Thị trường ngày 25/07/2022

09:10 | 25/07/2022

2,092 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Bộ Tài chính Mỹ dự kiến cùng các đồng minh sớm thiết lập giá trần xuất khẩu dầu thô LB Nga vào cuối tháng 12/2022, khi châu Âu, theo kế hoạch, bắt đầu cấm cung cấp dịch vụ bảo hiểm tanker vận chuyển dầu mỏ LB Nga. Mới đây, có thêm Hàn Quốc tuyên bố ủng hộ sáng kiến này. LB Nga cho biết sẽ dừng xuất khẩu dầu thô trong trường hợp bị áp giá trần.

Giá dầu Urals trong tháng 6 giao dịch tại châu Âu với chiết khấu 32-35 USD/thùng, tương đương mức giá khoảng 80 USD/thùng. Tuy nhiên, gần đây, chiết khấu bắt đầu thu hẹp đáng kể, theo kết quả giao dịch ngày 20/07 của Argus, dầu Urals giao Địa Trung Hải (CIF Augusta) đã tăng 17,2 USD/thùng và Tây Bắc Âu (CIF Rotterdam) tăng 20,1 USD/thùng, lên khoảng 98,7 USD/thùng, so với Brent tiêu chuẩn 119 USD/thùng.

Biến động giá dầu Urals bất thường là nguyên nhân từ việc EU đối mặt với nguy cơ thực sự thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng, đặc biệt khí đốt sau khi Nord Stream 1 dừng hoạt động bảo dưỡng định kỳ 10 ngày qua. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều lực lượng chính trị không đồng tình với đường lối leo thang căng thẳng Ukraine và tăng cường trừng phạt LB Nga theo chỉ đạo của Mỹ, hủy hoại kinh tế Eurozone, nhất là kinh tế Đức. Ngoài thiếu hụt năng lượng, Phương Tây đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực, phân bón và lạm phát gia tăng (CPI lên mức 8,6%/năm, tỷ giá EUR có thời điểm xuống thấp hơn USD).

Mức sống người dân đi xuống đã dẫn đến khủng hoảng chính trị tại một số quốc gia như Anh, Ý, Bulgaria và Estonia. EU đã buộc phải bắt đầu nới lỏng 6 gói biện pháp trừng phạt kinh tế LB Nga. Ngày 21/07, EC cho phép các doanh nghiệp khối thực hiện giao dịch vận chuyển dầu mỏ cho bên thứ ba với với Rosneft, Gazprom Neft và Sovcomflot. Những hạn chế giao dịch XNK lương thực, phân bón được dỡ bỏ hoàn toàn, cũng như hạn chế cung cấp một số dịch vụ/thiết bị cho lĩnh vực hàng không LB Nga. Tuy nhiên, để giữ thể diện chính trị, song song, EU thông qua gói trừng phạt thứ 7 – hoàn toàn mang tính chất tượng chưng, khi cấm nhập khẩu vàng miếng, bổ sung vào danh sách trừng phạt NHTM Sberbank (đã bị ngắt SWIFT) cùng 56 tổ chức và cá nhân. Đáp trả, chính phủ LB Nga đưa thêm Hy Lạp, Đan Mạch, Slovenia, Croatia và Slovakia vào danh sách các quốc gia “không thân thiện”.

Ngày 22/07, LB Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ đã ký thỏa thuận tạo điều kiện cho Ukraine xuất khẩu 20 triệu tấn lúa mì hiện có sẵn từ 3 cảng do Ukraine đang kiểm soát (Odesa, Chernomorsk, Yuznyi) trong vòng 120 ngày với điều kiện được phép gia hạn. LB Nga cam kết không tấn công hành lang xuất khẩu, nhưng được quyền kiểm tra phương tiện ra/vào cảng. Ngoài ra, lượng thực và phân bón LB Nga cũng được Phương Tây dỡ bỏ lệnh cấm giao dịch. Với những nỗ lực trên, giá lúa mì thế giới đã quay về mức trước sự kiện Ukraine hồi tháng 02/22 – 785 USD/Bushel. Nếu duy trì xu hướng này, thị trường lương thực thế giới sẽ dần thoát ra khỏi chu kỳ siêu lạm phát.

IEA dự báo, nhu cầu tiêu thụ điện thế giới năm 2022 (kim chỉ nam tốc độ tăng trưởng kinh tế) sẽ chỉ tăng ở mức trung bình +2,4% lên gần 27.000 TWh sau cú tăng mạnh năm 2021 (+6%), chủ yếu nhờ vào khu vực châu Á-TBD. Nhu cầu tiêu thụ điện LB Nga được dự báo ở mức +1,5%.
Đáng chú ý, sản xuất điện than tiếp tục tăng trong năm nay lên mức cao kỷ lục mới 10.238 TWh trong khi sản lượng điện khí, hạt nhân và hóa thạch khác đều sụt giảm giá khí đốt, dầu thô tăng cao. Ngoài ra, chính sách bài xích năng lượng LB Nga đang khiến các quốc gia EU phải huy động trở lại nguồn năng lượng ô nhiễm nhất, kể cả Đức, quốc dẫn đầu thế giới phong trào năng lượng xanh.

Trong suốt thập kỷ từ 2011 đến 2022, tỷ trọng điện than đã liên tục giảm từ 40,8% xuống còn 35,5% bởi tốc độ tăng trưởng hàng năm bình quân 1,2%, thấp hơn nhiều so với các nguồn điện khác, thủy điện (2%), điện khí 2,8%, điện gió 15,5% và điện mặt trời 31,7%. Tuy nhiên, con số tuyệt đối tiêu thụ/khai thác than thế giới vẫn tăng, dự báo vượt xa kỷ lục 8,17 tỷ tấn năm 2021. Chỉ riêng Trung Quốc và Ấn Độ trong 6 tháng đầu năm đã tăng đáng kể sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái lên 2,2 tỷ tấn (+243 triệu tấn) và 393 triệu tấn (+44 triệu tấn) tương ứng. Thay đổi logistic (LB Nga chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á, Úc và Indonesia thay thế sang châu Âu) góp phần đẩy giá than nhiên liệu, và cuối cùng là đẩy giá điện đến người tiêu dùng.

Thời tiết nắng nóng bất thường tại châu Âu đang khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng, ngoài ra, ảnh hưởng mạnh đến sản xuất điện, không chỉ riêng thủy điện. Mức nước hệ thống sông ngòi tụt xuống mức thấp kỷ lục buộc công ty năng lượng nguyên tử lớn nhất châu Âu – EDF dừng hoạt động 2 nhà máy điện hạt nhân tại Pháp (Golfech và Tricastin) trong vài ngày qua, nâng số lò phản ứng buộc phải dừng hoạt động (bao gồm cả bảo dưỡng định kỳ) lên hơn 50% trong tổng số 56 lò phản ứng cả nước, dẫn đến giảm trên 25% sản lượng điện so với cùng kỳ tháng 6/2021. Do vậy, Pháp buộc phải nhập khẩu điện từ Đức với giá cao trong bối cảnh nước này lên kế hoạch tiết kiệm/tăng dự trữ khí đốt cho mùa đông tới. Tại Ý, sản lượng điện khí giảm 37% so với cùng kỳ năm 2021 do thiếu nhiên liệu và nước làm mát, thủy điện Tây Ban Nhà giảm 35%, Bồ Đào Nha 75% sản lượng điện do trữ lượng nước thấp. Tăng trưởng sản lượng điện mặt trời không đủ bù đắp khối lượng sụt giảm, buộc các quốc gia EU phải tăng cường sử dụng khí đốt và than đá. Theo dự báo, thời tiết châu Âu sẽ tiếp tục nắng nóng, không mưa, điều này càng gây khó khăn hơn trong việc vận chuyển nhiên liệu (than, mazut) đến các nhà máy nhiệt điện bằng đường thủy và làm tăng chi phí vận chuyển.

NHTW EU (ECB) lần đầu tiên kể từ năm 2011 quyết định tăng LSCB 50 điểm (gấp đôi dự báo) lên 0,5%/năm, phát đi tín hiệu tiếp tục tăng LSCB trong bối cảnh lạm phát Eurozone tháng 6 đã cán mốc 8,6%/năm. Ngoài ra, ECB công bố cơ chế bảo toàn thị trường vốn EU – Transmission Protection Instrument (TPI), bản chất là tái cơ cấu trái phiếu các quốc gia có tỷ lệ nợ cao như Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha (PIGS) bằng nguồn tiền từ Đức, Hà Lan và Pháp nhằm bình ổn mặt lãi suất huy động trái phiếu.

DẦU THÔ

Schlumberger dự báo hoạt động khoan dầu khí tăng mạnh mẽ vào nửa sau năm 2022 do nhu cầu đảm bảo an ninh năng lượng và “nhu cầu cấp thiết” để tạo ra các nguồn cung cấp dầu khí đa dạng và đáng tin cậy hơn. Sự hồi sinh của hoạt động khoan trong giai đoạn này nhờ có sự gia tăng đầu tư ngoài Bắc Mỹ khu vực bắc Mỹ trong bối cảnh gia tăng đầu tư khai thác.

Các công ty dầu khí quốc tế lớn như ExxonMobil, Shell, BP, TotalEnergies và Chevron dự báo sẽ công bố KQKD quý II/2022 với mức lợi nhuận kỷ lục – trên 50 tỷ USD, trong đó, ExxonMobil kiếm được hơn 16 tỷ USD/quý, BP – gần 11 tỷ USD/quý, trong bối cảnh giá dầu thế giới trung bình đạt 113 USD/thùng (+11 USD/thùng so với quý I/2022), biên độ lợi nhuận tinh chế lên tới 50 USD/thùng (gấp 5 lần mức trung bình). Mặc dù thu về lợi nhuận khổng lồ, nhưng các doanh nghiệp này không tăng đáng kể đầu tư E&P, thay vào đó, dùng tiền tăng cổ tức và trả nợ.

Xuất khẩu dầu thô đường biển LB Nga 3 tuần đầu tháng 7 có dấu hiệu sụt giảm khá mạnh so với đỉnh điểm hồi tháng 4, tính hết ngày 18/07, khối lượng trung bình đạt 3,34 triệu bpd, giảm gần 300.000 bpd so với tháng 6 và 550.000 bpd so với tháng 4, nguyên nhân chủ yếu do Trung Quốc giảm nhập khẩu. Ngược lại, Ấn Độ đã lần đầu tiên vượt con số 1 triệu bpd nhập khẩu dầu thô LB Nga. Đáng chú ý, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ bắt đầu cạnh tranh với Trung Quốc thu mua cả dầu nhẹ (ESPO) từ cảng Kozmino, trước đây chủ yếu xuất sang thị trường đông Á. Với mức chiết khấu hợp lý, sau khi trừ chi phí vận chuyển đường dài, giá ESPO vẫn cạnh tranh hơn dầu nhẹ Trung Đông và Tây Phi.

Song song việc LB Nga chuyển hướng xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ, cạnh tranh thị phần với KSA và Iraq, hai quốc gia Trung Đông này bắt đầu tăng cường nguồn sang thị trường EU. Dữ liệu theo dõi tanker cho thấy, xuất khẩu dầu thô KSA sang châu Âu qua đường ống Sumed, nối biển Đỏ với Địa Trung Hải, tăng 25% lên trên 1 triệu bpd, xuất khẩu dầu thô Iraq qua kênh đào Suez vượt 1,2 triệu bpd, tăng gần 90% so với tháng đầu năm 2022. Sản lượng khai thác hydrocacbon lỏng Na Uy tháng 6 đã giảm 275.000 bpd (-15,2%) so với tháng 5 xuống còn 1,53 triệu bpd, chủ yếu do các đợt đình công và sự cố kỹ thuật mỏ.

Anh một lần nữa chứng minh luôn đi đầu trong chiến dịch trừng phạt kinh tế LB Nga. Song song với gói trừng phạt thứ 7 của EU, Anh tuyên bố sẽ áp lệnh cấm nhập khẩu vàng ngay từ 21/07, than đá từ 10/08 và dầu thô từ 31/12/2022.

Libya có kế hoạch phục hồi sản lượng khai thác lên 1,2 triệu bpd trong vòng 7-10 ngày sau tuyên bố dỡ bỏ tình trạng bất khả kháng tại mỏ/cảng xuất khẩu dầu thô. Theo NOC Libya, đã có 3 tanker đến các cảng Zueitina và Ras Lanuf để bốc hơn 1,6 triệu thùng dầu xuất khẩu.

Nhiều nền kinh tế ở các nước vùng Vịnh phụ thuộc nhiều vào giá dầu. GDP của KSA và Iraq hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường dầu mỏ nên sẽ tăng trưởng từ 3-6% vào năm 2022. Nền kinh tế của UAE đa dạng, do đó đóng góp của dầu mỏ không đáng kể, vì vậy tốc độ tăng trưởng của nước này ở mức trên 2%. Dự kiến giá dầu giảm trong năm tới sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế các nước phụ thuộc vào khai thác dầu khí.

KHÍ ĐỐT & LNG

Gazprom đã nối lại xuất khẩu khí đốt sang Đức qua đường ống Nord Stream 1, khối lượng bơm thực tế trong giờ hoạt động đầu tiên đạt gần 1,9 triệu m3. Như đã đưa tin, nếu có nối lại xuất khẩu, công suất Nord Stream 1 tối đa chỉ ở mức 67 triệu m3/ngày do thiếu tuabin. Giá khí châu Âu phản ứng giảm nhẹ, giảm 6% xuống 1.550 USD/1000m3. Trước đó, EC đã mặc định các thành viên khối phải đưa ra kế hoạch cắt giảm -15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt vào tháng 9 tới, tuy nhiên, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là 2 quốc gia chính thức phản đối đầu tiên kế hoạch này.

Siemens đã cung cấp cho Gazprom giấy phép xuất khẩu tuabin từ Canada cho Nord Stream với hy vọng phía Nga sẽ cho phép thông quan. Tuy nhiên Tổng cục Hải quan Liên bang hiện đang yêu cầu Gazprom cung cấp những giấy tờ cần thiết để làm thủ tục. Tuabin Siemens SGT-A65 đã đến Đức vào 17/07 và dự kiến 23/07 được vận chuyển từ Lübeck đến Helsinki và sẽ đến Nga vào ngày 24/07. Gazprom trước đó đã yêu cầu Siemens gửi các tài liệu xác nhận việc đưa thiết bị này ra khỏi chế độ trừng phạt của Canada, để các tuabin khác cũng có thể được gửi đi sửa chữa trong tương lai. Sau ba lần yêu cầu, Siemens đã gửi giấy phép. Tuy nhiên để thông quan, Gazprom phải thay đổi cơ sở giao hàng từ Montreal (Canada) sang Lübeck (Đức). Trước khi có lệnh trừng phạt, theo hợp đồng, Gazprom trực tiếp tiếp nhận tuabin được bảo dưỡng từ Canada. Do điều này đã trở thành bất khả thi sau khi áp đặt các hạn chế, Siemens đã nhận trách nhiệm vận chuyển. Tuy nhiên, điểm xuất thiết bị không được thay đổi. Theo giấy phép đã được cấp, Canada phải sửa 5 tuabin nữa cho đến năm 2024.

Tổng cộng, có 9 tuabin Siemens làm việc trên Nord Stream 1: sáu chiếc SGT-A65 và thêm ba chiếc SGT-A35. Đánh thông tin từ Gazprom, hiện chỉ có ba chiếc SGT-A65 đang hoạt động. Do đó, ngay cả việc chuyển giao tuabin nêu trên cũng khó có thể dẫn đến việc tăng lượng bơm qua NS1. Một vài tuabin nữa cũng đang chờ được bảo dưỡng. Thời gian bảo dưỡng của một tuabin mất khoảng ba tháng. Và như vậy EU sẽ không nhận được khối lượng khí đốt cần thiết từ Gazprom trước mùa đông. Hiện tại, các kho chứa khí đốt ở EU được lấp đầy khoảng 65% trên mức tối thiểu là 80%. Gazprom đã phát đi tín hiệu có thể cắt giảm thêm 50% công suất Nord Stream 1 hiện nay xuống khoảng 33 triệu m3/ngày vào cuối tháng 7.

Do bị cắt giảm nguồn cung khí đốt Gazprom, nhà nhập khẩu lớn nhất Uniper (Đức) đã buộc phải cân đối từ các nguồn khác với giá cao hơn, dẫn đến mất cân đối tài chính. Công ty phải đề nghị chính phủ hỗ trợ, sau khi đàm phán với cổ đông chính – công ty Fortum (Phần Lan). Đức quyết định mua lại 30% cổ phần Uniper với giá 267 triệu EUR, đi kèm khoản tín dụng 7,7 tỷ EUR, đổi lại cổ phần Fortum giảm xuống còn 56%. Như vậy, Phần Lan từ chối bơm tiền cứu Uniper, thay vào đó sẽ cắt giảm cổ phần. Uniper cho biết sẽ kiện Gazprom và không loại trừ khả năng hủy ngang hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn hiện nay.

Boston Consulting Group đánh giá chính phủ Đức có thể từ bỏ hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt từ Nga từ mùa hè năm 2024, hoặc sớm hơn nếu: các trạm tiếp nhận LNG theo kế hoạch tại Brunsbüttel và Wilhelmshaven đi vào hoạt động vào năm 2023 (cung cấp gần 37% nhu cầu năng lượng cần thiết); 29% sẽ được cung cấp bởi các nước thành viên EU khác nếu những nước đó tiết kiệm năng lượng và cung cấp thêm cho Đức khối lượng khí đường ống và LNG (theo kế hoạch EC đề ra); 10% nhu cầu bổ sung đến từ NLTT (tương đương với việc gia hạn thời gian hoạt động của ba nhà máy điện hạt nhân còn lại; thay thế 8% nhu cầu năng lượng khí đốt than và dầu trong ngắn hạn; việc duy trì nhiệt độ phòng trong khu vực hộ gia đình thấp hơn 2 độ C mang lại khoảng 3%. Tuy nhiên các chuyên gia BCG dường như không tính đến chi phí khí đốt và tác động của nó đối với nền kinh tế, cũng như đánh giá ảnh hưởng đến chi phí hộ gia đình.

Hungary ngày 21/07 đã chính thức có đề nghị LB Nga tăng bổ sung nguồn cung khí đốt thêm 700 triệu m3 đến cuối năm nay thông qua đường ống TurkStream ngoài khối lượng 8,5 tỷ m3/năm đã cam kết. Hungary là quốc gia thành viên EU đầu tiên làm việc trực tiếp với LB Nga để tăng nguồn cung năng lượng đảm bảo cho mùa đông, thay vì đi theo con đường siết chặt nhu cầu tiêu thụ. IMF ước tính, nếu giả sử Gazprom cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt, kinh tế Hungary sẽ chịu tổn thất lớn nhất, GDP có thể sụt giảm 6,5%.

Sonatrach (Algeria) thông báo tạm dừng cung cấp khí đốt cho Tây Ban Nha qua đường ống dẫn khí Medgaz do sự cố phía Tây Ban Nha. Nhập khẩu khí từ Algeria của Tây Ban Nha đã giảm mạnh trong những tháng gần đây trong bối cảnh căng thẳng giữa Algeria và Madrid về quan điểm của chính quyền Tây Ban Nha về khu vực tự trị Tây Sahara. Phía Algeria vào đầu tháng 6 đã đình chỉ thỏa thuận hợp tác với Tây Ban Nha. Trước đó, Bộ Năng lượng Algeria cho biết nước này có thể chấm dứt hợp đồng cung cấp khí đốt nếu Tây Ban Nha chuyển hướng khí đốt của Algeria sang các nước khác. Cảnh báo được đưa ra sau khi Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera cho biết sẽ cung cấp khí đốt cho Marốc thông qua đường ống Maghreb-Europe.

LB NGA

Bất chấp 7 gói lệnh trừng phạt đã ban hành, nhập khẩu diesel LB Nga vào thị trường EU trong 3 tuần đầu tháng 7 tiếp tục gia tăng (+24%) so với tháng 6, lên 825.000 bpd, chiếm tới 60% nhập khẩu của khối, dự báo tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3 – 1,41 triệu bpd (+14% so với tháng 6). Không chỉ riêng sản phẩm dầu mỏ, nhập khẩu dầu thô LB Nga đường biển vào EU 6 tháng đầu năm 2022 cũng tăng +5,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 60 triệu tấn trong tổng số 223 triệu tấn tổng nhập khẩu. Kể từ đầu chiến dịch Ukraine đến 23/07, EU đã nhập khẩu năng lượng hóa thạch LB Nga tổng giá trị 71,05 tỷ EUR, bao gồm dầu mỏ – 39,1 tỷ EUR, khí đốt – 29,5 tỷ EUR và than đá – 2,45 tỷ EUR.

NHTW LB Nga (CBR) ngày 22/07 bất ngờ cắt giảm mạnh LSCB từ 9,5%/năm xuống còn 8%/năm (thấp hơn cả trước thời điểm chiến dịch Ukraine), gấp 3 lần dự báo nhờ tình hình phát triển kinh tế ổn định (GDP sụt giảm 4-6% thay vì 8-10%) nhờ xuất khẩu thích ứng tốt và giá năng lượng cao, lạm phát giảm bất chấp các lệnh trừng phạt khắc nghiệt chưa từng có tiền lệ của Phương Tây, nơi mọi chỉ số đều đang đi ngược – lạm phát tăng cao kèm LSCB tăng theo. Mặc dù vậy, CBR nhận định còn nhiều thách thức đang chờ đợi phía trước, cần cân nhắc việc tiếp tục hạ LSCB từ nay đến cuối năm 2022. Lạm phát cả năm 2022 dự báo giao động trong phạm vi 12–15%/năm, và sẽ giảm xuống 5-7%/năm vào năm 2023, quay lại mức mục tiêu 4%/năm từ năm 2024. Giá dầu Urals trung bình năm 2022 dự báo đạt 80 USD/thùng (+5 USD/thùng).
Kinh tế LB Nga tránh được cú sốc trừng phạt, phần lớn nhờ duy trì được hoạt động tổ hợp năng lượng - nhiên liệu ổn định và giá nhiên liệu thế giới tăng cao, bất chấp các làn sóng trừng phạt ồ ạt. Sản lượng khai thác dầu thô LB Nga 6 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng +3,4% so với cùng kỳ 2021, sản xuất xăng, diesel tăng +4,5%, sản lượng điện tăng +1,9%, riêng khí đốt giảm 5% do hạn chế đặc thù xuất khẩu qua đường ống. Khai thác dầu thô đã nhanh chóng ổn định trở lại sau đợt giảm ngắn hạn trong tháng 3-4, khi chuỗi cung ứng logistic bất ngờ bị Phương Tây ngăn chặn. Đến nay, sản lượng bình quân đạt 10,7 triệu bpd, khối lượng tinh chế nội địa đạt 5,7 triệu bpd, xuất khẩu khoảng 3,2-3,4 triệu bpd. IEA thậm chí 3 lần điều chỉnh dự báo khai thác LB Nga từ sụt giảm >10% năm 2022 lên -2,4% và sau cùng là tăng nhẹ +0,3%. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá tác động lâu dài của hệ thống lệnh trừng phạt Phương Tây đã áp dụng, đặc biệt sau khi lệnh cấm vận dầu mỏ bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2023.

Thay vì các tàu phá băng chạy diesel-LNG, Nornickel và Rosatom sẽ lắp đặt các tàu thủy chạy diesel-điện thông thường do Nga không sản xuất động cơ LNG. Chỉ có động cơ diesel D500 của Transmashholding – loại duy nhất phù hợp do Nga sản xuất được lắp đặt trên các tàu phá băng mới phục vụ trên Tuyến đường Biển Phương Bắc. Nga cũng cần tìm kiếm chân vịt bánh lái nhập khẩu của ABB (LD Thụy Điển-Thụy Sĩ) thay thế do LD này đã thông báo rút khỏi Liên bang Nga. Các tàu, theo kế hoạch, sẽ được đóng tại xưởng đóng tàu của Rosneft – Zvezda. Động cơ của Transmashholding hiện chưa được sản xuất đại trà mà mới được lắp đặt vài phiên bản phục vụ nhu cầu của Rosatom. Dự kiến, cả 4 tàu phá băng "không thân thiện với môi trường" sẽ được xuất xưởng trong giai đoạn 2027-2030.

Rosatom bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân (NPP) đầu tiên ở Ai Cập. Đây là NPP đầu tiên ở Ai Cập và là dự án lớn đầu tiên của Rosatom ở Châu Phi. Thỏa thuận liên chính phủ Nga-Ai Cập về việc xây dựng NPP đầu tiên của nước này trị giá 30 tỷ USD đã được ký vào tháng 11/2015 tại Cairo. Ai Cập đã cấp giấy phép xây dựng tổ máy điện số 1 cho Rosatom vào cuối tháng 06/2022 sau khi xác định mặt bằng xây dựng và đánh giá rủi ro liên quan đến con người, môi trường và tài sản xung quanh. Song song với việc ký kết thỏa thuận xây dựng NPP El-Dabaa vào năm 2015, một thỏa thuận đã được ký kết cung cấp cho Ai Cập khoản vay cấp nhà nước trị giá 25 tỷ USD để xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tương đương 85% khối lượng công việc. Các chi phí còn lại phía Ai Cập phải đảm nhận bằng cách thu hút các nhà đầu tư tư nhân. Các khoản hoàn trả của Ai Cập đối với khoản vay lãi suất 3%/năm sẽ bắt đầu từ tháng 10/2029.

NPP này sẽ được xây dựng trên bờ biển phía bắc, cách Địa Trung Hải 3,5 km, tại thành phố Dabaa thuộc tỉnh Matruh. Nhà máy sẽ bao gồm 4 tổ máy điện với công suất 1200 MW mỗi tổ máy với các lò phản ứng kiểu VVER-1200 (lò phản ứng điện làm mát bằng áp suất) thế hệ 3+. Việc sản xuất thiết bị cho tổ máy điện số 1 của NPP El-Dabaa bắt đầu ở Nga vào tháng 06/2022. Đến năm 2028, LB Nga sẽ xây dựng tất cả 4 tổ máy điện và sẽ cung cấp nhiên liệu hạt nhân trong toàn bộ vòng đời của NPP (60 năm), cũng như cung cấp các dịch vụ đào tạo nhân sự và thực hiện bảo trì, sửa chữa trong vòng 10 năm sau khi mỗi tổ máy đi vào hoạt động. Hợp đồng cũng quy định việc xây dựng mô-đun kho chứa dạng container cho nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng đầu tiên vào năm 2028. Ai Cập dự kiến NPP sẽ đạt công suất đỉnh vào năm 2030.

Việc khởi động nhà máy điện hạt nhân Akkuyu đang được xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến vào năm 2023. Akkuyu là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được Rosatom xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Việc đổ bê tông đầu tiên cho tổ máy số 1 diễn ra vào năm 2018, tổ máy số 2 – năm 2020, máy số 3 – tháng 3/2021. Dự án được thực hiện trong khuôn khổ thỏa thuận liên chính phủ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ về hợp tác xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân tại Akkuyu. Cổ đông chính của Akkuyu Nuclear là tập đoàn Rosatom. Dự án bao gồm 4 tổ máy phát điện với công suất 1200 MW mỗi tổ máy với các lò phản ứng VVER thế hệ 3+ do Nga thiết kế.

Tập đoàn hóa chất lớn nhất LB Nga SIBUR đã cho phép khách hàng Trung Quốc thanh toán nhập khẩu sản phẩm hóa dầu bằng CNY. Xuất khẩu polymer và cao su tổng hợp SIBUR sang Trung Quốc năm 2021 đạt trên 500.000 tấn.

Giá xăng dầu hôm nay 25/7: Dầu thô lấy lại đà tăngGiá xăng dầu hôm nay 25/7: Dầu thô lấy lại đà tăng
Ukraine cảnh báo gây tổn thất lớn, Nga sẵn sàng nối lại đàm phánUkraine cảnh báo gây tổn thất lớn, Nga sẵn sàng nối lại đàm phán
Mỹ hé lộ việc giúp bảo vệ Tổng thống UkraineMỹ hé lộ việc giúp bảo vệ Tổng thống Ukraine
Ukraine phát hiện bí mật quân sự của Nga trong UAV "mắt thần" chiến trườngUkraine phát hiện bí mật quân sự của Nga trong UAV "mắt thần" chiến trường
Nga công bố tổn thất của Ukraine sau 5 tháng xung độtNga công bố tổn thất của Ukraine sau 5 tháng xung đột
Nga đặt cược vào "vũ khí" đặc biệt trong chiến sự ở UkraineNga đặt cược vào "vũ khí" đặc biệt trong chiến sự ở Ukraine

DMCA.com Protection Status