Ghi chép dọc đường thực địa với IDEMITSU
Từ năm 2005 đến 2009, Idemitsu và Viện Dầu khí Việt Nam đã cùng nhau thực hiện Đề án Hợp tác nghiên cứu đặc điểm hệ thống dầu khí ở Việt Nam với các pha 1,2,3 của bể Sông Hồng, Nam Côn Sơn, Malay-Thổ Chu.
Về phía Idemitsu, thành viên chính tham gia là các ông: Akihiko Okui, Chánh kỹ sư địa chất, nhóm trưởng; ông Jun Miki, Trưởng văn phòng đại điện Idemitsu tại TP. Hồ Chí Minh; ông Tohaku Hasegawa, kỹ sư địa chất. Về phía Viện Dầu khí, thành viên chính là các ông: Lê Như Tiêu, Trưởng phòng địa hóa, nhóm trưởng; ông Phùng Sỹ Tài, Trưởng phòng Kế hoạch-Khoa học; bà Nguyễn Bích Hà, kỹ sư địa chất và một số thành viên khác là kỹ sư địa vật lý giếng khoan & địa chấn, công nghệ thông tin.
Trong quá trình thực hiện đề án, các thành viên đã thu thập, nghiên cứu các tài liệu địa chấn, địa chất, địa vật lý, phân tích mẫu giếng khoan, lựa chọn tham số và chạy chương trình mô hình hóa quá trình trưởng thành và di cư hydrocarbon bằng phần mềm SIGMA-2D do phía Idemitsu cung cấp. Nhóm tác giả cũng đã tổ chức các chuyến khảo sát thực địa ở các khu vực liên quan tới phạm vi vùng nghiên cứu.
Thực địa Đông Bắc Việt Nam
Đoàn có 01 ngày khảo sát một số điểm lộ và 01 ngày nghiên cứu địa chất khu vực Vịnh Hạ Long. Vịnh Hạ Long có giá trị địa chất lớn, chiều sâu lịch sử địa chất khoảng 3 tỷ năm. Vào kỷ Ordovic-Silur (485 - 419 triệu năm trước) khu vực Hạ Long là biển sâu, vào các kỷ Carbon-Permi (359 - 252 triệu năm trước) vịnh Hạ Long là biển nông, biển ven bờ vào cuối Paleogen – đầu Neogen (khoảng 26 - 20 triệu năm trước) và một số lần biển tiến trong kỷ Đệ tứ (khoảng 2,6 triệu năm trước đến nay).
Lịch sử địa chất khu vực Vịnh Hạ Long cũng đã trải qua ba lần tạo sơn quan trọng. Lần đầu tạo sơn (Caledoni) vào cuối kỷ Silua (hơn 400 triệu năm trước), khu vực Vịnh Hạ Long là một vùng núi, chịu quá trình xâm thực bóc mòn mạnh mẽ trong điều kiện khô nóng; pha chuyển động tạo sơn lần thứ hai có tên là Indosini xảy ra vào cuối kỷ Trias (khoảng 200 triệu năm trước), đã tác động sâu sắc đến khu vực Vịnh Hạ Long, khu vực này tiếp tục duy trì chế độ lục địa. Lần tạo sơn thứ ba (Anpi) tạo nên sự phân dị giữa các dãy núi - địa lũy và các bồn trũng - địa hào làm tiền đề cho biển hiện đại tiến vào tạo nên Vịnh Hạ Long. Kỷ Carbon (359 - 299 triệu năm trước) là thời gian nóng ẩm của trái đất phát triển môi trường đầm lầy thực vật thuận lợi hình thành các bể than đá khổng lồ ở châu Âu nhưng ở Vịnh Hạ Long lại là chế độ biển nông - điều kiện khí hậu khô nóng để hình thành nên tầng đá vôi dày trên 1.200m. Trái lại, vào kỷ Trias (252 - 201 triệu năm trước), khi trái đất nói chung, châu Âu nói riêng có khí hậu khô nóng thì khu vực Vịnh Hạ Long lại là đầm lầy ẩm ướt với những cánh rừng tuế, dương xỉ khổng lồ tích tụ nhiều thế hệ, bị chôn vùi tạo nên vùng than nổi tiếng.
Đoàn cũng có dịp tham quan trại nuôi ngọc trai nhân tạo ở Vịnh, thăm di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, thắp hương tưởng niệm danh nhân Nguyễn Trãi ở Chí Linh, Hải Dương.
Khảo sát/nghiên cứu địa chất Vịnh Hạ Long |
Thực địa Tây Bắc Việt Nam
Lộ trình: Hà Nội-Sơn La- Yên Bái-Hà Nội.
Dưới sự hướng dẫn của TSKH Phan Trung Điền, Đoàn đã dừng lại khảo sát một số điểm lộ trên đường số 6, được giới thiệu/ đối sánh một số đặc điểm địa chất chính của vùng Tây Bắc Việt Nam. Lịch sử hình thành vùng Tây Bắc bắt đầu từ cách đây 500 triệu năm. Thuở ban đầu, vùng này là biển và chỉ có một số đỉnh ở dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Sông Mã là nổi lên trên mặt biển. Biển liên tục rút ra xa rồi lại lấn vào suốt hàng trăm triệu năm. Trong quá trình ấy, đã có những sự sụt lún mạnh, góp phần hình thành các tầng đá phiến và đá vôi. Vào cuối đại Cổ sinh (cách đây chừng 300 triệu năm), dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Sông Mã đã được nâng hẳn lên. Địa máng sông Đà lúc đó vẫn chìm dưới biển. Cho đến cách đây 150 triệu năm, chu kỳ tạo núi Indochina làm cho hai bờ địa máng từ từ tiến lại gần nhau, khiến cho trầm tích trong địa máng uốn lên thành những nếp uốn khổng lồ, đồng thời làm cho tầng đá vôi có tuổi cổ hơn lại trồi lên trên tầng đá phiến, tạo thành những cao nguyên đá vôi ngày nay. Trong quá trình tạo núi, còn có sự xâm nhập của macma. Kết quả là, vùng Tây Bắc được nâng lên với một biên độ đến 1000 mét.
Thực địa Tây Nam Việt Nam
Lộ trình: Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh-Kiên Giang-Hà Nội.
TS Phan Trung Điền giới thiệu/đối sánh một số đặc điểm địa chấn chính Bể Malay-Thổ Chu. Bể nằm ở vịnh Thái Lan, phía Đông là vùng biển Tây Nam Việt Nam, phía Đông Bắc là vùng biển Campuchia, phía Tây Bắc và Tây là vùng biển Thái Lan và phía Tây Nam là vùng biển Malayxia. Về cấu trúc, bể có dạng kéo dài phương TB-ĐN, tiếp giáp với bể Pattani phía Tây Bắc, bể Penyu phía Nam và bể Tây Natuna phía Đông Nam, còn phía Đông là đới nâng Khorat- Natuna. Chiều dày trầm tích của bể có nơi đạt tới 14 km. Thềm lục địa Tây Nam Việt Nam là vùng rìa Đông Bắc của bể Malay Thổ Chu, kéo dài phương TB-ĐN với diện tích khoảng 100.000 km2, chiếm xấp xỉ 31% tổng diện tích vùng biển chung, bao gồm các lô 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 46, 48/95, 50, 51, B, 52/97. Trong đó, giếng khoan A – 5X nằm ở lô 52/97, phía bắc bồn trũng Malay – Thổ Chu.
Khảo sát đặc điểm địa chất đảo Hòn Nghệ, một đảo nhỏ trên vịnh Hà Tiên ngoài khơi Kiên Giang. cách mũi Hòn Chông khoảng 15 km về phía Tây Nam, cách quần đảo Bà Lụa 8 km về phía Đông Nam. Đảo có hình bầu dục, chiều dài 2.5 km, rộng 1.6 km, chu vi 7.5 km, diện tích 3.8 km², dân số 2.114 người. Đỉnh cao nhất đảo 338m. Đảo được cấu tạo thành từ đá sa thạch xen lẫn đá vôi karst.
Trên đường ra đảo Hòn Nghệ |
Đoàn cũng đã thực hiện công tác khảo sát 01 điểm lộ tai bờ biển Hà Tiên và 01 điểm lộ gần thị trấn Tri Tôn, An Giang.
Điểm lộ trên lộ trình Tây Nam |
Kết quả của các chuyến thực địa đã góp phần làm sáng tỏ, củng cố một số luận cứ khoa học, góp phần quan trọng vào kết quả và thành công của Dự án.
Qua thời gian thực hiện dự án, chúng tôi nhận thấy rằng, về phía Việt Nam, anh Lê Như Tiêu, trưởng nhóm có kiến thức sâu về địa hóa, nhiệt tình giảng giải cho đồng nghiệp, các anh chị khác nắm chắc phần kiến thức thuộc lĩnh vực của mình, có trách nhiệm trong công việc, anh chị em trẻ tích cực học hỏi. Về phía Nhật Bản, lãnh đạo của Dự án và các chuyên gia thể hiện tinh thần tận tụy, làm việc với tinh thần khoa học. Ngoài ra chúng tôi còn nhận thấy rằng các ông Akihiko Okui, Jun Miki nói riêng và các chuyên gia Nhật Bản nói chung, các nhà khoa học duy lý nhưng cũng đồng thời là những người có thái độ hết sức thành kính với danh nhân và giá trị tinh thần của người Việt Nam.
Dương Hùng Sơn (Viện Dầu khí)