Chuyện về bộ râu, mái tóc một chuyên gia

07:00 | 22/08/2016

2,968 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong ký ức những thợ khoan Đoàn Địa chất 36 ngày ấy, đến nay đã 49 năm, nhưng những hình ảnh bộ râu, mái tóc của một chuyên gia cố vấn kỹ thuật khoan vẫn đầy ắp bao kỷ niệm vì ngày đêm quên mình cho sự nghiệp dầu khí, ấm tình hữu nghị Việt-Xô. Vì lẽ đó mà tôi viết lại trang hồi ký về người chuyên gia đáng trân trọng và kính nể ấy. Đây cũng là thước đo chuẩn xác về tinh thần say sưa lao động, sẵn sàng hy sinh vì Việt Nam đánh Mỹ. Để chúng ta trân trọng mãi mãi trong ký ức những người thợ khoan ngày ấy với người bạn chuyên gia vẫn sâu đậm đến bây giờ. 

Nói về bộ râu, mái tóc ai cũng cho là chuyện bình thường chẳng có gì đáng nói. Nhưng cuộc sống hằng ngày có biết bao nhiêu chuyện từ bộ râu, mái tóc càng nhìn càng thương yêu, kính trọng. Cũng thể hiện nếp sống văn minh hiện đại và tôn thêm nét đẹp của khuôn mặt, hình thành nhân cách trong công tác, trong học tập cũng như địa vị xã hội. Ta cùng suy ngẫm trong ngôn ngữ cha ông đã có câu thơ ví von “Cái răng, cái tóc là góc con người”. Người chuyên gia Liên Xô ngày ấy là người thầy tài năng cố vấn của Đội Khoan 1, Đoàn Địa chất 36. Ông đã một thời gắn bó bên chúng tôi, những ngày đêm dưới khói bom, lửa đạn cùng dân tộc Việt Nam thực hiện ước nguyện của Bác Hồ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ và tìm kiếm, thăm dò, khai thác, phấn đấu xây dựng nền công nghiệp hóa dầu hiện đại trong tương lai.

chuyen ve bo rau mai toc mot chuyen gia
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng cùng Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Nguyễn Văn Biên thăm giếng khoan 61 ngày 16-3-1976

Ông đã cùng chúng tôi nếm trải gần 2 năm ở Đội Khoan 1 tại giếng khoan 6 xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vào năm 1966- 1967 mà không ngày nào vắng tiếng đạn nổ, bom rơi. Khi thì đạn pháo từ hạm đội Mỹ bắn vào, lúc thì bom do máy bay Mỹ trút xuống xung quanh lỗ khoan. Còn biết bao nhiêu lần ngoài giờ làm ca phải đi vác gạo, phải đẩy xe cải tiến chở vật tư thiết bị xa 4-5 cây số do cầu, cống bị máy bay phá hủy, cắt đứt đường huyết mạch phục vụ bảo vệ vùng cửa biển sông Hồng.

Trong chiến tranh, cả miền Bắc lúc ấy khó khăn thiếu thốn trăm bề, cơm đến bữa chưa có gạo về, có gạo rồi lại không được nhóm lửa nấu cơm vì trên bầu trời máy bay gầm rú suốt ngày. Đồng chí chuyên gia nhiều hôm đói bụng không có thời gian về ăn cơm, nghỉ ngơi, đành cùng những người thợ khoan lót dạ củ khoai, củ sắn, hút điếu thuốc lào. Biết bao sự cố thiếu thốn vật tư, nhiên vật liệu để xử lý kỹ thuật hằng ngày, nhất là khoan thăm dò cấu tạo bằng loại máy khoan Zip 1.200m của Liên Xô ở một vùng địa tầng phức tạp luôn gặp những vỉa nước ngầm. Lại đề phòng khí xâm nhập vào lỗ khoan phá hủy các thông số dung dịch sẽ gây nên sập lở thành vách lỗ khoan, sẽ bị kẹt ống khoan khi khoan khô chèn lấy mẫu nham thạch lên phân tích địa tầng. Nhiều đêm chuyên gia thức cùng kíp khoan trăn trở khắc phục sự cố, từ đồng chí Đội trưởng Chu Thìn đến các đồng chí cấp ủy chi bộ và các đoàn thể chính trị trong đơn vị luôn đoàn kết thành một khối bên cạnh người thầy chuyên gia cố vấn vượt qua trong mọi khó khăn thiếu thốn hoàn thành các lỗ khoan phục vụ kịp thời thăm dò tìm kiếm, khai thác dầu khí ở vùng châu thổ sông Hồng.

chuyen ve bo rau mai toc mot chuyen gia
Phát hiện dầu tại GK 63, Tiền Hải, Thái Bình năm 1976

Với khí thế lấy khoan trường là chiến trường, máy móc là vũ khí thợ khoan là chiến sĩ, chúng tôi đã gắn kết tình hữu nghị Việt Xô qua người thầy cố vấn chuyên gia Liên Xô, mang ngọn lửa niềm tin về thi công mũi khoan tại xã Hiến Nam gần sát bến xe thị xã Hưng Yên vào năm 1967-1968 của thế kỷ XX.

Nhưng việc xây lắp thi công mũi khoan ở đây lại gặp biết bao khó khăn. Mặt bằng trống trải, tháp khoan quá cao, đêm đến điện đèn pha quá sáng, dễ là mục tiêu để máy bay bắn phá. Khoan trường lại gần thị xã Hưng Yên và nằm trong vòng cung của không quân Mỹ tìm mục tiêu bắn phá Hà Nội thường xuyên, công tác phòng chống không quân Mỹ hủy diệt mục tiêu tháp khoan luôn được đặt ra hàng đầu với phương châm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất về người và máy móc thiết bị.

Một điều nan giải nhất trong quá trình khoan lỗ khoan này là cấu tạo địa tầng không ổn định qua tài liệu thăm dò địa chấn, tài liệu phân tích mẫu địa tầng nham thạch của lỗ khoan 1 huyện Khoái Châu. Lỗ khoan 2 huyện Phù Cừ, địa tầng cũng không ổn định, có những vỉa than bùn dầy 5-10m hoặc gặp tầng đất pha cát thô lẫn sỏi. Nếu pha chế dung dịch không tốt, kíp trưởng khoan sơ ý theo dõi tốc độ về dung lượng bơm dung dịch trong quá trình khoan, hay lúc khoan khô chèn lấy mẫu bất ngờ thành lỗ khoan vỡ lở sập xuống chùm kẹt ống khoan. Sự cố này là nỗi khổ cực nhất của đời thợ khoan, nó luôn rình rập mỗi hiệp khoan.

Điều kiện nơi ăn ở của cán bộ, công nhân đội khoan đều nhờ vào các gia đình, chủ yếu là gia đình cán bộ đảng viên gương mẫu. Bởi lẽ dân cũng sợ tháp khoan điện sáng cao ngất ngưởng ở đầu làng, là mục tiêu quá lộ cho máy bay Mỹ bắn phá. Trong thời gian thi công lỗ khoan, tuy được Đảng bộ và chính quyền đoàn thể xã Hiến Nam và sự giúp đỡ chỉ đạo của lãnh đạo huyện Kim Bảng, với sự quyết tâm của cấp ủy chi bộ, lại có sự chỉ đạo sáng tạo, vận dụng kịp thời ắp đầy tình nghĩa của đồng chí Nguyễn Văn Nhượng, một sĩ quan quân đội chuyển ngành về làm bí thư chi bộ phụ trách đội phó về chăm lo đời sống và đồng chí Chu Thìn - Đội trưởng trẻ tài năng tâm huyết với nghề đã thuyết phục để dân hiểu, dân tin, dân mến. Chỉ sau 1 tháng đã ổn định cho 35 cán bộ, công nhân đội khoan ở nhờ nhà dân.

Đồng chí chuyên gia Liên Xô tình nguyện ở nhà khách tỉnh ủy Hưng Yên không về Hà Nội để dành thời gian cả tuần gắn bó với các ca, có khi cả ngày đêm chỉ đạo kịp thời quá trình xây dựng và làm sao khoan an toàn về tới đích cả về thời gian và chiều sâu dự kiến.

Khi khoan đến độ sâu 650m chúng tôi gặp một vỉa than và 1 lớp cát thô. Ống khoan bị kẹt (do tỷ trọng dung dịch thấp hơn áp lực vỉa ở thành vách lỗ khoan sập xuống chèn trên đầu ống khoan), kéo không được dùng tời giật không lên. Máy kéo về số 1 định vừa cho máy quay vừa kéo cũng không được lại không bơm được xuống đáy lỗ khoan vì đã thả bi chắn nước khoan khô lấy mẫu. Chỉ còn biện pháp khẩn cấp chuẩn bị vật tư, thiết bị tháo cần khoan chụp.

Song thật không may, đồng chí Nguyễn Xuân Thiều là phiên dịch đưa chuyên gia về báo lại là Cục Công trình - Tổng cục Địa chất thiếu thốn vật tư, thiết bị khoan dự phòng sự cố. Lúc ấy, đất + hóa phẩm pha chế dung dịch thường xuyên không kịp thời vì hàng từ Liên Xô sang phải chờ không vào được cảng vì máy bay bắn phá. Từ Hà Nội nhận được điện lỗ khoan kẹt, ngay trong đêm, đồng chí chuyên gia đã có mặt tại lỗ khoan trước lúc gà gáy sang canh. Với sự có mặt đầy đủ các đồng chí lãnh đạo đội khoan, cùng các kíp trưởng, trưởng các bộ môn kỹ thuật cùng chuyên gia bàn khẩn các biện pháp cứu sự cố. Đồng thời phân công cụ thể công việc từng người trong thời gian cứu sự cố. Ngoài giờ làm theo ca mọi người sẵn sàng khi xe chở vật tư xuống phải có mặt 100% ra bốc dỡ, vận chuyển hàng trên xe xuống đưa vào kho vào nơi quy định và ngụy trang phòng chống máy bay bắn phá.

Đây là cuộc đua lửa thử vàng, gian nan thử sức, nhiều ngày lao động quên ăn, nhiều đêm không ngủ. Đồng chí chuyên gia cũng nhiều đêm không ngủ, ngày vẫn thức bám sát các ca để chỉ đạo kịp thời từng cung đoạn diễn biến khi khoan chụp đầu cần để quay trái tháo được hết cần cuối cùng tiếp giáp đầu ống khoan và tiến hành khoan mở rộng đường kính để khoan chụp ống khoan.

Tập thể đội khoan cùng với tinh thần lao động quên mình của đồng chí chuyên gia, không đòi hỏi bất kể cái gì về phục vụ đời sống. Hàng tuần không có hớp bia, một điếu thuốc lá vẫn đạm bạc chén rượu quốc lủi, hút điếu thuốc lào, ăn củ khoai nướng qua đêm, nằm ngả lưng trên mảnh gỗ đặt ngang qua 2 luống khoai vẫn say sưa vui vẻ. Vì vật tư, cần ống đều phải chờ hàng tuần, khi có cái này lại chờ thứ khác về nên không đủ để tiến hành cứu sự cố tháo dần khoan chụp, dẫn đến sự cố này kéo dài gần 2 tháng.

Tôi càng nhìn càng thương bạn, càng căm thù đế quốc Mỹ. Có một đêm ca ba, tôi chân thành hỏi và động viên người thầy ấy: Sao anh không tranh thủ sửa cái tóc, cạo bộ râu đi? Anh để trông như “người rừng” về đồng bằng, chúng tôi lại nghĩ ngợi quá. Bạn hỏi lại tôi: “Người rừng” là thế nào? Tôi giải thích xong anh cười hiền hậu và trầm ngâm một lúc. Thật khó biết bạn đang nghĩ gì. Sau mấy phút bạn vịn tay lên vai tôi, giọng nói như nhắn nhủ, động viên tôi. Mặc dù không giỏi tiếng Nga, phải qua phiên dịch nhưng nhìn nét mặt, nhìn bạn dùng tay ra hiệu, tôi hiểu bạn muốn giãi bày hết lòng mình. Sau phiên dịch nói lại, đồng chí ấy bảo: Đây là nỗi khổ nhất của nghề khoan, mỗi khi gặp phải. Tôi sang đây giúp các bạn, không làm việc hết mình, không hơn các bạn sao gọi là chuyên gia cố vấn được. Nhất là trong lúc sự cố này người thợ khoan ăn không ngon, ngủ không yên, ai còn dành thời gian ngắm mặt mũi, râu tóc nữa. Tôi để bộ râu này làm kỷ niệm, dù bao ngày, bao tháng vẫn quyết tâm cứu sự cố trước lúc bộ râu, mái tóc trùm cổ, trùm vai, tôi sẽ cố gắng vượt trước thời gian khi bộ râu chưa về tới đích.

Thế là từ buổi tâm sự ấy, tôi đã lấy hình ảnh bộ râu của bạn khích lệ phong trào thi đua bằng dẫn chứng cụ thể. Còn chúng ta làm cho ta, làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, ta phải hành động sao để bạn hài lòng.

Cũng từ đó, ngoài ca của mình, mọi người vẫn dành thời gian ra khoan trường, khi thì chuyển xi-măng từ ôtô xuống kho, lúc thì đưa cần, đưa xăng dầu, thiết bị xuống, không ai tính công nghỉ bù. Cứ thế, một khí thế sôi động theo suốt thời gian chống Mỹ của đội khoan này. Ngay đến anh Đặng Của ở Phòng Công trình theo xe chở cầu ống xuống cũng ghé vai cùng đơn vị chuyển vật tư xuống bãi cầm ống không sợ dầu mỡ bám bẩn áo quần.

Tôi còn nhớ khi cứu xong sự cố, bạn cao râu, cắt tóc gói mang về cho chúng tôi xem và chiêu đãi mỗi người một điếu thuốc kỷ niệm ngày cạo râu. Câu chuyện về một bộ râu, một mái tóc đã thành huyền thoại được in sâu trong ký ức thợ khoan chúng tôi, biểu tượng của phong trào thi đua suốt thời gian chống Mỹ, mang dấu ấn tình hữu nghị Việt -Xô. Một thời đáng trân trọng, đáng nhớ đến bây giờ.

Lê Xuân Tùy

Năng lượng Mới 550

DMCA.com Protection Status