Tiềm năng dầu khí của Việt Nam còn rất lớn

06:20 | 16/10/2023

9,873 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Những năm qua, việc suy giảm tự nhiên các mỏ dầu khí đã làm nảy sinh nhiều luồng dư luận về sự tồn tại và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Để có cái nhìn khách quan, phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới đã phỏng vấn GS.TSKH Mai Thanh Tân - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất Việt Nam về tiềm năng của dầu khí Việt Nam.
Tiềm năng dầu khí của Việt Nam còn rất lớn
Giáo sư, TSKH Mai Thanh Tân.

PV:Ông đánh giá thế nào về vị thế và vai trò của ngành Dầu khí Việt Nam?

GS Mai Thanh Tân: Chúng ta đã khai thác các mỏ dầu khí lớn trong hơn 30 năm qua. Đến nay, nhiều mỏ có chiều hướng cạn kiệt tự nhiên. Nhưng bên cạnh việc tiếp tục phát hiện các mỏ dầu khí mới chúng ta bước đầu phát hiện dấu hiệu tồn tại một loại nguyên liệu năng lượng mới đó là băng cháy (khí hydrat) hình thành trong môi trường áp suất cao, nhiệt độ thấp ở vùng biển sâu. Nguồn nguyên liệu này đang được coi là tương lai trong lĩnh vực năng lượng thế giới.

Những năm qua, xu hướng của thế giới là chuyển dịch năng lượng, nghĩa là những nguồn năng lượng hóa thạch sẽ được thay thế dần sang năng lượng sạch hơn như khí tự nhiên, năng lượng mặt trời, gió, thủy triều và cả địa nhiệt. Nhưng theo tôi từ mong muốn đến hiện thực trong điều kiện trên thế giới nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao đòi hỏi cả một quá trình mà quãng thời gian có thể lên đến vài chục năm thậm chí dài hơn.

Trong tương lai gần, ngành Dầu khí vẫn đóng vai trò chủ đạo, quan trọng trong cung cấp nguồn năng lượng cho đời sống nhân dân, phát triển kinh tế đất nước, nên việc tiếp tục đẩy mạnh công tác thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí là rất cần thiết.

PV: Ông có thể khái quát về tiềm năng dầu khí của Việt Nam?

GS Mai Thanh Tân:

Nhiều người vẫn nghi ngại rằng ngành Dầu khí nước ta khai thác từ những năm 80, đến nay, với những dấu hiệu suy giảm liên tục thì liệu tiềm năng dầu khí có còn không?

Có thể khẳng định rằng, Việt Nam đang đứng thứ 5-6 châu Á về tiềm năng dầu khí. Chúng ta có vùng biển rộng lớn với nhiều bể, nhóm bể trầm tích như Sông Hồng, Phú Khanh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay - Thổ Chu, Tư Chính - Vũng Mây, Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoài vùng tuyên bố 12 hải lý lãnh hải, thêm 12 hải lý vùng tiếp giáp lãnh hải, 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế. Vùng Biển Đông thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam chiếm diện tích khoảng 1.000.000 km². Đó là chưa tính tới các vùng biển chồng lấn và các vùng biển tranh chấp. Trong những năm qua, nhiều tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới đã phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) thăm dò các bể trầm tích và phát hiện nhiều cấu tạo có các mỏ dầu khí có giá trị lớn lớn trong điều kiện địa chất phức tạp.

Đặc biệt, vào năm 1988, chúng ta tìm ra dầu trong các đới nứt nẻ của đá móng granit tại bể Cửu Long có trữ lượng dầu lớn, khai thác đạt giá trị cao đem lại lợi ích lớn từ Liên doanh Việt - Nga Vietsopetro tiến hành tới ngày nay. Đáng chú ý, việc tìm ra dầu trong các đới nứt nẻ của đá móng granit đã tạo nên bước đột phá trong thăm dò, khai thác dầu khí không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, bởi trước đó ít ai nghĩ rằng có tiềm năng dầu khí trong đá móng.

Hiện nay, đánh giá về tiềm năng dầu khí của Việt Nam vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng tôi cho rằng, dầu khí của chúng ta vẫn còn tiềm năng lớn. Các đối tượng dầu khí trong bẫy phi cấu tạo, các bẫy tại vùng nước sâu, xa bờ, rià các bể trầm tích... vẫn còn chưa được thăm dò tỷ mỷ. Các đối tượng này có thể tạo nên các cụm mỏ, mỏ nhỏ không chỉ ở vùng thềm lục địa nước nông mà cả vùng biển nước sâu xa bờ chưa được quan tâm thăm dò nhiều. Nếu có quyết tâm tập hợp tìm kiếm, thăm dò, khai thác thì chắc chắn trữ lượng dầu khí của Việt Nam vẫn có tiềm năng đáng kể.

PV: Để tiếp tục đẩy mạnh và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?

GS Mai Thanh Tân: Hiện nay chúng ta đang chuyển sang giai đoạn mới trong thăm dò, khai thác dầu khí. Để tìm kiếm, thăm dò dầu khí với các đối tượng mới như các bẫy phi cấu tạo, các bẫy trầm tích nguồn gốc sông hồ, vùng biển sâu,… chúng ta phải có tư duy mới và các phương pháp mới. Ví dụ, trước đây, chúng ta chủ yếu tìm kiếm dầu khí trong các bẫy cấu tạo có nguồn gốc trầm tích biển thì giờ đây phải tìm cả khu vực có nguồn gốc trầm tích sông - hồ, tìm các bẫy địa tầng phi truyền thống, tìm kiếm tại các vùng nước sâu xa bờ.

Tiềm năng dầu khí của Việt Nam còn rất lớn
Các bể trầm tích liên quan đến trữ lượng dầu khí của Việt Nam.

Về phương pháp tìm kiếm dầu khí, chúng ta cần tiếp cận các công nghệ hiện đại trên thế giới đang không ngừng đổi mới và ứng dụng các công nghệ này vào thực tế. Vì chắc chắn rằng, với các đối tượng mới, nhỏ hơn, khó tìm hơn thì cần phải sử dụng sáng tạo công nghệ cao thì mới có thể có hiệu quả được.

Trước đây, trong quá trình minh giải địa chất, việc phân chia địa tầng chủ yếu theo quan điểm thạch học (thạch địa tầng) thì hiện nay cần cập nhật và bổ sung phương pháp phân chia địa tầng theo thời gian thành tạo (thời địa tầng), đó là phương pháp “địa tầng phân tập” (sequence stratigraphy). Việc xác định các phân vị địa tầng theo thời gian nâng - hạ của mực nước biển cho phép xác định đặc điểm trầm tích liên quan đến các bẫy dầu khí tỷ mỷ và chính xác hơn. Cùng với phương pháp minh giải theo quan điểm địa tầng phân tập, các nhà khoa học địa chất đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong xử lý và minh giải tài liệu cho phép từng bước xác định định lượng đặc điểm của tầng chứa dầu khí. Từ đó, việc xác định các bẫy dầu khí sẽ chính xác, hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn nhiều.

Ngành Dầu khí là một ngành kinh tế lớn nhưng có đặc điểm độ rủi ro cao mặt khác còn chịu ảnh hưởng lớn của địa chính trị đặc biệt là trên vùng biển chủ quyền. Bởi vậy, tôi cho rằng, đây là thời điểm rất quan trọng, có khả năng quyết định tương lai của ngành Dầu khí Việt Nam. Hơn lúc nào hết Petrovietnam cần những người đứng đầu đủ trí tuệ, dũng cảm và quyết đoán, những người làm dầu khí cần đoàn kết một lòng, quyết tâm cao nhất để thúc đẩy phát triển ngành Dầu khí trong giai đoạn mới với mục tiêu tối thượng là đem lại lợi ích lớn nhất cho quốc gia, dân tộc.

PV: Trân trọng cảm ơn giáo sư!

Sách “Địa chất và tài nguyên dầu khí Việt Nam” viết: Trữ lượng dầu khí đã phát hiện mới chỉ chiếm 1/3 tổng tài nguyên dầu khí của Việt Nam. Để tìm kiếm phần trữ lượng chưa phát hiện, hiện Petrovietnam đang thăm dò xung quanh các mỏ đang khai thác. Đã có hàng loạt các phát hiện như Gấu Trắng, Thỏ Trắng, Mèo Trắng, Cá Tầm, Mèo Trắng Đông...

Thành Công (thực hiện)

Vững tin vào tương lai của ngành Dầu khíVững tin vào tương lai của ngành Dầu khí
Khoa học vẫn giữ vai trò quan trọng trong tương lai ngành Dầu khíKhoa học vẫn giữ vai trò quan trọng trong tương lai ngành Dầu khí
Tiến độ điện khí LNG quyết định tương lai an ninh năng lượng quốc giaTiến độ điện khí LNG quyết định tương lai an ninh năng lượng quốc gia
Phát triển “đội tàu xanh theo chuỗi công nghệ” là xu hướng tương laiPhát triển “đội tàu xanh theo chuỗi công nghệ” là xu hướng tương lai
Xúc tác chế biến dầu khí tại Việt Nam: Cần một cách tiếp cận mớiXúc tác chế biến dầu khí tại Việt Nam: Cần một cách tiếp cận mới

DMCA.com Protection Status