Anh thợ giàu sáng tạo

07:17 | 12/05/2014

698 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Khi chúng tôi đến Nhà máy Đạm Phú Mỹ - Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, trời bắt đầu chập choạng tối. Ngược dòng công nhân tan ca đi ra cổng, Xưởng Gia công chế tạo vẫn tấp nập bóng công nhân làm thêm giờ. Anh Trần Tăng Khương - Tổ trưởng Tổ Nguội sửa chữa, Xưởng Gia công chế tạo - giải thích nhẹ nhõm: 16 giờ 30 tan ca, nhưng làm thêm đến 19 giờ là chuyện bình thường ở xưởng. Bởi lẽ, máy móc vận hành không ngừng thì người thợ cũng phải không ngừng làm việc.

Năng lượng Mới số 320

Làm nên sự thay đổi to lớn của ngành Dầu khí là lớp lớp thế hệ người lao động dầu khí bình dị như bao người lao động khác trên đất nước này. Họ miệt mài sáng tối trên các công trình, công xưởng trong bờ, ngoài biển, phát huy sáng kiến sáng tạo, đóng góp trí tuệ, sức lực của mình cho sự phát triển bền vững của ngành, của nghề.

Với đặc thù công việc được giao là gia công và sửa chữa các chi tiết máy móc, thiết bị theo yêu cầu của các đơn vị, sửa chữa và hiệu chỉnh các loại van phần cơ khí, sửa chữa máy công cụ và gia công kết cấu thép, lắp đặt đường ống, cân bằng động các rô to trong nhà máy, công nhân nguội Trần Tăng Khương đã không ngừng học hỏi, hoàn thành nhiệm vụ được giao, và hơn thế, tích cực nghiên cứu tìm tòi, phát huy sáng kiến hợp lý hóa sản xuất đem lại hiệu quả cao trong sản xuất.

Anh Trần Tăng Khương - người thợ giàu sáng tạo

Kể từ khi được giao nhiệm vụ là Tổ trưởng Tổ Nguội sửa chữa Xưởng Gia công chế tạo - Nhà máy Đạm Phú Mỹ năm 2004, anh Trần Tăng Khương là tác giả và đồng tác giả của nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang lại lợi ích về kinh tế đóng góp cho đơn vị được công nhận. Như sáng kiến Thiết kế bộ đồ gá chế tạo cánh quạt làm mát cho động cơ điện của hệ thống bơm 30-P-3001 năm 2008; Giá đỡ kiểm tra trục năm 2009; sáng kiến dùng máy bơm nước cao áp và béc phun để thông nghẹt chất xúc tác lò phản ứng H2001. Năm 2010, anh là tác giả đồng tác giả của các sáng kiến: Đưa ra các hình thức tổ chức thi công và phương thức thi công công trình tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ, sáng kiến chế tạo bộ đỡ cố định. Năm 2011 là tác giả đồng tác giả của các sáng kiến: Gia công mới weep hole cho miếng vá lớp lining của thiết bị 20-V-1001; sáng kiến gia công tiện hạ bậc và chạy đường ren mờ trên nắp van, chế tạo đồ gá chuyên dùng gia công đường ren mờ trên các mặt phẳng thân van nhằm tạo độ bám và làm kín liên kết giữa thân van - gasket - nắp van sau khi siết bulong và thực hiện body test van điều khiển 30-FV-33002; sáng kiến Phục hồi hoat động cho van 20-HV-1040; sáng kiến Chế tạo đường ống xả lỏng cho bộ lọc không khí vào Gas turbine 10-GT-9001; sáng kiến thiết kế và chế tạo cơ cấu kéo bánh răng của cụm Barring gear turbine 10-STK-4041…

Sinh năm 1988, tròn 20 tuổi, sau khi tốt nghiệp Trường Cơ khí luyện kim, Khoa Cơ khí chế tạo, chàng trai trẻ gốc Hải Phòng Trần Tăng Khương đi lao động hợp tác ở Liên Xô. Đến năm 1994 anh về nước, ban đầu làm ở Công ty đóng tàu An Phú. Đến năm 1999 chuyển công tác về Xí nghiệp Xây lắp Vietsovpetro. Năm 2002 thì về học tập làm việc ở Ban Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ cho đến nay.

Nói về quãng thời gian công tác tại Nhà máy Đạm nói riêng, quá trình công tác trong ngành Dầu khí nói chung, anh Trần Tăng Khương cho biết anh và đồng nghiệp gặp rất nhiều thuận lợi. Đó là công việc ổn định, được lãnh đạo tạo mọi điều kiện để học tập, nâng cao trình độ.

Cũng là công nhân cơ khí, nhưng công nhân cơ khí ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ có điểm khác, đó chính là môi trường làm việc hiện đại hơn, mới mẻ hơn, đòi hỏi mỗi người lao động phải chăm chỉ cần cù, luôn nỗ lực tìm tòi, làm chủ máy móc thiết bị và hơn thế nữa là phát huy sáng tạo.

Khác với hình dung của tôi rằng những người thợ lành nghề thường là những người “có tuổi” có kinh nghiệm, rất từng trải, nhưng từ vẻ ngoài đến cách nói chuyện, Trần Tăng Khương đều khiến tôi phải bất ngờ. Giản dị đến bình dị. Hiền lành đến chất phác. Ngẫm cho cùng, điều đó cũng không có gì bất thường. Không ngành kinh doanh nào có thể định nghĩa rõ ràng và chính xác ý nghĩa của rủi ro và phần thưởng cũng như tầm quan trọng của cơ hội và số phận như ngành Dầu khí. Có thể coi đó là sự mô tả khá chính xác vóc dáng và bản chất của ngành công nghiệp dầu khí. Bởi thế, ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cơ hội và phần thưởng chia đều cho mỗi người lao động, dù ở cương vị, lĩnh vực nào. Miễn là anh yêu lao động, yêu nghề, yêu nơi làm việc của mình.

 Công nhân Xưởng Gia công chế tạo, Nhà máy Đạm Phú Mỹ làm thêm giờ

Đó cũng chính là câu trả lời giản dị của Trần Tăng Khương khi được hỏi: Trở thành một công nhân cơ khí tiêu biểu cần có những phẩm chất nào?

Hiền lành, ít nói và rất mực khiêm tốn, bí quyết gặt hái thành công trong công việc của Trần Tăng Khương cũng được giải thích như rất nhiều người lao động dầu khí tiêu biểu khác mà chúng tôi đã từng có cơ duyên được gặp mặt, phỏng vấn: Không ngừng phấn đấu, học hỏi trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và một số kinh nghiệm từ cấp trên, từ các đồng nghiệp nhằm phục vụ cho công việc của mình, luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nghe thì rất đơn giản, nhưng có đến tận từng công xưởng nhà máy cơ quan xí nghiệp thuộc PVN, có trực tiếp nghe tiếng máy ầm ì suốt ngày đêm, có dõi theo từng cột khói bốc lên trắng xóa một không gian chật hẹp, có ngắm nhìn ngọn lửa cháy ngùn ngụt trên đỉnh giàn, có rón rén bước chân lên xuống từng bậc cầu thang cheo leo của các giàn khoan mà dưới chân là sóng biển trắng xóa, có tận mắt chứng kiến những khẩu hiệu băng rôn khắp các đơn vị công ty gắn logo PVN mà hầu hết đều liên quan đến hai chữ “an toàn”, tựa như an toàn thì sống... thì mới hiểu, để nhận được một tấm bằng khen giải thưởng, để gặt hái nên thành tích trong nghề này, cái “giá” là vô cùng vô cùng. Nguy hiểm - có. Rủi ro - có. Tai nạn - có. Bệnh tật - có. Chất xám - dĩ nhiên có. Nên, có thể nói rằng, những người lao động bình thường, chân chất đang mỗi ngày đánh đổi mồ hôi, trí tuệ của mình trên các công trình dầu - khí - điện đạm trong bờ, ngoài biển, hay ở cả những đầm lầy giá rét những sa mạc bỏng rát thịt da ở ngoại quốc xứng đáng nhận những phần thưởng đầy vinh quang đó, vinh quang của lao động trong một ngành nghề đặc thù.

Chính họ đã góp sức mình làm nên một ngành công nghiệp có khả năng quyết định đến vận mệnh của một quốc gia. Tôn vinh họ, tôn vinh những người lao động trực tiếp cũng chính là tôn vinh biểu tượng PVN, khẳng định bản sắc, phẩm chất người dầu khí Việt Nam trong tiến trình hội nhập, phát triển.

Lê Chi

DMCA.com Protection Status