Chế ngự Bạch Hổ và thành quả đưa dòng khí công nghiệp về bờ (Kỳ 3)

15:26 | 08/06/2016

735 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tàu cẩu Titan - con át chủ bài của Vietsovpetro ngoài biển - cùng tàu lặn Hải Sơn túc trực thi công suốt cả mùa biển 1993 sang đầu 1994 cạnh giàn CTP-2, thợ xây lắp, thợ khai thác lăn lộn trên giàn khoan từ bình minh đến hoàng hôn, mà ngoài biển trời tối muộn, chính lúc trời chiều, gió mát, năng suất lao động mới cao.

Đặng Hữu Quý - Trần Văn Thục - Đỗ Văn Phúc - Ngô Thường San

Một kỷ niệm đáng nhớ ngoài CTP-2 và tinh thần “Vietsovpetro”

Các tốp thợ thi công theo hình thức cuốn chiếu, lắp hàn xong khu vực nào thì lập tức thổi sạch lòng ống, sơn và nghiệm thu. Khổ nhất là đoàn thợ lặn, phải liên tục lặn xuống độ sâu 50m dưới đáy biển kiểm tra và đấu nối những mặt bích các đường ống ngầm. Do áp lực nước dưới sâu lên tới 5 átmốtphe (05barg) nên lúc ngoi lên phải nghỉ giữa chừng 2 chặng để các mạch máu giảm áp quen dần với áp suất khí quyển.

che ngu bach ho va thanh qua dua dong khi cong nghiep ve bo ky 3

Xin có một đoạn hội thoại với anh Nguyễn Văn Luy, thợ lặn kỳ cựu của Việt - Xô:

- Chắc anh là kỷ lục gia về thời gian lặn xuống đáy biển ở mỏ Bạch Hổ?

- Đội thợ lặn chúng tôi tới hơn 10 người cả Liên Xô và Việt Nam, tôi tham gia lắp đặt các giàn khoan ngoài Bạch Hổ ngay từ ngày xây dựng MSP-1.

- Suốt ngày anh lặn xuống biển như thế tối về ngủ ngon không, có nằm mơ không?

- Nghề thợ lặn rất vất vả và nguy hiểm, khi lặn phải cởi trần, đi chân nhái và đeo 2 bình khí trên lưng. Dưới độ sâu 50m mỏ Bạch Hổ, nước rất lạnh, không ở lâu được. Từ ngày chúng tôi được đầu tư tàu Hải Sơn, lặn an toàn hơn nhiều do có trang bị buồng lặn. Đêm về nằm mơ toàn thấy cá! Có hôm lặn xuống biển hai tay đang dùng cờ-lê vặn bu lông thì con bạch tuộc nó bám vào, tua nó cuộn vào tay, hai mắt nó trợn trừng nhìn thẳng vào mắt mình và rồi nó bỏ đi.

- Mà lạ thật, sao mắt bạch tuộc trông cứ như mắt người, chắc nó thấy anh đẹp trai, cơ bắp cuồn cuộn và dũng cảm nên đến chào rồi đi!

Trong xây lắp các giàn khoan và các tuyến ống ngầm, những thợ lặn của Việt - Xô  đã âm thầm đóng góp biết bao công sức, nhiều người đã hy sinh do gặp nước xoáy hay thời tiết xấu đột ngột tại vùng biển này.

Mỗi lần gió mạnh, không thể thay ca bằng máy bay mà thay ca bằng tàu. Ai đã giao ca vào những thời điểm như thế mới hiểu hết cực nhọc của lính khai thác và lính xây lắp trên các giàn Bạch Hổ. Các tàu mẹ (tàu lớn) loại Vũng Tàu 01 hay Sao Mai đỗ từ xa, các tàu con Kỳ Vân hay Phú Quý chạy đến các giàn khoan, lùi đít vào khe của 2 chân đế, các lính trên giàn 3 người một cuốc, chui vào rọ sắt để cần cẩu từ giàn thả xuống boong tàu kéo. Đứng trong rọ sắt đung đưa, gió thổi bạt đi nhiều lúc rọ sắt ngã kềnh ra boong, lính ta chui ra, mặt cắt không còn giọt máu. Chưa hết, tàu con nhỏ phải bám vuông góc với sóng mà đi, hễ xoay ngang thì ôi thôi, tàu bị nhồi lên đỉnh sóng rồi bị ném xuống như chìm vào đến đáy Bạch Hổ. Lính ta nôn mật xanh, mật vàng. Lại lóp ngóp bò dậy vì khi tàu con cặp vào tàu mẹ, lính phải ào ào nhảy qua các kpansư (đệm cao su giảm chấn giữa các tàu). Cậu nào cũng phải chuẩn bị sẵn cho mình một đôi giày đi biển. Và chúng tôi đã trải qua 2 mùa biển như thế gắn bó với CTP-2.

Dự án đưa sớm khí vào bờ - Fast Track - đã phải trải qua biết bao khó khăn gian khó mà lãnh đạo Tổng cục Dầu khí, Vietsovpetro, Công ty Khí Việt Nam đã bao lần mất ngủ. Hết sự cố rơi ống đứng trên CTP-2 đến cẩu DMag làm sập cầu dẫn số 2, rồi hết sự cố đường ống 16” Hyundai trong Jetting (chôn ống) đến mất neo tàu Titan. Tuy nhiên, Vietsovpetro và các đơn vị đã vững vàng vượt qua và các hạng mục công trình lần lượt được hoàn thành theo tiến độ.

Hai modules công nghệ C1-4, C1-5 quan trọng như là trái tim của Dự án Fast Track do Công ty Sirtec Nigi của Italia trúng thầu chế tạo. Thời gian cung cấp những thiết bị tương tự thường là 1 năm. Do dự án có tiến độ nhanh nên nhà thầu đồng ý chuyển về đến cảng Vũng Tàu sau 10 tháng.

Tuy nhiên 2 modules này cuối tháng 10-1994 mới về đến Vũng Tàu vào lúc đã hết mùa xây dựng biển. Ngoài Bạch Hổ, những cơn gió chướng đã tràn về, sóng biển cao 2-3m. Tàu Titan (loại hai thân tự hành) bị sự cố đã đưa sang Singapore sửa chữa chỉ còn lại các tàu cẩu Ispolin và NPK- 547 (loại cẩu sà lan, không tự hành mà độ cao móc cẩu thấp) là còn có thể sử dụng. Nếu hoàn thành mọi công tác xây lắp ngoài biển trước 15-10-1994 sau đó lắp đặt đấu nối thử tải các đường ống công nghệ thì mới kịp đưa khí vào bờ đúng theo tiến độ vào tháng 4-1995.

Tổng giám đốc Vietsovpetro - anh San - giao nhiệm vụ cho “Ban Dự án đưa khí vào bờ” tận dụng thời tiết biển những ngày lặng gió sử dụng tàu cẩu Ispolin lắp C1-4 và C1-5 ngay trong tháng 11-1994. Việc lắp đặt C1-4 và C1-5 ngoài biển trên nóc CTP-2 khi đó, là một thách thức nghiệt ngã, nan giải mà Ban Dự án, Xí nghiệp Vận tải biển và Đội xây lắp phải quyết tâm hoàn thành.

Chúng tôi, cả tập thể Ban Dự án, Phòng Thiết kế tổ chức thi công Viện NIPI, Phòng Kỹ thuật Xí nghiệp Xây lắp, thuyền trưởng tàu Ispolin, lập hết phương án này tới phương án khác mà đều không khả thi. Phải tìm vị trí đứng của tàu Ispolin cách giàn CTP-2 khoảng 6m để có tầm với 25m và chiều cao móc cẩu đạt tới 60 + 3m mới lắp được 2 modules này (dự phòng sóng biển dập dềnh cao 3m), việc đưa tàu cẩu Ispolin vào gần giàn CTP-2 từ hướng Đông Bắc vào mùa tháng 11 là hết sức nguy hiểm vì gió thổi tàu về phía giàn, hơn nữa nếu tầm với và chiều cao móc cẩu không tới nên khi gió mạnh, các modules sẽ va đập vào giàn, những cú va đập khó tránh này (theo kinh nghiệm xây lắp) có thể làm bay các van điều khiển gắn cùng các ống công nghệ trên module hoặc làm móp các bình tách.

Hai  phương án khả thi được phòng thiết kế tổ chức thi công Viện NIPI tính toán chi tiết và soạn thảo. Đoàn công tác lập tức bay ra biển. Trước khi đi anh San căn dặn: Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng quan trọng vô cùng, phải kịp đón dòng khí chào mừng ngày miền Nam giải phóng. Nếu chưa xong, các bạn sẽ phải đón tết Tây ngoài mỏ!

Hôm ấy đã là 3-11 rồi, vậy mà “Trời không phụ lòng hiệp sĩ”, dự báo thời tiết biển sẽ tốt trong 5 ngày tới. Chúng tôi lập tức balô con cóc, bỏ vợ con trên bờ mà ra đi. Ngồi trên chiếc trực thăng MI-8 ra CTP-2 lần ấy ngoài anh Phúc, ông Rưbuskin và tôi, còn có anh Nguyễn Quang Khánh, được anh Trần Văn Thục - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Khí cử đi giám sát công trình. Anh Trường - Cơ trưởng chuyến bay, thông báo là ngoài biển thời tiết xấu, gió tại CTP-2 đang đo được là 15m/s, đội thợ xây lắp của anh Phúc vẫn đang thi công trên CTP-2 chờ chúng tôi ra để lắp xong Block 11 rồi mới về thay ca. Tàu Ispolin đi từ đêm trước, đang nằm chờ phía ngoài khu giàn khoan, cách khoảng 5km. Nó được hộ tống bởi tàu thả neo Kỳ Vân-02 và  2 tàu kéo khỏe nhất lúc bấy giờ của Xí nghiệp Vận tải Biển và Công tác Lặn là Sao Mai-01 công suất 8.000 mã lực và Sao Mai-02 công suất 7.000 mã lực được điều cho dự án quan trọng này theo lời của anh Nguyễn Văn Thạc - Phó giám đốc Xí nghiệp - trước khi đi nói với tôi.

(Xem tiếp kỳ sau)

Năng lượng Mới 529

DMCA.com Protection Status