Trung tướng Nguyễn Hòa: Vị tướng tài ba - Nhà quản lý sáng suốt

14:17 | 07/03/2014

2,281 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trung tướng Nguyễn Hòa, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí đã ra đi ngày 27/2/2014. Ông là vị lãnh đạo đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với ngành Dầu khí Việt Nam. Báo Năng lượng Mới xin giới thiệu cảm nhận của một số cán bộ lão thành, những người từng gắn bó với vị tư lệnh ngành từ năm 1980 đến 1988.

Năng lượng Mới số 302

TS Trần Ngọc Cảnh, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam:

Năm 1979-1980 đối với ngành Dầu khí Việt Nam là năm đầy khó khăn, Đảng và Chính phủ ta đã quyết định hợp tác toàn diện với Liên Xô. Các đoàn chuyên gia của Bộ Công nghiệp khí Liên Xô và Tổng cục Dầu khí Việt Nam bắt đầu nghiên cứu tài liệu các lô ở thềm lục địa phía nam Việt Nam để lập luận chứng đầu tư tiến tới thành lập Liên doanh Dầu khí Việt - Xô - Vietsovpetro. Trong bối cảnh đó, Trung ương cử Trung tướng Nguyễn Hòa, Tư lệnh Quân đoàn 1 về làm Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí (từ đầu năm 1980). Là một tướng quân đội kinh qua trận mạc được điều về một ngành kinh tế - kỹ thuật cao như ngành Dầu khí, Tổng cục trưởng Nguyễn Hòa bên cạnh nhiệm vụ nặng nề điều hành các hoạt động hằng ngày của ngành, ông vẫn đọc và học thêm các kiến thức về dầu khí. Khi đó, tôi đang làm việc ở Công ty Dầu khí I, được biệt phái tham gia đoàn công tác của Tổng cục chuẩn bị thành lập Vietsovpetro nên có dịp gần ông và được ông hỏi về các vấn đề chuyên môn. Là người biết cả tiếng Pháp, tiếng Nga nên việc tìm hiểu của ông cũng nhiều thuận lợi.

Sau khi Vietsovpetro được thành lập (1981), Bộ trưởng Đinh Đức Thiện và Tổng cục trưởng Nguyễn Hòa đã cử rất nhiều cán bộ trẻ của Tổng cục vào công tác tại Xí nghiệp Liên doanh (XNLD) Vietsovpetro và bản thân ông đảm nhiệm luôn vị trí Phó tổng giám đốc thứ nhất của XNLD. Những ngày tháng đầu tiên sau khi lập XNLD là thời gian vất vả của ông vì vừa phải đảm bảo cho các đơn vị trong Tổng cục hoạt động bình thường, vừa phải thúc đẩy mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo người Việt đưa vào làm việc tại XNLD và vừa tiến hành công tác khảo sát địa vật lý, khoan tìm kiếm - thăm dò ở Lô 09 và 16 với mục đích nhanh chóng phát hiện dầu khí, sớm xác định trữ lượng.

trung tuong nguyen hoa vi tuong tai ba nha quan ly sang suot

Trung tướng Nguyễn Hòa

Nhờ sự cố gắng của đội ngũ những người làm công tác dầu khí dưới sự lãnh đạo của ông, ngày 24/5/1984 tại mỏ Bạch Hổ, XNLD đã phát hiện ra dòng dầu công nghiệp đầu tiên. Liên tục sau đó, mỏ Rồng được phát hiện vào ngày 21/6/1985 và mỏ Đại Hùng được phát hiện vào ngày 18/7/1988, mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam.

Song song với công tác thăm dò - thẩm lượng, Tổng cục trưởng Nguyễn Hòa đã thúc đẩy XNLD xây dựng căn cứ hậu cần trên bờ và bắt đầu gia công chân đế giàn khai thác số 1 (MSP-1) đầu tiên ở Việt Nam. Ngày 26/6/1986, tấn dầu thô đầu tiên đã được khai thác lên từ giàn MSP-1 mỏ Bạch Hổ, đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất và xuất khẩu dầu thô trên thế giới.

Có một điều làm Tổng cục trưởng rất trăn trở, đó là công tác nghiên cứu khoa học và thiết kế phục vụ sản xuất của XNLD. Theo quy định của Liên Xô, công tác phân tích, thí nghiệm các mẫu đất đá, mẫu dầu, khí, nước… và các báo cáo tính toán trữ lượng, sơ đồ công nghệ khai thác và thiết kế thi công của mỏ phải do các viện đầu ngành thực hiện. Thời đó XNLD không có viện nên phải chuyển hết sang Liên Xô, rất tốn kém ngoại tệ. Tổng cục trưởng Nguyễn Hòa giao cho tôi làm Trưởng đoàn nghiên cứu chuyên đề, ông bảo: “Phải cố gắng xây dựng một đơn vị có thể đảm nhận được các công việc này ở Việt Nam, cùng lắm chỉ để các viện của Liên Xô thẩm định”.

Thế là từ năm 1983 đến 1986, trong 3 năm, với quyết tâm và chỉ đạo trực tiếp của ông, chúng tôi đã xây dựng nên Viện Nghiên cứu khoa học và Thiết kế dầu khí biển (NIPI morneftegaz) trong Liên doanh, với đội ngũ cán bộ đủ trình độ đảm nhận tất cả các nhiệm vụ nghiên cứu, phân tích, thiết kế cho hoạt động của Liên doanh.

Năm tháng càng trôi đi, chúng ta mới cảm nhận và hiểu hết được sự sâu sắc và tầm nhìn xa trông rộng của Tổng cục trưởng Nguyễn Hòa đối với việc xây dựng ngành Dầu khí non trẻ của Việt Nam cũng như sự tin tưởng bồi dưỡng đối với thế hệ cán bộ trẻ chúng tôi trong những năm tháng ấy.

Hôm nay ông đã đi xa, kính mong ông thanh thản yên nghỉ trong sự kính trọng, biết ơn và thương tiếc của đội ngũ những người làm công tác dầu khí Việt Nam.

Ông Hoàng Xuân Hùng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam:

Vào thời kỳ sau chiến tranh, nhiều vị tướng lĩnh của quân đội được cử sang phụ trách ngành Dầu khí. Chúng tôi từng được nghe nhiều về vị tướng rất nghiêm khắc là Trung tướng Nguyễn Hòa và năm 1980 ông được cử sang làm Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí. Năm đó Hiệp định giữa Việt Nam và Liên Xô về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía nam Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ký kết. Sau đó Hiệp định Dầu khí Việt - Xô năm 1981 - Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro được thành lập là bước ngoặt cho sự phát triển ngành công nghiệp Dầu khí của Việt Nam.

Xuất phát từ tầm quan trọng của Liên doanh, lúc đó nhiều cán bộ trẻ có năng lực được điều động tham gia vào Liên doanh. Tổng cục trưởng Nguyễn Hòa được giao kiêm giữ chức Phó tổng giám đốc thứ nhất của liên doanh. Tôi được cử vào Vũng Tàu làm trợ lý cho bác Hòa kiêm phiên dịch và thư ký cho các cuộc họp Hội đồng Liên doanh.

Đây là giai đoạn phát triển cực kỳ quan trọng của ngành Dầu khí Việt Nam, đó là phát hiện ra dầu khí ở tầng đá móng nứt nẻ phi truyền thống năm 1984, khai thác dòng dầu đầu tiên năm 1986, đưa ngành Dầu khí từ giai đoạn chỉ tìm kiếm thăm dò chuyển sang giai đoạn tìm kiếm thăm dò - khai thác, kinh doanh xuất khẩu dầu thô, làm tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ sau này.

Giai đoạn ban đầu hợp tác Liên doanh còn rất nhiều khó khăn cần bàn bạc, tháo gỡ. Bằng sự mềm dẻo nhưng kiên quyết trong các kỳ họp, đàm phán, Tổng cục trưởng Nguyễn Hòa lúc ấy đã thành công giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc gai góc; đồng thời thuyết phục được phía Liên Xô đồng ý để cho Việt Nam sử dụng toàn bộ khí đồng hành của Liên doanh. Ông đã gây dựng được một tập thể đội ngũ cán bộ trong Liên doanh đồng sức chung lòng, gắn kết bằng nhiều tình cảm xúc động, xây đắp nên một biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô bền vững đến hôm nay.

Trong suốt 8 năm làm việc bên cạnh Trung tướng Nguyễn Hòa, từ Nam ra Bắc, trong công việc lẫn đời thường, tôi có được nhiều kỷ niệm sâu sắc, gắn bó với bác - vị tướng tài ba, nhà quản lý sáng suốt, thông minh, nói đi đôi với làm.

Chúng tôi, những người trí thức trẻ đã trưởng thành chính là nhờ học hỏi được từ bác Hòa tác phong làm việc rất nghiêm túc, kỷ luật cao, quyết đoán và tận tụy, chu đáo, trách nhiệm đến cùng với công việc. Ngành Dầu khí là ngành đòi hỏi tính kỷ luật, trách nhiệm cao, tác phong quân đội của Trung tướng Nguyễn Hòa là rất cần thiết, đặc biệt là vào thời điểm đó.

Trung tướng Nguyễn Hòa với trách nhiệm lớn lao, vô cùng bận rộn nhưng ông luôn dành thời gian quan tâm chăm sóc cho mọi người. Ông sống rất liêm khiết, đức độ, giản dị hòa đồng và đầy lòng nhân ái, chân tình.

Sự ra đi của bác Nguyễn Hòa đối với tôi là một mất mát to lớn. Những ngày tháng làm việc với bác đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu nặng về một trái tim đôn hậu, thấm đẫm tình người, tôi luôn tự hào từng được cùng làm việc với bác, một tấm gương sáng để ghi nhớ và noi theo.

Ông Bùi Hải Ninh, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí:

Tôi là một trong những người về ngành Dầu khí sau anh Nguyễn Hòa vài tháng. Mặc dù anh Hòa làm việc chủ yếu ngoài Hà Nội còn tôi làm việc tại Vũng Tàu nên không có nhiều thời gian tiếp xúc với nhau nhưng tôi còn nhớ rõ anh Hòa là một người nhân ái, công tâm, giản dị và cực kỳ thanh liêm.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi với với anh Hòa chính là sự đề bạt của anh đối với tôi. Khi mới về ngành Dầu khí tôi chỉ là cấp trưởng phòng phụ trách tài chính, hàm vụ phó. Khi đó, tất cả các nguồn lực tập trung vào xây dựng nên cần bổ nhiệm 2 vị trí Phó tổng cục trưởng kiêm Phó ban Quản lý công trình Dầu khí nên mọi người cho rằng sẽ trọng dụng nhân tài về kỹ thuật. Nhưng nhiều người đã bất ngờ khi anh Hòa là người đề bạt tôi vượt cấp lên đảm nhiệm chức Tổng cục phó Tổng cục Dầu khí, Phó trưởng ban Quản lý Công trình Dầu khí Vũng Tàu - Côn Đảo. Công tác đề bạt của anh bất ngờ, rất ít người được biết. Không phụ lòng anh Hòa, chỉ sau vài tháng tôi đã bắt nhịp tốt và chỉ đạo công việc một cách chu toàn.

trung tuong nguyen hoa vi tuong tai ba nha quan ly sang suot

Tổng cục trưởng Nguyễn Hòa (ngoài cùng bên phải) tháp tùng Tổng bí thư Trường Chinh thăm công trường xây dựng chân đế giàn khoan cố định MSP-1

Sau này anh em gặp nhau anh Hòa đã tâm sự là khi ấy cũng có nhiều ý kiến cho rằng sự đề bạt này khá “vội vã” nhưng anh Hòa đã khẳng định rằng, đặt niềm tin đúng người có đầy đủ phẩm chất, đạo đức và chuyên môn cần thiết về kinh tế.

Nhiều lần làm việc với anh Hòa, phẩm chất đạo đức của anh đã ảnh hưởng rất nhiều đến tôi. Đặc biệt khi anh Hòa đã giao việc cho ai, không bao giờ anh can thiệp vào việc đó bởi thời chúng tôi công tác, anh em luôn tin tưởng vào nhau, đặt hoàn thành công việc lên trên hết. Những ai đề cập đến sự “tế nhị” trong công tác đấu thầu, mua bán là chúng tôi sẽ yêu cầu đấu thầu cạnh tranh bình thường hoặc từ chối hợp tác.

Đến khi anh Hòa về hưu anh vẫn giữ lối sống giản dị, những buổi tiệc tùng, họp hành rất hiếm khi anh tham gia. Anh vẫn thường dặn chúng tôi rằng, mình đã được nghỉ rồi, không nên xuất hiện hay can thiệp “làm phiền” anh em.       

Ông Vũ Quang Nam, nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam:

Năm 1980, Trung tướng Nguyễn Hòa về làm Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí và ông Hoàng Xuân Hùng làm thư ký cho ông Nguyễn Hòa. Tôi cũng vinh dự có một thời gian làm thư ký cho Tổng cục trưởng Nguyễn Hòa.

Có thể thấy, Trung tướng Nguyễn Hòa xuất thân là tướng lĩnh quân đội nên trong công tác điều hành, ông rất năng động, làm việc quyết đoán, tính tình vui vẻ, quan tâm đến anh em cấp dưới. Ông là lãnh đạo nhưng lái xe rất giỏi. Khi vội, ông tự lái đi xử lý công việc, không đợi lái xe nữa. Nhiều khi khoảng cách về một vị tướng với một công nhân không còn, như anh em trong nhà, cùng chung một nhịp đập, tìm dầu cho đất nước.

Những năm 80 của thế kỷ trước, Trung tướng Nguyễn Hòa là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội nên ông bận họp thường xuyên. Tối đến, tôi phải mang tài liệu, văn bản dầu khí đến tận nhà ông để trình ký. Những năm tháng gian khó đó thật không bao giờ quên. Trước năm 1986, ngành Dầu khí vẫn chưa tìm ra dầu, cuộc sống khó khăn, Tổng cục Dầu khí từng thành lập một công ty sản xuất đời sống, chuyên trồng lúa ở Phủ Lý, tham gia hoạt động kinh tế khác để chăm lo đời sống cho cán bộ dầu khí. Từ đó, cán bộ công nhân dầu khí yên tâm công tác trong ngành.

Với ngành Dầu khí, Trung tướng Nguyễn Hòa có công rất lớn trong việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro. Năm 1980, Trung tướng là một trong những người đi cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang Liên Xô ký Hiệp định thăm dò dầu khí và thành lập Vietsovpetro. Tiếp đó, Trung tướng là người luôn quan tâm, thúc đẩy mối quan hệ dầu khí với Nga.

Khi đã nghỉ hưu, tôi thường tới nhà thăm sức khỏe Trung tướng thì luôn được ông hỏi han tình hình phát triển của ngành Dầu khí ra sao. Ông thường căn dặn lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn phải đặc biệt quan tâm đến việc tìm kiếm thăm dò dầu khí ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển phía nam Việt Nam. Tôi còn nhớ, ông từng đặt ra câu hỏi: “Tại sao có những giếng dầu, lúc thử vỉa lại phun ra với áp suất lớn nhưng khi khai thác lại cho sản lượng thấp?”. Trung tướng Nguyễn Hòa từng học tập tại Nga nên ông cũng quan tâm đến đời sống của cán bộ, công nhân Nga đang làm việc tại Tập đoàn. Có một điều thú vị về Trung tướng là ông không phải là “dân địa chất” nhưng rất thích nghe chuyện địa chất dầu khí.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Tổng cục Dầu khí:

Từng chỉ huy từ đại đội đến cấp quân khu, quân đoàn, Trung tướng Nguyễn Hòa gần như không gặp trở ngại với việc điều về một ngành mới toanh như dầu khí. Đối với công tác cán bộ, Trung tướng luôn để tâm một cách đặc biệt. Sau khi nhận nhiệm vụ, công việc đầu tiên là ông rà soát lại nhân sự, bỏ nhiều thời gian tâm sự, tiếp xúc với cán bộ trong ngành, từ người giữ vị trí thấp nhất, để hiểu rõ hơn về ngành, về tâm tư nguyện vọng cán bộ.

Ông tâm sự rằng, ông đảm nhiệm một lúc hai vị trí Tổng cục trưởng - Phó tổng giám đốc thứ nhất Vietsovpetro là để phục vụ công tác chuẩn bị nhân sự đón đầu yêu cầu mới của ngành. Sự có mặt của một vị Ủy viên Trung ương là Trung tướng từng chỉ huy nhiều chiến dịch lớn trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc trong Liên doanh đầu tiên của nền kinh tế giúp vị thế của “phía ta” được nâng lên rõ rệt. Công việc thường xuyên và liên tục ở Vietsovpetro là ông luôn yêu cầu các kỹ sư, công nhân Việt Nam bám sát chuyên gia Liên Xô để học hỏi kinh nghiệm và chuyên môn.

Đặc biệt, với công tác cán bộ, phẩm chất đạo đức là điều Trung tướng Nguyễn Hòa hết sức chú trọng, thậm chí là hàng đầu. Công thức: phẩm chất - tài năng - trí tuệ - đào tạo - thực tế được ông áp dụng cho mọi vị trí, mọi đơn vị và có lẽ còn nguyên tính thời sự của ngày hôm nay…

Sau chuyến thăm Baku (Azerbaijan) và một số “rốn” dầu của Liên Xô (cũ) vào năm 1986, Tổng cục trưởng Nguyễn Hòa đã thúc giục hàng loạt cán bộ kỹ thuật ngành Dầu khí Việt Nam xuất ngoại để học tập và chuẩn bị đón đầu tình hình mới.

Nhóm phóng viên

DMCA.com Protection Status