"Cây sáng kiến" Nguyễn Minh Tâm: Tri thức, tận tâm và sự ủng hộ

05:47 | 21/07/2013

1,041 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nguyễn Minh Tâm là một trong những gương sáng kiến tiêu biểu tại Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo). “Cây sáng kiến” là biệt danh thân mật mà đồng nghiệp và bạn bè thường yêu mến dành tặng chàng kỹ sư tự động hóa, thạc sĩ công nghệ thông tin quê gốc Tây Ninh, sinh năm 1979 này. Gần 10 năm công tác tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nguyễn Minh Tâm đã cho ra đời 18 sáng kiến thiết thực làm lợi nhiều tỉ đồng và được Hội đồng Khoa học sáng kiến PVFCCo đánh giá cao về tính sáng tạo. Phóng viên PetroTimes đã trò chuyện cùng anh.

PV: Được mệnh danh là “cây sáng kiến” của Nhà máy Đạm Phú Mỹ bởi hàng loạt sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm hợp lý hóa quá trình sản xuất. Vậy điều gì là “nền móng” thôi thúc những ý tưởng mới nơi anh?

Nguyễn Minh Tâm: Là một kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành Điều khiển Tự động, Khoa Điện - Điện tử thuộc Trường ĐH Bách Khoa TP HCM, vào tháng 10/2002 tôi được vinh dự tham gia vào đội ngũ học viên vận hành bảo dưỡng thuộc Ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ - lúc này đang ở giai đoạn đầu xây dựng. Tôi có điều kiện gắn bó trong thời gian dài với Nhà máy Đạm Phú Mỹ, với các hệ thống thiết bị và với toàn thể cán bộ, công nhân viên nhà máy, đặc biệt với Xưởng Đo lường - Tự động hóa.

Tôi và các đồng nghiệp cùng lứa tuổi của mình khi ấy, với tuổi đời rất trẻ, đa số khi vào làm việc tại xưởng đều mới ra trường, mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ với khát khao tìm hiểu và đam mê chinh phục. Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi lúc đó là chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế, kiến thức từ trường đại học và đào tạo bổ sung trong thời gian từ vài tháng đến hơn một năm của Ban Quản lý chưa đủ để mọi người có thể ngay lập tức làm chủ một nhà máy công nghiệp hiện đại với các thiết bị đo, cơ cấu chấp hành, hệ thống điều khiển và bảo vệ hoàn toàn tự động bằng hệ thống điều khiển phân tán (DCS), hệ thống chống tĩnh điện (ESD), thiết bị điều khiển khả trình (PLC)... Nhưng với ý thức trách nhiệm cao, chúng tôi đã không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, tích cực học tập từ các chuyên gia, nghiên cứu tài liệu của nhà sản xuất, đặc biệt tích cực tham gia xử lý các sự cố và nghiên cứu thực hiện sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa trao Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước cho "cây sáng kiến" Nguyễn Minh Tâm

Làm việc ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ, tôi và các đồng nghiệp luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo và có được môi trường nghiên cứu và làm việc tốt nhất. Với tinh thần: “Không ngại khó khăn, chỉ sợ không biết, không hiểu tường tận”, Ban Giám đốc Nhà máy Đạm Phú Mỹ và lãnh đạo xưởng Đo lường - Tự động hóa đã luôn khuyến khích nhân viên tìm hiểu, học hỏi, lao động sáng tạo. Các anh luôn ủng hộ, kể cả những ý tưởng đột phá, táo bạo, chưa có tiền lệ nhưng nếu hợp lý, khả thi, có hiệu quả và an toàn cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ là được tạo mọi điều kiện tốt nhất để thực hiện.

Chính vì được sự ủng hộ hết mình của lãnh đạo và môi trường làm việc phát huy tối đa tính sáng tạo, kết hợp những quan điểm dám nghĩ dám làm, là điều kiện để chúng tôi hiện thực những ý tưởng của mình.

PV: Sau gần 10 năm công tác tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ, anh đã vinh dự nhận được Huân chương Lao động hạng Ba, là chiến sĩ thi đua toàn quốc và nhiều bằng khen, giấy khen. Cảm xúc của anh khi nhận được những phần thưởng cao quý ấy?

Nguyễn Minh Tâm: Đặc thù công tác ở một nhà máy hóa chất dầu khí có công nghệ phức tạp với mức độ tự động hóa cao như Nhà máy Đạm Phú Mỹ luôn chứa đựng nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng là điều kiện tốt để tôi và các đồng nghiệp phấn đấu học tập, lao động và sáng tạo.

Tôi quan niệm, dù làm bất cứ công việc gì, chỉ cần có niềm đam mê và tri thức, làm việc với tất cả khả năng và tâm huyết sẽ có kết quả tốt trong công việc và đem lại thành công.

Tôi có một lợi thế là được làm việc trong một môi trường rất thuận lợi cho việc sáng tạo và lại đúng chuyên môn được đào tạo ở đại học và sau đại học, nên nó như một cái duyên, công việc cũng là niềm đam mê, càng khó khăn thử thách càng có động lực để phấn đấu vượt qua để có được kết quả tốt nhất.

Và một khi những công việc của mình đem lại lợi ích cho tập thể và được các cấp lãnh đạo ghi nhận và khen thưởng, thì đó là niềm vui, là động lực để mình làm tốt hơn.

PV: Vừa là một chuyên gia, vừa là cán bộ quản lý, được biết công việc của anh luôn bận bịu, thời gian nào anh dành cho nghiên cứu cải tiến kỹ thuật?

Nguyễn Minh Tâm: Các ý tưởng và sáng kiến tôi đã thực hiện, không tự nhiên sinh ra mà nó đến từ thực tế. Công việc ở nhà máy có những lúc phát sinh ra vấn đề, việc nhận ra các tồn tại đó và tìm cách khắc phục cho nó tốt hơn, hoàn chỉnh hơn chính là đang thực hiện cải tiến kỹ thuật. Do đó, thông thường tôi đều có thể thu xếp được thời gian để hoàn thành công việc.

Riêng một số trường hợp, ví dụ như để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Tối ưu hiệu suất lò hơi bằng khai phá dữ liệu và mạng Nơron” thì tôi chủ yếu nghiên cứu ở nhà vào buổi tối.

PV: Trong số những sáng kiến của anh, sáng kiến nào theo anh là đáng nhớ nhất, hiệu quả nhất?

Nguyễn Minh Tâm: Trong các sáng kiến tôi đã thực hiện, cho đến bây giờ, sáng kiến SKTĐH2011-28, Ngày đăng ký 10-8-2011: “Khắc phục lỗi tràn bộ nhớ hệ thống ESD gây trip IS1 và IS2” là đáng nhớ nhất. Tôi đã phát hiện ra lỗi lập trình trong thiết kế logic của nhà thầu, không kiểm soát giá trị trong quá trình chuyển đổi kiểu dữ liệu, gây tràn thanh ghi lưu giữ giá trị tỉ số gas/không khí vào lò chuyển hóa sơ cấp. Lỗi gây trip IS2 khi lượng khí công nghệ từ máy nén 10K4021 đột ngột giảm về 0. Ngoài ra, bên trong bộ nhớ hệ thống dừng máy khẩn cấp ESD còn có một lỗi lập trình tương tự với tỉ số hơi/carbon gây trip IS1. Đây là lỗi lặp lại, đã gây trip giả safety logic IS2 của nhà máy hai lần với tổng thời gian dừng máy Xưởng Ammonia là 27.8h và Xưởng Urea là 16.4h với thiệt hại tương đương 6,41 tỉ đồng, đặc biệt, nếu không khắc phục, lỗi này sẽ tiếp tục gây dừng máy không rõ nguyên nhân. Sáng kiến đã thực hiện, kết quả hoàn toàn khắc phục được lỗi tràn thanh ghi và hệ thống hoạt động đúng chức năng thiết kế. 

Càng đáng nhớ hơn khi sáng kiến này cũng được công nhận là 1 trong 5 sáng kiến năm 2012 cấp Tập đoàn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo Quyết định số 188/QĐ-DKVN ký ngày 8/1/2013.

Một bật mí nho nhỏ, hiện tôi đã có 3 sáng kiến được ghi nhận cấp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

"Cây sáng kiến" là biệt danh thân mật mà đồng nghiệp và bạn bè thường yêu mến dành tặng cho Nguyễn Minh Tâm

PV: Hẳn là trong quá trình tham gia sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất sẽ gặp không ít áp lực, thách thức khách quan lẫn chủ quan, anh vượt qua những khó khăn đó như thế nào?

Nguyễn Minh Tâm: “Tâm lý chung của con người là ngại thay đổi, đối với những gì đã quá quen thuộc trong thời gian dài thì trở ngại lại càng lớn, nhất là khi thay đổi lại đến từ người khác”. Đó có thể nói là khó khăn đầu tiên mà bất cứ ai muốn làm một cái gì mới đều phải đương đầu. Mặc dù lãnh đạo nhà máy và PVFCCo luôn khuyến khích các ý tưởng sáng tạo, tuy nhiên, trở lực lại đến từ các đơn vị bạn và đôi khi, chính các đồng nghiệp trong đơn vị.

Với đặc điểm công việc của các xưởng bảo dưỡng trong nhà máy có mối quan hệ vật lý với các xưởng vận hành khá chặt chẽ, do đó, khi một thay đổi ở xưởng này thường sẽ liên quan đến các xưởng khác. Và khó khăn đến từ đây. Để vượt qua những khó khăn khách quan đó, trước hết cần phải thuyết phục cho các bên liên quan thấy được những lợi ích, kết quả sẽ đạt được nếu thực hiện thay đổi, mà việc này đôi khi rất mất thời gian.

Một khó khăn khác là đôi khi thực hiện một ý tưởng nào đó chưa có tiền lệ, một nghiên cứu mới lần đầu được thực hiện ở Việt Nam thì việc hỗ trợ rất khó khăn mà phần lớn là phải tự thân vận động. Đó cũng là một trở ngại không nhỏ.

PV: Theo anh, để phấn đấu thành một chuyên gia của Đạm Phú Mỹ thì cần đạt được được yếu tố gì? Và khi đã đạt được cấp bậc chuyên gia thì cần phải làm gì tiếp theo?

Nguyễn Minh Tâm: Theo tôi được biết thì PVFCCo là công ty đầu tiên trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng quy chế chuyên gia nhằm khuyến khích người lao động, nhất là lao động chất lượng cao gắn bó với PVFCCo. Trong quy chế có quy định rất chi tiết các tiêu chuẩn để có thể được xét duyệt, theo đó, ứng viên phải đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn - nhất là lĩnh vực đươc đề nghị xét, yêu cầu về ngoại ngữ, đánh giá định lượng các công việc đã làm… Định kỳ một năm sẽ có một đợt xét chuyên gia do Hội đồng Khoa học sáng kiến PVFCCo tổ chức để xem xét, đánh giá lại các chuyên gia cũ và mới.

Một cách tự nhiên, khi đã được xem xét vào chức danh chuyên gia thì bản thân mỗi người phải cố gắng làm việc, cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự tín nhiệm của mọi người. Hơn nữa, nếu không duy trì hiệu quả công việc, thì đến lần đánh giá sau sẽ không được xét tiếp.

PV: Anh có thể bật mí một chút công việc nghiên cứu cải tiến, hợp lý hóa sản xuất tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ mà anh tham gia trong thời gian tới?

Nguyễn Minh Tâm: Hiện tại tôi đang là chủ nhiệm đồng thời là tác giả đề tài Nghiên cứu khoa học đầu tiên của PVFCCo “Tối ưu hiệu suất lò hơi bằng kỹ thuật khai phá dữ liệu và mạng Nơron”. Đây là đề tài đầu tiên trong cả nước nhằm ứng dụng lý thuyết khai phá dữ liệu và mạng Nơron vào lĩnh vực công nghiệp năng lượng. Bên cạnh đó, tôi đang thực hiện sáng kiến có tính dài hơi khác là “Xây dựng quy trình vận hành nhà máy trực quan trên hệ thống DCS”. Sáng kiến này giúp cho nhà máy được bảo đảm “luôn vận hành theo đúng quy trình hướng dẫn, tránh tối đa lỗi chủ quan do con người” và một dự án “Tối ưu hóa điều khiển quy trình công nghệ của Xưởng Urea” đang chuẩn bị để triển khai.

Bên trong phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Đạm Phú Mỹ

PV: Người ta thường cho rằng, vật chất chính là điều kiện “giữ” người lao động và đó cũng là thực tế khiến khá nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ “chảy máu” chất xám. Là một chuyên gia trẻ của Đạm Phú Mỹ, anh có nghĩ gì về điều này?

Nguyễn Minh Tâm: Đây quả là một câu hỏi rất thực tế và đúng trong tình hình hiện nay và nó cũng là điều mà lãnh đạo PVFCCo đã nghĩ tới khi xây dựng quy chế chuyên gia. Thực tế, về phương diện là người lao động, nơi nào có chế độ đãi ngộ phù hợp với năng lực và đóng góp thì sẽ thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, vật chất chưa hẳn quan trọng nhất, có nhiều yếu tố khác cũng chi phối rất nhiều trong việc giữ chân người lao động, trong đó có môi trường lao động, chế độ phúc lợi… cũng rất quan trọng. Về mặt này, tôi nghĩ, hiện tại PVFCCo đang thực hiện tốt.

PV: Lãnh đạo PVFCCo và Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã có những biện pháp nào để đẩy mạnh phong trào thi đua sáng kiến cải tiến?

Nguyễn Minh Tâm: Tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ nói riêng và  PVFCCo nói chung, ngay từ đầu, các cấp lãnh đạo đã rất quan  tâm đến công tác thi đua, khen thưởng thông qua những chính sách trong thỏa ước lao động và các quy chế. Chính vì vậy mà các phong trào thi đua, lao động sáng tạo ở nhà máy được rất nhiều người ủng hộ. Và có lẽ vì thế, Nhà máy Đạm Phú Mỹ là một trong những nơi có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và hợp lý hóa trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tôi được biết, để cho phong trào thi đua sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất trong toàn Tổng Công ty PVFCCo có hiệu quả, thiết thực hơn, để người lao động có thời gian, thêm tâm huyết đầu tư cho nghiên cứu, đề xuất sáng kiến, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, trăn trở từ chính những người lao động, ban lãnh đạo tổng công ty đã và đang cải tiến hơn nữa quy trình phê duyệt sáng kiến, từ tần suất xem xét đến việc trao đổi, trực tiếp nghe tác giả trình bày ý tưởng, sáng kiến của mình… Chúng tôi tin rằng, phong trào thi đua sáng kiến sáng tạo trong PVFCCo sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

PV: Với niềm say mê nghiên cứu sáng kiến cải tiến, thời gian anh dành cho gia đình hẳn không nhiều?

Nguyễn Minh Tâm: Như đã nói ở trên, những gì tôi đã làm hay sẽ làm thường đi kèm với công việc thực tế nên chủ yếu được thực hiện trong khi làm việc và thời gian ban đêm, do đó, vẫn không ảnh hưởng mấy đến việc khác. Và thời gian dành cho gia đình cũng là cách để mình giải tỏa những căng thẳng trong công việc và có đủ tinh thần để tiếp tục khi bắt tay vào công việc.

Ngoài ra, vợ tôi cũng là hậu phương vững chắc cho tôi trong công việc. Vì là bạn học chung lớp ở Trường ĐH Bách khoa TP HCM, lại công tác chung ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ nên chúng tôi có thể trao đổi công việc khi có thời gian rảnh rỗi hay kể cả khi đang làm việc nhà hay chăm sóc con cái, điều đó cũng phần nào làm cuộc sống gia đình thêm phần thú vị.

PV: Anh đã từng có “sáng kiến cải tiến” nào cho cuộc sống hạnh phúc gia đình riêng của mình thêm phần thú vị?

Nguyễn Minh Tâm: Mỗi khi thấy không khí trong gia đình hơi “ngột ngạt”, tôi hay chở vợ con đi du lịch hay về quê. Khi đứng trước khung cảnh đẹp và nên thơ hay những lúc về nơi mà mình đã sinh ra và lớn lên, ai cũng cảm thấy vui vẻ và cởi mở hơn, và những vướng mắc cũng theo đó nhẹ nhàng trôi qua. Đó chưa hẳn là sáng kiến cải tiến, nhưng tôi nghĩ là cách hay để giữ cho cuộc sống gia đình được êm ấm.

PV: Để biểu đạt một cách ngắn gọn nhất, tổng quát nhất về niềm đam mê sáng kiến cải tiến của bản thân, anh sẽ nói gì?

Nguyễn Minh Tâm: Đó là “tri thức, tận tâm và sự ủng hộ”.

PV: Cảm ơn anh. Chúc anh tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp và có thêm nhiều sáng kiến hiệu quả!

Từ những sáng tạo và nỗ lực không ngừng của mình, “cây sáng kiến” Nguyễn Minh Tâm đã vinh dự nhận được Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước vào tháng 3/2013. Ngoài ra, anh đã nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2012, nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2009 và danh hiệu Chiến sĩ thi đua của Bộ Công Thương năm 2008, 2011. Không những vậy, anh còn đoạt nhiều giải thưởng quan trọng trong các hội thi sáng tạo của ngành Dầu khí, của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và nhận được nhiều bằng khen của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên tiếp trong các năm 2009-2011 về những thành tích sáng kiến, cải tiến mang lại lợi ích tiền tỉ cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Nói về Nguyễn Minh Tâm, ông Từ Cường - Phó tổng giám đốc PVFCCo kiêm Giám đốc Nhà máy Đạm Phú Mỹ nhận xét: “Nguyễn Minh Tâm là một chuyên gia trẻ có tinh thần ham học hỏi, nhạy bén, mạnh dạn, sáng tạo và có tính khoa học, kỷ luật cao, thực sự là “cây sáng kiến” của Nhà máy Đạm Phú Mỹ trong nhiều năm qua. Những đề xuất sáng kiến cải tiến hợp lý của Tâm luôn được ban lãnh đạo PVFCCo ủng hộ và đánh giá cao. Bất cứ đề tài, sáng kiến cải tiến nào Tâm cũng đem hết sức mình tìm tòi, sắp xếp hợp lý, hoàn thành đúng thời gian, hiệu quả chất lượng cao, tiết giảm được chi phí, mang lại lợi ích thiết thực cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ”.


 Thế Vinh (thực hiện)

DMCA.com Protection Status