Hội nghị Xúc tác và Hấp phụ toàn quốc lần thứ VII:

Xúc tác, hấp phụ đang đóng vai trò quan trọng

15:09 | 08/08/2013

1,536 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sáng 8/8, tại Viện Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phối hợp cùng Hội Xúc tác và Hấp phụ Việt Nam tổ chức hội nghị Xúc tác và Hấp phụ toàn quốc lần thứ VII.

Tham dự hội nghị có GS Mai Tuyên, Chủ tịch Hội Xúc tác và Hấp phụ Việt Nam; GS.TSKH Hồ Sỹ Thoảng, GS.TSKH Phạm Quang Dự - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) cùng các lãnh đạo Viện Dầu khí Việt Nam, các trung tâm, viện nghiên cứu hóa học hàng đầu Việt Nam.

Viện trưởng Phan Ngọc Trung phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS Mai Tuyên cho rằng: Những biến động bất thường về cung cấp dầu thô, khí đốt và những tiêu chuẩn về nhiên liệu ngày càng cao, đòi hỏi thế giới phải đặc biệt chú ý đến nhiên liệu sạch hơn. Và trong sự phát triển đó luôn phải đảm bảo môi trường không khí, nước, đất. Được biết, nước ta có trữ lượng dầu thô khoảng 234 triệu tấn có thể khai thác. Nguồn nguyên liệu này là giới hạn, trong khi nhu cầu sử dụng ngày càng cao, bởi vậy khoa học công nghệ xúc tác và hấp phụ có vai trò cực kỳ quan trọng trong chế biến dầu khí.

GS Hồ Sỹ Thoảng cũng đã trình bày tham luận Xu thế phát triển của nhiên liệu sinh học - Góc nhìn từ Việt Nam. Theo giáo sư, hiện nay Việt Nam có 60 triệu tấn phế phẩm nông nghiệp. Việc tận dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học, tiến tới giảm dần phụ thuộc vào dầu mỏ là nhu cầu bức thiết. Để ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học phát triển cần sự hỗ trợ chính sách của Chính phủ, sự vào cuộc của nhiều đơn vị sản xuất cồn sinh học, phân phối và không thể thiếu nguồn xúc tác, hấp phụ. Tiềm năng của nhiên liệu sinh học là rất lớn bởi nguồn nhiên liệu này mới chỉ đáp ứng được 0,5% nhu cầu nhiên liệu của thế giới. Ở Việt Nam, con số này còn nhỏ hơn.

Toàn cảnh hội nghị

Phó chủ tịch Hội đồng KHCN PVN, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam Phan Ngọc Trung nhận định: Trên 70% các quá trình chế biến trong công nghiệp lọc hóa dầu có sử dụng xúc tác.

Viện Dầu khí Việt Nam đã triển khai việc nghiên cứu, ứng dụng xúc tác, hấp phụ từ những năm 90 của thế kỷ trước. Một số loại xúc tác đã được áp dụng trong sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Đạm Cà Mau… Riêng xúc tác cracking tầng sôi (FCC) áp dụng cho lọc dầu Dung Quất đã tăng lợi nhuận thêm 3 USD/thùng dầu.

Tại hội nghị, các chuyên gia đầu ngành cũng trình bày những báo cáo khoa học như: Một vài định hướng, phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận mới cho sự phát triển xúc tác chế biến dầu khí tại Việt Nam; Xúc tác truyền thống và hiện đại trong tổng hợp nhiên liệu sinh học; Xúc tác cho chế tạo hydro từ nước và năng lượng mặt trời; Xúc tác xử lý khí thải xe máy… Ngày 9-8, hội nghị họp theo từng chuyên đề, bao gồm: Tổng hợp chất xúc tác và hấp phụ cho công nghiệp dầu khí và hóa chất; Tổng hợp chất xúc tác và hấp phụ dưới dạng vật liệu mới và tiên tiến; Xúc tác và hấp phụ trong bảo vệ môi trường và lĩnh vực năng lượng mới. Ngày 10-8, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ đi thực tế tại Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng).

GS Hồ Sỹ Thoảng (trái) trao đổi với các nhà khoa học

Đ.C - HA

DMCA.com Protection Status