Điều phi thường từ Hải Thạch - Mộc Tinh (kỳ cuối)

14:09 | 18/05/2023

4,236 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Những sáng tạo đột phá trong nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện hệ thống kỹ thuật là những yếu tố quan trọng hàng đầu, mang tính chất quyết định sự thành công của Dự án Biển Đông 01.

Việc đưa dòng khí lên bờ, như TS Ngô Hữu Hải, Tổng Giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) chia sẻ, “đòi hỏi phải nghiên cứu, phát triển công nghệ đồng thời tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp thuộc các lĩnh vực về địa chất/công nghệ mỏ, phát triển, khoan/hoàn thiện giếng và vận hành khai thác hiệu quả các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp như áp suất cao, nhiệt độ cao khu vực nước sâu xa bờ, khí hậu - hải dương khắc nghiệt”. Sự nỗ lực “made in Việt Nam” thậm chí còn rút ngắn thời gian thi công so với dự tính 2 năm, tiết kiệm 74 triệu USD.

Tháng 9/2013, Hải Thạch - Mộc Tinh cho dòng khí thương mại đầu tiên. Năm 2016, dự án đã hoàn thành thi công khoan 16 giếng khai thác áp suất cao. Thời điểm hiện tại, BIENDONG POC trở thành nhà cung cấp khí đứng thứ hai của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Điều phi thường từ Hải Thạch - Mộc Tinh (kỳ cuối)
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng kiểm tra mẫu condensate tại giàn khai thác Hải Thạch.

Kể từ khi khai thác thương mại dòng khí đầu tiên (ngày 6/9/2013), sản lượng khai thác tại cụm mỏ liên tục đạt trung bình 2 tỷ m3 và 2,5 triệu thùng condensate mỗi năm, góp phần bổ sung quan trọng cung cấp cho các nhà máy điện - đạm tại khu vực Đông Nam Bộ trong bối cảnh sản lượng khai thác khí bị suy giảm nghiêm trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đến nay, BIENDONG POC đã khai thác an toàn, liên tục gần 17 tỷ m3 khí và hơn 25 triệu thùng condensate. Tổng doanh thu lũy kế của dự án tính đến ngày 31/3/2023 đạt hơn 4,66 tỷ USD trên tổng vốn đầu tư và chi phí vận hành là 3,70 tỷ USD, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, các giải pháp khoa học - công nghệ được nghiên cứu, phát triển và áp dụng thành công tại dự án đã tiết kiệm chi phí và hiệu quả mang lại hơn 602,3 triệu đô la Mỹ, trong đó tính riêng các giải pháp xây dựng mỏ là 467,9 triệu đô la Mỹ; nghiên cứu, phát triển và áp dụng công nghệ khoan và hoàn thiện giếng ở điều kiện đặc biệt phức tạp đã mang lại hiệu quả hơn 77,73 triệu đô la Mỹ, nhóm giải pháp sáng tạo, cải tiến kỹ thuật trong khâu tổ chức vận hành khai thác đã mang lại hiệu quả hơn 56,4 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần hiệu quả mang lại có thể tính toán được, những phần không thể tính toán được bao gồm các giải pháp sáng tạo nhằm giảm thiểu rủi ro nói chung để đảm bảo dự án phát triển thành công, các giải pháp về phát huy nội lực - tự chủ công nghệ, các giải pháp về khoa học quản lý để đưa dự án về đích đúng tiến độ, chất lượng thì hiệu quả kinh tế là không thể tính toán được.

Những thành tựu nghiên cứu cũng như kinh nghiệm quý báu trong suốt quá trình thực hiện dự án cũng đã được chia sẻ và áp dụng thành công và rất hiệu quả tại các đơn vị khác trong nước suốt những năm qua. Có thể kể đến như công ty Idemitsu Kosan - khoan thăm dò/phát triển các mỏ khí - condensate Sao Vàng - Đại Nguyệt thuộc lô 05-1b và 05-1c, bể Nam Côn Sơn, nằm tại khu vực có điều kiện tương tự mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh, đã đón dòng khí thương mại đầu tiên vào ngày 16/11/2020; Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) - khoan một số giếng khoan thăm dò ở bể Sông Hồng; Vietgazprom - khoan các giếng khoan ở khu vực nước sâu bể Phú Khánh; Rosneft - khoan thành công các giếng thăm dò lô 05-3/11 và lô 06.1 - ngay cạnh khu vực phát triển của BIENDONG POC...

Điều phi thường từ Hải Thạch - Mộc Tinh (kỳ cuối)
Việc xây dựng và khai thác hiệu quả khí và dầu condensate ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh đã nâng tầm khoa học kỹ thuật khai thác dầu khí của của Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

Ngoài ra, chính nhờ những giải pháp, công nghệ của cụm công trình này và những cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm tích lũy từ việc thực hiện thành công của Dự án Biển Đông 01 là tiền đề để đưa các công ty dịch vụ trong nước lớn mạnh, tăng vượt bậc về khả năng, năng lực cạnh tranh, dẫn đến thành công trong việc đấu thầu quốc tế và triển khai các dự án EPCI ở nước ngoài. Trong những năm vừa qua, Công ty Cơ khí Hàng hải (PTSC M&C) - đơn vị của Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC), tổng thầu EPCI của Dự án Biển Đông 01 - đã trúng thầu và thực hiện hơn 23 dự án khác ở trong nước và ngoài nước với tổng giá trị hợp đồng hơn 600 triệu đô la Mỹ. Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Dầu khí (PV Drilling) năm 2019 đến nay đã và đang thực hiện hợp đồng cung cấp giàn PVD V (giàn khoan đã khoan thành công 16 giếng cho dự án Biển Đông 01) dài hạn cho công ty Brunei Shell Petroleum, được khách hàng tin tưởng và đánh giá cao, đã khẳng định nội lực và khả năng cạnh tranh quốc tế của PV Drilling cũng như giàn khoan nửa nổi nửa chìm Semi-TAD 15K PVD-V.

Ngày hôm nay, bức tranh hoành tráng, sinh động của tổ hợp giàn khai thác và ngọn lửa bừng sáng tại cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh là minh chứng rõ nét nhất cho sự dũng cảm, sáng suốt, tầm nhìn chiến lược và sự táo bạo trong quyết định của Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sự ủng hộ và chỉ đạo sát sao của các bộ, ban, ngành liên quan, và cả sự kết hợp giữa bản lĩnh, trí tuệ, ý chí và lòng tin của tập thể Ban lãnh đạo trực tiếp của Dự án Biển Đông 01. Những sáng tạo đột phá trong nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện hệ thống kỹ thuật là những yếu tố quan trọng hàng đầu, mang tính chất quyết định sự thành công của dự án.

Ở dự án này, người lao động dầu khí Việt Nam đã làm việc không ngừng nghỉ với tinh thần tự tin nhưng không phiêu lưu, dũng cảm nhưng không liều lĩnh, khẩn trương nhưng không vội vã, sáng tạo nhưng không chủ quan. Những khó khăn, thử thách của Biển Đông 01 giờ đây càng để khẳng định thêm bản lĩnh, trí tuệ của những người đã góp sức chinh phục đỉnh cao mới tại khu vực thềm lục địa Việt Nam - nơi mà lòng yêu nghề và tình yêu nước đã được thể hiện./.

Cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam” được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ đợt 6, ngày 23/11/2022. Trong đó, đã có 32 tổ hợp các giải pháp, nhóm giải pháp và các nhóm sáng kiến được đưa ra để thực hiện Dự án Biển Đông 01.
Khai thác khí và dầu trong điều kiện đặc biệt đưa Việt Nam ngang tầm thế giớiKhai thác khí và dầu trong điều kiện đặc biệt đưa Việt Nam ngang tầm thế giới
BIENDONG POC tự tin viết tiếp trang sử hào hùngBIENDONG POC tự tin viết tiếp trang sử hào hùng
Khoa học công nghệ hiện đại - Chìa khoá thành công của Dự án Biển Đông 01Khoa học công nghệ hiện đại - Chìa khoá thành công của Dự án Biển Đông 01
Ý chí, khát vọng từ Biển ĐôngÝ chí, khát vọng từ Biển Đông
Cụm công trình khoa học công nghệ của BIENDONG POC vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí MinhCụm công trình khoa học công nghệ của BIENDONG POC vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh

Tr.L

DMCA.com Protection Status