Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Thay đổi để "thông minh"
Kỳ 1: Nền tảng của chuyển đổi số
GS Hồ Tú Bảo - TS Nguyễn Nhật Quang
Nhận thức chung hiện nay vẫn coi chuyển đổi số doanh nghiệp là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), áp dụng vài công cụ AI hay IoT hay thậm chí đơn giản chỉ là sử dụng thương mại điện tử hay sử dụng mạng xã hội để giao tiếp với khách hàng.
Thực ra, chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ mà là sự thay đổi một cách sâu rộng mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp trên cơ sở tích hợp công nghệ số.
Công nghệ số với trọng tâm là dữ liệu và kết nối không còn đơn thuần là công cụ mà trở thành một hợp phần hữu cơ của hệ thống, là chất kết dính các tài sản vật lý và con người trong doanh nghiệp để tạo thành một tổng thể thực - số thông minh hơn, hiệu quả hơn. Nói cách khác, chuyển đổi số là quá trình doanh nghiệp tự mình thay đổi để trở thành một doanh nghiệp số, doanh nghiệp “thông minh”.
Phương pháp luận ST-2-3-5 với mô hình sinh thái ST và cách làm 2-3-5 |
Để thích ứng với môi trường kinh doanh thực - số đang phát triển nhanh chóng, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp cần chuyển đổi số các mặt hoạt động của mình bao gồm ba hợp phần chính yếu:
Chuyển đổi số sản phẩm, dịch vụ và phương thức tiếp cận thị trường theo hướng thông minh hóa, cá nhân hóa, nền tảng hóa.
Chuyển đổi số quy trình sản xuất kinh doanh theo hướng tự động hóa và tối ưu hóa liên tục.
Chuyển đổi số phương thức quản trị, quản lý theo hướng ra quyết định dựa trên dữ liệu, sử dụng các thành tựu của AI, khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh (business analytics) để tạo ra tri thức, tạo ra sự thấu hiểu, tích lũy tri thức và kỹ năng của doanh nghiệp và phân phối hiệu quả dữ liệu, thông tin, tri thức đến từng vị trí công tác cần đến chúng.
Việc chuyển đổi số ba mặt hoạt động nêu trên dựa trên việc xây dựng và sử dụng hiệu quả năng lực dữ liệu và tạo lập kết nối mọi người, mọi vật trong thế giới thực trên môi trường số. Dữ liệu và kết nối nằm ở trung tâm của câu chuyện chuyển đổi số. Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực thu thập, phân tích, lưu trữ dữ liệu và sử dụng dữ liệu có được để chuyển đổi số các hoạt động của mình.
Để hiện thực hóa các hợp phần nêu trên của hệ sinh thái thực - số, doanh nghiệp cần thay đổi ba hợp phần về các yếu tố chính của thành bại còn lại là:
Con người: Doanh nghiệp số cần “con người số” với nhận thức, năng lực và văn hóa doanh nghiệp phù hợp với môi trường kinh doanh mới và cách thức vận hành doanh nghiệp mới. Để bảo đảm nguồn nhân lực phù hợp cho các doanh nghiệp số, Nhà nước cần khẩn trương chuyển đổi số hoạt động giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể chờ đợi khi có nguồn nhân lực phù hợp mới tiến hành chuyển đổi số mà phải chủ động và liên tục tái đào tạo nguồn nhân lực hiện có, đồng thời tuyển dụng, bổ sung một cách hợp lý những nhân viên đã có sẵn các năng lực cần thiết.
Thể chế: Các sản phẩm, dịch vụ, cách thức kết nối thị trường mới đòi hỏi các quy định, chế độ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp. Thể chế nội bộ là điều mà doanh nghiệp cần chủ động thay đổi, trong khi đó, hành lang pháp lý bên ngoài phụ thuộc vào phương thức quản lý nhà nước về kinh tế và xã hội. Muốn đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số nền kinh tế, tạo điều kiện để các doanh nghiệp chuyển đổi số một cách hiệu quả, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương cần chủ động sửa đổi các quy định hiện hành gây cản trở cho quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp.
Công nghệ: Các dây chuyền công nghệ, máy móc, trang thiết bị sản xuất cần được đổi mới theo hướng số hóa và có khả năng tích hợp vào hạ tầng công nghệ số. Hạ tầng công nghệ số cần được đầu tư thỏa đáng. Cần hiểu rằng, không thể chuyển đổi số mà không đầu tư thỏa đáng cho hạ tầng công nghệ số.
Việc xác định một cách hệ thống các công việc cần tiến hành khi chuyển đổi số doanh nghiệp là quan trọng, nhưng để chuyển đổi số thành công còn cần chú trọng đến cách thức tiến hành. Hai nguyên lý sau đây là nền tảng của các hoạt động chuyển đổi số một cách đúng đắn.
Nguyên lý 1: Chuyển đổi số là quá trình tự thay đổi một cách hệ thống
Có hai luận điểm: Một là sự tự thay đổi trong một quá trình. Hai là thay đổi một cách hệ thống.
Sự tự thay đổi trong chuyển đổi số luôn diễn ra trong một quá trình. Tính quá trình trước hết thể hiện ở việc chuyển đổi số không phải việc “dỡ” doanh nghiệp ra và lắp ráp lại một lần là xong. Một doanh nghiệp đang hoạt động không thể đơn giản ngừng lại để chuyển đổi số. Các vấn đề nâng cao nhận thức, năng lực, xây dựng văn hóa số cho doanh nghiệp, việc thay đổi thể chế hiện hành cũng như việc đổi mới công nghệ đòi hỏi phải có thời gian. Hơn nữa, chuyển đổi số là hành trình đi vào miền đất mới, nhiều thứ chưa biết, chưa rõ, do đó cách làm đúng là tiến hành từng bước.
Tính hệ thống trong quá trình tự thay đổi trước hết cần là sự đồng bộ trong việc thực hiện các hoạt động chính yếu của doanh nghiệp (sản phẩm - dịch vụ số, quy trình vận hành số, quản trị - quản lý số), các thành phần của hệ thống (con người, thể chế, công nghệ) và an toàn an ninh mạng, việc dùng dữ liệu và kết nối hiệu quả.
Nguyên lý 2: Chuyển đổi số là quá trình liên tục đổi mới sáng tạo với dữ liệu và kết nối
Chuyển đổi số không có hình mẫu để sao chép, do vậy, đòi hỏi mức độ đổi mới sáng tạo rất cao, quá trình sáng tạo không có điểm dừng do môi trường kinh doanh vốn luôn biến động và hiện đang biến động rất nhanh trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0.
Năng lực đổi mới sáng tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là con người với văn hóa đổi mới sáng tạo. Văn hóa đổi mới cần phải thấm nhuần từ người lãnh đạo cao nhất đến các thành viên của doanh nghiệp, mọi người ai cũng phải hiểu và thích nghi với môi trường mới để thay đổi, ai cũng phải tìm cách khai thác được những cơ hội của môi trường thực - số để tạo ra thay đổi tích cực cho bản thân và cho cả doanh nghiệp.
Khai thác dữ liệu và kết nối thường bắt đầu bằng một số việc phải làm ngay. Đó là tăng cường trong các hoạt động kết nối người với người, người với vật và vật với vật. Đó là xây dựng chiến lược dữ liệu của tổ chức, là cách và kế hoạch hành động để tạo và dùng dữ liệu nhằm đạt mục tiêu.
Từ sự kết nối phong phú và một chiến lược dữ liệu hợp lý, đổi mới sáng tạo nhằm hướng tới thông minh hóa ba nhóm hoạt động chính trong hệ sinh thái thực - số: Thông minh hóa các sản phẩm và dịch vụ; thông minh hóa sản xuất; thông minh hóa quản trị - quản lý.
(Còn tiếp)
Huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số Ngày 20/8/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 253/TB-VPCP kết luận Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 8/8/2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp này. |