Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP): Nhiều giải pháp gia tăng trữ lượng

08:00 | 30/06/2014

1,510 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Năm 2013, việc hoàn thành kế hoạch gia tăng trữ lượng là một nỗ lực lớn của tập thể cán bộ, công nhân viên của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP). Tuy chỉ có 20/24 giếng khoan trong kế hoạch được hoàn thành nhưng đã đảm bảo gia tăng trữ lượng với kết quả từ các dự án trong và ngoài nước đạt 13,52 triệu tấn quy dầu.

Bài học tự lực

Tuy nhiên, phần gia tăng trữ lượng chủ yếu vẫn là từ các dự án trong nước, đặc biệt là các dự án PVEP tự điều hành và tập trung ở những khu vực như bể Cửu Long và Nam Côn Sơn. Đây là những nơi có xác suất thành công của các giếng thăm dò trữ lượng cao nhưng quy mô nhỏ. Chưa có những phát hiện có tính chất đột phá trong công tác thăm dò ở khu vực nước sâu xa bờ như các bể Tư Chính - Vũng Mây, Phú Khánh…

Nhiệm vụ của PVEP ngày càng trở nên khó khăn hơn do hạn chế của công tác đảm bảo gia tăng trữ lượng, đảm bảo lợi ích của các đối tác nước ngoài và của nước chủ nhà. Trong khi đó các mỏ có trữ lượng lớn như Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Rạng Đông đã qua thời gian khai thác đỉnh và sản lượng đang suy giảm mạnh. Các mỏ mới được đưa vào khai thác những năm gần đây chủ yếu là các mỏ vừa và nhỏ như Lan Đỏ, Hải Sư Trắng - Hải Sư Đen, Sư Tử Vàng Đông - Bắc, West Desaru; các mỏ sẽ đưa vào khai thác trong thời gian tới cũng là các mỏ nhỏ, cận biên. Hoạt động khai thác tại nước ngoài cũng gặp nhiều rủi ro và thách thức, chậm tiến độ đưa mỏ vào khai thác (mỏ West Desaru & Cendor giai đoạn 2 - Lô PM304) hoặc đưa vào khai thác với sản lượng thấp hơn nhiều so với dự kiến (Lô SK305, Lô PM304, mỏ Junin-2).

Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP): Nhiều giải pháp gia tăng trữ lượng

Mỏ Đại Hùng

Ông Bùi Thiều Sơn, Trưởng ban Công nghệ Mỏ PVEP nhận định: Giải pháp về can thiệp giếng đã được PVEP áp dụng như đóng mở vỉa, bắn vỉa mới, bắn thêm vỉa, triển khai thử nghiệm bơm điện chìm ESP tại 3 giếng mỏ Sư Tử Vàng, tối ưu quỹ đạo các giếng đan dày. Đặc biệt, PVEP đã áp dụng những giải pháp này để khai thác tầng Lower Miocene mỏ Sư Tử Đen.

Ngoài ra, trong năm qua, PVEP còn thành công trong việc triển khai các giếng bơm ép, khai thác E-05PI, 05PI thay vì chỉ là giếng bơm ép tại mỏ Rạng Đông Lô 15-2. Trong đó chỉ riêng giếng E-05PI đã đóng góp 0,25 triệu thùng dầu, góp phần giúp Lô 15-2 khai thác vượt mức kế hoạch được giao. Với những nỗ lực vượt bậc đó, năm 2013 là năm thứ 2 liên tiếp PVEP đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu sản lượng khai thác được giao: Sản lượng dầu đạt 3,61 triệu tấn; khí xuất bán đạt 1,31 tỉ m3. Sản lượng dầu quy đổi đạt 4,92 triệu tấn. Năm 2014, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giao cho PVEP sản xuất 5,19 triệu tấn dầu quy đổi - đây là nhiệm vụ khó thành công nếu không áp dụng các giải pháp có tính chiến lược, đột phá.

Giải pháp trọng tâm

Để có thể hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác hết sức thách thức được giao năm 2014, PVEP cần phối hợp chặt chẽ với PVN và các nhà điều hành tiếp tục phát huy sáng tạo, chủ động nghiên cứu đề xuất giải pháp theo tình hình thực tế của mỏ.

Trong công tác quản lý, PVEP vẫn thường xuyên cập nhật dự báo khai thác, báo cáo kịp thời để có hướng giải quyết trong trường hợp có sự thiếu hụt hoặc nguy cơ không hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác. Giám sát chặt chẽ động thái khai thác các mỏ, cập nhật mô hình khai thác thường xuyên nhằm tối ưu hóa chế độ khai thác, bơm ép, nâng cao hiệu quả Gaslift để có chế độ khai thác tối ưu, đặc biệt cho đối tượng tầng móng nứt nẻ. Tối ưu hóa công tác vận hành, bố trí lịch bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị khai thác hợp lý để nâng cao thời gian hoạt động của hệ thống khai thác. Tiếp tục triển khai công tác can thiệp giếng: bắn vỉa, chuyển tầng khai thác, xử lý axit vùng cận đáy giếng, nứt vỡ thủy lực, ngăn cách tầng ngập nước, áp dụng công nghệ bơm điện chìm.

Trong điều kiện một số mỏ đã khai thác trong thời gian tương đối dài, sản lượng khai thác suy giảm đáng kể, việc nghiên cứu và triển khai các giải pháp gia tăng hệ số thu hồi dầu khí bằng phương pháp EOR là một hướng đi chiến lược của PVEP. Nghiên cứu tiền khả thi ứng dụng bơm ép khí CO2 vào các vỉa chứa dầu cát kết bể Cửu Long (JVPC). Kết quả cho thấy, về mặt kỹ thuật có thể tăng hệ số thu hồi dầu, tuy nhiên với nguồn CO2 hiện tại thì chưa mang lại hiệu quả kinh tế.

Chương trình bơm ép thử khí hydrocarbon để nâng cao hệ số thu hồi dầu. Kết quả nghiên cứu kết hợp giữa JVPC/JOMEG/PVN chỉ ra rằng, việc áp dụng EOR có thể tăng thêm thu hồi dầu khoảng 8,7 triệu thùng khi áp dụng cho toàn bộ tầng Lower Miocene mỏ Rạng Đông. Hiện tại chương trình bơm ép khí hydrocarbon thử nghiệm đang được thực hiện ở mỏ Rạng Đông với 2 giếng cho kết quả khả quan. JVPC đang triển khai áp dụng cho toàn mỏ, đối tượng Lower Miocene từ tháng 10-2014.

Ngoài ra, PVEP đang áp dụng phương pháp nứt vỉa thủy lực để gia tăng hệ số thu hồi dầu trong tầng chứa Oligocene, bể Cửu Long. Những kết quả thành công gần đây trong giai đoạn thăm dò, thẩm lượng là những bằng chứng rõ ràng cho khả năng thực hiện được công nghệ này trong giai đoạn phát triển mỏ sau này.

Ông Hoàng Bá Cường, Giám đốc PVEP POC đưa ra một số giải pháp với từng mỏ cụ thể. Đối với mỏ Đại Hùng áp dụng giải pháp công nghệ mỏ. Đảm bảo sản lượng khai thác dầu bằng việc đưa các giếng mới vào khai thác đồng thời duy trì khai thác tối ưu các giếng hiện hữu. Để chuẩn bị cho các năm tiếp theo sau 2014, POC khẩn trương hoàn thành chương trình khoan thăm dò thẩm lượng mở rộng, cập nhật mô hình và kế hoạch phát triển mỏ đảm bảo bù đắp nhịp độ suy giảm sản lượng của các giếng hiện tại cũng như gia tăng khả năng khai thác dầu cho toàn mỏ. Tiếp tục nghiên cứu và triển khai xử lý vùng cận đáy giếng cho các giếng; khai thác theo chu kỳ cho các giếng trên giàn Đại Hùng-01 và Đại Hùng-02 có áp suất thấp và không ổn định; bơm ép nước tối ưu cho giếng khai thác khu vực giàn Đại Hùng-01…

Đối với mỏ Sông Đốc, tiếp tục duy trì khả năng khai thác hiện tại của các giếng, tối ưu các thông số làm việc của các giếng Gaslift cũng như chủ động chuyển một số giếng đang khai thác chế độ tự phun với áp suất miệng khá thấp sang khai thác bằng Gaslift. Áp dụng các giải pháp can thiệp, xử lý vùng cận đáy giếng, các giải pháp cách ly vỉa nước hoặc nghiên cứu bắn mở thêm một số vỉa sản phẩm nếu điều kiện cho phép nhằm giảm đà suy giảm sản lượng của các giếng hiện hữu. Nghiên cứu phương pháp khoan bổ sung giếng, đảm bảo duy trì và nâng cao năng lực khai thác hiện nay của mỏ Sông Đốc.

Ở Công ty Cửu Long JOC, việc áp dụng kinh nghiệm từ thành công của Dự án Sư Tử Vàng Đông - Bắc cho việc đảm bảo tiến độ “Phát triển mỏ Sư Tử Vàng Tây - Nam” và “Phát triển toàn mỏ Sư Tử Trắng” là điểm mấu chốt trong quá trình gia tăng trữ lượng. Với mục tiêu đảm bảo đưa Sư Tử Vàng Tây - Nam vào khai thác theo đúng kế hoạch, một loạt các giải pháp nhằm tận dụng kinh nghiệm từ Sư Tử Vàng Đông - Bắc đang được Cửu Long JOC thực hiện.

Cửu Long JOC tận dụng tối đa đội ngũ quản lý dự án, chuyển từ Sư Tử Vàng Đông - Bắc sang Sư Tử Vàng Tây - Nam; sử dụng toàn bộ thiết kế giàn của Sư Tử Vàng Đông - Bắc kết hợp với một số điều chỉnh cho phù hợp điều kiện tại mỏ Sư Tử Vàng Tây - Nam, rút ngắn giai đoạn thiết kế cơ sở, đảm bảo sớm triển khai mua sắm; tiếp tục thực hiện nối tiếp (roll-over) và kết hợp (farm-in) các hợp đồng mua sắm sẵn có dưới sự ủy quyền của PVN và các bên liên quan; tiếp tục tận dụng năng lực và thiết bị thi công biển từ nhà thầu Vietsovpetro.

Cùng với việc áp dụng kinh nghiệm cho Dự án Sư Tử Vàng Tây - Nam thì thành công của Dự án Sư Tử Vàng Đông - Bắc cũng khẳng định vai trò chủ chốt của các kỹ sư, cán bộ người Việt Nam trong lĩnh vực lập kế hoạch và tiến hành các dự án phát triển mỏ, làm nền tảng cho việc triển khai các dự án tiếp theo tại Lô 15-1 như “Kế hoạch phát triển toàn mỏ Sư Tử Trắng”… góp phần xây dựng hình ảnh, uy tín của PVN cũng như PVEP trong tiến trình mở rộng hội nhập và đầu tư.

Đức Chính

DMCA.com Protection Status