PVN và VNH

Dựa vào nhau để cùng... cất cánh (Kỳ 1)

07:00 | 05/04/2016

2,488 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đang trải qua những khó khăn chưa từng thấy vì giá dầu giảm đến mức tiêu cực. Một loạt các đơn vị Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP); Vietsovpetro; Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD); Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC )… đang lâm vào cảnh “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”. Nhưng có một “chiến hữu”, một người bạn đồng hành, người gắn bó máu thịt với Petrovietnam cũng đang “dở sống, dở chết” mà hầu như chưa mấy ai biết - đó là Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (VNH). Có lẽ những người lãnh đạo, những phi công, thợ máy vẫn mang trong mình chất lính, cho nên họ “nghiến răng” chịu đựng, chứ không “kêu”. Điều đó nói lên sự thật để tìm cách vượt qua khác với “kêu”.

Trong các đơn vị ngành ngoài gắn bó với Petrovietnam, có lẽ đứng đầu là VNH.

Nếu nói một cách chính xác thì sự phát triển của VNH gắn liền với sự phát triển của Petrovietnam, bởi lẽ ngay đầu, sự ra đời của VNH là nhằm để phục vụ ngành Dầu khí.

dua vao nhau de cung cat canh ky 1

VNH là một đơn vị quốc phòng an ninh hoạt động trong lĩnh vực hàng không, ra đời gắn liền với sự phát triển của ngành Dầu khí từ những ngày đầu khó khăn nhất. VNH thành lập ngày 1-6-1989 (trước đó công ty trực thăng bay phục vụ dầu khí - là Công ty Trực thăng Miền Nam hiện nay, thành lập ngày 11-4-1984).

VNH hiện có hai công ty thành viên là hai nhà khai thác trực thăng: Công ty Trực thăng Miền Nam (VNH South) có trụ sở chính tại sân bay Vũng Tàu và Công ty Trực thăng Miền Bắc (VNH North) có trụ sở chính tại sân bay Gia Lâm. VNH và các ty thành viên đã đồng hành và gắn bó cùng với ngành Dầu khí, chia ngọt sẻ bùi vượt qua bao khó khăn, thử thách trong hơn 30 năm qua.

“Ăn cơm mới, nói chuyện cũ” - chúng tôi cũng xin chép lại một câu chuyện  trong biên niên sử của Binh đoàn 18 - Tên mật hiệu của Tổng Công ty Trực thăng - mà bất cứ một người phi công, thợ máy nào từng làm việc trong VNH những ngày đầu và cán bộ ngành dầu khí thế hệ những năm từ sau 1975 đều biết. Ấy là chuyến bay đầu tiên ra giàn khoan.

dua vao nhau de cung cat canh ky 1
Trực thăng của VNH chở người lao động dầu khí ra giàn khoan

Năm 1977, Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam trực thuộc Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được thành lập, có nhiệm vụ hợp tác với nước ngoài tìm kiếm, thăm dò - khai thác dầu khí tại Việt Nam. Các công ty dầu lửa nước ngoài như: Agip (Italia), Deminex (Cộng hòa Liên bang Đức), Bow Valley (Canada) đã được Nhà nước cho phép khoan thăm dò dầu khí ở ngoài khơi biển Vũng Tàu - Côn Đảo.

Tháng 1-1979, Công ty Bow Valley khoan thăm dò tại vùng biển Nam Côn Sơn (cách Vũng Tàu 350km). Lúc này, Việt Nam chưa có dịch vụ trực thăng, nên Nhà nước ta đồng ý để bên đối tác thuê trực thăng của Liên đoàn Trực thăng Cộng hòa Pháp Heli Union bay phục vụ. Nhưng khi tàu khoan thăm dò thì Công ty Heli Union thông báo 25 ngày máy bay của họ mới tới được Việt Nam. Theo nguyên tắc, nếu chưa có trực thăng trên bờ suốt ngày đêm thì tàu khoan chưa hoạt động.

Trước tình hình đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Đinh Đức Thiện đề nghị Bộ Tổng Tham mưu sử dụng trực thăng của Bộ Tư lệnh Không quân thực hiện nhiệm vụ này.

Chấp hành lệnh của Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Không quân quyết định điều tổ bay Nguyễn Xuân Trường (lái chính), Trần Đình (lái phụ) cùng hai thợ máy đang chiến đấu ở biên giới Tây Nam, đưa chiếc trực thăng UH-1 về sân bay Vũng Tàu làm nhiệm vụ.

Đúng mùng Một tết Kỷ Mùi (ngày 28-năm 1979) trực thăng UH-1 hạ cánh xuống sân bay Vũng Tàu. Ngay sau khi về đến Vũng Tàu, tổ bay được giao nhiệm vụ trực tại sân bay theo yêu cầu của Bow Valley. Đây là tổ bay đầu tiên của ta thực hiện một nhiệm vụ mới mẻ - cung cấp dịch vụ trực thăng cho thăm dò - khai thác dầu khí trên biển.

Theo quy định của Nhà nước, tàu khoan Dan Queen của Bow Valley muốn hoạt động phải được nhà chức trách Việt Nam ra tận nơi xác định tọa độ khoan và các thủ tục nhập cảnh cho người, trang thiết bị của họ mang vào Việt Nam. Trong lúc chưa tìm được giải pháp dùng trực thăng, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt đã hiệp đồng với Bộ Tư lệnh Hải quân để sử dụng tàu hải quân đưa các nhà chức trách của Việt Nam ra tàu khoan Dan Queen. Nhưng lúc này hầu hết các tàu hải quân đủ điều kiện đi xa đang thực hiện nhiệm vụ cần kíp khác; vùng biển phía Nam thời gian này đang mùa gió chướng, nên không thể dùng tàu nhỏ, không đủ trang bị để ra khơi với cự ly trên 400km. Sau khi cân nhắc kỹ, Tổng cục trưởng Đinh Đức Thiện quyết định cho tổ bay của ta sử dụng trực thăng UH-1 mang số hiệu 779 đưa đại diện của Tổng cục và các cơ quan hữu quan của Việt Nam ra tàu Dan Queen làm thủ tục.

dua vao nhau de cung cat canh ky 1

Thực hiện chuyến bay biển với cự ly dài trên trực thăng một động cơ không phao cứu hộ, không có radar trên một tuyến bay mới mẻ, không có đài dẫn đường, trong khi tổ lái chưa có kinh nghiệm bay biển… là khó khăn lớn, làm cho lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt, Bộ Tư lệnh Không quân và tổ bay không khỏi lo lắng. Sân bay Vũng Tàu và sân bay Côn Sơn lại đang trong giai đoạn sửa chữa, lắp đặt trang thiết bị dẫn đường… chưa đủ điều kiện phục vụ bay.

Vấn đề đặt ra lúc này là phải tập trung khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Ý thức được nỗi trăn trở của cấp trên, tổ bay tình nguyện bay và hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Sau khi nghiên cứu tình hình thực tế, phương án bay nhanh chóng được thống nhất: Trên tuyến bay, đoạn từ Vũng Tàu đến thị trấn Ba Động, nằm trên đường bay đã được thiết lập, tổ bay sẽ bay như những chuyến bay đã được thiết lập, tổ bay sẽ bay như những chuyến bay thông thường; đến Ba Động sẽ bắt sóng của Đài Phát thanh TP Hồ Chí Minh rồi “bay theo đài sau”, bay thẳng qua Côn Đảo tới giàn khoan. Tốc độ bay của trực thăng 160km/giờ. Từ TP Hồ Chí Minh đến Ba Động bay hết 40 phút, bay tiếp 40 phút nữa sẽ đến không phận Côn Đảo và thêm 59 phút nữa sẽ đến vị trí giàn khoan. Thực hiện phương án này, nếu vì một lý do nào đó không tìm thấy giàn khoan thì trực thăng vẫn còn đủ nhiên liệu để bay trở lại hạ cánh ở sân bay Cỏ Ống (Côn Đảo).

Sau khi phương án bay được cấp trên phê chuẩn, vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 31-1-1979, trực thăng UH-1 mang số hiệu 779 được lệnh cất cánh bay ra tàu khoan Dan Queen. Thành phần của phái đoàn liên hợp ra tàu khoan gồm 8 người (3 đại diện của Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt, do ông Ngô Thường San dẫn đầu; đại diện của sân bay Vũng Tàu là đồng chí Phan Dương, 2 cán bộ Tổng cục Hải quan và 2 công an cửa khẩu).

Sau khi cất cánh 40 phút, trực thăng bay tới thị trấn Ba Động. Cùng lúc, đồng hồ APK dò bắt được sóng Đài Phát thanh TP Hồ Chí Minh. Lập tức lái chính Nguyễn Xuân Trường cho trực thăng vào đường bay đã xác định. Từ Côn Đảo, sau 57 phút bay, tổ lái phát hiện vị trí tàu khoan. Lái chính cho trực thăng lượn quanh tàu khoan một vòng chờ tín hiệu liên lạc, nhưng sang vòng thứ hai, tàu Dan Queen mới bật đài liên lạc với trực thăng. Qua quan sát, Nguyễn Xuân Trường phát hiện tàu được neo chắc chắn nên độ lắc ngang không đáng kể, nhưng dao động đứng khá lớn - khoảng 1,5m. Muốn hạ cánh trong điều kiện này phải treo trực thăng trên đĩa hạ cánh, chờ lúc tàu dao động tụt xuống điểm thấp nhất thì đáp trực thăng xuống. Nếu hạ cánh vào thời điểm tàu đang dềnh lên, trực thăng sẽ bị hất xuống biển.

Bằng tất cả kinh nghiệm và lòng tự tin, Nguyễn Xuân Trường tập trung tinh lực, vừa hạ độ cao, vừa giảm tốc độ, phán đoán chính xác thời khắc tàu khoan hạ xuống điểm thấp nhất, cho trực thăng đáp xuống.

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 31-1-1979, chiếc trực thăng quân sự UH-1 mang số hiệu 779 đã đưa đại diện các cơ quan của Việt Nam hạ cánh an toàn xuống tàu khoan Dan Queen. Ở trong bờ, được tin này, đại diện Công ty Bow Valley và đại diện Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt vô cùng phấn khởi.

Khoảng 2 giờ sau, chiếc trực thăng UH-1 số hiệu 779 rời giàn khoan trở về đất liền và hạ cánh xuống sân bay Vũng Tàu khi thành phố vừa lên đèn.

Chuyến bay biển bằng trực thăng UH-1 do phi công Việt Nam lái hạ cánh an toàn xuống tàu khoan Dan Queen là chuyến bay mở đầu cho một ngành quan trọng - ngành bay dịch vụ dầu khí giữa biển khơi của đất nước.

Từ đó, ngày 31-1-1979 trở thành Ngày Truyền thống của ngành bay dịch vụ dầu khí giữa biển khơi của đất nước.

 Lần ngược lại dòng lịch sử thì sau chuyến bay có một không hai đó, VNH đã có những bước tiến “chóng mặt” trong nghề bay phục vụ dầu khí.

Ngày đầu thành lập, trang thiết bị của công ty gồm có 2 máy bay Mi-8 (do Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam mua mới, với giá trị 2,2 triệu rup Nga quy đổi theo tỷ giá lúc đó, tương đương 39 triệu Việt Nam đồng). Lực lượng lái và kỹ thuật viên có 5 lái chính, 5 lái phụ, 5 cơ giới trên không và một số nhân viên kỹ thuật.

dua vao nhau de cung cat canh ky 1
Trực thăng hạ cánh trên giàn khoan

Còn bây giờ, sau gần 30 năm xây dựng và trưởng thành, VNH đã đầu tư thêm các dòng máy bay do Cộng hòa Liên bang Nga sản xuất như Mi-17-1V và Mi-172 để phục vụ cho các nhu cầu của Vietsovpetro và các dòng máy bay Puma, Super Puma L2, EC-155B1 của châu Âu sản xuất để cung cấp dịch vụ trực thăng các hãng dầu phương Tây khác hoạt động tại Việt Nam. Đến nay đội máy bay và các trang thiết bị của VNH vừa hiện đại về tính năng, vừa đa dạng về chủng loại và có nhiều loại trực thăng bay biển và đất liền thuộc loại hiện đại trên thế giới như: EC 225, EC-155B1, Super Puma L2, EC-130T2, Mi-172, Cabri G2… Đặc biệt trong tháng 12-2015, VNH đã nhận thêm 1 máy bay AW-189 do Italia sản xuất là dòng máy bay tầm trung bay biển mới nhất hiện nay, nâng tổng số máy bay lên 30 chiếc.

Cùng với việc đầu tư đội máy bay, VNH luôn chú trọng đầu tư phát triển hệ thống các trang thiết bị công nghệ cao và công trình dịch vụ hàng không đồng bộ như: thiết bị định vị vệ tinh, đài dẫn đường, hệ thống chiếu sáng đường băng... nâng cấp hệ thống các căn cứ sân bay, nhà ga, sân đỗ tại các sân bay Vũng Tàu, Côn Đảo, Năm Căn, Đà Nẵng, Gia Lâm và các cơ sở khác nhằm bảo đảm công tác kỹ thuật, hậu cần phục vụ hoạt động bay. 

Từ phi đội đầu tiên chuyển từ Quân chủng Không quân, VNH hiện nay có một đội ngũ phi công hơn 120 người, có bằng cấp chứng chỉ nghề quốc tế với hàng trăm giờ bay/người/năm, nhiều phi công tích lũy được trên 10.000 giờ bay; Đội ngũ kỹ thuật viên lành nghề...

VNH bây giờ đã là một công ty bay danh tiếng bậc nhất ở Đông Nam Á và điều đặc biệt đáng tự hào là VNH đã làm chủ được hầu hết các loại máy bay chuyên dụng hiện đại nhất và điều làm nên danh tiếng của VNH với thế giới là suốt 30 năm qua, chúng ta chưa để xảy một vụ mất an toàn nào. Đây là điều được tất cả các hãng bay phục vụ dầu khí lớn nhất trên thế giới công nhận.

Và không chỉ phục vụ bay cho Petrovietnam, VNH còn vươn cánh bay ra thị trường nước ngoài. Một thành công lớn nhất của VNH là đã đưa được một tổ bay sang tận Na Uy, bay phục vụ các mỏ dầu ở Biển Bắc - nơi được coi là có thời tiết phức tạp bậc nhất thế giới.

Nói về chuyện này, Thiếu tướng Hà Tiến Dũng, Tổng giám đốc VNH nhớ lại: Từ cuối năm 1998, được sự đồng ý của Tư lệnh Quân chủng, Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Trường cùng một số cán bộ cơ quan Tổng Công ty và Công ty Bay dịch vụ Miền Nam đã sang nghiên cứu thị trường bay dầu khí của Na Uy; tiếp cận Công ty Dầu khí Philip (Canada) và Công ty Trực thăng Helikopter Services của Na Uy đang bay cho Công ty Philip. Qua tiếp xúc các bên, từ đầu năm 1999 dự án đưa máy bay cho tổng công ty sang bay phục vụ dầu khí ở Na Uy đã được xúc tiến triển khai.

Lúc này Công ty Philip phát triển, mở rộng quy mô thăm dò khai thác dầu khí tại Biển Bắc. Vì vậy, Đội bay gồm 10 máy bay Super Puma L2 của Helikopter Services không đáp ứng đủ. Trước tình hình đó, Công ty Helikopter Services đặt vấn đề thuê chiếc thứ 11 cùng loại. Đây là thời cơ thuận lợi của tổng công ty. Vì lúc này ngoài Helikopter Services, gần như duy nhất chỉ có Việt Nam sử dụng Super Puma L2 bay dầu khí.

Dự án cho Công ty Helikopter Services của Nauy thuê máy bay được lãnh đạo, chỉ huy Tổng Công ty và đội ngũ cán bộ tham mưu - kế hoạch tính toán trên nhiều phương diện. Trong quá trình thực hiện dự án, không chỉ đơn thuần hợp đồng thuê “khô” với đối tác mà Tổng Công ty yêu cầu đưa cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và phi công của ta sang học tập kỹ thuật và hệ thống quản lý, công tác quản lý của đối tác. Để có được điều khoản có người của Tổng Công ty đi cùng máy bay sang Nauy là bài toán hóc búa đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy Tổng Công ty phải tìm lời giải. Và vấn đề cơ bản được thống nhất trong Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc là phải chấp nhận hy sinh cái lợi vật chất trước mắt để mưu cái lợi lâu dài. Theo đó, Tổng Công ty đề nghị phía đối tác để đưa phi công ta sang cùng bay với phi công bạn, cho thợ kỹ thuật của ta sang đảm trách phần bảo đảm kỹ thuật trên không, sửa chữa bảo dưỡng nhẹ, mục đích chủ yếu là học hỏi bạn chứ không vì mục đích kinh tế.

Thực hiện hợp đồng đã được ký kết, tháng 8-2000, trực thăng Super Puma L2 mang số hiệu 8609 của Công ty Bay dịch vụ Miền Nam được đưa sang Nauy bay dịch vụ dầu khí. Vì chưa bay thẳng được sang Nauy, nên máy bay được tháo rời, chuyển sang. Đồng thời những phi công và cán bộ kỹ thuật, thợ máy có trình độ và giàu kinh nghiệm như Lê Trọng Đông, Lê Trọng Phương, Vi Công Dũng, kỹ sư Phạm Quang Hiếu… được cử sang tham gia bay và học hỏi về kỹ thuật, công tác quản lý của Helikopter Services. Chủ trương của Tổng Công ty là từng quý, từng đợt sẽ luân chuyển cán bộ sang công tác, học hỏi ở Helikopter Services.

Có thể nói đây là một chủ trương cực kỳ sáng tạo, chủ động của lãnh đạo VNH ngày đó. Những năm tháng làm việc ở Helikopter Services không chỉ mang lại cho ta một nguồn ngoại tệ to lớn mà còn góp phần quan trọng vào việc đào tạo phi công và học tập kinh nghiệm quản lý, vận hành bay.

Hiện nay, ở Petrovietnam có một đơn vị cũng đang “tung quân” đi làm thuê cho các hãng tàu trên thế giới đó là PV Trans. Việc đưa “lính đánh thuê” ra nước ngoài, ngoài ý nghĩa kiếm tiền, giải quyết lao động, còn là một cách đào tạo thực tế rất có hiệu quả.

Cuối năm 1989, qua giới thiệu của Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt, Công ty dầu Enterprise Oil của Anh đến thăm công ty. Ngay sau đó, Enterprise Oil gửi cho công ty bản gọi thầu về dịch vụ trực thăng dày 200 trang và yêu cầu sau 10 ngày phải gửi toàn bộ hồ sơ đấu thầu. Để đọc và hiểu được toàn bộ hồ sơ tài liệu gọi thầu bằng tiếng Anh đã mất 1/3 thời gian được chuẩn bị, chưa kể đến việc hoàn thiện các hồ sơ, văn bằng có liên quan, chuyển đổi cho phù hợp thông lệ quốc tế. Do sự khác nhau về hệ thống tiêu chuẩn, nên làm hồ sơ dự thầu rất vất vả trong việc giải thích các hệ thống tiêu chuẩn của ta để khách hàng chấp nhận.

Cùng nhận được bản chào thầu của Enterprise Oil với ta còn Công ty Trực thăng Heli Union (Pháp). Ở thời điểm này, Heli Union vừa ký hợp đồng với ta tái thành lập Công ty Liên doanh trực thăng Heli Vifra. Vừa mới quay lại thị trường Việt Nam, nên Heli Union chưa muốn đưa trực thăng vào cạnh tranh với ta, nhưng trong hợp đồng này, do nhận định ta chưa có khả năng đáp ứng được theo trình độ quốc tế, nên họ đề xuất phương án hợp tác với ta để đấu thầu. Trong đó, Heli Union đảm nhiệm cung cấp phụ tùng dự trữ cho trực thăng, một số lái chính, thợ máy, mua bảo hiểm và hỗ trợ kỹ thuật. Ta cung cấp máy bay, bảo đảm các dịch vụ mặt đất, ăn ở, đi lại cho tổ bay. Theo phương án này thì lợi nhuận của công ty rất thấp.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

Năng lượng Mới 511

DMCA.com Protection Status