Từ binh nhì đến tư lệnh (Kỳ II)

09:20 | 28/11/2011

92 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Chợt tôi lẩn thẩn ngẫm thêm, có không ít người nói ông Thực cầm tinh Ngọ, có tài nhưng phải đi xa thì mới nên nghiệp?! Lời phán ấy hình như hơi bị... đúng? Ngành tìm kiếm, khai thác dầu khí là thường phải xa nhà, xa đất liền. Chả từng phải bay trực thăng qua gần hai trăm hải lý bể khơi mới chạm mặt với những giếng dầu đó sao?

>> Từ binh nhì đến tư lệnh (Kỳ I)

Ghi chép của Xuân Ba

(Tiếp theo và hết)

Sau thời điểm Trạm Xử lý khí Tiền Hải góp cho đất nước những kilôoát điện quý giá thì kỹ sư Phùng Đình Thực chia tay với Tiền Hải. Năm 1983, Phùng Đình Thực thường xuyên bay ra giàn khoan Bạch Hổ cách Vũng Tàu 130km với nhiệm vụ mới, chuẩn bị cho việc khai thác dầu khí.

Khi ấy mới có 5 người trong biên chế của Phòng Công nghệ khai thác tại Vietsovpetro. 2 công dân Liên Xô, 3 công dân Việt Nam. KS Phùng Đình Thực là Phó trưởng phòng. Không hề gấp gáp, vẫn chất giọng điềm đạm tựa hồ những gian khó chẳng phải là đáng kể lắm của những ngày đầu tiên cho phun lên dòng dầu trong lòng biển Đông.

Công tác chuẩn bị khai thác được thực hiện hết sức khẩn trương với khối lượng công việc khổng lồ, tập trung xây dựng hệ thống công nghệ khai thác lắp trên giàn MSP-1, rồi hệ thống thiết bị lòng giếng, dầu giếng, thiết bị xử lý tách khí, chống đông, hệ thống bơm, các ống vận chuyển ngầm, tàu chứa dầu Chí Linh. Việc thì nhiều, diễn ra liên tục cả ngày và đêm. Các cuộc giao ban thường xuyên diễn ra ngay trên công trường.

TS Phùng Đình Thực, thành viên Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm Ucraina

Ngày 20/6/1986, công việc chuẩn bị khai thác cơ bản hoàn thành. Vào ngày 26/6/1986, dòng dầu công nghiệp đầu tiên được khai thác từ mỏ Bạch Hổ. Có mặt tại phòng điều hành trên giàn khai thác những ngày đầu ấy là chuyên gia cán bộ Liên Xô và các kỹ sư Phùng Đình Thực, Trần Văn Hồi, Nguyễn Hữu Trung…

Sự kiện ấy là dấu son trên lộ trình chinh phục thềm lục địa Việt Nam và là bước nhảy vọt lớn nhất của những người thợ dầu khí. Với KS Phùng Đình Thực, đầu năm 1987 cũng là một dấu ấn khó quên của 10 năm làm dầu khí, ông được giữ cương vị Cục phó Cục Khai thác dầu thuộc Vietsovpetro khi ấy mới thành lập. Nhưng những gian nan của cái nghề ăn cơm dương gian làm việc âm phủ giữa trùng khơi vẫn không hề giảm bớt. Công việc xây dựng được triển khai trên biển liên tục gặp sóng gió bão tố. Nên nhớ thời điểm ấy việc lùng kiếm những thiết bị công nghệ rất khó do điều kiện cấm vận ngặt nghèo. Chẳng hạn như thiết bị đo sâu. Anh em phải khắc phục bằng hệ thống tời tay. Rồi ngay cả hệ thống đuốc (phaken) chỉ dấu của các giàn khoan của giếng dầu đang hoạt động, không có thiết bị tự động phải mạo hiểm trèo lên tận nơi để châm lửa. Rồi dầu Bạch Hổ là dầu ngọt nên hàm lượng pharaphin lớn, nhiệt độ đông đặc cao, vận chuyển phức tạp thường bị đông đặc gây tắc đường ống. Sáng chế phương pháp xử lý dầu nhiều pharaphin để vận chuyển bằng đường ống ngầm của tập thể kỹ sư Xô – Việt, trong đó có đóng góp của Phùng Đình Thực đã mang lại hiệu quả lớn. Bằng nhiều cố gắng ấy, năm 1986 Bạch Hổ mới góp được 0,04 triệu tấn dầu nhưng năm 1990 đã khai thác được 2,7 triệu tấn.

…Tôi nhớ mình đã thoáng nghĩ đến những dòng trích ngang của Ban Giám hiệu Trường THPT Hoằng Hóa I về Tiến sĩ khoa học Phùng Đình Thực trong âm thanh hơi chói gắt trên chiếc máy bay trực thăng MI.8 bay từ thành phố Usinxco của vùng Cực Bắc để đến khu dầu mỏ Nhenhezky của nước Nga. Ông chánh kỹ sư người Nga đi cùng nói như hét: “Ông Phùng Đình Thực đã ngồi máy bay này!”.

Ông chánh kỹ sư này có trí nhớ bền và cũng hơi bị câu nệ. Khu mỏ dầu Nhenhezky có đội trực thăng 6 cái MI-8. Ông Phùng Đình Thực, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, đơn vị Liên doanh với Nhenhezky mang tên RusVietPetro từng bay đến Nhenhezky này thì cái trực thăng nào cũng hao hao, na ná như nhau? Cũng ngồ ngộ khi trong chuyến đi, ông Chánh cứ một điều ông Thực, hai điều ông Thực… Đợi máy bay ở Vnucovo bay đến Usinxco, cũng “ông Thực đã đợi với chúng tôi”. Ngủ ở một khách sạn xập xệ ở thành phố Usinxco cũng “lần trước ông Thực đã ngủ ở chỗ này”. Xục ủng xuống khoảng tuyết ngập tận đầu gối trên khu mỏ dầu Nhenhezky cũng “ông Thực đã lội tuyết như chúng ta” nhưng có thêm cái câu “ông Phó thủ tướng Việt Nam cùng đi với chúng tôi…”.

Hóa ra ông chánh kỹ sư đang nhắc đến lần ông Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tháp tùng Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đi mỏ Nhenhezky.

Chợt tôi lẩn thẩn ngẫm thêm, có không ít người nói ông Thực cầm tinh Ngọ, có tài nhưng phải đi xa thì mới nên nghiệp?! Lời phán ấy hình như hơi bị… đúng? Ngành tìm kiếm, khai thác dầu khí là thường phải xa nhà, xa đất liền. Chả từng phải bay trực thăng qua gần hai trăm hải lý bể khơi mới chạm mặt với những giếng dầu đó sao? Lại nữa, thời làm dầu khí, trật như ông Thực, ông Thăng phải tít mít tận Venezuela, tận sa mạc Trung Phi Algeria v.v… Bây giờ là tít tắp Nhenhezky vùng Cực Bắc nước Nga theo chiến lược đầu tư ra nước ngoài để đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia.

Đồng chí Phùng Đình Thực đang trình bày tại một Hội thảo khoa học

Và phải gì nữa, là người giỏi, người cứng thì mới khiển được cương ngựa? Ông Thăng sắc sảo đôi lúc cương cường nhưng bù lại có ông Thực. Sự sắc xảo ẩn dưới bề mặt nhu mỳ nhân hậu. Phải khéo tìm, khéo bới thì mới phát lộ ra thứ “sa trung kim” (vàng trong đất cát)? Nếu trời trót tạo dựng mỗi cá nhân chưa có hai phẩm chất cương nhu hài hòa thì may có được cặp bài “cương nhu Thăng – Thực” để mà song hành với cơ chế, để mà góp dựng cái nghiệp lớn dầu khí nước nhà? Có không ít những xì xào này khác tỉ như, nếu mai kia ông Thăng ở cương vị công tác khác thì ngành Dầu khí sẽ tự nhiên làm cái việc tái cơ cấu lại!? Đã chẳng những nhỡn tiền “tân quan tân cơ cấu” đó thôi? Nhưng bằng trực giác, tôi cứ nghiêng về phía số đông rằng, cái cơ cấu mà ông Thăng cùng ông Thực dựng nên lâu nay ở PVN, dẫu một trong hai vị có sự chuyển đổi này khác thì giềng mối ấy, trật tự ấy, cơ cấu ấy, từng lâu nay đem lại sự ổn định và phát triển cho ngành thì họa có rồ người ta mới phá để cơ cấu lại?

Lẩn thẩn một tí cho vui kiểu ăn cơm tấm bàn chuyện triều đình.

Thế mà đánh nhoáng, có sự đổi thay thật. Đổi thay ấy là khâu nhân sự. Ông Thăng thăng lên chức Bộ trưởng Bộ GTVT. Ông Thực thay chỗ ông Thăng.

Chưa tròn tháng từ khi Thủ tướng ký những quyết định bổ nhiệm ấy, tôi thấy trên chiếc chuyên cơ của Vietnam Airlines, vị trí của thành viên chính thức Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi thăm hữu nghị chính thức Vương quốc Hà Lan, CH Uzbekistan và CH Ucraina có ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Gánh cái tên mình

…Tôi dụi mắt, lơ mơ ngó đồng hồ. 4 giờ sáng giờ Hà Lan. Tầm này bên nhà đã là 9 giờ! Anh bạn đồng nghiệp cùng phòng đánh thức dậy nhờ cái laptop nối mạng của tôi truyền về bài viết, áng chừng anh đã hoay hoay suốt từ tối đến giờ. Thân phận báo chí tháp tùng là vậy. Chỉ được chập chờn vài tiếng. Cái lơ mơ của chuệch choạc lệch múi giờ, cái xộc xệch của đồng hồ sinh học. Luôn dằn bụng bằng mì gói trần nước sôi. Thường nhật là thế nhưng tinh nói chuyện to tát cỡ tỉ USD ngành Dầu khí như bạn mình chả hạn…

Tôi thử ngó qua.

Shell sẽ tái xuất hoành tráng tại Việt Nam?

Sáng 29/9/2011 tại Hague Hà Lan đã diễn ra sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ngài Peter Voser, Chủ tịch Tập đoàn Shell. Vị Chủ tịch Tập đoàn toàn cầu hùng mạnh (mỗi năm có trên 100 tỉ USD lợi nhuận) với biểu tượng hình con sò này đã hiện diện và trực tiếp ký kết một số văn bản hợp tác quan trọng với ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Diễn đàn Hợp tác Năng lượng dầu khí Việt Nam – Hà Lan trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Hà Lan, Maxime Verhagen. Nhân sự kiện này Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phùng Đình Thực đã trả lời phỏng vấn của chúng tôi.

Xin chúc mừng ông vừa được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Có lẽ hoạt động đối ngoại đầu tiên ở cương vị mới hôm nay ông là yếu nhân trong Diễn đàn hợp tác năng lượng Dầu khí Việt Nam và Hà Lan… Xin ông chia sẻ những thông tin cơ bản về Diễn đàn này với sự có mặt của Thủ tướng Việt Nam và Phó thủ tướng Hà Lan cũng như sự hiện diện của ngài Chủ tịch Tập đoàn Royal Dutch Shell, Peter Voser?

Đồng chí Phùng Đình Thực phát biểu tại Diễn đàn Dầu khí và Năng lượng tại Hà Lan

Diễn đàn Hợp tác Năng lượng dầu khí Việt Nam – Hà Lan được tổ chức trọng thể tại thủ đô Hà Lan nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Hà Lan nhằm thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực trong đó có dầu khí. Tại diễn đàn này các bên liên quan sẽ trao đổi nhiều vấn đề hợp tác năng lượng và dầu khí. Đặc biệt sẽ diễn ra lễ ký về thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Royal Dutch Sell về hợp tác trong lĩnh vực dầu khí giữa Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Chủ tịch Tập đoàn Royal Dutch Sell Peter Voser. Sau đó cũng diễn ra Lễ ký Ý định thư giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhóm các Công ty tổ chức tham gia chương trình AETN (Advanced Enerery Technology Internationnal) về hợp tác đào tạo nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ với Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam. Tại diễn đàn này cũng diễn ra Lễ ký giữa Trường đại học Dầu khí Việt Nam và Trường Công nghệ Delft về hợp tác đào tạo. Biên bản ghi nhớ giữa Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí (PVE) và Tập đoàn Royal Hanoning của Hà Lan. Các Lễ ký diễn ra với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Hà Lan Maxime Verhagen.

Như vậy sau nhiều năm vắng bóng trên thị trường Việt Nam, với một số văn bản vừa được ký kết với PVN, Shell đã tái xuất hoành tráng?

Như mọi người đều biết, Shell là tập đoàn năng lượng và hóa dầu hàng đầu thế giới. Số nhân viên của Tập đoàn khoảng 104.000 người, hoạt động tại hơn 110 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Sau khi Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1988, Shell gia nhập thị trường Việt Nam. Khi đó, Shell ký kết hợp đồng phân chia sản phẩm đầu tiên để thăm dò dầu khí ngoài khơi Đà Nẵng và sau đó là ngoài khơi Vũng Tàu. Tuy vậy, tầm vóc đầu tư còn nhỏ lẻ. Những thỏa thuận đã ký hôm nay với Shell sẽ mở ra triển vọng lẫn cơ may rất lớn về sự hợp tác làm ăn giữa Shell và PVN. Nhà báo nói hoành tráng như thế nào thì chưa biết bởi rất nhiều việc đang còn ở phía trước… Chẳng hạn như các lĩnh vực thăm dò, những thỏa thuận khai thác dầu khí, nâng cao hệ số thu hồi dầu, cung cấp hệ thống khí hóa lỏng, giáo dục đào tạo v.v… Sắp tới, các bên sẽ tích cực triển khai những phần việc cụ thể để thực hiện những thỏa thuận nói trên.

Thưa ông, một số đối thủ của Shell như BP và ConocoPhillips trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân trong đó có việc tái cơ cấu đầu tư toàn cầu đã làm cái việc bán tài sản của họ tại Việt Nam, trong khi đó Shell lại làm cái việc tái xuất. Shell tìm thấy gì ở thị trường Việt?

(Cười) Việc này nhà báo nên tìm hiểu đại diện của Shell trong hội thảo này… Nhưng con số tăng trưởng của PVN trong thời gian qua với việc đóng góp cho ngân sách quốc gia cùng với việc đầu tư trên 20 quốc gia vùng lãnh thổ và hợp tác làm ăn ngày càng hiệu quả với tổng mức đầu tư trên 15 tỉ USD với nhiều tập đoàn dầu khí mạnh trên thế giới… có lẽ đã làm nên sự hấp dẫn lẫn quyết định đúng cho đối tác. Sự có mặt của những giàn khoan hợp tác Ấn Độ mới đây và Shell sắp tới có lẽ thềm lục địa Việt sẽ bớt trống lạnh. Phên dậu biển Đông sẽ được đan cài thêm chặt!

Có cảm giác, lần công cán đầu tiên ở xứ người với cương vị Tư lệnh ngành của TS Phùng Đình Thực khá là hanh thông? Nhưng nếu có chút hên may chi đó thì cũng là từ bệ phóng vững chãi bề thế, là thương hiệu của PVN tạo dựng bấy lâu nay trong đó có ông? Là tư lệnh ngành, hơn ai hết, ông biết lối đi của PVN trong cuộc viễn chinh dầu mỏ ở xứ người đã trở nên chật hẹp. Những sải chân của đội quân PVN, do nhiều nguyên nhân đã trở nên chậm chạp trong quyết sách chiến lược an ninh năng lượng quốc gia? Những sự muộn màng, thậm chí cơ nhỡ ấy đặt lên vai thế hệ làm dầu khí bao thứ nặng nề gian nan này khác! Nhưng chả thể khác đi được điều bất biến này là sau ông, đằng sau PVN là những chỉ tiêu về giao nộp ngân sách, góp nên sinh khí vẽ thành diện mạo một quốc gia. Ngó vẻ ngoài bình thản cố hữu từng chứng kiến trên ghế bữa bay về, tôi như thoáng thấy những bời bời nỗi lo này khác?

…Anh bạn đồng nghiệp nhân lúc ông Thực đang rảnh liền nhoai người sang. Câu chuyện lúc đứt lúc nối trên chuyên cơ chặng về, khởi đầu bằng chuyện PVN đang làm ăn tận châu Mỹ Latinh, thử trích một đoạn chắp nối ấy ngó hao hao như một cuộc phỏng vấn?

Thưa ông, việc làm ăn xa của PVN có phải là cứu cánh của chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia?

Điều bạn nói chỉ là một phần nhỏ. Nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt là PVN phải lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi giai đoạn I (đến năm 2015) của chiến lược tăng tốc phát triển.

Năm nhiệm vụ của chiến lược là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Lọc hóa dầu; Công nghiệp khí; Công nghiệp điện; Dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Trong đó công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác là trọng tâm cốt lõi. Đưa những mỏ mới vào khai thác sẽ tạo những bước nhảy vọt mới kéo theo các lĩnh vực khác cùng phát triển. PVN phải đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí cả trong nước và nước ngoài. Trong nước, bên cạnh khu vực truyền thống phải phát triển ra khu vực mới nước sâu và xa bờ. Ở nước ngoài địa bàn hoạt động của PVN là Liên bang Nga, các nước SNG Uzbekistan, Azerbaijan, Kazakhstan. Khu vực Châu Mỹ Latinh với trung tâm Venezuela, khu vực châu Phi Đông Nam Á…

Cụ thể để thực hiện chiến lược tăng tốc phát triển là gì? Thưa Chủ tịch?

Tập đoàn sẽ tập trung nỗ lực cho 3 nhiệm vụ trọng tâm mà chúng tôi gọi là ba giải pháp đột phá. Giải pháp về con người. Giải pháp về khoa học công nghệ và giải pháp về quản lý. Chăm lo đến con người chính là chăm lo đến thành tố quan trọng nhất của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chúng tôi phải đồng thời giải hai bài toán vừa phải đáp ứng cho nhu cầu cán bộ cho giai đoạn trước mắt, đồng thời phải chuẩn bị cho lực lượng lâu dài. Phải đào tạo đồng bộ cả ba loại cán bộ lãnh đạo, khoa học công nghệ đầu ngành, quản lý sản xuất kinh doanh. Đào tạo để đáp ứng 3 mục tiêu hướng tới hiện đại chuyên nghiệp, hướng ra thế giới và hướng tới tương lai.

Thưa Chủ tịch, ở cương vị công tác mới, Chủ tịch sẽ có những đột phá gì trong phương châm hành động?

Chúng tôi luôn tâm đắc lời dặn của Bác Hồ với cụ Phó chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng trong lúc vận nước gian nan Dĩ bất biến ứng vạn biến. Điều bất biến của chúng tôi là ngành Dầu khí phải ổn định và phát triển bền vững. Hằng ngày, không riêng tôi mà các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn khi giải quyết công việc phải tự hỏi làm việc này, giải pháp nọ có góp phần cho sự ổn định phát triển? Nếu ổn định phát triển thì làm nếu không ổn định làm rối lên thì kiên quyết nói không!

vv…

Tôi không rõ 34 năm, quãng thời gian ấy là ngắn hay dài với một cán bộ ngành Dầu khí? Và cụ thể với ông, một yếu nhân của ngành thì là hanh thông hay bình thường? Nhưng nhớ lại nhận xét của ông Hồ Tế từ một binh nhì, một cán bộ kỹ thuật bình thường, Phùng Đình Thực đã trở thành một tư lệnh ngành. 34 năm từ “binh nhì” lăn lộn với thực tế ngoài Bắc – trong Nam, trên bờ – dưới biển, trở thành TSKH đầu ngành khai thác dầu khí, rồi Tổng giám đốc đến Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đó là hành trình Phùng Đình Thực lớn lên cùng ngành Dầu khí Việt Nam. Thời gian với ai đó có thể tấp lên đầu một mớ tóc trắng và sống lâu lên lão làng nhưng với Phùng Đình Thực, 34 năm đã qua, quỹ thời gian ấy ông đã chi dùng cho những thứ công việc mà tôi chắc ông chẳng bao giờ phải hối tiếc? Người ta nói con người có hai cái ngã rẽ lớn nhất của cuộc đời là chọn nghề và chọn vợ. Nhưng dường như ông đã may mắn được chọn đúng cái nghề của mình? Ban nãy, nghe loáng thoáng anh bạn đồng nghiệp nói với ông về chiến lược đào tạo cán bộ ngành Dầu khí, trong câu chuyện thân mật có gạ ông nói chi tiết về những công trình nghiên cứu của TSKH Phùng Đình Thực, ông chỉ mỉm cười khiêm tốn nói rằng, để một dịp thuận tiện rồi lảng sang chuyện khác. Nhưng qua một người bạn cùng ngành của ông, tôi loáng thoáng biết được TSKH Phùng Đình Thực đã có hơn 70 công trình nghiên cứu chuyên ngành dầu khí được công bố ở trong và ngoài nước. (Khi viết những dòng này tôi cũng được biết công trình “Tìm kiếm phát hiện khai thác có hiệu quả các thân dầu trong tầng đá móng…” do TSKH Phùng Đình Thực và cộng sự đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh)

Chợt nhớ sáng mồng hai tết năm ngoái, bám theo xe ông Thực về quê Thanh. Ông không về quê ngay mà dẫn tôi rẽ qua chỗ mặt bằng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chúc tết anh em. Ngày tết mà vẫn bấn bíu với công việc nhất là tiến độ giải phóng mặt bằng nhà máy lọc hóa dầu. Thoáng nghe cuộc trao đổi giữa ông Tổng giám đốc với anh em tôi thấy ông động viên nhiều hơn là giục giã. Nhân trong câu chuyện vui, có người nhắc đến câu nói của một nguyên thủ nào đó đại ý không có mối thù nào truyền kiếp, không có liên minh phe phái nào vững bền, chỉ có lợi ích gắn liền chúng ta mãi mãi, ông Thực vận ngay vào việc thời sự rằng, lợi ích tối thượng của quốc gia là xây dựng được nhà máy lọc hóa dầu phải dựa vào lợi ích của người dân Nghi Sơn của địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng chứ không phải chỉ động viên và đe nẹt suông được!

Lại nghĩ thêm đến ông Thực cùng Ban Lãnh đạo PVN khi đứng trước những “canh bạc lớn” - những cuộc đấu thầu thương thảo quốc tế nào đó về dầu khí. Hô hét xướng lên bằng những cung bậc gì thì tùy nhưng có lẽ mục tiêu tối thượng vẫn là lợi ích của quốc gia? Lợi ích quốc gia chính là thương hiệu của PVN mà vị tư lệnh Phùng Đình Thực và Ban Lãnh đạo PVN đang phải gồng gánh lẫn giữ gìn.

Nhọc nhằn thay việc gánh cái tên mình!

Chót Thu năm Mão

{lang: 'vi'}

X.B

DMCA.com Protection Status