Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Một việc làm hai ý nghĩa

09:25 | 17/09/2017

745 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Năm 2010, trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) trình Đại hội IV, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đặt vấn đề “Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất” là một trong những nhiệm vụ mà Đảng bộ cần phải tập trung lãnh đạo.

Vì sao phải mở rộng NMLD Dung Quất?

Ở giai đoạn 1, khi thiết kế và xây dựng Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất. Do điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, hơn nữa đây là NMLD đầu tiên được xây dựng, “trong tay” còn thiếu rất nhiều thứ, nhất là đội ngũ cán bộ kỹ thuật…

Vì vậy, trong quá trình lựa chọn đầu tư, chúng ta buộc phải lựa chọn cấu hình của nhà máy phù hợp với nguồn dầu Bạch Hổ. Đây là loại dầu ngọt, nhẹ, ít lưu huỳnh được xác định tốt nhất thế giới. Nói nôm na là loại dầu “dễ tính”, “dễ lọc” nhất trong các loại dầu thô hiện có trên thị trường thế giới.

Sẽ có ý kiến cho rằng, tại sao ngay khi xây dựng NMLD Dung Quất không lựa chọn công nghệ tiên tiến hơn, để bây giờ lại phải “nâng cấp, mở rộng”. Cần hiểu rằng, việc lựa chọn công nghệ hoàn toàn không thể dựa vào ý chí chủ quan được, mà phải tính toán về nhiều mặt. Nói một cách ví von, chúng ta “gia nhập” vào công nghệ lọc hóa dầu, cũng như chu trình một đứa trẻ sinh ra, phải qua giai đoạn biết lẫy, biết bò, rồi mới lẫm chẫm từng bước đi, chứ không phải sinh ra là chạy nhảy ngay được. Nói tóm lại là không thể “đốt cháy” giai đoạn được.

Không riêng gì NMLD Dung Quất mà điều đó đúng với tất cả các NMLD trên thế giới. Thường thì sau 5-10 năm hoạt động, bắt buộc phải nâng cấp, mở rộng để nhà máy tối ưu hơn. Theo tính toán, tổng chi phí vận hành NMLD Dung Quất khoảng 96-97%, các chi phí khác còn lại chỉ 3-4%. Vì vậy, nâng cấp nhà máy để có nguồn “đầu vào” rẻ hơn là điều những nhà sản xuất kinh doanh phải tính đến.

mot viec lam hai y nghia

Tương lai gần, nguồn dầu Bạch Hổ sẽ cạn kiệt, để tăng hiệu quả, hiệu suất đột biến, tăng tính cạnh tranh hiện nay với các NMLD khác, phải xác định được nguồn dầu thô và công nghệ phù hợp để thay thế hoàn toàn nguồn dầu Bạch Hổ.

Nguồn “đầu vào” ấy chính là chủng loại dầu chua, nặng hơn, nhiều tạp chất hơn dầu Bạch Hổ. Điều này sẽ nâng cao hiệu quả cho NMLD Dung Quất và sản phẩm chế biến từ các chủng dầu thô này đáp ứng tiêu chuẩn Euro V, đáp ứng nhu cầu các sản phẩm lọc - hóa dầu trong nước.

Với cấu hình của NMLD Dung Quất hiện nay, các sản phẩm xăng dầu sản xuất ra mới đạt tiêu chuẩn Euro 2. Nghĩa là chưa đáp ứng được yêu cầu Quyết định 49/2011 của Thủ tướng (quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải).

Trước đòi hỏi cấp bách đó, việc nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất là một đòi hỏi khách quan, vừa phù hợp với quyết định của Chính phủ, vừa phù hợp với trình độ năng lực quản trị, năng lực làm chủ công nghệ của đội ngũ cán bộ, kỹ sư của nhà máy hiện nay.

Tiến độ dự án

Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 16-12-2014. Ngày 24-12-2014, Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất đã trao giấy Chứng nhận đầu tư dự án này.

Ngay sau khi trao Giấy chứng nhận đầu tư, Khu Kinh tế Dung Quất đã chuẩn bị 4 khu đất với tổng diện tích 108,2ha (3 khu nằm sát nhà máy hiện hữu, 1 khu cạnh cảng xuất sản phẩm), để BSR triển khai dự án.

Cùng với việc tổ chức giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân trong vùng dự án. Ngay từ tháng 8-2015, BSR đã ký kết hợp đồng thiết kế tổng thể (FEED) với Nhà thầu Amec Foster Wheeler Energy Limited (AFW- Vương quốc Anh). Đây là hạng mục công việc quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị triển khai dự án, là tiền đề để các nhà thầu tiến hành thiết kế chi tiết, mua sắm, lắp đặt máy móc thiết bị, xây dựng nhà máy sau này. Tổng giá trị Hợp đồng FEED khoảng 25 triệu USD.

Ngày 24-3-2017, Ban Quản lý Dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất (DQRE) đã nhận bàn giao hồ sơ Hồ sơ thiết kế FEED từ Nhà thầu AFW và đang trình các cấp thẩm quyền thẩm định, đưa ra tổng dự toán.

Hạng mục tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ Dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất cũng được triển khai quyết liệt, do tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Đến thời điểm này, diện tích mặt bằng khu dự án đã chi trả đền bù đạt 96%; Diện tích đã thực hiện xong công tác bồi thường đạt 99%; Diện tích sạch đủ điều kiện bàn giao đợt 1 là 91/93,4 ha, đạt 97%.

Tương lai gần

Dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất được nâng công suất từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm, tương đương từ 148.000 thùng/ngày lên 192.000 thùng/ngày.

Cấu hình nhà máy sau nâng cấp mở rộng sẽ bao gồm tổng cộng 25 phân xưởng công nghệ, trong đó bổ sung mới 10 phân xưởng công nghệ (7 phân xưởng công nghệ bản quyền, 3 phân xưởng công nghệ không bản quyền).

Ngoài ra, dự án cũng thiết kế đầu tư bổ sung mới hạng mục phao rót dầu không bến một điểm neo (SPM) vận hành song song với SPM hiện hữu cho phép nhập các loại tàu chở dầu thô siêu trọng (VLCC) lên đến 300.000 DWT để tiết giảm chi phí vận chuyển các loại dầu có nguồn gốc từ Trung Đông (Arab light, Murban). Các hạng mục xuất sản phẩm qua cảng xuất sản phẩm bằng đường biển cũng được nâng cấp, cải hoán để cho phép tiếp nhận các tàu có tải trọng cao nhất lên đến 50.000 DWT cập bến lấy hàng.

Việc nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất cũng chính là để hình thành ngành hóa dầu. Hiểu lọc dầu, ngoài việc lọc dầu thô ra các sản phẩm xăng dầu, “đầu ra” còn lại chính là “đầu vào”, là nguyên liệu cho hóa dầu để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: sản phẩm nhựa, các loại sợi nhân tạo, hóa chất, chất dẫn xuất…

Một tổ hợp lọc - hóa dầu lớn nhất khu vực Đông Nam Á đang dần hình thành trên mảnh đất Vạn Tường lịch sử. Một ngày trôi qua là tiến độ đang được đẩy nhanh, là lòng tin và quyết tâm của những người lao động ở đây đang được bồi đắp bằng khát vọng vươn lên, bay xa…

P.V

DMCA.com Protection Status