CĐ DKVN nâng cao kiến thức chính sách pháp luật năm 2020
Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch CĐ DKVN Nguyễn Mạnh Kha, TS Đỗ Ngân Bình - Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn luật - Đại học Luật Hà Nội, các Ủy viên Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Kiểm tra CĐ DKVN cùng các lãnh đạo và cán bộ Công đoàn chuyên trách về Chính sách pháp luật của các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khu vực miền Bắc.
Phó Chủ tịch CĐ DKVN Nguyễn Mạnh Kha phát biểu khai mạc hội nghị. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch CĐ DKVN Nguyễn Mạnh Kha nêu rõ, chỉ còn vài tháng nữa là Luật Lao động năm 2012 chấm dứt hiệu lực, Luật Lao động năm 2019 có rất nhiều điểm mới và sẽ chính thức đi vào cuộc sống vào ngày 1/1/2021. Đồng thời Luật Doanh nghiệp cũng có những thay đổi lớn trong quy định về doanh nghiệp Nhà nước, bắt buộc các đơn vị, tổ chức Công đoàn phải triển khai xây dựng một loạt các quy chế lao động, nội quy, bầu cử ban thanh tra nhân dân… Để nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn các cấp trong bối cảnh trên, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người lao động, các cán bộ công đoàn cần trang bị một lượng kiến thức khá lớn về Luật Lao động mới năm 2019 và các kỹ năng cần thiết để có thể tư vấn pháp luật cho người sử dụng lao động cũng như người lao động tại doanh nghiệp.
Với sự cấp thiết và ý nghĩa quan trọng của công tác Chính sách Pháp luật Công đoàn, CĐ DKVN tổ chức Tập huấn công tác chính sách pháp luật năm 2020 nhằm bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, trang bị kiến thức cho đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, nâng cao phương pháp kỹ năng hoạt động của cán bộ công đoàn, góp phần tích cực vào việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ trong đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời thông tin, giới thiệu, khái quát trong lĩnh vực quan hệ lao động, những điểm thay đổi cơ bản trong Bộ luật Lao động năm 2019. Thay mặt lãnh đạo CĐ DKVN, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Kha bày tỏ mong muốn các cán bộ công đoàn các cấp trong Tập đoàn liên tục trau dồi kiến thức pháp luật, nâng cao kỹ năng xử lý tình huống trong thực tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn vai trò người thủ lĩnh công đoàn tại đơn vị.
TS Đỗ Ngân Bình giới thiệu và đưa ra nhiều tính huống tranh chấp lao động lý thú tại hội nghị. |
TS Đỗ Ngân Bình - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật - Trường Đại học Luật Hà Nội, một trong những chuyên gia soạn thảo Luật Lao động Việt Nam và Luật Bảo hiểm hiện hành, đã trực tiếp giới thiệu và thảo luận cùng các cán bộ Công đoàn về 4 nội dung chính gồm: 68 điểm thay đổi giữa hai bộ luật lao động; Quy định về hợp đồng lao động mới; Một số nghiệp vụ của cán bộ công đoàncần lưu ý khi sử dụng Bộ luật Lao động năm 2019 và thảo luận về các vấn đề liên quan đến tranh chấp lao động
Tại hội nghị, TS Đỗ Ngân Bình đã giới thiệu những vấn đề mới tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người lao động được áp dụng tại Bộ luật Lao động Việt Nam dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 (thay thế cho Luật Lao động Việt Nam 2012), những nội dung công đoàn cần lưu ý để tham gia bảo vệ người lao động, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm thực tế và giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực hiện và áp dụng Luật Lao động.
Cán bộ Công đoàn PVCombank đưa ra vấn đề mới đáng chú ý: Ai xây dựng thỏa ước lao động? |
TS Đỗ Ngân Bình đã tập trung vào về các vấn đề gồm: Công đoàn cơ sở với thỏa ước lao động tập thể, những vấn đề tranh chấp về hợp đồng lao động, tiền lương, chấm dứt hợp đồng lao động, cắt giảm lao động dôi dư…
Các học viên tham gia thảo luận tại hội nghị đã nhiệt tình đưa ra các kiến giải về các tình huống mà TS Đỗ Ngân Bình đưa ra. Trong đó, phát hiện ra một số vấn đề mới trong Bộ luật Lao động năm 2019 được coi như là những điểm “mờ” trong luật. Cụ thể như quy chế đánh giá người lao động không hoàn thành nhiệm vụ nhiều lần, ai là người xây dựng thỏa ước lao động tập thể…
Toàn cảnh Hội nghị Tập huấn công tác chính sách pháp luật năm 2020 do CĐ DKVN tổ chức. |
TS Đỗ Ngân Bình cũng đưa ra cảnh báo, trong thời gian tới vấn đề tranh chấp lao động sẽ diễn biến rất phức tạp. Theo đó, đã xuất hiện một số văn phòng luật, luật sư chuyên “ký kết hợp đồng” với người lao động hòng khởi kiện doanh nghiệp. Trong đó, sẵn sàng ăn chia tiền thắng kiện và không chấp nhận hòa giải. Khi người lao động ủy quyền cho các văn phòng, luật sư này thì doanh nghiệp sẽ gặp rắc rối trong tranh tụng trong thời gian dài (ít nhất là 6 tháng kể từ khi khởi kiện) và có nguy cơ thiệt hại lớn về tài chính cũng như mất uy tín trên thương trường.
Do đó, cán bộ công đoàn có vai trò cực kỳ quan trọng, cần thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động. Ngay khi xuất hiện tranh chấp, cán bộ công đoàn cần phải sát cánh, tư vấn cho người lao động cũng như người sử dụng lao động xử lý đúng luật, hợp lý hợp tình, tuyệt đối tránh kiện tụng kéo dài cũng như để đối tượng có mưu đồ trục lợi có cơ hội lợi dụng.
Thành Công
-
Công đoàn PVEP sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024
-
Tập đoàn - CĐ DKVN gửi thư cảm ơn CBCNV đã tích cực đóng góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
-
CĐ DKVN thăm hỏi, động viên NLĐ Dầu khí chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 tại Hải Phòng
-
CĐ DKVN kêu gọi người lao động chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi)