TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội DKVN: Cần xem xét mở rộng đối tượng mua bán điện trực tiếp đối với điện khí

08:02 | 11/06/2024

6,154 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trao đổi với Tạp chí Năng lượng Mới/PetroTimes về Dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán được trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn do Bộ Công Thương soạn thảo và đưa ra lấy ý kiến vừa qua, TS. Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, rất cần thiết rà soát tổng thể, căn cứ vào tình hình thực tế khách quan, những phản ánh/phản hồi của các doanh nghiệp/đơn vị đầu tư trong lĩnh vực điện, cũng như mong muốn, nhu cầu của các khách hàng sử dụng điện lớn để xem xét mở rộng đối tượng mua bán điện trực tiếp.

PV: Vừa qua, Bộ Công Thương đã soạn thảo và đưa ra Dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán được trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, Chủ tịch đánh giá như thế nào về dự thảo này?

TS. Nguyễn Quốc Thập
TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam

TS. Nguyễn Quốc Thập: Dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán được trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA) đã được Bộ Công Thương xây dựng trên tinh thần tạo điều kiện và tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách cho các tổ chức, doanh nghiệp trong việc phát triển dự án điện năng lượng tái tạo, cũng như các khách hàng sử dụng điện lớn.

Theo khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy có khoảng 20 doanh nghiệp lớn mong muốn mua điện trực tiếp (như Samsung, Heineken, Nike có nhu cầu tham gia mua bán điện trực tiếp với đơn vị phát điện, với tổng sản lượng tiêu thụ bình quân tháng đều lớn hơn 1.000.000 kWh mỗi tháng), tổng nhu cầu gần 1.000 MW). Cùng đó, có 24 dự án năng lượng tái tạo với công suất 1.773 MW muốn bán điện qua cơ chế DPPA, 17 dự án có công suất 2.836 MW cân nhắc tham gia. Từ đó tác động tích cực vào sự cạnh tranh trong ngành năng lượng, giúp giải quyết vấn đề về cung cầu năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), giảm gánh nặng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc đầu tư các nguồn phát, đường dây truyền tải; đồng thời thúc đẩy sự tham gia đầu tư nhiều hơn của các doanh nghiệp tư nhân, góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo, gia tăng phụ tải/sản lượng điện cung cấp cho nền kinh tế, giảm nguy cơ thiếu điện toàn hệ thống và cục bộ.

Tuy nhiên, để giải quyết một cách tổng thể, toàn diện hơn nữa về cơ chế chính sách liên quan đến công tác phát triển các dự án điện nói chung theo Quy hoạch Điện VIII và Quy hoạch Năng lượng Quốc gia, thì ngoài các dự án phát triển điện năng lượng tái tạo, rất cần thiết rà soát tổng thể, căn cứ vào tình hình thực tế khách quan, cũng như những phản ánh/phản hồi của các doanh nghiệp/đơn vị đầu tư trong lĩnh vực điện, cũng như mong muốn, nhu cầu của các khách hàng sử dụng điện lớn, thì dự thảo Nghị định cũng cần có cách tiếp cận toàn điện nhằm tháo gỡ những trở ngại đã và đang hiện hữu.

PV: Được biết, vừa qua góp ý cho dự thảo Nghị định trên, Hội Dầu khí Việt Nam đưa ra ý kiến về việc mở rộng đối tượng mua bán điện trực tiếp đối với điện khí, Chủ tịch có thể cho biết các quan điểm của Hội?

TS. Nguyễn Quốc Thập: Liên quan đến Quy định về cơ chế phát triển dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG do Bộ Công Thương soạn thảo, ngày 02/5/2024, Hội Dầu khí Việt Nam đã có Công văn gửi Bộ Công Thương, Ban soạn thảo Nghị định để tham gia đóng góp một số ý kiến nhằm hoàn thiện hơn trong quá trình soạn thảo và ban hành chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển và hoạt động có hiệu quả.

Tuy nhiên, cơ chế nêu trên hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Để sớm tạo điều kiện trước mắt, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức trong đầu tư phát triển điện khí thiên nhiên và LNG (bao gồm cả chuỗi từ chủ các mỏ khí, nhập khẩu LNG, chủ kho cảng LNG, vận chuyển, tái hóa khí), cũng như đảm bảo các dự án hoạt động hiệu quả (do hiện nay việc cung cấp đủ nguồn khí thiên nhiên trong nước cho các dự án điện khí trên thực tế là không đảm bảo do việc khai thác khí từ các nguồn khí trong nước ngày một cạn kiệt, có dự án điện khí đã phải sử dụng nguồn khí nhập khẩu theo giá thị trường thế giới với mức chi phí mua khí, chi phí vận chuyển ngày một tăng như nhà máy điện khí Cà Mau đã phải mua khí từ nguồn khí PM3 – CAA (Chủ mỏ Petronas - Malaysia) với mức giá neo theo dầu trên thị trường thế giới để đáp ứng nhu cầu sản xuất điện. Nếu EVN phải là người mua duy nhất thì Điều lệ và cơ chế tài chính hiện tại của EVN cũng chưa đủ cơ sở để họ hoàn thành đàm phán, ký kết các Hợp đồng mua khí và mua bán điện (như đã và đang diễn ra) với các chủ thể trong chuỗi dự án. Do vậy Hội Dầu khí Việt Nam kiến nghị xem xét, mở rộng đối tượng mua bán điện trực tiếp đối với điện khí trong dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) lần này.

LNG được nhập khẩu để làm nhiên liệu cho sản xuất điện, góp phần đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao trong cao điểm nắng nóng vừa qua
LNG được nhập khẩu để làm nhiên liệu cho sản xuất điện, góp phần đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao trong cao điểm nắng nóng vừa qua

PV: Vừa qua, Bộ Công Thương (đơn vị soạn dự thảo nghị định trình Chính phủ) đã công bố dự thảo nghị định được xây dựng nhằm cụ thể hoá Quy hoạch điện VIII. Theo tinh thần chỉ đạo, Chính phủ đồng ý nguyên tắc cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện của các nhà máy điện, trong khi đó nhập khẩu LNG phải theo thông lệ mua bán quốc tế, theo cơ chế giá thị trường, vậy theo Chủ tịch giá điện khí LNG có cần phải theo thị trường để phù hợp với giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện?

TS. Nguyễn Quốc Thập: Để đảm bảo việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 theo Nghị quyết số 41-NQ/TW đã có nhiều chính sách được Bộ Chính trị, Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt/chấp thuận nhằm tạo điều kiện có ngành Dầu khí đạt được Chiến lược phát triển đã đề ra, trong đó một trong các chính sách và nội dung quan trọng là thực hiện cơ chế chuyển ngang giá và sản lượng khí làm nhiên liệu đầu vào cho các dự án sản xuất điện. Theo đó, được giao cho Bộ Công Thương chủ trì có hướng dẫn. Hiện nay, Bộ Công Thương đang trong quá trình hoàn thiện để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với các dự án điện khí, chi phí nhiên liệu đầu vào cho SX điện (LNG nhập khẩu) chiếm khoảng từ 70-80% giá thành SX điện. Bên cạnh đó việc nhập khẩu LNG phải theo thông lệ mua bán quốc tế, theo cơ chế giá thị trường. Do vậy để đảm bảo khả năng thu hồi vốn cũng như hiệu quả của dự án điện khí, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư trong việc thu xếp vốn cho dự án, cũng như tìm kiếm, thu xếp và ký kết các hợp đồng mua LNG dài hạn với mức giá hợp lý nhằm giảm giá thành sản xuất điện thì giá điện khí LNG cần phải theo thị trường để phù hợp với giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện, cũng như giá thành SX điện.

PV: Theo Quy hoạch điện VIII, tỷ lệ điện khí nói chung, điện LNG nói riêng chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nguồn điện và có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện quốc gia. Cụ thể, đến năm 2030, điện khí và LNG sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, trong đó nhiệt điện khí là 14.930 MW, chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG là gần 22.500 MW, chiếm 14,9%. Vậy theo Chủ tịch cần có cơ chế giá như thế nào để có thể thu hút, đẩy mạnh đầu tư điện khí đáp ứng các mục tiêu theo Quy hoạch?

TS. Nguyễn Quốc Thập: Theo Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì điện khí nói chung, điện LNG nói riêng chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nguồn điện. Trong giai đoạn trước đây, vừa qua lĩnh vực điện khí đã được Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ban ngành quan tâm, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, ban hành nhiều cơ chế chính sách, trong đó bao gồm cơ chế chính sách đặc thù nhằm giải quyết kịp thời cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động ngày một thuận lợi hơn (Thường trực Chính phủ đã có ý kiến đồng ý về nguyên tắc chuyển ngang giá khí sang giá điện đối với dự án Lô B, Cá Voi Xanh, LNG Nhơn Trạch 3 và 4).

Để thu hút các chủ đầu tư, đẩy mạnh phát triển điện khí nhằm đáp ứng được mục tiêu Quy hoạch điện VIII đã đề ra, theo quan điểm của Hội Dầu khí Việt Nam thì ngoài cơ chế chính sách đã được Nhà nước ban hành, tháo gỡ thì một số các khó khăn, vướng mắc hiện tại trong quá trình thực hiện, vận hành các dự án điện khí vẫn cần được các Cơ quan Quản lý Nhà nước tiếp tục có nghiên cứu, hướng dẫn, ban hành hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp/tổ chức trong quá trình hoạt động, cũng như nâng cao hiệu quả, đảm bảo khả năng thu hồi vốn, cũng như thu hút được các Nhà đầu tư thì một số các chính sách/cơ chế cần sớm được ban hành, hướng dẫn. Cụ thể như: Cơ chế bao tiêu/cam kết sản lượng điện phát hàng năm (Qc) dài hạn; Cơ chế/hướng dẫn trong việc chuyển ngang giá khí sang giá điện; Chính sách, khung giá phát điện cho Nhà máy phát điện khí LNG; Về xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhập khẩu LNG (hiện tại còn thiếu để đảm bảo mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch Điện VIII)…

Bên cạnh đó, về cước phí nhập khẩu, tồn trữ và tái hóa LNG: Luật Giá hiện hành chưa quy định cước phí nhập khẩu, tồn trữ, tái hóa LNG thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá nên cước phí này sẽ được các bên liên quan đàm phán và thống nhất. Đây cũng là một trong những vướng mắc lớn ảnh hưởng đến việc đàm phán ký kết các hợp đồng mua bán khí LNG và điện tương ứng do các bên khó thống nhất mức cước phí vì mâu thuẫn lợi ích giữa chủ đầu tư kho cảng LNG và các nhà máy điện bên mua điện…

Công nhân lao động trên công trường dự án Điện Nhơn Trạch 3 và 4
Công nhân lao động trên công trường dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4

PV: Theo Chủ tịch, việc mở rộng thị trường cũng như đối tượng mua bán điện trực tiếp có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng ngày càng mạnh mẽ, nhiều khách hàng có nhu cầu sử dụng năng lượng xanh, sạch hơn trong sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất xanh cho hàng hóa xuất khẩu sang các nước phát triển, như thị trường châu Âu?

TS. Nguyễn Quốc Thập: Xu hướng chuyển dịch năng lượng là tất yếu trên thế giới do các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt và bị tác động, ảnh hưởng nhiều đến từ yếu tố địa chính trị. Ngoài ra, việc sử dụng năng lượng xanh đã được nhiều nước trên thế giới quan tâm và thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu. Do vậy xu hướng chuyển dịch năng lượng ngày càng diễn ra mạnh mẽ ở các nước, trong đó có Việt Nam. Do vậy, Cơ chế DPPA giúp doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu có thể tiếp cận, sử dụng điện/năng lượng tái tạo trong sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn, sớm đạt chứng chỉ xanh gắn cho hàng hóa sớm hơn là điều tốt sẽ giúp doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh trên toàn cầu ( Cụ thể như: Ngày 1/10/2023, Liên minh châu Âu (EU) ra thông báo sẽ áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ở giai đoạn chuyển tiếp. Đây là công cụ chính sách của EU nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước xuất khẩu).

PV: Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

TS Nguyễn Quốc Thập: Cần cập nhật, hiệu chỉnh Dự thảo Nghị định về đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực Dầu khí TS Nguyễn Quốc Thập: Cần cập nhật, hiệu chỉnh Dự thảo Nghị định về đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực Dầu khí
TS. Nguyễn Quốc Thập: Sáu nhóm giải pháp phát triển điện khí LNG tại Việt Nam TS. Nguyễn Quốc Thập: Sáu nhóm giải pháp phát triển điện khí LNG tại Việt Nam
Hội Dầu khí Việt Nam kiến nghị mở rộng đối tượng mua bán điện trực tiếp Hội Dầu khí Việt Nam kiến nghị mở rộng đối tượng mua bán điện trực tiếp

Nhóm PV

DMCA.com Protection Status