Có anh hùng là vì có tập thể anh hùng

07:10 | 03/08/2016

917 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sau khi miền Bắc được giải phóng (1954), toàn dân đang bước vào thực hiện công cuộc kiến thiết nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Nước Việt Nam ta có biển, nhất định sẽ có dầu”.

Người đã cùng Bộ Chính trị quyết định lựa chọn sự giúp đỡ của nước bạn Liên Xô. Trên tinh thần hữu nghị quốc tế, Bác tin tưởng bạn sẽ đào tạo được cho Việt Nam đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật dầu khí lành nghề, đồng thời thực hiện tốt công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí tại Việt Nam.

co anh hung la vi co tap the anh hung
Giàn khoan tại mỏ Rồng Đôi

Đầu năm 1959, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Liên Xô cử các chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm về dầu khí và đem theo cả máy móc thiết bị sang giúp đỡ Việt Nam tiến hành khảo sát, nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Bằng những nỗ lực ban đầu, từ năm 1959 đến năm 1961 Chánh chuyên gia địa chất dầu khí Kitôvani và các kỹ thuật viên Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ trên thực địa và phòng nghiên cứu để hoàn thành bản báo cáo “Địa chất và tiềm năng dầu khí ở Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Đây là công trình tổng hợp đầu tiên về nghiên cứu triển vọng dầu khí ở miền Bắc Việt Nam, là cơ sở khoa học để định hướng cho công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí tiếp theo.

Để đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Đồng bằng sông Hồng, ngày 27-11-1961 Đoàn Địa chất Dầu khí 36 ra đời. Đến ngày 9-10-1969 Chính phủ quyết định nâng cấp thành Liên đoàn Địa chất Dầu khí 36 để triển khai công tác ở quy mô lớn hơn và diện tích rộng hơn. Qua những năm tháng lao động vất vả, trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ, tuy phải thường xuyên sơ tán tránh bom đạn địch nhưng tập thể cán bộ, công nhân viên Liên đoàn 36 vẫn kề vai sát cánh cùng các chuyên gia dầu khí Liên Xô triển khai mạnh mẽ công tác tìm kiếm, thăm dò, xây dựng lực lượng chuẩn bị cho sự phát triển ngành Dầu khí trong tương lai.

co anh hung la vi co tap the anh hung

Kết quả công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở Đồng bằng sông Hồng lúc bấy giờ còn rất khiêm tốn nhưng cái được lớn nhất, cơ bản nhất mang tính tiền đề là đã đào tạo cho ngành Dầu khí Việt Nam một đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, công nhân lành nghề đủ sức gánh vác những công việc đa dạng và phức tạp tiếp theo. Thực tế cho thấy họ đã lập nên được nhiều kỳ tích đóng góp vào sự trưởng thành mạnh mẽ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ngày nay.

Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Tiến sĩ (TS) khoa học Nguyễn Giao là một trong số những cán bộ kỹ thuật địa chất dầu khí Việt Nam đầu tiên xuất thân như vậy. Cái duyên dầu khí buộc vào ông hay duyên ông buộc vào dầu khí cứ thế đằng đẵng kéo theo suốt một cuộc đời, để rồi sau lúc về hưu vẫn còn giăng mắc với duyên dầu khí.

***

Anh sinh năm 1939 tại xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, năm 16 tuổi tập kết ra Bắc. Giữa năm 1955, Sở Địa chất thuộc Bộ Công Thương đã mở lớp đào tạo cấp tốc trong 6 tháng về kỹ thuật địa chất tại Hà Nội cho 104 người, trong đó có anh theo học. Đây là lớp đào tạo chuyên ngành địa chất đầu tiên, chính từ xuất phát điểm sơ khai này đã dần dần hình thành một đội ngũ chuyên gia địa chất trụ cột cho một chuyên ngành rất mới mẻ ở Việt Nam.

Nhóm kỹ thuật của lớp này nhận quyết định về công tác ở Đoàn Địa chất I thăm dò apatit ở Lào Cai. Mục đích của nhóm công tác này là khảo sát, thăm dò, chính xác hóa trữ lượng mỏ apatit và tìm thêm vùng mỏ mới. Anh công nhân địa chất Nguyễn Giao với dáng vóc bé nhỏ, thư sinh như vậy mà đã trải qua những năm tháng lặn lội gian nan trong điều kiện thiếu thốn đến độ tối thiểu cả vật chất, tinh thần lẫn phương tiện làm việc.

Có một lần nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ lại cuộc sống đầm ấm của gia đình, một tiếng nấc không kìm nổi đang đêm bỗng bật lên nức nở, nhóm trưởng Trương Thiên đã phải thức dậy vỗ về như dỗ người em nhỏ. Có lẽ vì bản tính trời cho ưa khám phá như để bù lại sự mềm yếu ấy nên nó đã trở thành động lực, kéo anh vượt qua được những phút giây ủy mỵ. Nhưng cũng không hẳn thế, ngoài tính trung thực trong khoa học, không khoan nhượng trong sự bảo vệ danh dự cần phải có, còn lại bản tính của anh vẫn là ủy mỵ, mềm yếu và cả nể cho đến tận bây giờ khi tuổi đã ngoài thất thập vẫn còn hiện hữu.

co anh hung la vi co tap the anh hung
Một góc Cảng Dịch vụ Vietsovpetro. Ảnh Bảo Sơn

Tháng 8 năm 1959, trải qua những năm tháng khảo sát, anh đã tích lũy được những kiến thức cơ bản về địa chất, anh mua giáo trình tiếng Nga và tự học để có thể đọc nguyên bản tài liệu nước ngoài và làm việc với chuyên gia Liên Xô để đáp ứng yêu cầu của công việc của anh: Đội trưởng Đội Khảo sát Địa chất dầu khí. Hơn 2 năm ròng rã xách búa, xách cặp bản đồ đi theo Tiến sĩ địa chất Liên Xô Kitôvani tới khắp mọi vùng rừng núi Tây Bắc, Việt Bắc, vùng đồng bằng và hải đảo từ Vĩ tuyến 17 trở ra để điều tra, khảo sát tiềm năng trong lòng đất. Cái giá của sự đói cơm, rét áo thậm chí có lúc bị nước lũ cuốn trôi nằm ngất xỉu bên bờ suối đã được đền bù bằng công trình tổng kết đánh giá “Địa chất và tiềm năng Dầu khí ở Việt Nam dân chủ cộng hòa (1959 - 1961)” và cùng tập thể cộng sự hoàn thành quy hoạch phân vùng chi tiết bằng tấm bản đồ: Phân vùng triển vọng Dầu khí Việt Nam tỷ lệ 1/500.000. Liên Xô nói chung và cụ thể là TS Kitôvani là người thầy thực tế đầu tiên dạy anh về khoa học ngành địa chất.

Cứ thế, anh kiên nhẫn lặn lội, nghiên cứu, đào bới, một cách cặm cụi trong lòng đất như người đào địa đạo vậy. Chẳng biết khi nào mới tìm thấy ánh sáng. Vậy mà anh vẫn cứ đào, có lẽ anh thấm thía câu tục ngữ: có công mài sắt có ngày nên… kim. Anh tin, một niềm tin có cơ sở khoa học, ánh sáng sẽ hé dần, lớn dần, mặt trời sẽ ùa vào rực rỡ và nhất định con đường anh tạo ra sẽ được khai thông.

Có chút lưng vốn kiến thức địa chất thực tế, anh vào học Khoa Địa chất của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, học xong và nhận tấm bằng tốt nghiệp một cách nhẹ nhàng.

Từ năm 1966 đến 1969 anh được cử đi nghiên cứu sinh ở Trường Dầu Ba Cu thuộc Liên Xô cũ, để bảo vệ luận án Phó tiến sĩ. Qua thời gian trực tiếp làm việc với ông thầy địa chất Kitôvani và tự học, vốn ngoại ngữ, nhất là các thuật ngữ kỹ thuật của chuyên ngành địa chất anh đã thông thuộc. Anh được bỏ qua năm đầu học ngoại ngữ, đi thẳng vào nghiên cứu khoa học. Công việc nghiên cứu với anh không vất vả lắm, anh được lớp sinh viên những người Việt Nam học ở đây bầu làm Bí thư Chi bộ sinh hoạt trong Trường Dầu Ba Cu, cũng bởi một lẽ anh là nghiên cứu sinh đầu tiên duy nhất của người Việt Nam theo học tại đây lúc bấy giờ.

Có một lần trong trận bóng đá giao hữu giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên Cộng hòa Azerbaijan có vụ va chạm nhỏ dẫn tới xô xát, anh ra tận sân bóng can thiệp. Anh cho là chuyện rất thường tình trên sân cỏ của lứa tuổi thanh niên hiếu thắng. Sau buổi ấy, ông Trưởng khoa Dự bị tiếng Nga mời anh lên, ông ta đưa ra một tấm drap đặt trước mặt anh và nói: “Này, ông biết tấm drap này ai cấp cho các ông trải giường không? Và đây nữa, bánh mỳ này ai cấp cho các ông ăn?”. Không kìm nổi sự tự ái, anh đập bàn phản ứng ngay: “Ông không xin lỗi tôi về câu nói này, ngày mai tôi báo cáo lên thầy Mamêđốp chắc chắn ông phải rời khỏi Trường Dầu Ba Cu đấy. Chúng tôi sang đây là do hiệp định hai Chính phủ cử chúng tôi sang học, chúng tôi không xin ông cái gì cả”. Trước thái độ cứng rắn và kiên quyết của anh, sau một lúc suy nghĩ, ông Trưởng khoa Dự bị tiếng Nga đã phải xin lỗi và dàn hòa với anh kể từ đó hai người hiểu nhau hơn.

Xin được nói thêm ông Mamêđốp là Phó hiệu trưởng Trường Dầu Ba Cu, ông là người có cảm tình thật đặc biệt với sinh viên Việt Nam, tình cảm thật của ông được biểu hiện rất cụ thể, bất kỳ lúc nào ông cũng coi sinh viên Việt Nam như con đẻ. Ông thương thật lòng và chăm sóc tận tình. Anh Nguyễn Giao cũng rất quý trọng thầy Phó hiệu trưởng. Tình cảm quốc tế cộng sản ngày ấy quả thật là trong sáng và đầm ấm.

Tháng 9-1975, ngay sau ngày Tổng cục Dầu khí được thành lập, anh cùng đoàn cán bộ khoa học: Lê Văn Cự, Hồ Đắc Hoài, Ngô Thường San, Nguyễn Ngọc Sớm, Lê Quang Trung được cử vào miền Nam để thu thập, nghiên cứu những tài liệu về dầu khí, đặc biệt là tài liệu cấu tạo địa chất do các công ty tư bản để lại.

Sau đó tháng 11-1975, anh lại được cử làm Đoàn trưởng Đoàn cán bộ Dầu khí sang Mexico để tìm hiểu công việc làm dầu khí, trên cơ sở đó muốn mời họ sang hợp tác tìm kiếm dầu khí ở vùng trũng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nước tư bản chủ nghĩa đầu tiên anh được cử đến công tác. Tổng thống Mexico thân chinh ra tiếp đoàn và thăm hỏi ân cần. Được sự giúp đỡ tận tình của nước chủ nhà, sau thời gian nghiên cứu, đoàn đã thu hoạch được khối lượng kiến thức, kinh nghiệm rất có giá trị cho công tác tìm kiếm dầu khí ở Việt Nam. Đồng thời tìm hiểu quy luật tất yếu trong kinh tế khi đã tìm thấy dầu. Theo họ: Một quốc gia có dầu nhất định phải làm thật sớm nhà máy lọc, hóa dầu có như vậy mới tránh được tình trạng “bán lúa non” và mới hỗ trợ thúc đẩy tốt cho công việc tìm kiếm, thăm dò. Trên cơ sở này ngành Dầu khí mới có điều kiện phát triển nhanh, mạnh và chủ động.

Trước khi về nước, anh phải nhờ Đại sứ quán Việt Nam viết giúp một bài phát biểu cảm ơn bằng tiếng Tây Ban Nha để đọc trong buổi tiệc chia tay do Tổng thống Mexico chiêu đãi. Anh mất 3 ngày học thuộc bài này, khi đọc xong thật không ngờ, Tổng thống Mexico hết lời khen ngợi và thán phục khả năng tiếp cận ngôn ngữ của người Việt Nam. Về mặt ngoại giao như vậy là thành công, hai bên rất hài lòng về nhau và buổi dạ tiệc diễn ra vui vẻ, ấm áp tình người. Đêm ấy có một đoàn cán bộ của Việt Nam mới sang cũng được mời dự, một người trong đoàn khi về nước đã báo cáo việc này với lãnh đạo cấp trên là: Anh Nguyễn Giao có quan hệ rất thân thiết với Tổng thống Mexico - một nước tư bản chủ nghĩa - ông Tổng thống còn công khai khen ngợi anh Giao trong buổi tiệc chia tay. Hệ lụy là 6 năm sau đó anh không được cử ra nước ngoài nghiên cứu dầu khí nữa.

Năm 1976, anh chuyển sang làm Vụ phó phụ trách Vụ Kỹ thuật của Tổng cục Dầu khí có trụ sở làm việc tại số 80 Nguyễn Du, Hà Nội, sau vài năm, anh sang Liên Xô làm luận án Tiến sĩ khoa học về Địa chất Dầu khí. Bảo vệ thành công luận án, tháng 8-1987 anh được điều về làm Viện phó và năm 1988 là Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, cơ quan của Viện và khu tập thể của cán bộ, công nhân viên chức, tập trung ở thị xã Hưng Yên.

Thế là những tháng năm lặn lội, đào bới ở hiện trường, những đêm dài trăn trở kiếm tìm cùng đèn sách đã giúp anh hoàn thành giai đoạn tu nhân tích đức. Anh như “đệ tử của thầy Quỷ Cốc đã được hạ sơn giúp nước”. Bây giờ người ta gọi anh là ông Viện trưởng. Nhậm chức xong, việc đầu tiên của ông là thống nhất với ban lãnh đạo của Viện, sắp xếp lại tổ chức các phòng chức năng, nghiệp vụ để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ khoa học nghiên cứu, hoạt động. Thành lập Phòng Phân tích mẫu với trang thiết bị thí nghiệm hiện đại để phục vụ cho ngành Dầu khí và phân tích mẫu thuê cho các công ty dầu khí nước ngoài.

Việc làm này ngoài lợi ích tăng thêm doanh thu cho Viện, nó còn có một ý nghĩa quan trọng hơn là giúp cho các nhà khoa học nghiên cứu địa chất làm chủ được tài nguyên, khoáng sản quốc gia. Giai đoạn này đời sống cán bộ, công nhân viên chức còn nhiều khó khăn, ông đã chủ trương đẩy mạnh công tác dịch vụ để tăng thêm thu nhập cho anh chị em trong Viện và mở ra quan hệ hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, mục đích là tìm kiếm việc làm và học tập những kiến thức tiên tiến ở họ. Việc làm có ý nghĩa lâu dài là, ông bàn bạc với ban lãnh đạo của Viện Dầu khí xin chuyển các phòng thí nghiệm và một số cán bộ khoa học, kỹ thuật ở Hưng Yên lên Hà Nội, tạo điều kiện cho hoạt động khoa học, kỹ thuật thuận lợi hơn. Ông chọn người trợ lý là Trưởng ban Xây dựng cơ bản của Viện, kỹ sư địa chất Hà Duy Dĩnh đã được đào tạo chính quy tại Trường Tổng hợp Moskva (Liên Xô). Ông Hà Duy Dĩnh đã tham mưu cho ông giải quyết nhiều công việc hệ trọng, mà ý nghĩa nhất là việc hai ông đi xin đất để mở rộng trụ sở và xin nhà ở cho cán bộ, công nhân viên tại khu Nam Thanh Xuân, khu tập thể Thành Công và xin thành phố cấp 2.800m2 đất để xây dựng 3 khu nhà 5 tầng tại D4, Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội, việc làm này cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Một hôm sau giờ làm việc, hai ông rủ nhau đi thị sát khu đất (ở đường Trung Kính là trụ sở của Viện hiện nay) mải mê cân nhắc, đo đạc mà trời sẩm tối lúc nào không biết. Ông Nguyễn Giao mắt kém bước hẫng lộn nhào xuống lòng mương. Ông Hà Duy Dĩnh đưa ông Nguyễn Giao về nhà, vợ ông - bà Nguyễn Thị Cần trợn tròn mắt ngạc nhiên chẳng hiểu sự thể ra làm sao mà ông Viện trưởng bê bết bùn đất từ chân lên đầu. Ông Dĩnh nhỏ nhẹ giải thích. Bà Cần vỡ nhẽ, mặt mày rạng rỡ hẳn lên. Để sửa chữa một phút hiểu lầm dễ chịu, bà vui vẻ, nhiệt tình mời bằng được ông Dĩnh ở lại cùng gia đình dùng bữa cơm tối. Sau vài tuần nhấm nháp chén rượu quê, ông Nguyễn Giao hào hứng thổ lộ: “Có một người trợ lý như cậu, lo gì việc lớn không thành!”.

Viện trưởng Nguyễn Giao đã lặn lội tạo dựng cơ sở ban đầu cho Viện Dầu khí mà thành quả ấy cho đến hôm nay đã là nền móng cho những công trình kiến trúc khang trang, bề thế, thỏa mãn mọi hoạt động khoa học. Một việc nữa cũng không kém phần quan trọng là các ông đã bảo vệ được với UBND thành phố đồng ý chuyển 84 hộ gia đình của người lao động trong Viện về an cư lạc nghiệp ổn định tại thủ đô. Những yếu tố cần thiết này đã tạo ra tiềm năng thúc đẩy góp phần làm nên thương hiệu có uy tín quốc tế: Viện Dầu khí Việt Nam.

Cuối năm 1992, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Giao có quyết định về nhậm chức Phó tổng giám đốc phụ trách địa chất của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, thật chẳng khác gì Lưu Hoàng Thúc thời Tam quốc sau bao năm lận đận đã có được đất Kinh Châu để dụng võ. Nhưng thực ra ông không cần đất mà ông cần biển, ông không dụng võ mà ông dụng trí. Sau hơn 30 năm tích lũy kiến thức địa chất dầu khí biển, bây giờ ông đã có biển để thỏa sức tung hoành. Mà ông tung hoành thật. Loài rồng khi chưa đủ vây, đủ cánh thì phải ẩn mình giữa mây mù, nhưng khi đã đủ vây, đủ cánh thì phải biết tung hoành nơi vũ trụ.

Công việc chính của ông ở đây là cùng với tập thể cán bộ khoa học, kỹ thuật Việt - Nga nghiên cứu cấu trúc địa chất ở vùng mỏ Bạch Hổ và chỉ ra khu vực có triển vọng dầu khí để đặt mũi khoan thăm dò. Thực hiện nhiệm vụ gia tăng trữ lượng, nghiên cứu cấu tạo phức tạp của tầng đá móng để cùng Ban Giám đốc tìm giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu ở các giàn đang khai thác. Theo ông, mỏ Bạch Hổ chỉ cần tăng thêm được 5% hệ số thu hồi dầu, sản lượng sẽ tương đương một mỏ nhỏ đang khai thác ở thềm lục địa phía Nam. Ngoài ra ông còn thực hiện những nhiệm vụ quan trọng khác mà Vietsovpetro được Nhà nước giao cho.

Công việc quan trọng mà Tổng giám đốc Ngô Thường San giao lại cho ông: Tiếp tục tổ chức xây lắp và sửa chữa hệ thống các giàn DK1 cho Binh chủng Hải quân ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, ông đã phải trải qua những giây phút ngặt nghèo, căng thẳng để dàn xếp, thuyết phục, vận động cả hai phía đối tác trong liên doanh ủng hộ. Bởi vì, đơn vị kinh tế dầu khí trọng điểm của Nhà nước, mục tiêu cao nhất vẫn là lợi nhuận, vẫn là tìm mọi cách để hoàn thành kế hoạch thăm dò, khai thác. Việc triển khai thực hiện xây dựng và sửa chữa các giàn DK1 là phi lợi nhuận, lại không nằm trong kế hoạch hoạt động trong các kỳ họp của Hội đồng liên doanh. Chính vì vậy, đương nhiên xảy ra những cuộc tranh luận quyết liệt. Với tư cách là bạn của những người Nga làm dầu khí từ những năm đầu của thập niên 60 của thế kỷ trước, ông đã biết cách thuyết phục để đối tác phía Nga đồng ý một cách tự nguyện trên tinh thần hữu nghị quốc tế, cuối cùng mọi nỗ lực của ông đã có kết quả. Người được giao nhiệm vụ phụ trách thi công xây lắp hệ thống giàn DK1 này là ông Nguyễn Hữu Tuyến lúc đó là Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp của Vietsovpetro.

Khi bản hợp đồng xây lắp và sửa chữa những giàn DK1 vừa được ký xong (thực ra chỉ là thủ tục, còn lợi nhuận là tượng trưng), lạ thay ở phía Việt Nam lại có một người, một người làm việc trong Vietsovpetro đến căn vặn ông với những lời lẽ không một chút thiện cảm: “Anh ký hợp đồng xây lắp và sửa chữa các giàn DK1 cho Hải quân, cuối cùng sẽ đem lại lợi nhuận gì cho Vietsovpetro của chúng ta. Nói thẳng ra là lỗ hay lãi ?”. Ông điềm tĩnh trả lời: “Tầm nhìn của tôi là lợi ích quốc gia, nhưng anh đã hỏi vậy thì tôi xin hỏi lại: Nếu thềm lục địa phía Nam trong tình trạng không ổn định thì chúng ta có thể thực hiện công việc của mình ở ngoài biển khơi ấy được không?”.

Giai đoạn làm việc ở Vietsovpetro, TS Nguyễn Giao đã tạo được những dấu ấn lịch sử mà chiến tích ấy lại nằm ngoài nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Năm 1994, Vietsovpetro nhận được sự chỉ đạo của lãnh đạo cao cấp nhà nước, triển khai thực hiện mũi khoan thăm dò dầu khí ở bãi đá ngầm Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa, lấy ký hiệu là mũi khoan PV94-2X. TS Nguyễn Giao, Phó tổng giám đốc được phân công trực tiếp phụ trách dự án này.

(Xem tiếp kỳ sau)

Phạm Văn Đoan

Năng lượng Mới 545

DMCA.com Protection Status