Cổ phiếu ngành phân bón liên tục phá đỉnh trong bối cảnh giá phân bón lên cao

17:49 | 13/03/2022

7,710 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Căng thẳng Nga-Ukraine khiến thị trường phân bón vốn đã “eo hẹp” nguồn cung và tăng giá mạnh trong hơn 1 năm qua lại tiếp tục đối mặt thêm áp lực mới, đẩy giá cả leo thang. Được sự hỗ trợ của thị trường, các doanh nghiệp phân bón có kết quả sản xuất kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ. Cổ phiếu của nhóm này cũng liên tục lên đỉnh mới.

Tuần qua, các cổ phiếu phân bón DPM, DCM, BFC, LAS, VAF… đều thiết lập đỉnh giá mới. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (11/3), cổ phiếu DPM tăng 3,91% lên 66.400 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 10% trong vòng một tuần và hơn 42% trong vòng một tháng qua; DCM tăng 3,68% lên 46.500 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 15% qua một tuần, tăng 52% qua một tháng; BFC tăng 6,62% lên 41.900 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 19% qua một tuần, 36% qua một tháng; LAS tăng 1,27% lên 24.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 11% qua một tuần, hơn 21% qua một tháng;… Bên cạnh đó, HSI tăng trần 12,5%, VAF tăng 5,82%,... Thanh khoản ở nhóm cổ phiếu phân bón hiện chủ đạo tập trung vào DCM và DPM, với tương ứng 334,2 tỷ đồng và 382,6 tỷ đồng, thuộc top 5 thanh khoản toàn thị trường.

Giá phân bón liên tục tăng cao trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn
Giá phân bón liên tục tăng cao do lo ngại gián đoạn nguồn cung

Thị trường urê thế giới đang phản ứng mạnh mẽ với những diễn biến của tình hình xung đột Nga – Ukraine, lo ngại về nguồn cung thắt chặt và nguy cơ khủng hoảng lương thực thế giới. Trong tháng 2, giá urê thế giới đã điều chỉnh lên mức trên 600 USD/tấn ở hầu hết các khu vực thị trường, một số khu vực giá đã lên mức 700 - 800 USD/tấn.

Nga hiện là nước xuất khẩu phân đạm, NPK hàng đầu thế giới. Dưới tác động của các lệnh trừng phạt, Nga áp dụng hạn ngạch xuất khẩu để phòng vệ. Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS hôm 4/3 đưa tin Bộ Công Thương nước này đã đề xuất tạm ngừng xuất khẩu phân bón cho đến khi các dịch vụ vận chuyển ở trong và ngoài Nga được nối lại.

Sau Nga, Trung Quốc là quốc gia cung cấp đến 10% lượng urê và khoảng 1/3 lượng phốt phát xuất khẩu trên toàn cầu. Tuy nhiên, nước này đã cấm xuất khẩu cả hai mặt hàng trên cho đến cuối tháng 6 năm nay.

Trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt, giá phân bón dự kiến tiếp tục leo thang trong thời gian tới. Đây là động lực chính cho các doanh nghiệp phân bón tăng tốc tận dụng cơ hội thị trường, hỗ trợ cho kết quả SXKD bất chấp giá nguyên liệu đầu vào và cước vận chuyển tăng. Nhóm cổ phiếu ngành phân bón dự kiến sẽ tiếp tục được hưởng lợi.

M.P

Chứng khoán 1/12: VN-Index tăng gần 7 điểm, nhóm cổ phiếu phân bón bứt pháChứng khoán 1/12: VN-Index tăng gần 7 điểm, nhóm cổ phiếu phân bón bứt phá
Chứng khoán 8/11: VN –Index tiếp tục lên đỉnh lịch sử mới, nhóm cổ phiếu Dầu khí, Phân bón bứt pháChứng khoán 8/11: VN –Index tiếp tục lên đỉnh lịch sử mới, nhóm cổ phiếu Dầu khí, Phân bón bứt phá
Cổ phiếu ngành phân bón liên tục bứt pháCổ phiếu ngành phân bón liên tục bứt phá
Áp thuế suất 5%: Cơ hội nào cho nhóm cổ phiếu phân bón?Áp thuế suất 5%: Cơ hội nào cho nhóm cổ phiếu phân bón?

DMCA.com Protection Status