Bà Rịa - Vũng Tàu là địa điểm lý tưởng để xây dựng trung tâm năng lượng quốc gia

12:32 | 19/04/2024

7,781 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với đề án “Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia” theo Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ đã quyết định nhiều chủ trương, chính sách lớn với các giải pháp toàn diện. Đây là hai văn bản quan trọng thể hiện rõ tinh thần đổi mới, quyết tâm của Bộ Chính trị trong việc tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong việc phát triển vùng Đông Nam Bộ.

Bà Rịa - Vũng Tàu là địa điểm lý tưởng để xây dựng trung tâm năng lượng quốc gia
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại Hội thảo.

Một trong nhiều chủ trương lớn được xác định là “phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia”. Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã triển khai xây dựng và phác thảo bước đầu dự thảo đề án.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh: “Hội thảo này chúng ta cùng nhau thảo luận, nhận diện thực trạng, đánh giá, làm rõ các tiềm năng, lợi thế nổi trội, cơ hội và thách thức của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia”.

Phát biểu tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tham luận tập trung vào các nhóm vấn đề: Nhận diện các tiềm năng, lợi thế tỉnh trong việc trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia của vùng và cả nước; Giải pháp, chính sách khai thác tiềm năng và phát huy lợi thế du lịch biển; Phát triển ngành dịch vụ cảng biển, vận tải và logistics trở thành trụ cột mô hình kinh tế; Phát triển công nghiệp ven biển theo hướng hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này còn cả một chặng đường dài, với nhiều khó khăn phía trước.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, TS. Huỳnh Minh Thuận đại diện Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã trình bày đánh giá hiện trạng, nhận diện một số lợi thế tiềm năng và cơ hội, bên cạnh những khó khăn, thách thức cho ngành công nghiệp khai thác và công nghiệp lọc hóa dầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bà Rịa - Vũng Tàu là địa điểm lý tưởng để xây dựng trung tâm năng lượng quốc gia

TS. Huỳnh Minh Thuận đại diện Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) trình bày tham luận tại Hội thảo.

TS. Huỳnh Minh Thuận nhận định, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm tại trung tâm kinh tế trọng điểm của Việt Nam, gần nguồn cung nguyên liệu là dầu mỏ và khí đốt, nơi có thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước, có cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông thuận lợi trong việc xuất nhập khẩu nguyên liệu cũng như sản phẩm đến các vùng miền khác cũng như quốc tế, đặc biệt là trung tâm của công nghiệp dầu khí với rất nhiều nguyên liệu để sản xuất sản phẩm sau hóa dầu. Hiện nay trong ngành công nghiệp lọc hóa dầu, một số nhà máy lớn và sản phẩm trọng điểm đã và đang được vận hành và sản xuất trong tỉnh. Cụ thể, về lĩnh vực năng lượng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có các nhà máy chế biến khí (Dinh Cố, Nam Côn Sơn), nhà máy chế biến condensate PVOIL, nhà máy điện và nhà máy thép. Gần đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã đầu tư kho cảng LNG Thị Vải với công suất 1 triệu tấn/năm ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, góp phần đảm bảo nguyên liệu và năng lượng sạch cho phát triển. Về lĩnh vực lọc hóa dầu, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm trọng điểm ở phía Nam cho lĩnh vực lọc hóa dầu, tiêu biểu có các nhà máy: AGC Vina (PVC), Đạm Phú Mỹ (NH3, Ure), THHD Long Sơn (PE/PP), THHD Hyosung (PP), Haosheng Vina (PET), PS Vietnam (PS),...

Bà Rịa - Vũng Tàu là địa điểm lý tưởng để xây dựng trung tâm năng lượng quốc gia
Chuỗi dự án kho chứa LNG Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm ở vị trí thuận lợi với luồng hàng hải sôi động Cái Mép - Thị Vải, phù hợp tiếp nhận các tàu LNG lên đến 100.000 tấn.

Bên cạnh đó, theo Quy hoạch phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 17 khu công nghiệp với hơn 9.000 ha và dự kiến giai đoạn từ 2021-2050 sẽ tiếp tục phát triển thêm 7 khu công nghiệp nữa với diện tích khoảng 7.350 ha tại khu vực Châu Đức và Phú Mỹ, trong đó ưu tiên các ngành sản xuất và chế biến sản phẩm công nghệ cao và công nghiệp dầu khí, sau hóa dầu, năng lượng sạch.

TS. Huỳnh Minh Thuận nhấn mạnh: “Tỉnh cũng cần định hướng phát triển các tổ hợp đô thị, dịch vụ và công nghiệp ở Phú Mỹ, nơi có thể kết nối liền mạch với các trung tâm logistics, dịch vụ, đô thị và công nghiệp của khu vực Đông Nam Bộ. Hy vọng các khu công nghiệp này sẽ được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có những chính sách thu hút đầu tư ưu đãi, cạnh tranh để các nhà đầu tư có thể lựa chọn nơi đây là địa điểm lý tưởng cho đầu tư phát triển công nghiệp lọc hóa dầu và sau hóa dầu bên cạnh những ưu điểm vượt trội mà địa phương đã có sẵn”.

TS. Huỳnh Minh Thuận phân tích thêm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có một trung tâm công nghiệp dầu khí với cơ sở hạ tầng được phát triển đồng bộ, tương đối toàn diện và phù hợp cho lĩnh vực dầu khí, hóa chất, hóa dầu và sau hóa dầu. Ở khâu thượng nguồn, phát triển công nghệ mới để cải thiện hiệu quả khai thác, giải pháp EOR; thiết kế thăm dò để bổ sung trữ lượng và gia tăng sản lượng các mỏ cạn kiệt. Ở khâu trung nguồn, phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải để hình thành trung tâm/cụm cho sản xuất, vận chuyển sản phẩm lọc hóa dầu. Ở khâu hạ nguồn, mở rộng và tích hợp chuỗi giá trị lọc hóa dầu và sau hóa dầu; hướng đến sản xuất xanh hơn, sạch hơn và tiết kiệm năng lượng theo xu hướng chuyển dịch năng lượng và NetZero...

“Để thực hiện phát triển ngành công nghiệp khai thác dầu khí và lọc hóa dầu theo hướng năng suất và bền vững, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần xây dựng quy hoạch và định hướng phát triển tỉnh trên cơ sở cập nhật và xem xét định hướng phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí nhằm tăng tính liên kết ngành/vùng; tạo điều kiện thuận lợi, thu hút đầu tư, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo nhu cầu phát triển cho ngành dầu khí, năng lượng cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh”, TS. Huỳnh Minh Thuận khuyến nghị.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, để thực thi chiến lược phát triển kinh tế biển cần những giải pháp vượt qua giới hạn địa phương, mang tầm quốc gia. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần mạnh dạn đề nghị Trung ương xây dựng thể chế, cơ chế phát triển chung cho các ngành kinh tế biển hiện đại. Trong đó, phân quyền, trao sự chủ động tối đa cho tỉnh phát triển kinh tế biển. PGS.TS Trần Đình Thiên đưa ra khuyến nghị: “Khi đó, tỉnh phải lựa chọn chiến lược phát triển hợp lý cho từng lĩnh vực, ví dụ như xây dựng khu thương mại tự do thế hệ mới ở đô thị Phú Mỹ, xây dựng trung tâm năng lượng quốc gia”.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh, Bà Rịa - Vũng Tàu cần tiên phong dẫn dắt xu thế chuyển đổi xanh của cả nước với tiềm năng điện gió, điện mặt trời và điện nền từ khí. Trong đó, ngành công nghiệp dầu khí cùng nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực quan trọng để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiên phong trong chuyển đổi năng lượng, lựa chọn chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Bà Rịa - Vũng Tàu là địa điểm lý tưởng để xây dựng trung tâm năng lượng quốc gia
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trở thành trung tâm của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo (Ảnh minh họa)

“Tỉnh cần có lộ trình xanh hóa các ngành kinh tế, trong đó ngành dầu khí đóng vai trò nòng cốt để xây dựng trung tâm năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi, điện mặt trời). Bà Rịa - Vũng Tàu phải khẩn trương triển khai thí điểm một số dự án năng lượng tái tạo, giúp cả nước lựa chọn mô hình, công nghệ, xây dựng môi trường pháp lý tốt nhất cho ngành công nghiệp, dịch vụ điện gió ngoài khơi, phát triển các trung tâm điện gió ngoài khơi kết hợp cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá, nuôi biển, du lịch, bảo vệ chủ quyền biển đảo”, Phó Thủ tướng gợi mở.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 305 km bờ biển, thềm lục địa rộng 100.000 km2 có nguồn tài nguyên biển phong phú, đặc biệt là trữ lượng dầu khí lớn nhất cả nước. Với tiềm năng đó, một lần nữa khẳng định tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển với các hoạt động như: khai thác dầu khí, du lịch, khai thác thủy hải sản và dịch vụ cảng biển, logistics... Và nơi đây cũng sẽ là địa điểm lý tưởng để xây dựng trung tâm năng lượng quốc gia.

Hồng Thắm

Hội Dầu khí Việt Nam thăm và làm việc với các đơn vị dầu khí tại Bà Rịa-Vũng TàuHội Dầu khí Việt Nam thăm và làm việc với các đơn vị dầu khí tại Bà Rịa-Vũng Tàu
Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng TàuPhê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

DMCA.com Protection Status