Những Người thợ trẻ giỏi 2017

Trưởng thành từ thực tế sản xuất

15:26 | 17/05/2017

666 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Đối với những doanh nghiệp hoạt động trong ngành kinh tế - kỹ thuật chất lượng cao như ngành Dầu khí, sự phát triển của đơn vị thường được “đo đếm” bằng chính sự phát triển khoa học kỹ thuật cũng như chất lượng nguồn nhân lực. Vì thế, việc nâng cao tay nghề của những người thợ cũng như đẩy mạnh phát huy các sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật và làm lợi cho đơn vị chính là nhiệm vụ chính trị của tổ chức Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. 

Đối với một ngành kinh tế chất lượng cao, sử dụng khoa học công nghệ hiện đại, vai trò của Đoàn Tập đoàn được thể hiện rõ nét nhất trong việc chủ đạo tổ chức những hoạt động xung kích sáng tạo, thực hiện các công trình, phần việc thanh niên trên các công trình trọng điểm quốc gia, các giải pháp, sáng kiến trong nghiên cứu khoa học và phong trào sáng tạo trẻ, xây dựng văn hóa doanh nghiệp…

Từ năm 2012 đến hết 2017, Đoàn Tập đoàn đã triển khai toàn diện phong trào “Xung kích phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp”, phong trào “Thi đua đăng ký đảm nhận công trình phần việc thanh niên”, phong trào “Sáng tạo trẻ” được các lãnh đạo Tập đoàn và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Toàn đoàn đảm đương 1.188 công trình thanh niên các cấp với 127 công trình cấp Khối Doanh nghiệp Trung ương, 11 công trình cấp Trung ương được tuyên dương toàn quốc, tổ chức 277 diễn đàn, hội thảo chuyên đề về các lĩnh vực chuyên môn của Tập đoàn.

truong thanh tu thuc te san xuat
Các gương “Người thợ trẻ giỏi” được tuyên dương tại buổi lễ

Toàn Tập đoàn có 3 đoàn viên đạt danh hiệu “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu”, 65 “Thợ trẻ giỏi toàn quốc”, hàng vạn cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên được tổ chức đoàn các cấp tuyên dương.

Đặc biệt, trong lễ tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” năm 2017 được tổ chức mới đây, ngành Dầu khí vinh dự đóng góp 6 gương mặt: Huỳnh Phúc Phùng (PV GAS), Đinh Đức Toàn (PTSC), Vũ Văn Cường (PTSC), Phùng Vĩnh Nguyên (PTSC), Nguyễn Văn Du (PTSC) và Nguyễn Như Niên (PVCFC).

Đây là giải thưởng nhằm động viên, tôn vinh, khen thưởng những người thợ trẻ giỏi, tay nghề cao, có thành tích lao động xuất sắc, có các đề tài, ý tưởng, sáng kiến sáng tạo được áp dụng trong lao động sản xuất, học tập. Qua đó khuyến khích thanh niên tích cực nâng cao trình độ tay nghề, yêu nghề góp phần xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tất cả các cá nhân được tuyên dương danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” năm 2017 đều có những công trình, đề tài có ý nghĩa thực tiễn phong phú và có giá trị làm lợi rất lớn cho đơn vị. Đó là kỹ sư Huỳnh Phúc Phùng - người gắn bó với Nhà máy GPP Cà Mau, đã có nhiều đề tài, sáng kiến gắn liền với công trình này như sáng kiến “Giải pháp chống ăn mòn cục bộ hệ thống đường ống công nghệ tại các gối đỡ” năm 2014; sáng kiến “Loại bỏ lớp bọc bảo ôn cho các thiết bị đường ống không ảnh hưởng đến an toàn vận hành và công nghệ nhằm giảm thiểu ăn mòn dưới lớp bọc bảo ôn (CUI) tại Nhà máy GPP” năm 2015; sáng kiến “Lắp đặt bổ sung nhớt tự động cho bộ truyền động dẫn động bơm nhớt bôi trơn đầu nén K-01A/B” năm 2015…

Hay kỹ sư Đinh Đức Toàn (Tổ trưởng Tổ PTSC Lam Sơn) với sáng kiến về “Nghiên cứu tự sửa chữa máy Historian của hệ thống ICSS trên tàu FPSO PTSC Lam Sơn đưa vào áp dụng từ quý I/2016 giá trị làm lợi 40,430USD”; đồng tác giả sáng kiến nghiên cứu chế tạo seal cho hệ thống 4 way valve trên Metering Skid tàu FPSO PTSC Lam Sơn giá trị làm lợi mang lại 556 triệu và là tác giả của đề tài “Nâng cao tính ổn định của hệ thống Delta V trên tàu FPSO Ruby II” được Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam tặng Giấy khen.

Đó là kỹ sư cơ khí Nguyễn Như Niên (PVCFC) với sáng kiến “Thay đổi đường dẫn axit vào bồn T20207” năm 2013 có giá trị làm lợi gần 300 triệu đồng; sáng kiến “Thiết kế lắp đặt cụm xử lý rò online” năm 2013, giá trị làm lợi hơn 2 tỉ đồng; sáng kiến “Thiết kế chế tạo, lắp đặt lưới chắn rác cùm nước sông đầu vào” năm 2014, giá trị làm lợi gần 1 tỉ đồng hay sáng kiến “Giải pháp hệ thống băng tải chuyển đạm từ V07601 tới V48007” năm 2015 có giá trị làm lợi hơn 3 tỉ đồng…

Chia sẻ về những khó khăn khi tiến hành nghiên cứu cải tiến kỹ thuật trong thực tế sản xuất, kỹ sư Đinh Đức Toàn (Tổ trưởng Tổ PTSC Lam Sơn - Công ty CP Dịch vụ Khai thác Dầu khí PTSC) cho hay: “Công nghệ kỹ thuật được áp dụng của ngành Dầu khí đa số là các ứng dụng công nghệ cao để nâng cao sản xuất nhưng nó cũng đòi hỏi người sử dụng sản phẩm đó phải am hiểu và làm chủ được công nghệ. Để giảm thiểu sự phụ thuộc công nghệ người vận hành phải luôn học hỏi, tìm tòi và đưa ra các giải pháp sáng kiến để nâng cao năng lực sản xuất cũng như tính ổn định và sẵn sàng của hệ thống.

Khó khăn lớn nhất là các sản phẩm sau khi cải tiến là phải chứng minh được sau khi cải tạo nâng cấp thì hệ thống phải hoạt động ổn định và hiệu quả, không được ảnh hưởng và gián đoạn sản xuất. Việc gián đoạn này sẽ gây ra hậu quả rất lớn đối với công việc sản xuất kinh doanh, vì khi sản phẩm đưa vào không được hoàn chỉnh lúc đó thời gian khắc phục sẽ phải dừng sản xuất và ảnh hưởng tới công ty. Tuy nhiên, các sáng kiến chúng tôi đưa ra luôn luôn được lãnh đạo công ty tạo điều kiện để phát huy cũng như luôn được quan tâm đánh giá các cải tiến để sản phẩm được hoàn thiện trước khi đưa vào sử dụng”.

Vinh dự được tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” năm 2017, kỹ sư Huỳnh Phúc Phùng (Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố - Công ty Chế biến khí Vũng Tàu) chia sẻ: “Sau 6 năm làm việc tại công ty tôi đã tham gia đóng góp 8 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất cho công ty. Trong đó có đề tài: Giải pháp chống ăn mòn cục bộ hệ thống đường ống công nghệ tại các gối đỡ”.

Sau thời gian áp dụng giải pháp đã phát huy tính hiệu quả rõ rệt và đã vượt qua các kỳ bảo vệ thuyết phục trước Hội đồng Khoa học Công nghệ PV GAS. Giải pháp cải tiến kỹ thuật này ước tính đã làm lợi hơn 3 tỉ đồng chi phí bảo dưỡng, sửa chữa chống ăn mòn cho nhà máy GPP. Tuy nhiên, giá trị vô hình mà giải pháp đã mang lại không thể đo đếm được bằng hiệu quả kinh tế đó là nâng cao độ an toàn cho hệ thống công nghệ nhà máy GPP, góp phần hạn chế rủi ro rò rỉ khí hydrocarbon gây nguy cơ cháy nổ mất an toàn, là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các công trình chế biến tàn trữ khí của PV GAS nói riêng và của Tập đoàn nói chung.

Đánh giá phong trào “Sáng tạo trẻ” của lực lượng đoàn viên, thanh niên ngành Dầu khí, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn Tập đoàn Vũ Thị Thu Hương khẳng định: “Trong tình hình mới, nhận được sự chỉ đạo của Đảng ủy Tập đoàn, Đoàn Thanh niên cũng đã kịp thời điều chỉnh những hoạt động cho phù hợp với tình hình hiện nay, cụ thể như đẩy mạnh việc thi đua đăng ký đảm nhận công trình, phần việc thanh niên; triển khai sâu rộng các phong trào thi đua “4 nhất”; phong trào “Sáng tạo trẻ”, phong trào “3 trách nhiệm” trong đoàn viên, thanh niên, tổ chức các cuộc thi rèn luyện tay nghề, thi thợ giỏi, hiến kế các giải pháp phát huy các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hoàn thiện, bổ sung hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình sản xuất thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tuyên dương những tấm gương điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất kinh doanh. Chúng ta muốn hơn người khác thì chúng ta phải có giải pháp hay. Thanh niên làm việc, lao động cần có nhiều sáng kiến, sáng chế. Ngoài ra, các bạn cũng phải giữ trong mình khát vọng vươn lên, cống hiến nhiều hơn cho đơn vị, cho ngành Dầu khí”.

Tuổi trẻ ngành Dầu khí đã thể hiện được vai trò xung kích trong hoạt động lao động sáng tạo và làm chủ khoa học công nghệ, đưa ngành Dầu khí trở thành một trong những đơn vị có phong trào lao động sáng tạo sôi nổi, đồng thời phát huy truyền thống của tuổi trẻ Việt Nam, xung kích, sáng tạo trong lao động sản xuất, khẳng định vị thế ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn của Việt Nam.

V.Tâm

DMCA.com Protection Status