Thủy điện Đakđrinh đảm bảo điều tiết trong mùa cạn

16:13 | 07/04/2023

4,436 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Vào mùa khô hạn, lượng mưa giảm khiến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi rơi vào tình trạng thiếu nước. Để đảm bảo việc sản xuất và sinh hoạt của người dân, thủy điện Đakđrinh luôn đảm bảo thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, góp phần phục vụ sản xuất cho vùng hạ du và chấp nhận chịu thiệt hại về lợi ích sản xuất điện.

Vận hành hồ thủy điện trong mùa cạn

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình nắng nóng có khả năng xuất hiện tại khu vực Trung Bộ phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN) và Tây Nguyên, Nam Bộ phổ biến thấp hơn khoảng 0,5 độ C so với TBNN cùng thời kỳ. Để đảm bảo nguồn nước sản xuất cho vùng hạ du, Công ty cổ phần thủy điện Đakđrinh (PV Power DHC) đã nghiêm túc thực hiện theo quy trình vận hành liên hồ chứa (Quy trình 911) trong mùa cạn. Quy trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành theo quyết định số 911/QĐ-TTg năm 2018.

Theo quy trình 911, mùa cạn được quy định từ ngày 16/12 đến hết 31/8 năm sau và thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo an toàn công trình; đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu sử dụng nước ở hạ du; đảm bảo hiệu quả phát điện. Các thời kỳ vận hành hồ chứa mùa cạn được quy định sử dụng nước gia tăng từ 05/5 đến 10/6 và từ ngày 01/7 đến 20/8 và thời kỳ sử dụng nước bình thường bao gồm thời gian còn lại.

Thủy điện Đakđrinh đảm bảo điều tiết trong mùa cạn
Thủy điện Đakđrinh đảm bảo điều tiết nước trong mùa lũ và mùa cạn theo quy trình 911 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Nguyên tắc vận hành hồ thủy điện trong mùa cạn phải đảm bảo lưu lượng xả phù hợp với các thời kỳ, đảm bảo mực nước hồ theo từng khoảng thời gian 10 ngày đối với thủy điện Đakđrinh. Trong quá trình vận hành, các thủy điện phải căn cứ vào mực nước hồ hiện tại và dự báo dòng chảy đến hồ để điều chỉnh chế độ vận hành cho phù hợp. Đối với thủy điện Đakđrinh, trong mùa cạn (từ 16/12 đến 31/8 năm sau) mực nước hồ buộc phải đưa về khoảng từ 380m - 409m hoặc cao hơn để điều tiết các hồ trong mùa cạn theo quy định.

Thủy điện Đakđrinh được phép chủ động quyết định, nhưng phải tuân thủ các quy định trong thời kỳ sử dụng nước gia tăng và bình thường. Theo đó, việc điều chỉnh lưu lượng, thời gian xả nước xuống hạ du trong mùa cạn chỉ được thực hiện trong các trường hợp: nếu mực nước ở hồ thấp hơn khoảng quy định từ 380m - 409m vào đầu mùa cạn, thủy điện Đakđrinh sẽ căn cứ tình hình tình hình thực tế để đề xuất phương án xử lý gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để xem xét và quyết định; trường hợp 10 ngày liên tục mà mực nước ở hồ vẫn thấp hơn quy định (trừ trường hợp mực nước thấp từ đầu mùa), thủy điện Đakđrinh phải báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi để xem xét, quyết định; nếu đã điều chỉnh theo trường hợp 10 ngày liên tục mà mực nước vẫn thấp trong 30 ngày liên tục thì phải đề xuất phương án gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định nhằm đảm bảo yêu cầu sử dụng tối thiếu nước đến cuối mùa cạn.

Thủy điện Đakđrinh đảm bảo điều tiết trong mùa cạn
Cửa xả nước đập thủy điện Đakđrinh

Trong trường hợp cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán từ cấp độ 2 trở lên, thủy điện Đakđrinh sẽ căn cứ vào tình hình thực tế (lưu lượng, mực nước, dự báo lưu lượng và nhu cầu sử dụng nước vùng hạ du) để đề xuất phương án xử lý cho Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi hoặc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo thẩm quyền quy định để xem xét và quyết định cho phù hợp. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi sẽ đưa ra phương án theo hướng đảm bảo yêu cầu sử dụng nước tối thiểu đến cuối mùa cạn (kể vả việc xem xét sử dụng một phần dung tích chết của các hồ). Ngoài ra, trong trường hợp UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu tăng lưu lượng xả để đảm bảo lưu lượng nước cho vùng hạ du thì thủy điện Đakđrinh sẽ thực hiện theo sự chỉ đạo của tỉnh.

Đảm bảo điều tiết nước cho vùng hạ du

Năm 2022, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có khoảng 2.000ha tổng diện tích sản xuất nông nghiệp bị hạn. Bên cạnh đó, hơn 4.000 người có khả năng thiếu nước sinh hoạt và 8.000 vật nuôi có khả năng thiếu nước uống. Căn cứ theo tình hình khô hạn, thủy điện Đakđrinh đã phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh để điều tiết nước từ hồ chứa đập thủy điện Đakđrinh. Thủy điện đã góp phần giúp công trình thủy lợi Thạch Nham có thêm nguồn nước để phục vụ cho dân sinh, sản xuất nông nghiệp vùng hạ du.

Thủy điện Đakđrinh đảm bảo điều tiết trong mùa cạn
Thủy điện Đakđrinh được đặt tại lưu vực sông Đakđrinh thuộc huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và huyện Kon Plông (Kon Tum)

Bên cạnh đó, trong trường hợp thời tiết hạn nặng, vùng hạ du thiếu nước nhưng mực nước tại hồ xuống dưới mức 394m và tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu, thủy điện Đakđrinh sẽ cho xả nước để đảm bảo cho vùng hạ du. Cụ thể, có 2 ngưỡng điều tiết nước mùa hạn, nếu mực nước có thể xả qua đập tràn thì thủy điện Đakđrinh sẽ tiến hành xả, nếu mực nước dưới 394m thì sẽ tăng cường xả nước qua tổ máy (kể cả chạy không tải). Trong trường hợp chạy không tải, điều này có thể ảnh hưởng đến sản lượng điện của nhà máy, vì thủy điện sẽ cho nâng tổ máy và không chạy sản xuất điện.

Thủy điện Đakđrinh đảm bảo điều tiết trong mùa cạn
Ông Nguyễn Duy Nghĩa - Trưởng phòng Kỹ thuật - An toàn là người trực tiếp lập các phương án ứng phó khẩn cấp và chỉ đạo vận hành đập Thủy điện Đakđrinh.

Ông Nguyễn Duy Nghĩa - Trưởng phòng Kỹ thuật - An toàn cho biết, để đảm bảo ứng biến với tình hình thời tiết cực đoan, thủy điện Đakđrinh luôn đánh giá tình hình thời tiết từ đầu năm. Dựa trên cơ sở dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn (KTTV) Trung ương, KTTV Trung Trung Bộ và cập nhật từ các trang web thời tiết để đưa ra kế hoạch cho từng năm. Ngoài ra, thủy điện Đakđrinh còn ký hợp đồng với Đài thủy văn Trung Trung Bộ để cập nhật bản tin về tình hình dự báo khí tượng thủy văn cho thủy điện theo hàng tuần, tháng, năm.

“Thủy điện Đakđrinh luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trong các tình huống thời tiết cực đoan. Nếu mùa mưa bão, mực nước dâng cao thì sẽ chủ động điều tiết giảm lưu lượng xả cho hạ du. Ngược lại, khi vùng hạ du thiếu nước sinh hoạt thì thủy điện sẽ tổ chức xả nước để đảm bảo cho người dân sinh hoạt và sản xuất. Có thể nói kể từ khi có thủy điện Đakđrinh, người dân các huyện Sơn Tây, Sơn Hà… không còn tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp như nhiều năm trước”, ông Nguyễn Duy Nghĩa - Trưởng phòng Kỹ thuật - An toàn nói.

Thủy điện Đakđrinh được bố trí ở lưu vực sông Đakđrinh huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và huyện Kon Plông (Kon Tum) cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 70km về phía tây. Đây là dự án nằm trong chương trình trọng điểm phát triển Kinh tế - Xã hội, An ninh năng lượng của Quốc gia nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng. Nhà máy thủy điện Đakđrinh có công suất thiết kế 125MW, gồm 2 tổ máy với tổng mức đầu tư 5.921 tỷ đồng, sản lượng điện trung bình hàng năm là 540,925 triệu KWh. Nhà máy vận hành phát điện thương mại hòa vào mạng lưới Quốc gia tổ máy số 1 vào tháng 6 năm 2014, tổ máy số 2 vào tháng 9 năm 2014. Nhà máy thủy điện Đakđrinh còn tham gia phòng chống lũ vào mùa mưa và bổ sung nước mùa hạn cho hạ du.
Thuỷ điện Đakđrinh “về đích sớm” 87 ngày so với kế hoạchthủy điện Đakđrinh “về đích sớm” 87 ngày so với kế hoạch
Giải oan cho Thủy điện ĐakđrinhGiải oan cho Thủy điện Đakđrinh

Thành Linh

DMCA.com Protection Status