Trải nghiệm một hoạt động hợp tác
Ủy ban Điều phối các chương trình khoa học địa chất Đông và Đông Nam Á (Coordinating Committee for Geosciences Programs in East and Southeast Asia, viết tắt CCOP) là tổ chức liên chính phủ có nhiệm vụ tạo điều kiện và phối hợp thực hiện các chương trình khoa học trái đất áp dụng trong khu vực Đông và Đông Nam Á để góp phần phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống trong khu vực. Để thực thi nhiệm vụ này, CCOP thúc đẩy xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ, trao đổi thông tin và liên kết thể chế cho phát triển bền vững tài nguyên, quản lý địa thông tin, giảm thiểu nguy cơ và bảo vệ môi trường.
CCOP có 14 nước thành viên: Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Myanmar, Papua New Guinea, Philippines, Singapore, Thái Lan, Đông Timor và Việt Nam. Được hỗ trợ bởi 14 nước hợp tác gồm Australia, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Liên bang Nga, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Trụ sở của CCOP ở số 10 Rama, Road 6, Phayathai, Ratchathewi, Bangkok, Thái Lan.
Về nhân sự quản lý, điều hành, các nước thành viên có quyền đề cử nhân sự cho một số vị trí quan trọng. Trước đây Việt Nam đã cử một số cán bộ kỹ thuật đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều phối về địa chất (TS. Nguyễn Hồng Minh, hiện là Bí thư Đảng ủy, Phó Viện Trưởng Viện Dầu Khí).
Về hoạt động, CCOP đã, đang và sẽ triển khai các dự án nghiên cứu, hợp tác tại các nước thành viên. Tại Việt Nam, CCOP đã triển khai các dự án về nghiên cứu nước ngầm, nghiên cứu quản lý, khai thác nguồn nước Sông Hồng, Sông Mekong và một số dự án khác.
Tháng 8/2014, TS Adichat Surinkum, Giám đốc kỹ thuật và ông Simplicio Caluyong, thư ký của CCOP gửi thư tới ủy ban CCOP Việt Nam đề nghị cử 02 cán bộ kỹ thuật có kiến thức tốt và kinh nghiệm về Hệ thống thông tin địa lý (GIS) tham dự khóa học về “Geographic Information System, Application in mapping for geological storage of CO2” tại Viện nghiên cứu Khoa học Trái đất và Khoáng sản Hàn Quốc (Korea Institute of Geoscience and Mineral Resources, viết tắt KIGAM), thành phố Deajeon, Hàn Quốc từ ngày 5-8, 8//2014.
Trên cơ sở đề xuất của Viện Dầu khí và ông Phạm Văn Huy, Phó Trưởng Ban Khoa học Công nghệ PVN, thư ký CCOP Việt nam, TSKH Nguyễn Quốc Thập, Phó TGĐ PVN, đại diện của CCOP Việt Nam đã ra quyết định cử các anh Châu và tôi (Dương Hùng Sơn), cán bộ kỹ thuật Viện Dầu Khí tham dự khóa học này và được CCOP chấp thuận.
Ban tổ chức và các học viên khóa học “CO2 Storage Mapping Program” |
Ban thư ký của CCOP gửi các tài liệu hướng dẫn rõ ràng, chi tiết để hoàn thiện các thủ tục cũng như lộ trình tới KIGAM. Sau khi làm các thủ tục xin bảo lãnh từ KIGAM, chúng tôi xin visa vào Hàn Quốc từ Lãnh sự Quán Hàn Quốc ở Hà Nội và bay từ Hà Nội sang Incheon, sau đó đi xe bus tới Deajeon. Từ sân bay Incheon tới Deajeon khoảng 300km, xe chạy khoảng hơn 2 giờ. Cảm nhận của chúng tôi là xe bố trí chỗ ngồi thoải mái, tiện nghi, đường giao thông hiện đại, các xe lưu thông trật tự, tốc độ cao. Liên tưởng tới thông tin từng biết về quyết tâm của cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee (4 nhiệm kỳ, từ 1963-1979) về xây dựng hệ thống hạ tầng, nhất là xa lộ tại Hàn Quốc cùng với lời giải thích với cấp dưới “Tài nguyên khoáng sản Hàn Quốc nghèo nàn, chúng ta phải hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài bằng hệ thống giao thông hiện đại” (tại thời điểm đó, một số cấp dưới thân tín của ông không đồng tình nhưng sau một thời gian, họ nhận ra tính đúng đắn của ý tưởng trên). Tới Deajeon, xuống xe bus đã thấy TS Byoung Woo Yum của KIGAM đón sẵn và lái xe đưa về nhà khách (DASOM) của Viện.
Khóa học gồm 24 học viên ngành dầu khí và năng lượng của các nước thành viên CCOP từ Đông Nam Á (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Indonexia, Philipin), Hàn Quốc và Trung Quốc. Các học viên rất ấn tượng với lời khai mạc của TS Adichat Surinkum: “Thực hiện tôn chỉ, mục đích của tổ chức, Ban điều hành CCOP tạo điều kiện và cơ hội cho các nước thành viên một cách bình đẳng, không có bất kỳ sự phân biệt nào”.
Về nội dung khóa học, chúng tôi đã được học/thảo luận các kiến thức về tích hợp tương quan địa không gian; Ứng dụng trong nghiên cứu địa chất (sạt lở đất, ngập lụt, núi lửa, vv); Cấu trúc, cách sử dụng phần mềm PostGIS, PostGreSQL, WMS; Nhập, hiện thị dữ liệu không gian theo cấu trúc GIS; Kết xuất dữ liệu trên nền Web (Google Earth, OpenLayer, Portal); Kiến thức về viễn thám; Các dự án thu hồi, tàng chứa CO2 đang triển khai trên thế giới và các nghiên cứu (case study) của CCOP.
Nghiên cứu/thảo luận về dữ liệu viễn thám |
Chúng tôi có nhận xét các giảng viên của CCOP, KIGAM, Cục Địa chất Nhật Bản, có kiến thức sâu rộng, giảng dạy nhiệt tình. Phòng học, trang thiết bị hiện đại (máy tính, máy chiếu, hệ thống internet, vv). Nhà khách (DASOM) nằm trong khuôn viên của KIGAM, tiện lợi, bố trí 01người/ phòng, đầy đủ trang thiết bị thiết yếu, có nhà ăn phục vụ hàng ngày.
Sau 06 buổi học tập/thảo luận tại phòng học, học viên có 01 ngày tham quan Bảo tàng Lịch sử Goongji và làng cổ Jeonju. Chúng tôi nhận thấy người Hàn rất chú trọng bảo tồn các giá trị lịch sử (vật thể, phi vật thể) và làm du lịch rất chuyên nghiệp.
Làng cổ Jeonju |
Kiến thức thu được của khóa học giúp chúng tôi làm việc tốt hơn, góp phần phục vụ sự phát triển của Viện và Tập đoàn. Ngoài ra chương trình fieldtrip (nghiên cứu thực địa) cũng làm cho học viên hiểu biết hơn về lịch sử, văn hóa, con người Hàn Quốc, một đất nước đang là đối tác của Việt Nam nói chung và đối tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng trong lĩnh vực Dầu khí.
Dương Hùng Sơn – Viện Dầu Khí