Chế ngự Bạch Hổ và thành quả đưa dòng khí công nghiệp về bờ (Kỳ 1)

08:05 | 04/06/2016

0 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ai đã từng đứng trên sàn tầng thượng giàn công nghệ trung tâm CTP-2 mỏ dầu khí Bạch Hổ vào những đêm tháng 3 năm 1995, đều đã chứng kiến cảnh vĩ đại của ngọn đuốc CTP-2. Lửa cháy rừng rực từ độ cao khoảng 100m so với mực nước biển, từng khối lửa cuồn cuộn, bung phần phật theo chiều gió, kéo dài hàng trăm mét, sáng rực trời đêm Bạch Hổ như một biểu tượng hùng vĩ của Vietsovpetro. Nguồn khí đồng hành đầu tiên này chính là đòn bẩy cho sự phát triển vũ bão của ngành công nghiệp khí Việt Nam từ sau 1995.

Đặng Hữu Quý - Trần Văn Thục - Đỗ Văn Phúc - Ngô Thường San

Sự cấp thiết đưa dòng khí về bờ

Công ty Liên doanh Việt - Xô nay là Việt - Nga Vietsovpetro được thành lập theo Hiệp định Hợp tác giữa hai nhà nước Việt Nam - Liên Xô nhằm tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên một số diện tích thềm lục địa Nam Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài dầu thô, cũng chính Vietsovpetro đã đóng góp mở đầu phát triển công nghiệp khí đốt ở Đông Nam Bộ của Việt Nam vào những thời khắc lịch sử đó.

che ngu bach ho va thanh qua dua dong khi cong nghiep ve bo ky 1

Sau những khó khăn kéo dài 1985-1986 vì sản lượng dầu công nhiệp tại mỏ Bạch Hổ từ các vỉa Mioxen và Oligoxen không khả quan, kể cả sau khi phát triển khai thác lên vòm Bắc (MSP-4, MSP-5), vào ngày 6-9-1988,  một tin vui nức lòng tập thể lao động Vietsovpetro khi thu được dòng dầu công nghiệp lưu lượng cực lớn trong tầng móng lúc khoan và thử vỉa lại  giếng BH-1 tại giàn MSP-1, và tiếp tục gặp dầu sản lượng cao ở các  giếng khoan vào móng về hướng giàn MSP-2. 

Lúc ấy việc tiếp tục xây dựng giàn MSP-2 được xem xét cấp bách do MSP-2- tại vòm Nam Bạch Hổ - chỉ cách MSP-1 khoảng 2km. Tuy nhiên, VSP chỉ có các giàn MSP-1, MSP-3, MSP-4… mà không thể có MSP-2. Kết quả tính toán của Viện Nghiên cứu khoa học và Thiết kế dầu khí biển (NIPI) cho thấy, do sự cố khi đánh chìm Block OB-1 nên các Block OB-1, OB-2 dự kiến xây dựng thành MSP-2 không đủ khả năng chịu được tải trọng 10.000 tấn của các modules thiết bị khối thượng tầng. 2 khối OB sau đó đã được thiết kế hoán cải thành giàn nhẹ BK-2.

Vào năm 1993, do dầu khai thác tại các giếng BK-2 có sản lượng tăng nhanh  nên phải vận chuyển về MSP-1 xử lý. Khi đó tổng lượng dầu thô từ các giếng tại MSP-1 và BK-2 đã vượt công suất xử lý 2,400 tấn/ngày đêm của MSP-1, Vietsovpetro  phải cấp bách thiết kế và xây dựng giàn Công nghệ Trung tâm số 2, CTP-2 (bên cạnh BK-2).

CTP-2 được thiết kế với công suất xử lý 5 triệu tấn dầu thô/năm (khoảng 14,300 tấn dầu/ngày đêm), ngoài chức năng tách khí, tách nước còn đồng thời cung cấp nguồn năng lượng, khí gaslift cao áp và phân phối nước bơm ép vỉa cho các giàn MSP và BK. CTP-2 tiếp nhận dầu thô trực tiếp từ các giếng BK-2, các BK và các MSP lân cận thuộc Bạch Hổ. Dầu thô sau khi tách khí và tách nước vỉa, được dẫn thẳng qua tàu chứa UBN-Chí Linh neo cách đó 3km, khí đồng hành tách ra sẽ phải dẫn ra giàn đuốc lớn và đốt ngay ngoài mỏ. Với hàm lượng khoảng 180m3 khí đồng hành trong 1m3 dầu thô đầu giếng, khi sản lượng dầu thô tăng lên, lượng khí đốt bỏ ngày càng lớn, vừa lãng phí, vừa ô nhiễm môi trường, sức nóng từ ngọn đuốc phả hầm hập vào CTP-2 khi mùa gió chướng.

Tuy mỏ Bạch Hổ cách xa bờ hơn 100km, song khí đồng hành trong dầu thô ở những vỉa năng lượng cao (đặc biệt là từ tầng móng) khi tách ra sau bình cao áp có áp suất khoảng 50barg, có thể thu gom và vận chuyển về bờ cung cấp cho các hộ tiêu thụ công nghiệp.

Văn kiện Hiệp định Liên Chính phủ sửa đổi được ký kết tháng 7-1991 nhất trí - Khí đồng hành do Vietsovpetro khai thác tách ra từ dầu thô tại mỏ, ngoài việc sử dụng cho nhu cầu cung cấp năng lượng tại chỗ (chạy máy phát điện và gaslift), sẽ được giao miễn phí cho phía Việt Nam.

Nguồn tài nguyên này thật sự rất lớn và có giá trị kinh tế cao, đặc biệt từ dầu thô Bạch Hổ và bể Cửu long.

Quyết định táo bạo và sự quyết tâm

Cuối năm 1991 trong buổi Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm việc với Vietsovpetro, Tổng giám đốc Vietsovpetro báo cáo xin được thay đổi giải pháp không vận chuyển dầu thô vào bờ bằng đường ống như thiết kế 1981 vì dầu nhiều parafin có nhiệt độ đông đặc cao, về kỹ thuật là không khả thi và xin đổi thiết kế với phương án đưa khí vào bờ, nhấn mạnh  sự dồi dào của khí đồng hành tách ra từ dầu khai thác trong tầng móng  mỏ Bạch Hổ và dự kiến vào thời điểm 1993-1994 khi sản lượng dầu đạt 5 triệu tấn/năm thì sản lượng khí đồng hành đốt bỏ tại đuốc CTP-2  đạt gần 1triệu m3/ngày đêm.

Với nhu cầu đảm bảo nguồn năng lượng điện trước mắt cho miền Nam, sau khi nghe  báo cáo, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đồng ý phương án đưa khí vào bờ tiêu thụ cho phát điện và yêu cầu có báo cáo tiền khả thi gấp trình Chính phủ.

Nhiệm vụ thiết kế và xây dựng hạ tầng công nghệ kỹ thuật ngoài biển nhằm thu gom, vận chuyển về bờ cũng như hạ tầng xử lý tiêu thụ nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này trên đất liền đã trở nên cấp bách.

Trong giai đoạn 1980-1995, toàn miền Nam thiếu điện, Thủy điện Trị An công suất 400MW chỉ đáp ứng một phần nhu cầu điện cho TP Hồ Chí Minh và khu công nghiệp Biên Hòa lúc bấy giờ. Tháng 5-1992, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đã chuyển 2 tổ máy turbine khí F5 chu trình đơn tổng công suất 46,8MW từ An Lạc Hải phòng vào lắp đặt tại Nhà máy Điện Bà Rịa, phục vụ cho nhu cầu điện của Bà Rịa - Vũng Tàu và công nghiệp dầu khí Vietsovpetro, đầu 1993 lắp thêm 2 tổ máy F6 chu trình đơn nâng tổng công suất lên 121,80MW.

Để đón dòng khí Bạch Hổ, Nhà máy Điện Bà Rịa được lắp thêm 3 tổ máy F6 chu trình đơn nâng tổng công suất phát điện lên 243,3MW, khi chưa có khí thì chạy bằng dầu. Với cấu hình chu trình đơn, hiệu suất sử dụng khí đốt chỉ vào khoảng 0,55, với nhiệt trị khí đồng hành 40.000KJ/m3 (khi chưa tách LPG), lượng khí tiêu thụ cho nhà máy Bà Rịa vào khoảng 920.000m3/ngày đêm.

Cũng trong thời gian này Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đã chuyển từ ngoài Bắc 4 tổ máy turbine khí chu trình đơn tổng công suất 110,4MW lắp đặt tại Nhà máy Điện Thủ Đức. Nhà máy này có thể tiêu thụ 433.000M3 khí/ngày đêm.

Các nhà máy điện turbine khí nếu chạy bằng khí sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3 lần so với chạy dầu, đồng thời tiết kiệm được một lượng lớn ngoại tệ mua dầu, chưa nói đến thời gian đó, do bị cấm vận nên việc nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy Nhà máy Điện Thủ Đức ở rất xa Nhà máy Điện Bà Rịa nhưng dọc hành lang Quốc lộ 51, trong tương lai sẽ có xuất hiện nhiều hộ tiêu thụ khí công nghiệp khi mà khí công nghiệp được dẫn về. Với tầm nhìn như vậy, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Đức Lương thay mặt Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Tổng cục Dầu khí lập Luận chứng kinh tế kỹ thuật cho toàn “Hệ thống thu gom, vận chuyển và tiêu thụ khí Bạch Hổ - Thủ Đức” và  “Phương án thu hồi nguồn khí đồng hành mỏ Bạch Hổ” do Vietsovpetro cùng Công ty Khí Việt Nam phối hợp thực hiện là nền tảng cho Bản Luận chứng kinh tế kỹ thuật này.

Ban Dự án khí thuộc Công ty Khí Việt Nam được thành lập, do ông Trần Văn Thục làm Trưởng ban.

(Còn tiếp)

Năng lượng Mới 527

DMCA.com Protection Status