Chuyên gia dự báo: Giá dầu có thể tăng tới 150 USD/thùng do cung không đủ cầu

08:23 | 18/02/2022

4,991 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - CNBC ngày 16/2 đưa ý kiến của nhiều chuyên gia phân tích cho rằng giá dầu đang tăng vọt và dường như không gì có thể ngăn cản đà tăng của giá dầu. Từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022, thị trường đã chứng kiến ​​giá dầu thô Brent tăng 11 USD/thùng và từ đầu tháng 2/2022, giá dầu đã tăng gần như tương tự, do lo ngại về nguồn cung thắt chặt, lạm phát gia tăng và căng thẳng địa chính trị.
Chuyên gia dự báo: Giá dầu có thể tăng tới 150 USD/thùng do cung không đủ cầu
Một cơ sở khoan dầu tại mỏ dầu Belridge, gần McKittrick, California, Mỹ. Ảnh: Mario Tama/Getty Images.

Tại thời điểm này, các nhà phân tích năng lượng cho rằng việc dầu Brent vượt ngưỡng 100 USD/thùng gần như là điều đã dự đoán trước. Không những thế, hiện nay, ngày càng nhiều nhà phân tích dự đoán mặt hàng này sẽ vượt ngưỡng 125 USD/thùng và thậm chí còn cao hơn.

Hôm thứ Hai (14/2), phát biểu với CNBC, Giám đốc Công ty tư vấn JTD Energy Services John Driscoll cho biết thị trường đang thiếu nguồn cung. Chuyên gia này cho rằng có thể diễn ra kịch bản giá dầu có thể vượt qua mức 120 USD/thùng, thậm chí lên tới 150 USD/thùng. Trong tuần trước, dầu thô Brent đã vượt 95 USD/thùng, mức cao nhất kể từ mùa hè năm 2014 và tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Sáng thứ Tư tại London, dầu Brent được giao dịch ở mức 93,98 USD/thùng. Căng thẳng liên quan đến Ukraine cũng đã đẩy giá dầu lên cao, mặc dù hôm thứ Ba sau khi Nga tuyên bố rút quân khỏi khu vực biên giới với Ukraine, giá dầu giảm khoảng 3% so với ngày trước đó.

Thị trường thiếu hụt nguồn cung

John Driscoll cho biết không chỉ các căng thẳng về địa chính trị, mà các nguyên tắc cơ bản về cung - cầu đã dẫn đến việc tăng giá dầu. Thị trường đang ở trong tình trạng “bù hoãn giao hàng”, mang lại giá trị cao hơn cho các loại dầu, do nhu cầu dầu trên đà phục hồi sau đại dịch và thị trường thiếu hụt nguồn cung.

Sự thiếu hụt nguồn cung tồn tại trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu thực tế của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) nằm dưới mức cam kết bổ sung cho thị trường, sự thiếu đầu tư ở Mỹ và các nước khác vào thị trường dầu mỏ do đại dịch Covid-19 và xu hướng thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Trong tháng 1/2022, sản lượng thực của OPEC+ thấp hơn so với sản lượng mục tiêu là 700.000 thùng/ngày. Theo S&P Global Platts, Ả Rập Xê-út và Nga, hai nước dẫn đầu trong OPEC+ đều khai thác dưới hạn ngạch mục tiêu của mình, mặc dù cam kết sẽ dần gỡ bỏ việc cắt giảm nguồn cung.

Chuyên gia dự báo: Giá dầu có thể tăng tới 150 USD/thùng do cung không đủ cầu
Trụ sở OPEC tại Vienna, Áo. Ảnh: Tư liệu.

Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) của Mỹ đã hạ mức sản lượng ước tính của OPEC thêm 300.000 thùng/ngày trong tháng 2/2022. Hiện không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy OPEC+ sẽ thay đổi kế hoạch tăng hạn ngạch 400.000 thùng/ngày trong tháng 3/2022, bất chấp lời kêu gọi của Mỹ và một số nước khác tăng sản lượng khai thác để giảm giá dầu. Các nhà phân tích tại JP Morgan cho rằng việc khai thác dưới sản lượng mục tiêu, đầu tư không hiệu quả trong các quốc gia OPEC+, cùng với nhu cầu dầu gia tăng sau đại dịch Covid-19 có thể phát triển thành một cuộc khủng hoảng năng lượng.

Các nhà đầu tư đổ xô vào thị trường dầu mỏ

Việc các nhà đầu tư đổ xô vào thị trường dầu mỏ không phải là dấu hiệu duy nhất cho thấy dầu tiếp tục tăng giá. Tiền đang được đổ vào đầu tư cho các cổ phiếu liên quan đến dầu và các công ty dầu khí quốc tế đang thu về lợi nhuận khủng. Khi lạm phát ở Mỹ đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, các nhà phân tích khuyến nghị cổ phiếu năng lượng là khoản đầu tư thông minh. John Driscoll cho biết khi thị trường tăng mức tiêu thụ, công suất dự phòng giảm xuống, các chỉ số quan trọng khác như quản lý tiền tệ, quỹ lương hưu, đổ vào thị trường dầu mỏ, dẫn tới kết quả là các cổ phiếu dầu như của BP, Shell, Total đạt mức cao gần đây. Chỉ số ngành năng lượng của S&P 500 tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lạm phát, cùng với các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ tác động đến giá bán lẻ tại các trạm xăng bán cho người tiêu dùng, mà còn đẩy chi phí của chính các công ty khoan dầu, đặc biệt là các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ. Các công ty dịch vụ mỏ dầu cho biết sẽ chuyển chi phí gia tăng của họ cho các nhà sản xuất.

Chuyên gia dự báo: Giá dầu có thể tăng tới 150 USD/thùng do cung không đủ cầu
Đường ống dẫn dầu thô và hệ thống van tại kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ (SPR) tại Freeport, Texas. Ảnh: Reuters/Richard Carson/Tư liệu.

Driscoll không phải là chuyên gia duy nhất dự báo giá dầu tăng. J.P. Morgan trong tháng này dự báo dầu có khả năng vượt qua mức 125 USD/thùng. Các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Canada RBC Capital Markets cũng dự kiến ​​giá dầu sẽ chạm mức 115 USD/thùng hoặc cao hơn vào mùa hè này. RBC Capital Markets tin rằng khả năng duy nhất có thể làm đảo ngược đà tăng giá là sự sụt giảm nhu cầu. Các chuyên gia cho rằng, với giả định nền kinh tế vĩ mô ổn định, sang năm tới hoặc xa hơn nữa, chu kỳ dầu sẽ tăng giá cho đến thời điểm “đứt gãy”, cung vượt cầu.

Bù hoãn giao hàng (backwardation) là tình trạng thị trường khi giá giao ngay của tài sản (dầu thô) cao hơn giá đang được giao dịch tại thị trường tương lai, khi chênh lệch giữa giá kỳ hạn và giá giao ngay thấp hơn chi phí lưu giữ, hoặc khi không thể giao hàng do tài sản hiện thời không có sẵn để mua. Các nhà đầu tư có thể tranh thủ tình trạng “bù hoãn giao hàng” để kiếm lợi nhuận bằng cách mở vị thế bán ở giá giao ngay và mở vị thế mua với giá thấp hơn ở thị trường tương lai, trả một khoản phí bù cho việc chậm/hoãn giao hàng. Việc thao túng nguồn cung thường xảy ra tại thị trường dầu thô, một số nhà sản xuất dầu cố giữ giá dầu ở mức cao để đẩy mạnh doanh thu.

Thanh Bình

DMCA.com Protection Status