GCAP - phía sau một thành công

13:31 | 27/05/2016

800 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
GCAP là tên gọi tắt của phần mềm “Tính toán công nghệ trong quá trình chế biến, vận chuyển và tàng chứa các sản phẩm khí”, một trong rất nhiều các sáng kiến của anh Trần Nhật Huy - Giám đốc Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu (nguyên Giám đốc Công ty Khí Cà Mau), là đề tài nghiên cứu Khoa học từng đạt giải thưởng Đặc biệt của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và giải Nhất cuộc thi  Phần mềm sáng tạo do Đoàn Khối doanh nghiệp Trung ương tổ chức.  

GCAP không phải là phát minh đình đám nhất trong “kho sáng kiến” của vị lãnh đạo trẻ này, nhưng trong tất cả đề tài đã từng được công bố, GCAP dường như là đứa con tinh thần mà anh tâm đắc nhất. Sự tự hào của chính người tạo ra nó đã không đến từ những con số “nghìn tỉ” về giá trị khi được đặt bên cạnh các sáng kiến khác. Bởi như chính tác giả đã từng chia sẻ, riêng đề tài này, thực sự rất khó cân đo đong đếm về giá trị “hiện kim”. Điều gì đã làm nên một GCAP thành công đến vậy?

gcap phia sau mot thanh cong

Trung tâm Điều độ khí PV GAS

Thành quả đầu tiên có lẽ chính là tính phổ biến, tính hữu ích mà GCAP đã mang lại. Trước đây, trong quá trình tính toán chất lượng sản phẩm khí, tối ưu hóa các công đoạn vận hành, người kỹ sư công nghệ buộc phải trải qua rất nhiều các công đoạn tính toán hết sức phức tạp. Việc chỉ được trang bị duy nhất một phần mềm hỗ trợ chuyên nghiệp HYSYS tại Trung tâm Điều độ Khí - tổng công ty đã không thể đáp ứng tất cả nhu cầu của các đơn vị sản xuất. Hơn nữa, quá trình để hiểu và sử dụng thuần thục HYSYS cũng chẳng hề đơn giản cũng như có quá nhiều vấn đề thực tiễn mà bản thân HYSYS không thể giải quyết được, ví như: tính toán linepack, ấn định - điều độ khí… Và cũng vì thế, GCAP của Trần Nhật Huy đã rất nhanh chóng được công nhận, chính bởi nó “rẻ” hơn, dễ dàng hơn trong thao tác và giải quyết được nhiều vấn đề cụ thể hơn.

Thế nhưng, quá trình tạo ra GCAP đã chẳng hề đơn giản như quá trình sử dụng nó. Trên đời này thật chẳng bao giờ có một thành công nào bỗng dưng từ trên trời mà rơi xuống. Đằng sau một GCAP ngày hôm nay là cả một câu chuyện thật dài từ những ngày đầu manh nha hình thành ý tưởng.

Cách đây hơn 12 năm, Trưởng ca Vận hành tại Nhà máy Xử lý Khí Dinh Cố (Bà Rịa - Vũng Tàu) Trần Nhật Huy, khi ấy mới 25 tuổi, trước thực trạng vận hành sản xuất, đã bắt đầu nhen nhóm ước mơ về một phần mềm “cho riêng mình và cho anh em cùng sử dụng”. Với tâm nguyện hết sức dễ thương là “để mọi người đỡ phải tính toán vất vả” và cũng vì để thỏa mãn cái khao khát, cái tính thích tìm hiểu, khám phá, mê sáng tạo, Trần Nhật Huy đã ấp ủ suy nghĩ rằng: “Nhất định phải có cách gì đó để tính toán chất lượng sản phẩm khí và tối ưu hóa các công đoạn vận hành” vô cùng phức tạp kia và “nhất định mình sẽ tìm ra”.

gcap phia sau mot thanh cong
Một trong những hướng dẫn thực hiện phần mềm GCAP

Nghĩ là làm, Trần Nhật Huy đã ngay lập tức bắt tay vào công việc. Đầu tiên là đọc, đọc và lại… đọc. Trần Nhật Huy tâm niệm “phải đọc thật nhiều” để hoàn chỉnh cơ sở lý luận cho bài toán hóc búa của mình. Thật ra, lý thuyết với Trần Nhật Huy vốn không phải thách thức khó chinh phục nhất bởi anh vốn dĩ là con mọt sách chính hiệu. Huy bộc bạch: “Rất may là từ khi còn sinh viên và ngay cả lúc mới đi làm, mình đã dành nhiều thời gian đọc 4 quyển bí kíp “Gas Conditioning anh Processing”, sau đó đọc “Enginnering Data Book”. Như vậy, nền tảng cho phương pháp lý luận cơ bản đã sẵn sàng”. Kế đến là cuộc tự học, tự nghiên cứu kéo dài, thầm lặng và tất nhiên là… ngoài giờ làm việc. Vốn là dân lập trình không chuyên, tác giả đã phải từng bước mày mò, tìm hiểu ngôn ngữ visual basic, công cụ quan trọng giúp anh đưa GCAP từ lý thuyết trở thành ứng dụng.

Nhưng chặng đường dài nhất, gian truân nhất chính là khi anh thực tế bắt tay vào việc lập trình phần mềm. Trần Nhật Huy chia sẻ: “Vì mình hy vọng phần mềm của mình phải tính toán được nhiều vấn đề trong thực tiễn với độ chính xác cao, nên chương trình có rất nhiều module tính toán, nhiều phương pháp khác nhau để so sánh. Đặc biệt, trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến cân bằng pha Lỏng - Hơi (rất phổ biến trong thực tiễn) thì cần phải giải hệ thống phương trình rất rất phức tạp như Soave - Redlich - Kwong với hàng chục phương trình phi tuyến chỉ được giải quyết bằng các phương pháp tính gần đúng”.

Nghe tác giả tâm sự về quá trình tạo ra ý tưởng, tôi thấy thật nể phục niềm đam mê, khả năng kiên trì của anh: “Có đợt mấy tuần liền, hầu như đêm nào mình cũng ngồi 2-3 giờ sáng mà chẳng đi đến đâu vì chương trình viết ra chạy không cho ra kết quả (thuật toán chưa phù hợp, các vòng lặp không hội tụ…) mà không thể hiểu tại sao?”. Tôi hỏi thêm: “Vậy có khi nào, anh từng cảm thấy như muốn bỏ cuộc không?”. Anh đáp rất thật: “Có chứ, đã có nhiều lần bỏ cuộc rồi, nhưng rồi vài tuần sau lại nghĩ chẳng lẽ mình lại đầu hàng và thế là lại tiếp tục thử xem sức mình tới đâu. Cuối cùng, đến năm 2006, mình cũng đã giải quyết xong cơ bản hệ thống phương trình này”.

Thế mới biết, từ quá trình hình thành ý tưởng đến quá trình tạo ra nó thật chẳng đơn giản chút nào. GCAP là ý tưởng đã được ươm mầm và thực hiện đầu tiên nhưng lại không phải là thành phẩm sáng tạo được công nhận đầu tay của Trần Nhật Huy. Tôi đùa với tác giả: Thì ra GCAP giống một thành công “đi trước về sau” của anh. Và có lẽ, GCAP được tác giả đặc biệt yêu mến cũng chính bởi cái tâm sức, cái nhiệt huyết đặt vào nó quá nhiều, bởi đó là sáng kiến duy nhất mà anh phải qua “mấy năm trời” từng trải.

Khi tôi ngỏ ý thực hiện bài viết này cũng là khi tác giả nói với tôi hãy viết về GCAP trong số các công trình của anh. Rồi trong quá trình tìm kiếm tư liệu cho bài viết của mình, tôi đã quá đỗi ngạc nhiên khi vừa kịp nhận ra một GCAP có phần lặng lẽ đứng sau các “phát minh” nghìn tỉ khác, sau hàng nghìn các bài viết mà báo giới ưu ái dành tặng “cây sáng kiến” Trần Nhật Huy. Và một khi đã tìm được câu trả lời cho nỗi thắc mắc của mình, tôi càng thấu hiểu vì sao những thứ đáng giá lại được gọi là “vô giá”. Hiện nay phần mềm này vẫn đang được sử dụng tại cả 3 đơn vị vận hành của PV GAS: Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu, Công ty Khí Cà Mau, Công ty Vận chuyển Khí Đông Nam bộ với những tác dụng hiệu quả và sử dụng đơn giản trong ấn định khí, tối ưu hoá vận hành, kiểm soát chất lượng sản phẩm khí, kiểm soát độ sai lệch giữa các khâu tương tác...

Qua câu chuyện của GCAP và người tạo ra nó, cũng là lời nhắn nhủ thế hệ trẻ chúng ta, hãy như chàng trai Trần Nhật Huy ngày ấy, hãy “dám nghĩ khác, dám làm khác”, hãy “gạt bỏ từ không thể” ra khỏi suy nghĩ của mình, hãy khắc phục lối nghĩ “làm ít thì sai ít, không làm thì không sai”, đừng bao giờ “tuyệt đối hoá chủ nghĩa kinh nghiệm”.

Cuối cùng, xin được dành tặng tác giả GCAP một câu nói nổi tiếng của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt: “Hạnh phúc không phải là sự sở hữu nhiều tiền, mà còn là niềm vui thành đạt từ sự chiêm nghiệm nỗ lực sáng tạo”.

Lã Thanh Thủy

Năng lượng Mới 524

DMCA.com Protection Status