Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Dung dịch Khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC) Đào Xuân Nhị:

Đưa người lao động tiến công vào khoa học - công nghệ

10:01 | 30/08/2012

1,295 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Tại Hội nghị biểu dương 110 cán bộ công đoàn cơ sở tiêu biểu toàn quốc lần thứ II năm 2012 vừa diễn ra vào ngày 28/7/2012 nhân dịp kỷ niệm 83 năm thành lập Công đoàn Việt Nam; ông Đào Xuân Nhị, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC) là cán bộ công đoàn duy nhất của ngành Dầu khí được tôn vinh.

Phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với ông về việc động viên người lao động DMC tiến công vào khoa học công nghệ và cải tiến kỹ thuật trong sản xuất. Bên cạnh đó, ông còn chia sẻ về “nghề” thủ lĩnh công đoàn cơ sở.

PV: Thưa ông, những thành tích mà DMC đạt được liên tiếp trong thời gian qua như lọt vào Top 50 (đứng 17/50) doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và doanh thu 6 tháng đạt 1.500 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 91 tỉ đồng sẽ tạo những động lực và thách thức gì đối với tập thể người lao động DMC?

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tặng bức ảnh Bác Hồ cho ông Đào Xuân Nhị

Ông Đào Xuân Nhị: Trong thời gian qua, nền kinh tế nước ta đang gặp khó khăn nhưng 6 tháng đầu năm 2012 Tổng Công ty DMC vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng mạnh mẽ với doanh thu hơn 1.500 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 91 tỉ đồng. Riêng Công ty M-I Việt Nam (đơn vị thành viên của DMC) có doanh thu gần 600 tỉ đồng. Hiện nay, DMC đang làm việc với đối tác để mở rộng thị trường cung cấp dung dịch khoan ra nước ngoài như Uzebekistan, Venezuela, Myanmar, Lào…

6 tháng cuối năm 2012, DMC quyết tâm giữ vững vị trí trong Top 50 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam, hoàn thành một số chỉ tiêu như doanh thu trước 15 ngày; thực hiện tiết giảm chi phí quản lý, chi phí sản xuất; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các hoạt động của toàn tổng công ty. Đặc biệt, đảm bảo người lao động của DMC không bị mất việc làm hay giảm lương. Tuy nhiên, thách thức cho DMC trong thời gian tới cũng nhiều như DMC đang trong giai đoạn tái cấu trúc doanh nghiệp nên người lao động không đủ trình độ, không đáp ứng được yêu cầu của công việc sẽ phải tái đào tạo hoặc chuyển vị trí công tác khác.

Mặt khác, trong tình hình mới, DMC phải tạo ra được sức bật trong sản xuất kinh doanh bởi so với đơn vị khác thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, DMC có quy mô khiêm tốn về vốn, tài sản, nguồn nhân lực, công nghệ... Điều này buộc DMC phải chiếm lĩnh được thị trường dung dịch khoan dầu khí. Đồng thời phải đổi mới công nghệ, cho ra sản phẩm mới, sắp xếp lại tổ chức, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

PV: Cuối tháng 3/2012, DMC đã ký hợp đồng khai thác và chế biến Barite với Bộ Kế hoạch Đầu tư Lào triển khai xây dựng nhà máy chế biến Barite tại Lào. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong Quý IV/2012. Ngày 18/4/2012, DMC khánh thành và đưa vào vận hành Nhà máy Hóa phẩm Dầu khí tại Cái Mép. Vậy Công đoàn DMC đã tham mưu cho lãnh đạo DMC về việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho các công trình này như thế nào?

Ông Đào Xuân Nhị: Trong các hệ dung dịch khoan không thể thiếu sản phẩm Barite. Nguồn quặng Barite ở trong nước đang cạn kiệt nên việc đầu tư khai thác quặng Barite sang Lào là bước đi kịp thời, đúng hướng của DMC. Chúng tôi sẽ đưa khoảng 50 cán bộ, công nhân của nhà máy sản xuất dung dịch khoan ở Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) sang Lào làm việc. Như vậy, DMC không phải tuyển thêm người, đồng thời tiết kiệm chi phí đào tạo mới.

Còn nhà máy ở Cái Mép, DMC đã giao cho Công ty Cổ phần Hóa phẩm Dầu khí DMC - Miền Nam quản lý. Nhà máy sẽ tận dụng công nhân của xưởng sản xuất cũ tại 24/8 Lê Thánh Tông (Vũng Tàu). Như vậy, dù là 2 công trình mới nhưng lực lượng lao động có tay nghề đã được DMC chuẩn bị từ lâu, sẵn sàng tiếp nhận vận hành không lo đứt mạch sản xuất.

PV: Là một đơn vị sản xuất, kinh doanh đặc thù của ngành Dầu khí, Công đoàn DMC đã có những chủ trương gì để phát triển nghiên cứu khoa học trong tổng công ty? Đến nay, hoạt động nghiên cứu đã đạt được kết quả gì, thưa ông?

Ông Đào Xuân Nhị: Công đoàn cơ sở DMC là hạt nhân trong việc tổ chức, triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động mang tính xã hội sâu rộng, đặc biệt là thực hiện phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của DMC và của ngành Dầu khí. Trong đó có một số công trình tiêu biểu như nghiên cứu của Công ty DMC Miền Bắc về thay thế phụ gia CMC bằng phụ gia TK10 cho quá trình sản xuất bentonite đã nâng cao chất lượng và đảm bảo độ ổn định của sản phẩm, giảm thời gian hoạt hóa sản phẩm, đồng thời giảm giá thành sản phẩm, tiết kiệm từ 30-40% so với việc sử dụng phụ gia CMC.

Công ty DMC Miền Nam nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công thiết bị thu hồi, xử lý bụi của hệ thống máy 5R trên cơ sở tận dụng các xilo chứa bột bentonite không còn sử dụng. Kết quả đã giảm 95% lượng bụi phóng không và 60% lượng bụi đầu vào của hệ thống máy, làm giảm thiểu ô nhiễm và tiết kiệm chi phí. Tôi cũng đã tìm hiểu sâu về một nghiên cứu nữa của DMC Miền Nam là thiết kế và gia công cải tiến gối bạc đồng cho cơ cấu chuyển động bánh răng Z22 đã đạt hiệu quả cao về kinh tế và ổn định cao của hệ thống máy trong quá trình sản xuất tại nhà máy hóa phẩm của Công ty DMC Miền Nam.

Đối với các nghiên cứu có liên quan đến các đối tác của DMC thì nổi bật là nghiên cứu của Chi nhánh DMC-RT về áp dụng hệ dung dịch tạo axít chậm nhằm tăng chiều sâu xâm nhập cho xử lý vùng cận đáy giếng, tăng cường thu hồi dầu ở một số giếng khoan của Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) được đánh giá đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật. Công ty Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí Trong nước (PVEP POC) đánh giá rất cao nghiên cứu hai sản phẩm hóa chất khai thác là DMC-PPD-C/DH01-14 và DMC Demul-C/DH01-46 của Chi nhánh DMC-RT và Ban Kinh doanh. Hai sản phẩm đã thử nghiệm công nghiệp thành công tại các giàn ĐH 01 và ĐH 02, từ đó DMC đã có những hợp đồng kinh tế có giá trị cao với PVEP POC.

PV: Một câu hỏi về công việc của cá nhân ông, xin ông chia sẻ về “nghề” thủ lĩnh công đoàn ở cơ sở có thuận lợi và khó khăn như thế nào?

Ông Đào Xuân Nhị: Thuận lợi có lẽ là bám cơ sở. Nghe, nhìn, biết và hiểu tường tận cuộc sống của cán bộ, công nhân viên. Tôi đã tham gia công tác công đoàn trên 20 năm và có 15 năm làm thủ lĩnh công đoàn cơ sở. Mỗi thời kỳ đều có những cách lãnh đạo riêng nhưng với tôi, gọi là thủ lĩnh cho đúng chất văn bản, nhưng khi làm việc cùng người lao động, mình phải là bạn. Bởi không có khoảng cách nên thông tin tôi thu được nhiều hơn, đúng bản chất hơn.

Cái khó khăn từ đó cũng giảm dần, đôi khi cái khó khăn chính là cái thuận lợi. Cái khó có lẽ là phải làm sao để người lao động không phải nghỉ việc hoặc giảm lương do không đủ việc làm trong thời buổi kinh tế khó khăn này.

PV: Muốn làm tốt nhiệm vụ của một thủ lĩnh công đoàn, cần phải có những tố chất gì, thưa ông?

Ông Đào Xuân Nhị: Người thủ lĩnh phải hiểu được tâm tư nguyện vọng của người lao động, của người quản lý thì mới làm cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động. Người lao động muốn làm thêm giờ thì mình phải biết được vì sao họ muốn làm thêm? Vì đam mê, vì nhu cầu thực tại hay vì muốn tăng thu nhập. Đó là sự nhạy bén cần có của người thủ lĩnh công đoàn.

Mặt khác, đại đa số công nhân lao động rất thẳng thắn, nên nếu để xảy ra một vấn đề nào đó ảnh hưởng đến công việc, thu nhập của họ là việc làm không nên. Nếu xảy ra đình công thì người thủ lĩnh công đoàn phải có biện pháp giải thích, khuyên răn và động viên người lao động cả về mặt lý và tình. Nhiều lúc, người thủ lĩnh công đoàn cần phải giỏi “nghệ thuật cầm trịch”.

Đức Chính (thực hiện)

(Năng lượng Mới số 150, ra thứ Ba ngày 28/8/2012)

DMCA.com Protection Status