (NMLD) cần có chiến lược cụ thể trong xu hướng chuyển dịch năng lượng do nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ như xăng, dầu diesel… sẽ giảm, tuy nhiên, điều này cũng mở ra cơ hội đối với lĩnh vực hoá dầu.

GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng cũng nêu ra giải pháp của các NMLD trên thế giới để thích ứng với những vấn đề trên. Cụ thể, các NMLD hiện đang xem xét và tìm cách lọc dầu thô thành hoá chất... Có 3 cách để tăng công suất hoá dầu gồm: thay đổi các công đoạn xử lý riêng lẻ, thay đổi tổ hợp các công đoạn xử lý và xây dựng thêm các nhà máy chuyển hoá dầu thô thành hoá chất trực tiếp.

Thích nghi trong “xu hướng năng lượng mới”

Tại Petrovietnam, Ban Chiến lược Tập đoàn cũng đã đề ra chiến lược đối với lĩnh vực Lọc hoá dầu. Theo tham luận do ông Đặng Thanh Tùng – đại diện Ban Chiến lược Tập đoàn trình bày, Petrovietnam sẽ đẩy mạnh việc tích hợp lọc hoá dầu với các nguồn khí tự nhiên; tập trung phát triển lĩnh vực hoá dầu, hoá chất để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm dầu khí, tạo ra các nguyên – nhiên – vật liệu; tiếp tục phát triển nhiên liệu sinh học; tiếp tục cải tiến, tối ưu hoá, đa dạng hoá sản phẩm và thực hiện tiết giảm chi phí; tập trung giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất, cung ứng xăng dầu và các nguyên – nhiên liệu khác; chủ động nghiên cứu các giải pháp thay thế/bổ sung nguồn nguyên liệu thiếu hụt và tìm kiếm cách thức cải tiến/nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đối với định hướng trong triển khai các dự án đầu tư, Ban Chiến lược của Petrovietnam định hướng không tiếp tục đầu tư các dự án lọc dầu; nghiên cứu đầu tư xây dựng các chuỗi vận chuyển – tồn chứa – sản xuất và kinh doanh dầu thô/xăng dầu; nghiên cứu sản xuất hydro, sản xuất năng lượng tái tạo trong tích hợp với nhà máy lọc hoá dầu và nghiên cứu đầu tư phát triển các sản phẩm mới như hoá dầu/hoá chất chuyên dụng.

Tầm nhìn, vị thế của BSR trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng
Ông Đặng Thanh Tùng – đại diện Ban Chiến lược Tập đoàn trình bày tham luận.

Tham luận của BSR do ông Đỗ Văn Thức – đại diện trình bày về Chiến lược phát triển BSR đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra các chiến lược và tầm nhìn của đơn vị. Theo tham luận, chiến lược của BSR đến năm 2030 sẽ gồm thay đổi mô hình vận hành; chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác đầu tư; nắm bắt các cơ hội tăng trưởng mới; tái cấu trúc doanh nghiệp và thực hiện văn hoá doanh nghiệp. Tầm nhìn đến năm 2045 của BSR được định hướng sẽ thực hiện đa dạng hoá các sản phẩm hoá dầu; nghiên cứu, triển khai năng lượng xanh/năng lượng tái tạo. Trong đó, việc đa dạng hoá các sản phẩm hoá dầu sẽ được thực hiện sớm do Chính phủ vừa chấp thuận điều chỉnh đầu tư dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất vào ngày 5/5/2023 vừa qua.

Tầm nhìn, vị thế của BSR trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng
Ông Đỗ Văn Thức - đại diện BSR trình bày tham luận về “Chiến lược phát triển BSR đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”.

Tham dự hội thảo, ông Trần Vĩnh Lộc – đại diện Viện Dầu khí Việt Nam cũng trình bày tham luận “Định hướng xây dựng và thực hiện lộ trình giảm phát thải ròng bằng 0 tại NMLD Dung Quất”. Theo tham luận, các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính gồm tối ưu hoá vận hành; sử dụng công nghệ mới; sử dụng năng lượng tái tạo; giải pháp thu giữ, lưu trữ, sử dụng CO2 và các giải pháp khác như giảm phát thải thông qua trồng rừng và trao đổi tín chỉ cacbon… Theo lộ trình được định hướng, lượng phát thải khí ròng sẽ được giảm qua từng năm, trung bình 20% qua 5 giai đoạn.

Tầm nhìn, vị thế của BSR trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng
Ông Trần Vĩnh Lộc – đại diện Viện Dầu khí Việt Nam trình bày tham luận.

Sau 15 năm thành lập và phát triển, BSR đã có những đóng góp lớn trong sự phát triển của tỉnh Quảng Ngãi và miền Trung. Tham dự hội thảo, đại diện Viện Khoa học Xã hội vùng Trung bộ, ông Hoàng Hồng Hiệp đã trình bày tham luận “Đánh giá vai trò của NMLD Dung Quất trong thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ngãi, miền Trung và Việt Nam: một tiếp cận định lượng”. Theo tham luận, bắt đầu từ năm 2009, tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi đã được nâng lên và có thời điểm đứng đầu trong các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Bình Định). Trong đó, giai đoạn 2012 – 2016, BSR đã đóng góp khoảng 80-85% tổng thu ngân sách của tỉnh, đưa Quảng Ngãi vào nhóm các tỉnh, thành phố có nguồn thu lớn của cả nước.

Tầm nhìn, vị thế của BSR trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng

Ông Hoàng Hồng Hiệp - đại diện Viện Khoa học Xã hội vùng Trung bộ trình bày tham luận.

Tầm nhìn, vị thế của BSR trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng
TS. Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam

Kết luận hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đánh giá cao các tham luận đã trình bày. Qua buổi hội thảo, các tham luận đã nêu ra những vấn đề hiện hữu và các giải pháp khoa học để giải quyết các vấn đề xung quanh bối cảnh của ngành năng lượng Việt Nam và của BSR.

“Qua hội thảo, chúng ta đã được nghe những định hướng, chiến lược về các vấn đề của ngành năng lượng. Tuy mới chỉ là dự thảo, nhưng đây cũng là những bước đầu trong công cuộc xây dựng các giải pháp, lộ trình để thực hiện chuyển đổi năng lượng, thích ứng trong xu thế mới của lĩnh vực năng lượng nước ta. Qua những giải pháp, định hướng, chiến lược do các bên trình bày, tôi cho rằng chúng ta cần làm tốt hơn nữa, đào sâu suy nghĩ để tìm ra giải pháp và thực hiện các mục tiêu đặt ra”, TS. Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh.

Nghiên cứu khoa học - Kim chỉ nam phát triển của BSRNghiên cứu khoa học - Kim chỉ nam phát triển của BSR
Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với Dự án NCMR NMLD Dung QuấtChính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với Dự án NCMR NMLD Dung Quất
Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất: Chiến lược mang tính cấp thiếtNâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất: Chiến lược mang tính cấp thiết

Thanh Hiếu - Thành Linh

DMCA.com Protection Status