Chung sức, chung lòng vượt qua thách thức

14:35 | 18/01/2012

194 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
“Thành quả hôm nay là sự cố gắng của tập thể cán bộ, người lao động Dầu khí: Quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

Đó là phát biểu của đồng chí Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại buổi giao lưu “Chào năm mới 2012” do Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng nhà nước đã tổ chức tối 17/1.

Tóm lược qua những mốc son về hoạt động sản xuất kinh doanh, Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu cho rằng PVN đang tập trung vào 5 lĩnh vực cốt lõi: tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; phát triển công nghiệp lọc hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện; dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.

“Nhiệm vụ năm 2012 là hết sức nặng nề nhưng PVN sẽ nỗ lực để đạt được các chỉ tiêu” - Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu cho biết.

Sản lượng dầu qui đổi đạt 23,9 triệu tấn. PVN đã cung ứng lên lưới điện quốc gia hơn 13 tỉ kWh điện; 5,6 triệu tấn xăng dầu, gần 800 nghìn tấn đạm. Đặc biệt, năm 2011, các hoạt động dầu khí ở nước ngoài của PVN đã khai thác được 1 triệu tấn dầu.

Đây là một buổi giao lưu, tọa đàm giữa các nhà lãnh đạo của 33 đơn vị thuộc Khối doanh nghiệp Trung ương. Theo Khối doanh nghiệp Trung ương, năm qua, tổng doanh thu của các doanh nghiệp thuộc Khối đạt 1.650.376 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt 231.554 tỉ đồng.

Buổi giao lưu là cơ hội để các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thuộc Khối trao đổi những thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình, đồng thời cung cấp những thông tin về chiến lược tăng tốc 2012, chiến lược tái cơ cấu doanh nghiệp.

Tại Hội nghị lần III Ban chấp hành Trung ương Đảng (tháng 10/2011) đã ra chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế với ba khâu đột phá quan trọng: tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu tài chính, ngân hàng, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại; tái cơ cấu doanh nghiệp với trọng tâm là doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Nói về tái cơ cấu, Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu cho rằng, PVN đang triển khai mạnh mẽ các biện pháp để thực hiện lộ trình tái cơ cấu. Trước hết, đến năm 2015, PVN sẽ rút vốn ở một số dự án về bất động sản, xây dựng… Mục tiêu tái cơ cấu của PVN là nhằm nâng cao hiệu quả và sự chuyên nghiệp cao của 5 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. PVN đang soạn phương án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, ban lãnh đạo luôn xác định Vietinbank phải phát triển đi đôi với bền vững. Thực hiện mọi việc công khai, minh bạch, chuyển đổi mô hình quản trị. Quan trọng là bộ phận lãnh đạo của quán triệt sâu sắc việc tái cơ cấu, đồng thời phải đưa ra nhiều dự báo, định hướng chiến lược cho đơn vị mình trước bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến động.

Kinh doanh phải nghĩ đến lợi ích của dân

Nhiều lãnh đạo đã bày tỏ quan điểm, bên cạnh việc đẩy mạnh các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp thuộc Khối phải đi liền lợi ích của đơn vị với lợi ích của nhân dân.

Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) chỉ ra một điều, VGR không chỉ làm nhiệm vụ kinh tế mà còn đảm trách nhiệm vụ chính trị. Diện tích cao su của cả nước năm 2011 là 780 nghìn ha, trong khi Chính phủ quy hoạch cho ngành Cao su là 800 nghìn ha đến năm 2015.

Ông Thuận cho rằng, con số quy hoạch này nên điều chỉnh lên 1 triệu ha vào năm 2015. Cao su là một trong 6 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, gồm: cao su, thủy sản, gạo, cà phê, điều, gỗ.

VRG có doanh thu đạt 33 nghìn tỉ đồng, lợi nhuận hơn 11 nghìn tỉ đồng. VRG đã liên kết với các Quân khu 4, 5, 7 để cùng phối hợp công tác và đưa ra các chương trình hành động để cùng nhân dân xây dựng cuộc sống mới, đảm bảo an ninh quốc gia ở những vùng biên giới, vùng sâu vùng xa.

Ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) xúc động khi nói về những người thợ mỏ.

Một câu chuyện khác của ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) thật sự xúc động. Trong câu chuyện của mình, ông ít nói đến các con số kinh doanh của Vinacomin mà đánh giá cao những hy sinh, những cống hiến thầm lặng của người thợ mỏ. Hiện nay, Vinacomin đang khai thác than hầm ở độ sâu từ 300 – 600m dưới mực nước biển.

Thợ mỏ là nghề lao động nặng nhọc nhất, nguy hiểm nhất. Ông Trần Xuân Hòa cho biết hiện nay ngành Than – Khoáng sản chỉ có một bệnh viện chuyên biệt dành cho công nhân mỏ. Theo những gì ông chứng kiến thì có những trường hợp thợ mỏ đi rửa phổi, nước rửa phổi có màu đen kịt, để thấy rằng người thợ mỏ đã phải lao động trong môi trường như thế nào.

Cuối cùng, Chủ tịch HĐTV Vinacomin nhấn mạnh: “Một tấn than moi lên từ lòng đất không chỉ thấm mồ hôi mà con dính cả xương máu người thợ mỏ”.

Đức Chính

DMCA.com Protection Status