Viện Dầu khí Việt Nam: Bước ngoặt nhờ hợp tác quốc tế

08:20 | 15/06/2012

611 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Viện Dầu khí Việt Nam là đơn vị đi đầu trong hội nhập quốc tế, nhận chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu khoa học dầu khí. Các thành tựu khoa học công nghệ (KHCN) và dịch vụ mà Viện Dầu khí Việt Nam đạt được không thể tách rời khỏi sự hợp tác quốc tế đa dạng và có hiệu quả ngay từ những ngày đầu mới thành lập và trong tất cả các lĩnh vực.

Chuyến thăm Viện Dầu mỏ Pháp năm 1977 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đánh dấu bước ngoặt đối với sự phát triển của khoa học công nghệ dầu khí nước nhà. Ngay sau đó, 8 cán bộ kỹ thuật đầu tiên của Viện Dầu khí Việt Nam được đào tạo chuyên ngành: cổ sinh, địa hóa, dầu thô, PVT, thạch học, địa chất dầu khí ở Viện Dầu mỏ Pháp trong các năm 1978-1979. Không chỉ giúp đào tạo lớp chuyên gia đầu đàn, năm 1980, Viện Dầu mỏ Pháp đã viện trợ cho Việt Nam 11 phòng thí nghiệm hiện đại nhất nước ta lúc bấy giờ gồm: Phòng Hóa lý, Dầu thô, Địa hóa, Thạch học, Cổ sinh, Cơ lý, PVT, Ăn mòn, Xúc tác, Dung dịch khoan và một xưởng cơ khí sửa chữa nhỏ. Sự kiện này được ví như bước ngoặt đầu tiên để Viện Dầu khí Việt Nam hội nhập mạnh mẽ vào khoa học công nghệ dầu khí thế giới, đặc biệt là phương Tây.

Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu trao đổi với các nhà khoa học trong và ngoài nước tại hội thảo KHCN ngành Dầu khí 2011

Chất lượng và hiệu quả phân tích mẫu đều tăng lên đáng kể do thiết bị mới chính xác và có độ phân giải cao hơn. Các chuỗi tham số địa hóa được phân tích đồng bộ cho phép đánh giá được mẫu đá đó có đủ tiêu chuẩn là đá mẹ giàu hay nghèo, trưởng thành hay chưa trưởng thành, có khả năng sinh dầu hay sinh khí… Đặc biệt, lần đầu tiên Viện Dầu khí Việt Nam đã thực hiện được quá trình chưng cất dầu thô, chưng cất condensate, nhận được các sản phẩm dầu theo từng phân đoạn chưng cất và đánh giá được tính chất, thành phần dầu thô Việt Nam. Phòng Thí nghiệm cơ lý và PVT lần đầu tiên được trang bị ở Việt Nam đủ khả năng phân tích các tham số đá chứa và sự biến đổi các tính chất lý hóa của chất lưu trong điều kiện áp suất, thể tích và nhiệt độ mỏ.

Có thể nói, hợp tác với các tổ chức khoa học – công nghệ của Liên Xô (cũ) trong thời gian đầu và Liên bang Nga, Ukraine, Azerbaijan, Uzbekistan hiện nay trong hầu hết các lĩnh vực của công nghiệp dầu khí là hợp tác truyền thống và có hiệu quả nhất. Hợp tác ban đầu với Bộ Địa chất Liên Xô (cũ) để nghiên cứu tổng hợp cấu trúc địa chất, đánh giá tiềm năng và phân vùng triển vọng dầu khí ở miền võng Hà Nội, trũng An Châu và sau này là ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đóng góp cho định hướng tìm kiếm, thăm dò dầu khí ngay từ những năm tháng đầu tiên phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Hợp tác sau này với Học viện Dầu khí Gupkin, Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên Liên bang Nga… Viện từng bước tiếp cận và ứng dụng các phương pháp tiên tiến (phương pháp hấp thụ và phân tán tốc độ địa chấn; phương pháp sóng tán xạ) trong xử lý số liệu địa chấn, phát hiện trực tiếp dầu khí và nghiên cứu đá móng nứt nẻ.

Na Uy và Đan Mạch là hai đối tác quan trọng, trong vòng hai thập niên qua, thông qua các dự án hợp tác với Viện đã thật sự giúp Việt Nam nâng cao năng lực quản lý, năng lực nghiên cứu, năng lực đào tạo, tiếp nhận nhiều công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm tổ chức, quản lý… để phát triển ngành Dầu khí một cách hiệu quả, bền vững. Dự án hợp tác với Đan Mạch giữa những năm 90 của thế kỷ trước đã cho phép Viện lần đầu tiên tiếp nhận công nghệ minh giải tài liệu địa chấn bằng phần mềm tiên tiến trên trạm workstation và chuỗi dự án tiếp theo đã góp phần nâng cao năng lực của các cán bộ nghiên cứu và cán bộ giảng dạy ở Việt Nam trong lĩnh vực phân tích và mô hình hóa các bể trầm tích.

Các dự án hợp tác với Na Uy đã giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Viện Dầu khí Việt Nam tích cực đi đầu trong quản lý có hiệu quả tài nguyên dầu khí và phát triển một cách bền vững, trong đó có xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường, lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; xây dựng các biện pháp đảm bảo và kiểm toán hệ thống quản lý an toàn sức khỏe môi trường; hướng dẫn công tác kiểm định, bảo dưỡng trên cơ sở đánh giá rủi ro; hướng dẫn lập hồ sơ, báo cáo và điều tra tai nạn, sự cố trong ngành Dầu khí Việt Nam; quản lý ứng cứu khẩn cấp của Tập đoàn; xây dựng hướng dẫn quản lý chất thải độc hại và chất thải nhiễm dầu…

Hợp tác với các nước có nền công nghiệp dầu khí tiên tiến, sở hữu nhiều công nghệ hàng đầu, như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật đã góp phần nâng trình độ công nghệ của Viện Dầu khí Việt Nam trong nhiều lĩnh vực lên tầm cao như ngày nay. Ví dụ, như hợp tác ban đầu với IFP (Pháp) và sau này với Corelab (Mỹ) đã giúp Viện phát triển năng lực phân tích, trở thành trung tâm phân tích – thí nghiệm hàng đầu trong khu vực; hợp tác với JOGMEC, Idemitsu (Nhật Bản) trong những năm gần đây đã giúp Viện Dầu khí Việt Nam nắm được và trở thành đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, tư vấn áp dụng các giải pháp công nghệ nâng cao thu hồi dầu, từng bước tiếp cận công nghệ GTL-Japan, các kỹ thuật địa hóa tiên tiến áp dụng trong tìm kiếm, thăm dò dầu khí.

Viện Dầu khí Việt Nam đã đặc biệt thành công trong nhiều dự án nghiên cứu chung, hợp tác với các công ty, tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực dầu khí. Các báo cáo nghiên cứu không độc quyền do Viện thực hiện cùng với Geochem Group, Simon-Robertson (Anh), Corelab (Mỹ)… đã tạo những bước đột phá về đầu tư nước ngoài vào công nghiệp Dầu khí Việt Nam. Liên doanh với Fairfield (Mỹ), hợp tác với Landmark, Schlumberger… đã góp phần đưa những công nghệ tiên tiến trong xử lý, minh giải, phân tích tài liệu địa chấn vào ứng dụng rộng rãi trong ngành Dầu khí Việt Nam. Hợp tác với Bionas (Malaysia) đưa Viện Dầu khí Việt Nam trở thành đơn vị đi đầu trong cả nước về nghiên cứu thử nghiệm trồng Jatropha phục vụ chương trình nhiên liệu sinh học của ngành Dầu khí và của cả nước.

Mối quan hệ hợp tác thường xuyên của Viện với các tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ, như WB, ADB, CCOP, ACE, ASCOPE… đã giúp Việt Nam tiếp nhận sự chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu của bè bạn quốc tế, góp phần củng cố các mối quan hệ đa phương, tích cực quảng bá cho hình ảnh Dầu khí Việt Nam năng động trên con đường phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế và kêu gọi đầu tư của quốc tế vào lĩnh vực này. Ví dụ sinh động là hợp tác với Ủy ban Điều phối các chương trình nghiên cứu địa chất khu vực Đông và Đông Nam Á (CCOP) trong hơn 30 năm qua.

Với vai trò là cơ quan nghiên cứu đầu ngành, Viện đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao nhiệm vụ chủ trì hoặc tham gia thực hiện nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu trong khuôn khổ CCOP: Đánh giá tài nguyên dầu khí (WGRA), Quản lý tài nguyên (OGRM), Đánh giá tài nguyên và kế hoạch hóa (REP-II), Chính sách và quản lý dầu khí (PPM), Nâng cao năng lực nghiên cứu về khoa học địa chất cho các nước Đông và Đông Nam Á (ICB-CCOP), Tăng cường quản lý dầu khí công (EPPM), Nghiên cứu địa chất – địa vật lý, địa nhiệt khu vực, nghiên cứu địa chấn – địa tầng, mô hình tràn dầu… Các dự án này đã đem lại nhiều kết quả có ý nghĩa về khoa học và chuyển giao công nghệ, xây dựng mạng lưới quan hệ quốc tế về khoa học dầu khí, đào tạo đội ngũ chuyên gia và góp phần vào việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước.

Có thể nói, Viện Dầu khí Việt Nam là đơn vị đi đầu trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, trở thành đầu mối trung tâm của cả ngành Dầu khí trong việc nhận chuyển giao, sau đó phổ biến, ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến vào trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động của ngành, trên cơ sở đó xây dựng đội ngũ cán bộ KHCN đầu đàn, tư vấn có luận cứ cho Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, gia tăng chất lượng tăng trưởng.

Ngân Hà

Năng lượng Mới số 128, ra thứ Ba ngày 12/6/2012

DMCA.com Protection Status