Người “ăn sóng, nói gió” ở vùng đất dầu

16:39 | 09/10/2017

1,822 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Cụm từ đặt trong ngoặc kép đã nói lên tất cả tính cách, bản tính con người anh - một Bí thư chi bộ - dường như luôn buồn chân buồn tay, thích làm việc khó. Người mà chúng tôi nói đến là anh Phan Đông Hải, Trưởng phòng Quản lý Cảng biển của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).  

Người của sáng kiến

Từ năm 1999, Dự án Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất bắt đầu tuyển dụng, đào tạo nhân sự vận hành cho nhà máy. Lúc đó nhân lực cho khu vực cảng biển chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cuối năm 2000, Đội Cảng biển được thành lập với 3 “mũi tiên phong”. Phan Đông Hải có lẽ là người nhiều tuổi và giàu kinh nghiệm hàng hải nhất lúc bấy giờ. Cuối tháng 11 năm 2008, nhà máy nhập chuyến tàu dầu đầu tiên qua phao rót dầu một điểm neo (SPM) phục vụ khởi động nhà máy. Tuy nhiên, thời điểm đó, các chuyên gia cả ngoại lẫn nội đánh giá năng lực của đội ngũ vận hành cảng biển của BSR đáp ứng yêu cầu công việc 0%.

nguoi an song noi gio o vung dat dau

Không bất ngờ trước nhận định này và anh cũng chẳng lấy làm buồn bởi nhân sự của phòng hầu hết là các sinh viên vừa tốt nghiệp các trường đại học và trung học hàng hải, tuổi đời còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm tác nghiệp trên biển. Chuyến dầu đầu tiên đó đã xảy ra trục trặc do điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt. Các chuyên gia nhà thầu Technip chán nản, lãnh đạo Ban Quản lý dự án vô cùng âu lo. Trước khi chuyến dầu thứ hai cập bến, Trưởng ban Quản lý dự án Trương Văn Tuyến gọi anh lên và hỏi: “Chuyến này chắc chắn thành công chứ Hải?”. Trước câu hỏi chỉ có thể trả lời có hay không; Phan Đông Hải suy nghĩ trong giây lát và quả quyết: “Báo cáo anh, bọn em làm được”. Sau đó, anh cùng đồng nghiệp về lập phương án, nghiên cứu mọi yếu tố rủi ro của thời tiết và rút ra những bài học kinh nghiệm sau lần nhập dầu đầu tiên. Chuyến dầu thứ hai và thứ ba đã thật sự khiến anh và đồng nghiệp vỡ òa trong niềm vui. Lúc này, các chuyên gia trước kia có cái nhìn chưa đúng về nhân lực cảng biển của BSR cũng đã nở nụ cười tươi, Nhà thầu Technip đồng ý giao cho Phòng Quản lý cảng biển (QLCB) chịu trách nhiệm vận hành phao SPM trong giai đoạn chạy thử.

Không ngủ quên trên chiến thắng, anh đã tập hợp toàn bộ cán bộ trong phòng lại, nói chuyện như những chiến sỹ sắp ra mặt trận: “4 chuyến dầu đã cập bến, nhưng còn hàng trăm, hàng nghìn chuyến dầu khác đang chờ chúng ta. Anh em chúng ta phải đoàn kết, rèn luyện nghiệp vụ, sẵn sàng cho những nhiệm vụ mới”.

Cán bộ, nhân viên trong Phòng QLCB có cách tự đào tạo khá hay. Anh yêu cầu mỗi nhóm làm việc khi tác nghiệp sẽ ghi chép, thậm chí quay phim lại đầy đủ để về đất liền... mổ tài liệu. Từ những tài liệu đó, anh Hải chỉ rõ cho anh em biết chỗ nào chưa được, chỗ nào cần phát huy, chỗ nào còn mất an toàn. Thế là chỉ sau vài tháng ngắn ngủi, anh em trong phòng đã “tạm lành nghề”, có thể đảm bảo những nhiệm vụ phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao.

Từ chỗ còn bỡ ngỡ trong tác nghiệp hàng hải, cán bộ, nhân viên trong phòng và cá nhân anh Hải đã phát huy sáng tạo, có nhiều sáng kiến trong lao động. Đó là sáng kiến thiết kế hệ thống nạp khí cho hệ thống thủy lực điều khiển ở phao SPM. Trước kia, hệ thống dùng máy nén khí nạp khí trời nhưng do nồng độ muối cao nên thường gây sự cố máy. Anh liên hệ với một người bạn ở Đà Nẵng và đề nghị phương án dùng ni-tơ lỏng. Người bạn của anh cho rằng, phương án rất khả thi, tuy nhiên cần phải thử nghiệm cho chắc chắn. Anh quyết định chế tạo thử giàn hóa hơi ni-tơ từ dạng lỏng (đóng trong bình) sang dạng khí dùng cho mô-tơ. Anh Hải và đồng nghiệp tự bỏ hơn 2.000 USD để đặt hàng chế tạo ở TP Hồ Chí Minh. Giàn máy chạy thử thành công. Anh bốc máy gọi cho đối tác đưa giàn về Dung Quất ngay. Anh trình ý tưởng lên lãnh đạo BSR và không ngờ được chấp nhận luôn. Giàn được lắp đặt, vận hành thành công và sử dụng đến tận bây giờ.

Anh cũng cần mẫn nghiên cứu cách thức tác nghiệp trên biển và tìm ra giải pháp đấu nối hai ống mềm nổi lên tàu dầu thô an toàn và hiệu quả. Anh tham khảo mô hình tác nghiệp dầu thô ở eo biển Malacca. Anh phân tích thêm: Khi sử dụng làm ống bằng mũi tàu thì ống sẽ không bị cuốn vào chân vịt tàu dịch vụ. Vào mùa biển động, ống sẽ rất an toàn. Những đối tác của NMLD Dung Quất cũng đánh giá: “Biết là các ông học từ chúng tôi nhưng chúng tôi không còn thấy bóng dáng công việc của chúng tôi ở đây nữa”.

Rồi đến dám chịu trách nhiệm thay thế chuyên gia và tự chỉ huy sửa chữa thay thế thiết bị dưới đáy biển nữa, anh Hải cũng nhớ như in và kể vanh vách như thể mới có từ hôm qua. Thiết bị điều khiển hệ thống van nếu thuê bên ngoài sẽ bị chào với giá 29 tỷ đồng và 2,4 tỷ đồng để thuê chuyên gia với thời gian thực hiện trong 21 ngày, trong đó có 16 ngày làm việc tại văn phòng để chuẩn bị và 5 ngày thực thi ngoài hiện trường. Giá cao, thời gian kéo dài, trong khi chuyên gia ngoại không chịu sang ngay để sửa chữa. Anh báo cáo sự việc lên lãnh đạo công ty và được Chủ tịch Nguyễn Hoài Giang và Tổng Giám đốc Đinh Văn Ngọc ủng hộ. Chủ tịch Giang chỉ nói ngắn gọn một câu: “Anh cứ làm, chúng ta cùng chịu trách nhiệm”. Anh Hải quyết định phối hợp với Vietsovpetro thực hiện công việc với chi phí 1,4 tỷ đồng và hoàn thành trong 5 ngày.

nguoi an song noi gio o vung dat dau

Có một câu chuyện nữa, khi Chủ tịch Nguyễn Hoài Giang còn làm Tổng Giám đốc gọi anh lên để giao nghiên cứu việc hút bùn, cát hệ thống nước làm mát cho nhà máy, để giảm chi phí và thời gian thi công, bảo đảm an toàn. Anh nhận việc về cùng tập thể nghiên cứu. Từ đề xuất của Đội trưởng Đội thợ lặn Vũ Văn Quang, tập thể kỹ sư, công nhân cảng đã bỏ tiền chế tạo làm thử, sau khi thành công áp dụng vào thực tế sản xuất đã làm giảm chi phí cho một lần hút cát từ 550 triệu đồng xuống còn 80 triệu đồng, thời gian thi công từ 15 ngày giảm xuống còn 5 ngày. Do thiết bị mới hút cát rất sạch nên mỗi năm chỉ cần hút 3 đến 4 lần thay vì 5 đến 6 lần như trước đây. Anh nhớ lại: “Để thực hiện thành công cũng gian nan, khó khăn lắm nhưng tập thể chịu khó, kiên trì nghiên cứu mới thành công”.

Ông bí thư... nói và làm

Quả thực, ở NMLD Dung Quất, mỗi một cán bộ, công nhân viên đều phát huy cao nhất sáng tạo của mình. Ngay ở câu chuyện làm thế nào để anh em cán bộ, kỹ sư, công nhân của Phòng QLCB học tập và làm theo Bác Hồ hiệu quả nhất, anh Hải cũng nói ngắn gọn: “Nói đi đôi với làm”. Anh phân tích: “Ở phòng tôi, tôi yêu cầu anh em trước khi muốn học Bác hãy đọc về Bác, chí ít là những bài đã học trong chương trình phổ thông như: “Thư Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường”, “Tuyên ngôn Độc lập”, và “Di chúc…”. Không đọc, không hiểu Bác thì học gì. Phương châm, tư duy chỉ đạo của Phòng QLCB là gì? Là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” chứ đâu - Ngày xưa Cụ Hồ dặn Cụ Huỳnh (Huỳnh Thúc Kháng) trước khi sang thăm Pháp. Áp dụng vào thực tế đó là: vận hành, bảo dưỡng an toàn, ổn định, hiệu quả là bất biến, phương pháp thì phải cập nhật cải tiến cho phù hợp với điều kiện thực tế”.

nguoi an song noi gio o vung dat dau

Nói đến đây, tôi nhớ lại một câu chuyện của anh Phan Đông Hải phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2014 của Công ty BSR. Anh cho biết: Khi mới vận hành phao SPM với những tàu chở dầu thô 110 nghìn tấn cần 55 giờ tác nghiệp trên biển. Nhưng hiện nay, Phòng QLCB chỉ mất 24 giờ. Rõ ràng là cũng ngần ấy con người, thiết bị, hạ tầng nhưng thời gian giảm đi, chứng tỏ năng suất lao động đã tăng lên hơn hai lần. Anh lấy ví dụ thêm: Vận tải dầu thô từ Trung Đông về Dung Quất khi sử dụng tàu Sue Max, giá giảm được 55 cent/1 thùng dầu. Theo hợp đồng được ký, thời gian làm hàng cho một chuyến tàu dầu Sue Max là 60 giờ, trong khi chuyến đầu tiên Phòng QLCB chỉ thực thi trong 42 giờ; chuyến thứ hai là 32 giờ. Như vậy, thời gian càng rút ngắn thì mức tiết kiệm sẽ càng cao.

Bí thư Phan Đông Hải luôn quan niệm trong công việc phải tự lực cánh sinh, đoàn kết, học Bác từ những mẩu chuyện nhỏ nhất. Trong công tác phát triển Đảng, anh cho rằng, việc quan trọng phải tìm được người có tính tích cực tất cả mọi mặt. Lãnh đạo phòng cũng phải tinh anh, phát hiện cán bộ cấp dưới để dìu dắt, kết nạp vào Đảng. Hiện tại, Phòng QLCB có 21 đảng viên trong tổng số 69 cán bộ, công nhân viên.

Thời gian tới, Chi bộ QLCB tập trung nâng cao chất lượng đảng viên, tiếp tục đổi mới các hình thức sinh hoạt chính trị, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, tay nghề và kinh nghiệm để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý, vận hành phao SPM của NMLD Dung Quất.

Hiện Phòng QLCB đang quản lý phao SPM, là hạng mục ngoại vi quan trọng bậc nhất của NMLD Dung Quất. Sau 6 năm vận hành, phao SPM đã tiếp nhận hơn 35 triệu tấn dầu thô. Phao SPM nặng 360 tấn, cao 10m, bao gồm có các hệ thống PLEM, đường ống ngầm dẫn dầu thô dài 3,2km tới nhà máy và 2 đường ống nổi dài 242m để nối từ phao rót dầu đến tàu chở dầu thô. Phao có công suất bơm khoảng 6.000m3 dầu thô/giờ. Với tàu có trọng tải 150 nghìn tấn, chứa 1 triệu thùng dầu thì phải bơm liên tục mất 2 ngày. Việc nâng cấp thành công phao SPM sau đợt bảo dưỡng tổng thể lần 2 không chỉ tiết kiệm cho BSR khoảng 20 triệu USD/năm chi phí vận chuyển dầu thô (được tính vào giá dầu thô) mà còn đa dạng hóa dầu thô từ Trung Đông, Liên bang Nga…

P.V

DMCA.com Protection Status