Cần tạo cơ chế chính sách để tạo "đột phá" thu hút đầu tư vào ngành điện

07:08 | 21/08/2024

1,833 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Bài toán đặt ra trong thu hút đầu tư vào ngành điện là gì, nhất là về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cơ cấu giá và cách tính giá thành điện khi bán ra hiện nay; việc thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá điện trong nền kinh tế thị trường...

Ngày 20/8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện" với sự tham dự của lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế, tài chính, năng lượng... để hệ thống hóa, phân tích, kiến giải, luận bàn về vấn đề thu hút đầu tư vào ngành điện, nhất là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cơ cấu giá và cách tính giá thành điện khi bán ra hiện nay; việc thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá điện trong nền kinh tế thị trường...

Cần tạo cơ chế chính sách để tạo
Các vị khách mời tham gia tọa đàm "Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện"

Khẳng định tầm quan trọng của điện năng

Là sản phẩn hàng hóa đặc thù, được coi như đầu vào của mọi đầu vào, điện năng có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ đời sống dân sinh, bảo đảm an ninh - quốc phòng của đất nước.

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của điện năng đối với phát triển kinh tế và xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nhất quán quan điểm và yêu cầu "phải đảm bảo điện năng trong mọi tình huống" và đã có những chỉ đạo hết sức quyết liệt, đồng bộ, ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo rất sát sao cả cấp bách và lâu dài cho vấn đề bảo đảm điện năng, trong đó có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là thúc đẩy đầu tư, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư vào sản xuất, cấp phát, phân phối điện. Các nhà đầu tư cũng yên tâm đầu tư lâu dài cho ngành điện của nước ta.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi còn không ít khó khăn, trong đó “nút thắt” lớn nhất là trong cơ cấu giá thành, cách tính giá điện như hiện nay chưa hợp lý, còn dưới giá thị trường trong bối cảnh giá đầu vào của ngành điện như than, dầu, khí luôn biến động. Với hiện trạng ngành điện hiện nay, các nguồn điện giá rẻ đã cơ bản hết tiềm năng phát triển, trong quy hoạch điện VIII, Việt Nam tập trung phát triển mạnh điện khí và điện gió ngoài khơi. Đây là hai loại hình có giá thành khá cao, đòi hỏi huy động lượng vốn lớn.

Thực tế cho thấy, EVN đã có những nỗ lực để hạ chi phí giá thành sản suất kinh doanh, tuy nhiên, giá điện chưa hợp lý đã khiến ngành điện không có đủ nguồn lực để đầu tư, phát triển nhằm giảm giá thành sản xuất, truyền tải, phân phối; khó thu hút mạnh được được nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào ngành điện... Đây là một thách thức rất lớn khiến ngành điện phải tập trung ứng phó và xử lý. Vì vậy, bài toàn đặt ra trong vấn đề thu hút đầu tư vào ngành điện là gì, nhất là những nội dung về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cơ cấu giá và cách tính giá thành điện khi bán ra hiện nay; việc thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá điện trong nền kinh tế thị trường.

Cốt lõi vẫn cần hoàn thiện đồng bộ thể chế và điều hành giá

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: Đầu tiên phải nói đến vai trò, bản chất của ngành năng lượng, trong đó có ngành điện. Đây là ngành có vai trò, vị trí và đóng góp rất quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân. Ngành này không chỉ quan trọng ở riêng nước ta mà quan trọng ở mọi quốc gia.

Cần tạo cơ chế chính sách để tạo
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ tại toạ đàm

Qua theo dõi từ khi có Luật Điện lực năm 2004 và sửa đổi năm 2012, cho đến nay chúng ta có hàng loạt cơ chế, thể chế, chính sách… vì ngành điện liên quan đến rất nhiều lĩnh vực; đồng thời chính sách điều chỉnh ngành điện, ngành năng lượng có rất nhiều luật khác nhau chứ không chỉ riêng Luật Điện lực. Nếu như nhìn vào sự phát triển của ngành điện thì trong 20 năm qua, ngành điện đã nâng cao được năng lực và đóng góp tích cực vào quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế, bảo đảm ổn định xã hội.

Còn nhìn từ góc độ thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước phục vụ cho sản xuất kinh doanh, độ bao phủ của việc cấp điện ngày càng được mở rộng và việc tiếp cận điện của người dân, người có hoàn cảnh khó khăn cũng ngày càng được mở rộng, được bảo đảm. Rõ ràng chúng ta thấy có sự đóng góp của cơ chế chính sách.

Ông Phan Đức Hiếu chia sẻ, chỉ nói riêng về môi trường, thể chế để thu hút đầu tư năng lực cạnh tranh thì các quốc gia xếp chỉ số tiếp cận điện năng, bảo đảm điện năng là một chỉ số quan trọng trong đánh giá chất lượng của môi trường kinh doanh trong thu hút đầu tư. Trong rất nhiều thể chế khác như như đất đai, xây dựng…, tiếp cận điện năng là một trong những chỉ số quan trọng.

Bên cạnh đó, nhìn từ góc độ thể thế, chính sách, không thể không ghi nhận nỗ lực của ngành công thương và đặc biệt là của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ khi Chính phủ thực hiện Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (Nghị quyết 19 hay Nghị quyết 02 chuyên đề). Trong 5 năm trở lại đây, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam có sự đột biến và rất ngoạn mục. Trước đây xếp dưới 100 thì nay là một trong những chỉ số tiếp cận điện năng để so sánh quốc tế thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh. Đây là thực tế đã được ghi nhận.

Tuy nhiên, cũng có tồn tại, hạn chế cần phải nhìn nhận, ngành điện phát triển rất năng động, đặc biệt gần đây với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và chống biến đổi khí hậu cũng như thay đổi về quá trình sản xuất kinh doanh, có rất nhiều yếu tố đòi hỏi ngành điện phải thay đổi. Ông Phan Đức Hiếu cho rằng có mấy điểm cần lưu ý:

Thứ nhất, có vẻ chính sách của chúng ta ổn định quá. Ví dụ Luật Điện lực năm 2004, sửa đổi năm 2012; Quyết định số 28 về giá bán điện năm 2014… Tuy nhiên thực tế ngành điện thay đổi rất nhanh chóng nên sự ổn định là chậm thay đổi.

Thứ hai, về mặt nội dung, vì đầu tư ngành điện rất lớn, đứng từ góc độ các nhà đầu tư thì hệ thống chính sách phải có khả năng tiên lượng và đồng bộ. Nếu không đồng bộ thì không tạo ra tác động tốt. Vì vậy, trong một số trường hợp, thiếu sự đồng bộ. Chúng ta cải cách rất mạnh về thu hút đầu tư thị trường phát điện, mua điện bán buôn nhưng chậm cải cách về bán lẻ thì rõ ràng không đồng bộ.

Thứ ba là cơ sở pháp lý, nhà đầu tư cần sự vững chắc thì chúng ta đang điều hành khá nhiều ở quyết định, điều này cần phải xem xét.

Thứ tư là thiếu tính thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, nếu thiếu tính thị trường trong nội dung cơ chế chính sách thì rất khó để có công cụ thúc đẩy bền vững.

Theo ông Phan Đức Hiếu trong thời gian tới đây là trọng tâm để chúng ta cần phải hoàn thiện về cơ chế. Tuy nhiên, có điều rất mừng là sự quyết tâm của các cơ quan, bộ ngành có sự thay đổi rất lớn từ năm 2020. Đầu tiên là Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 5 năm, rồi Quốc hội có hẳn 1 chuyên đề giám sát về năng lượng. Sau đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong việc sửa đổi Luật Điện lực, xem xét lại Quyết định số 28 về giá bán điện và nhiều động thái, kể cả tạo lập hạ tầng điện. Nhìn về mặt quyết tâm có sự chuyển biến, đây là điều rất cần thiết, phải phát huy trong thời gian tới.

Cần tạo cơ chế chính sách để tạo
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa trao đổi ý kiến tại tọa đàm

Ở góc nhìn khác, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, phải cải cách căn bản về giá, giá điện chưa thực hiện theo cơ chế thị trường. Chúng ta muốn phải tính đúng, tính đủ, bảo đảm bù đắp chi phí nhưng phải khuyến khích thu hút đầu tư, phải đảm bảo an sinh xã hội, phải bảo đảm an ninh năng lượng, kiểm soát lạm phát. Rất nhiều mục tiêu, có những mục tiêu ngược chiều nhau. Xử lý các mục tiêu đó rất khó hài hòa, không bảo đảm được mong muốn mà chúng ta đặt ra. Do đó, phải có tính toán hợp lý vai trò của giá điện, cái nào là mũi nhọn.

Theo Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa, một trong những điểm nghẽn đầu tiên, kể cả điện chúng ta đang sử dụng từ các nguồn điện than, điện khí, năng lượng tái tạo… là giá. Giá ở đây được ví như dòng tiền, là mạch máu có đủ tiếp sức cho phát triển hay không, hay đông lại… Rất nhiều mục tiêu chúng ta có thể đạt được từ việc tháo gỡ điểm nghẽn đó

Về giá điện phải tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường, nhưng đặc biệt phải minh bạch. Điều này Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội cũng yêu cầu. Giá điện phải minh bạch, phải tháo gỡ tất cả các rào cản. Tất nhiên không phải là thị trường thả nổi, thị trường phải có sự điều tiết của Nhà nước, vẫn phải có khâu Nhà nước độc quyền, tư nhân không thể 100% tham gia. Chúng ta phải chia sẻ vấn đề này. Ở đây người tiêu dùng quan tâm đầu tiên là đủ điện để dùng. Tôi đồng ý là sửa Luật Điện lực và phải cải cách căn bản về giá.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế năng lượng, PGS.TS Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất nằm ở khâu điều hành giá cả. Giá điện của chúng ta đa mục tiêu quá, còn ở trên thế giới tách bạch tương đối rõ. Về cơ bản, cần cố gắng tách bạch giữa hoạt động mang tính chất công ích và những hoạt động mang tính chất thị trường. Khi đó, bản thân ngành điện sẽ hoạt động minh bạch.

Ngoài ra, vẫn còn bất cập trong cơ chế bù chéo giá điện hiện nay, để kéo quá dài và lộ trình xử lý không rõ ràng. Bù chéo giữa nhóm những người tiêu dùng điện sinh hoạt với nhau - bậc cao bù cho bậc thấp, bù chéo giữa giá điện sinh hoạt trong sản xuất ở mức độ nhất định. Tất nhiên là giá điện trong sản xuất phải thấp hơn bởi vì tiêu dùng điện hạ áp giá đắt hơn nhưng vẫn có bù chéo nhất định giữa điện cho sinh hoạt đối với điện sản xuất. Và một điểm nữa là bù chéo về giá điện giữa các vùng miền với nhau. Điện ở các xã, huyện hải đảo thường 7.000-9.000 đồng, nhưng chúng ta vẫn bán 1.000-2.000 đồng, tức là lấy vùng thấp bù cho vùng cao.

Tại toạ đàm, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động Nguyễn Đình Tuấn chia sẻ: để có thể phát triển nguồn năng lượng sạch, thực hiện theo lộ trình của Chính phủ cam kết giảm phát thải bằng 0 (Net Zero) thì việc phát triển thêm nguồn mới chỉ có thể dựa vào các nguồn như điện khí, điện gió ngoài khơi...

Theo ông Tuấn, để có thể triển khai được nội dung này, phải có rất nhiều cơ chế thu hút đầu tư, vì khi đầu tư người ta sẽ tính đến lợi nhuận mà lợi nhuận sẽ liên quan đến giá. Hệ thống điện của chúng ta không có tính ổn định cao, đặc biệt với khoảng gần 10% tỷ lệ điện mặt trời và điện gió hơn 8.000 MW trên tổng công suất nguồn khoảng 85.000 MW, vào thời điểm giờ cao điểm, vào mùa mưa, mùa khô, lúc có thay đổi, biến động thì tác động, ảnh hưởng đến hệ số vận hành, bảo đảm an toàn hệ thống rất cao. Việc phát triển thêm các nguồn điện mới giá cao có ảnh hưởng đến chế độ vận hành của cả hệ thống.

Từ các ý kiến phân tích của khách mời cho thấy, cách tính giá điện và hoạt động đầu tư vào lĩnh vực điện năng là 2 mặt của 1 vấn đề có quan hệ khăng khít, mật thiết và có tác động qua lại, bổ trợ cho nhau trong quá trình vận hành và phát triển. Giá điện chưa phù hợp một mặt khiến ngành điện khó có đủ nguồn lực để đầu tư, phát triển; không tạo sức ép để các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng, nâng cao năng lực quản trị. Ngược lại giá điện được tính đúng, tính đủ sẽ tạo ra nguồn lực lớn cho hoạt động tái đầu tư và mở rộng đầu tư của ngành điện cũng như thúc đẩy sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý.

Việc tính đúng, tính đủ để có giá bán điện hợp lý là một yêu cầu tất yếu, khách quan phục vụ cho sự phát triển bền vững của ngành điện nói riêng và của nền kinh tế cũng như phục vụ các mục tiêu xã hội nói chung.

N.H

EVN: Qua 5 đợt, Tập đoàn đã thực hiện giảm 16.950 tỷ đồng tiền điện, giá điệnEVN: Qua 5 đợt, Tập đoàn đã thực hiện giảm 16.950 tỷ đồng tiền điện, giá điện
Yêu cầu trình phương án điều chỉnh giá điện trước ngày 25/10Yêu cầu trình phương án điều chỉnh giá điện trước ngày 25/10
Cần sớm ban hành cơ chế chính sách cho điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệpCần sớm ban hành cơ chế chính sách cho điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp

DMCA.com Protection Status