Yêu nghề cháy bỏng (Kỳ II)

08:12 | 11/12/2011

180 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - “Cái sướng nhất của người làm khoa học kỹ thuật là những kiến thức của mình thu được qua học tập và nghiên cứu được ứng dụng ngoài thực tế và cho ra sản phẩm. Thực tế lại làm phong phú thêm hiểu biết của mình. Con người có thể không công bằng nhưng khoa học, nhất là khoa học địa chất, rất khách quan và công bằng”.

Kỳ II: Ngọn lửa trong tim

Nhập cuộc hoành tráng

Trong thời kỳ 1978-1998, lô 15 trên thềm lục địa phía nam đã được giao cho các nhà thầu khác nhau để làm công tác dầu khí. Họ đã bỏ ra hàng chục triệu USD để làm công tác khảo sát địa chất – địa vật lý và đã khoan tới 4 giếng tại khu vực này. Các công ty trên đều đưa ra kết luận lô 15 không có triển vọng dầu khí công nghiệp và đã hoàn trả lại diện tích cho Việt Nam.

Sau khi ký hợp đồng dầu khí mới và thành lập Cửu Long JOC, công ty đã triển khai hàng loạt chương trình nghiên cứu địa chất, địa vật lý và khoan 16 giếng khoan để đánh giá tiềm năng dầu khí của lô 15.1. Do biết sử dụng tối đa kinh nghiệm của phía Việt Nam qua gần 12 năm (tính đến lúc đó) tìm thấy dầu tại móng nứt nẻ, kết hợp với công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến của thế giới do các nhà thầu nước ngoài (nhất là COP) mang đến, từ năm 1998 đến nay, CLJOC đã tìm được 4 mỏ dầu khí công nghiệp trong phạm vi lô 15.1: mỏ Sư Tử Đen (2000), mỏ Sư Tử Vàng (2001), mỏ Sư Tử Trắng (2003) và mỏ Sư Tử Nâu (2005).

TSKH Vũ Ngọc An khẳng định: “Chính việc VSP lần đầu tiên ở nước ta (và trên thế giới!) năm 1986 tìm thấy dầu và sau đó tiến hành khai thác thương mại trong đá móng nứt nẻ đã tạo niềm cảm hứng và là cú hích thực sự cho công tác thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam. CLJOC cũng được hưởng thành quả đó”. Với cụm mỏ Sư Tử của mình, CLJOC đã trở thành công ty sở hữu một trữ lượng dầu khí lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Vietsovpetro và lô 15.1 với hình tam giác đã thực sự trở thành “Tam giác vàng dầu khí” của Việt Nam.

yeu nghe chay bong ky ii
TSKH Vũ Ngọc An (thứ hai, từ trái qua) cùng Thủ tướng Phan Văn Khải và các vị đại biểu tại Triển lãm Dầu khí ở Hà Nội, năm 2005

Nụ cười ông rạng rỡ hơn khi nhắc lại những ngày tháng ở CLJOC với nhiều mỏ dầu mới liên tục được phát hiện có trữ lượng thương mại và lần lượt được đưa vào khai thác, ông cho rằng: “Cái sướng nhất của người làm khoa học kỹ thuật là những kiến thức của mình thu được qua học tập và nghiên cứu được ứng dụng ngoài thực tế và cho ra sản phẩm. Thực tế lại làm phong phú thêm hiểu biết của mình. Con người có thể không công bằng nhưng khoa học, nhất là khoa học địa chất, rất khách quan và công bằng”.

Cũng trong giai đoạn này, trong lúc hầu hết các đề án khai thác dầu khí trên thế giới và ở Việt Nam đều chậm tiến độ và vượt xa ngân sách dự kiến thì CLJOC đã hai lần đưa mỏ (Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng) vào khai thác trước thời hạn tương ứng là 9 và 16 ngày với chi phí nằm trong ngân sách phê duyệt, mang lại lợi ích cho đề án hàng chục triệu USD.

Có thể nói, đây là một kỷ lục về mặt thời gian trong công tác dầu khí không những tại Việt Nam mà theo đánh giá của các chuyên gia Hoa Kỳ trong đề án, đây cũng là một hiện tượng hiếm thấy trong công tác dầu khí trên thế giới. Với thành tích trên đây, năm 2003 CLJOC đã được ConocoPhillips (COP) đánh giá là một trong hai công ty dầu khí xuất sắc nhất trong số hàng chục công ty có COP tham gia cổ phần trên toàn thế giới.

Sau khi đưa mỏ Sư Tử Đen vào khai thác, song song với công tác thăm dò thẩm lượng và khai thác tiếp tục, CLJOC đã bắt tay vào Dự án Sư Tử Vàng để chuẩn bị đưa mỏ này vào khai thác. Đây là một dự án rất lớn với tổng chi phí lên tới gần 1 tỉ USD với nội dung là đóng mới một giàn công nghệ trung tâm CPP (lớn nhất Việt Nam, cho đến năm 2008: 23.000 tấn), cải hoán một tàu chở dầu thành kho chứa nổi FSO công suất 150.000m3, xây dựng hệ thống thu gom dầu PLEM, đường ống nội mỏ và khoan trước 6 giếng khoan để đưa vào khai thác. Đây là cơ sở hạ tầng cơ bản để khai thác toàn bộ cụm mỏ Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng và có thể cả mỏ Sư Tử Nâu, Sư Tử Trắng trong tương lai.

Đề án Sư Tử Vàng sau gần 3 năm (2005-2008) thực hiện, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn khách quan (có 4 đến 5 cơn bão liên tục xảy ra khi lắp đặt) nhưng đã thành công rực rỡ. Dòng dầu đầu tiên từ mỏ Sư Tử Vàng đã nhận được vào lúc 20h45 ngày 14/10/2008, trước thời hạn 16 ngày và trong phạm vi ngân sách được duyệt.

Nhưng để đạt được mục tiêu khai thác dầu, công ty phải vượt qua nhiều khó khăn thách thức. Với điều kiện địa chất của mỏ rất phức tạp, đối tượng khai thác chính là móng với nhiều tính chất, đặc điểm bất thường và không dự báo trước được (ngay kinh nghiệm khai thác dầu từ móng của Vietsovpetro nhiều lúc cũng không phù hợp!). Mặc khác, sau 5 năm hoạt động, các máy móc thiết bị trên tàu FPSO MV9 bắt đầu trục trặc, kinh nghiệm khoan, khai thác dầu từ móng còn ít… Vì thế, công ty đã đề ra những giải pháp kỹ thuật – công nghệ và quản lý cụ thể như tối ưu hóa chế độ khai thác và bơm ép mỏ, phân bố hợp lý lượng khí hiện có để thu được lượng dầu tối đa, khoan các giếng khoan với xa (ERM), khoan thân mới các giếng khoan đã ngập nước để tiếp tục khai thác dầu từ các khu vực mới… và đã đạt được kết quả tốt đẹp.

Trong quá trình hoạt động CLJOC thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, hội thảo hoặc cử cán bộ xuống Vietsovpetro để trao đổi, học hỏi về các vấn đề kỹ thuật địa chất và khai thác dầu (như tìm vị trí đặt giếng khoan thăm dò, bơm ép; lựa chọn chế độ khai thác và bơm ép tối ưu…).

Bên cạnh đó, nhiều kỹ thuật, công nghệ và trang thiết bị tiên tiến của ngành Dầu khí thế giới do các công ty nước ngoài đưa vào đã được áp dụng thành công tại CLJOC và cũng được trao đổi với Vietsovpetro. Công ty còn nghiên cứu thay thế sàng rung xử lý dung dịch khoan để đảm bảo yêu cầu về môi trường khi sử dụng OBM; cùng nhà thầu địa chấn CGG VERITAS nghiên cứu thành công chương trình xử lý tài liệu địa chấn trong móng nhằm tăng cường hiệu quả của tài liệu địa chấn trong việc phát hiện các đới nứt nẻ; kết hợp chặt chẽ với nhà cung cấp choòng khoan (bit) Smiths (Hoa Kỳ) thường xuyên cải tiến hình dáng và kết cấu của choòng khoan cho phù hợp với các loại đất đá của Việt Nam, nhằm tăng tuổi thọ của choòng và tăng tốc độ khoan… Đặc biệt, lần đầu tiên tại Việt Nam đã áp dụng thành công công nghệ khoan với xa (ERM) trong điều kiện giếng khoan có độ sâu không lớn…

Đề án Sư Tử Đen đã thu hồi vốn ngay từ năm khai thác đầu tiên, từ ngày 16/12/2004 phía Việt Nam đã thanh toán toàn bộ nợ do phía đối tác nước ngoài gánh hộ theo Hợp đồng dầu khí.

Ông cho rằng: “Việc kết hợp sáng tạo các kinh nghiệm tìm và khai thác dầu của các nhà dầu khí Việt Nam với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của thế giới là nguyên nhân chủ yếu khiến CLJOC đạt được những kết quả thăm dò khai thác đáng tự hào như đã nêu trên. Đây là minh chứng sinh động cho sức mạnh được tạo nên từ nội lực kết hợp với ngoại lực – một luận điểm cơ bản của chính sách cải cách, mở cửa của Đảng và nhà nước ta”.

Đi cùng thương hiệu Dầu khí Việt Nam

Chúng tôi hỏi ông, sau hơn 34 năm lăn lộn trên các “chiến trường” chủ yếu của ngành Dầu khí, điều gì khiến ông tâm đắc nhất? “Sự trưởng thành vượt bậc của ngành trong thời kỳ mở cửa; khát vọng chinh phục các đỉnh cao mới của khoa học, công nghệ; tinh thần học hỏi để vươn lên không ngừng của những người làm dầu khí Việt Nam, nhất là những người trẻ tuổi”, ông chia sẻ.

Nhớ lại những ngày mới mở cửa, mặc dù đã học ở nước ngoài một thời gian dài và đã làm việc trong nước, nhưng trước sự “đổ bộ” của một khối lượng thông tin công nghệ, kỹ thuật khổng lồ của thế giới vào Việt Nam; đứng trước các công trình dầu khí đồ sộ của các nước, kể cả các nước láng giềng mà có dịp được đến thăm quan, khảo sát đôi lúc ông không khỏi choáng ngợp và tự hỏi: Bao giờ nước mình bằng được họ?

yeu nghe chay bong ky ii
Ông Vũ Ngọc An (ngồi) cùng cán bộ Việt Nam và Liên Xô nghiên cứu tài liệu nhận được từ các giếng khoan dầu khí ở Vietsovpetro (năm 1988)

Và để làm chủ kỹ thuật, công nghệ mới; để theo kịp thời đại; để đạt được những thành tựu như hôm nay thì các thế hệ dầu khí thời kỳ đầu đổi mới đã phải cố gắng học tập, bứt phá, vươn lên không ngừng. Tổng Công ty Dầu khí (và sau này là Tập đoàn) và một điều khá ngạc nhiên là cả một số công ty dầu khí lớn của nước ngoài (như COP) xuất phát từ lợi nhuận trong việc sử dụng người bản địa, không tiếc tiền “vung tay” chi cho công tác đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam. Đó là một lợi thế lớn của ngành Dầu khí nước nhà lúc bấy giờ.

Lấy CLJOC làm ví dụ, CLJOC đã xây dựng và thực hiện thành công một chương trình đào tạo cho người Việt Nam rất quy mô, bài bản với kinh phí hằng năm từ hàng trăm nghìn đến hàng triệu USD. Chương trình thay thế người nước ngoài bằng người Việt Nam được thực hiện rất thành công. Nếu khi mới thành lập, trong thành phần lãnh đạo công ty và các phòng, ban chỉ có một người Việt Nam làm phó tổng giám đốc và một người làm giám sát về tổ chức nhân sự thì từ năm 2005, ngoài tổng giám đốc ra, người Việt Nam đã nắm giữ 4/5 vị trí trưởng phòng trong CLJOC. Đến cuối năm 2008 trong CLJOC, tổng số người nước ngoài chỉ có 47/320 người, tức chỉ chiếm 15%. Hiện nay con số này còn thấp hơn nữa.

Nếu biết rằng có những thời kỳ chi phí cho 1 chuyên gia nước ngoài hàng năm bằng tổng chi phí cho toàn bộ hơn 100 CBCNV Việt Nam (kể cả tổng giám đốc là người Việt Nam) thì mới thấy hiệu quả kinh tế của chương trình “Việt Nam hóa” lớn biết nhường nào!

Hiện nay, ngoài việc cung cấp nhân lực cho CLJOC, hàng chục CBCNV Việt Nam trưởng thành từ CLJOC đã được PVN, PVEP điều đi đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của PVEP và các đề án dầu khí trong và ngoài nước.

Bây giờ, vào thăm cảng dầu khí Vũng Tàu, tham dự Lễ khởi công hay hạ thủy những giàn khoan hay giàn khai thác đồ sộ “made in Vietnam”, rất nhiều người, nhất là các bạn trẻ, không biết rằng đây một thời từng là khát vọng và mơ ước của thế hệ ông An. Và cũng tự hào là trong sự trưởng thành này của ngành có một phần đóng góp của thế hệ ông trong những ngày đầu gian nan ấy để thuyết phục, đấu tranh với các nhà điều hành dầu khí nước ngoài giành việc cho các công ty của Petrovietnam thay vì mang việc ra nước ngoài…

Nhớ lại lần đầu tiên Vietsovpetro đóng chân đế giàn khoan cho CLJOC. Lúc đầu các bạn nước ngoài trong CLJOC chưa tin ta có khả năng làm được việc này đảm bảo đúng tiến độ, đạt chất lượng quốc tế (mặc dù họ biết trước đó với sự tham gia của chuyên gia Liên Xô ta đã đóng khá nhiều chân đế loại này). Anh em Việt Nam trong CLJOC và Petrovietnam thuyết phục, đấu tranh mãi rồi họ cũng đồng ý nhưng họ thuê chuyên gia người Australia giám sát thi công 24/24 với các điều kiện thưởng – phạt trong Hợp đồng EPCI rất chặt chẽ.

Và trên cả tuyệt vời, việc đóng giàn khoan của Vietsovpetro đã thành công trước thời hạn với chất lượng hoàn hảo. Khi được ông An yêu cầu phát biểu cảm tưởng, đại diện công ty giám sát Australia nói rằng: “Nói thật, chúng tôi không ngờ người Việt Nam làm được như thế và không ngờ là các bạn làm giỏi như thế!”. Còn phía ta, ông Nguyễn Hữu Tuyến (Tổng giám đốc Vietsovpetro) lúc đó là Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp Vietsovpetro nói: “Cho đến giờ, chúng tôi chưa biết lỗ lãi thế nào nhưng mà qua làm việc và cọ xát với họ, mới thấy rằng mình phải cố gắng rất nhiều mới đạt trình độ như họ. Nhất là về an toàn, quy trình, quy phạm và trang thiết bị hiện đại. Nhưng nhất định mình sẽ không thua kém họ!”.

Hiện nay, trên 70% hợp đồng và các gói thầu giá trị lớn của CLJOC được trao cho các công ty Việt Nam, điển hình là Hợp đồng EPCI Sư Tử Đen Đông Bắc với tổng giá trị hơn 200 triệu USD được trao cho Công ty PTSC MC làm tổng thầu. Và đề án này cũng đã thành công rực rỡ khi về trước thời hạn hàng tháng trời… Đây là một trong những thắng lợi điển hình của Tập đoàn Dầu khí và anh chị em Việt Nam trong CLJOC trên bước đường xây dựng ngành Dầu khí nước nhà vững mạnh, tự chủ và phát triển toàn diện.

Suốt đời đi tìm lửa có lẽ đó là mạch sống của ông, vì thế, khi mới nghỉ hưu ở Cửu Long JOC được 15 ngày (2/2009) thì ông được mời làm Tổng gám đốc Công ty Dầu khí Mitra Energy Vietnam, một công ty đa quốc gia 100% vốn nước ngoài. Lại một chặng đường dầu khí nữa của TSKH Vũ Ngọc An được mở ra…

Có lẽ, ông luôn tự hào, hạnh phúc vì mỗi nơi mình đi qua đều ghi lại dấu ấn đậm nét, mà dấu ấn đó khó phai mờ trong lòng biển khơi, trong những mỏ dầu của đất nước, trên hết là trong tâm khảm của đồng nghiệp và những người yêu ngành Dầu khí, luôn coi dầu khí là men say của cuộc đời là điều đáng trân trọng nhất.

Kết thúc cuộc trò chuyện, khi biết chúng tôi định đặt tên cho bài viết theo cảm hứng từ bài “Quốc ca” của ngành Dầu khí do thủ trưởng cũ của ngành – ông Đinh La Thăng sáng tác: “Những người đi tìm lửa”, ông An ứng khẩu đọc hai câu thơ nhờ nhà báo gửi tặng các bạn trẻ trong ngành Dầu khí hôm nay:

Muốn tìm thấy lửa ngoài khơi,
Phải có ngọn lửa ở nơi tim mình

Yêu nghề cháy bỏng (Kỳ I)

Thiên Thanh

DMCA.com Protection Status