Ghi ở Mỏ Rồng 2

07:00 | 15/07/2011

239 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Tôi không thể nào quên được lần đầu tiên ra giàn khoan vào năm 1985. Ngày ấy, chúng tôi ra giàn khoan vất vả lắm bởi vô vàn các thủ tục nhiêu khê. Phải sau rất nhiều thủ tục, rồi lại phải nhờ có sự giúp đỡ của Giám đốc Công an Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo tôi mới được ra giàn khoan. (Ngày ấy, cả nước có hai đặc khu hành chính là Vũng Tàu – Côn Đảo và Quảng Ninh)
Ghi ở Mỏ Rồng 2
Một công nhân Nga trên giàn RP2

Thế là lần thứ tư tôi được ra giàn khoan.

Chúng tôi bay trên chiếc máy bay Mi-8 ọc ạch và tôi không khỏi ngạc nhiên khi những người phi công hút thuốc lào sòng sọc ngay trong khoang lái. Tôi cũng không thể nào quên được cảnh khi máy bay chở công nhân từ giàn khoan về, bảo vệ của giàn khoan khám túi quần, túi áo, hành lý của từng người. Và họ lôi ra đủ thứ, từ vài lon nước Coca đến mấy con cá khô…

Lần ấy sống mũi tôi đã cay cay khi thấy một anh công nhân bỏ ở trong chiếc túi du lịch của mình mấy cục bu-lông sắt. Mặc cho anh van vỉ, xin lỗi, nhưng mấy anh bảo vệ vẫn dứt khoát lập biên bản. Không biết số phận của anh rồi sẽ ra sao. Nghe nói là nếu vi phạm kỷ luật trên giàn khoan là bị trừ cả nửa tháng lương, rồi lại còn bị cấm đi ra biển.

Chuyến đi ấy, tôi viết được nhõn một phóng sự ngắn về công tác bảo vệ ở giàn khoan và trên khu kho chứa vật tư của Liên doanh Vietsovpetro. Một bài báo nhạt hoen hoét và toàn những con số buồn về công nhân vi phạm kỷ luật lao động và các vụ người ngoài vào ăn cắp sắt thép ở các bãi chứa vật tư. Ấn tượng duy nhất của tôi trong chuyến đi đó là được ăn một bữa cơm ngoài giàn khoan mà không phải… chia suất – nghĩa là có dăm sáu món gì đấy, ăn gì thì lấy và ăn được bao nhiêu thì ăn. Bây giờ nói lại chuyện đó, hẳn không ít bạn đọc sẽ cười, nhưng ngày ấy, khi đi công tác, được một bữa ăn không phải nộp 250gam tem gạo là may lắm rồi. Huống hồ hôm đó, không những chẳng phải trả tem gạo mà còn được một bữa no!

Lần thứ hai, tôi ra giàn khoan vào năm sau, nhưng thời gian tôi được ở lại chỉ vẻn vẹn có… nửa tiếng. Mà cái giống đi viết báo, nếu lấy tài liệu như kiểu “đi xin lửa”, thì đố viết được cái gì cho ra hồn.

Ghi ở Mỏ Rồng 2

Anh Trần Văn Thắng đang lấy dầu thô làm mẫu

Nhưng dù sao, hai chuyến ra giàn khoan lần ấy cũng đã giúp cho tôi “mở mắt” về cái nghề thợ khoan tìm kiếm dầu. Và hóa ra họ chẳng sung sướng gì như thiên hạ vẫn nghĩ. Ngày ấy, cả nước đang đói khổ, cho nên với những người công nhân ngoài giàn khoan, lương được trả bằng đôla thì đó đã là một công việc ai cũng mơ ước. Rồi tôi cũng lại biết vô vàn những chuyện quái quỷ của những người công nhân giàn khoan. Nào là họ phải câu cá để phơi khô mang về cho vợ bán, họ phải câu cá làm ruốc mang về cho gia đình; họ phải tiết kiệm từng lon nước ngọt để mang về. Cứ sau nửa tháng ra giàn khoan họ trở về nhà và “ăn chơi nhảy múa”. Có cô vợ ở nhà, rủng rẻng có tiền, lại chẳng công ăn việc làm gì cả, thế là “nhàn cư vi bất thiện”, lao vào đề đóm, cờ bạc và cả bồ bịch nữa. Không ít công nhân ngoài giàn khoan tan cửa nát nhà về cái chuyện cứ phải đi ra biển nửa tháng đó. Ngày ấy tôi đã đề nghị với Ban Bảo vệ của Liên doanh Vietsovpetro thống kê cho tôi xem rằng, đã có bao nhiêu anh công nhân ngoài giàn khoan bị vợ bỏ hoặc bỏ vợ, nhưng rồi tôi cũng không có được con số đấy.

Ghi ở Mỏ Rồng 2
Công nhân đang kiểm tra mũi khoan

Lần thứ ba, tôi ra giàn khoan vào giữa năm 2008, và đến giàn Công nghệ Trung tâm, một giàn khoan hiện đại bậc nhất, tiện nghi đầy đủ nhất và mọi công việc được tự động hóa đến cao độ. Chuyến đi ấy có nhạc sĩ Chu Minh và vài nghệ sĩ khác. Chẳng hiểu sau này bác Chu Minh, người nổi tiếng với rất nhiều ca khúc cách mạng, trong đó có tác phẩm bất hủ “ Người là niềm tin tất thắng”, có viết được ca khúc nào về Dầu khí không, chứ còn tôi, ngoài chụp được mấy tấm ảnh, còn chẳng viết được chữ nào. Cũng bởi vì thời gian ở lại giàn quá ngắn, mà các cán bộ kỹ sư trên giàn đang cực kỳ bận rộn, chẳng ai thừa thời gian tâm sự với báo chí cả.

“Cay mũi” về những chuyến đi trước, lần này tôi đề nghị với anh Đặng Minh Hồng, Phó tổng giám đốc, Bí thư Đảng ủy Vietsovpetro là cho tôi được ở giàn khoan chí ít… 2 ngày. Đến tháng 5 vừa rồi, tôi lại được ra giàn khoan và lần này tôi đã được “như ý”. Đó là tới giàn khoan mỏ Rồng 2 (RP2). Theo như các anh lãnh đạo Vietsovpetro cho biết thì đây là giàn khoan đang cho năng suất khai thác dầu cao nhất ở khu mỏ Bạch Hổ, nhưng điều kiện làm việc của anh em cũng vất vả nhất.

Bay từ đất liền ra giàn khoan bây giờ không khó như ngày xưa nhưng thủ tục vẫn vô cùng chặt chẽ, tôi tỉ mẩn tìm hiểu mới thấy, hóa ra để cho một người bay ra giàn khoan bằng máy bay trực thăng Puma của Pháp giá vé còn đắt gấp gần 2 lần là cưỡi Boeing 777 từ Hà Nội vào Sài Gòn. Không biết một ngày có bao nhiêu chuyến bay đi ra, đi về các giàn khoan và thế mới biết, chi phí để hút lên được một lít dầu dưới đáy biển thật là khủng khiếp.

Từ Vũng Tàu ra giàn khoan RP2 chỉ mất không đến 40 phút bay. Và từ trên cao nhìn xuống thì thấy đây là một giàn khoan già nua, cũ kỹ.

Ghi ở Mỏ Rồng 2
Góc nghỉ ngơi trên giàn RP2

Lại nói tên “mỏ Rồng”. Đã có một thời kỳ dài tôi không hiểu rằng, tại sao các mỏ dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế của ta ở biển Đông lại có những cái tên như Bạch Hổ, Đại Hùng, mỏ Rồng, Lan Tây, Lan Đỏ… Sự thắc mắc ấy chỉ được giải đáp khi tôi gặp ông Ngô Thường San, hiện là Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, trước từng là Phó tổng Liên doanh Vietsovpetro, rồi là Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí… Ông cho tôi hay rằng, ngày xưa đã có nhiều hãng khai thác dầu danh tiếng trên thế giới vào thăm dò khai thác ở Việt Nam. Mỗi một hãng khi thăm dò vùng nào thì đặt tên theo sở thích của mình.

Hãng Mobil lấy tên các thú dữ để đặt như Bạch Hổ, Đại Hùng, mỏ Rồng, Sói, Gấu, Mèo trắng…

Hãng Epxon Shell thì lại lấy tên các dòng sông như Sông Ba, Trà Giang…

Hãng BP lại lấy tên các loài hoa như Lan Tây, Lan Đỏ…

Từ trên máy bay bước xuống giàn khoan, việc đầu tiên mà cán bộ phụ trách bảo vệ an toàn ở đây bắt chúng tôi phải thực hiện, đó là thay quần áo của mình bằng bộ đồ bảo hộ lao động trắng lôm lốp và đi một đôi giày da… Mũi giày cứng đến mức rủi có cục sắt nào khoảng mươi cân rơi vào thì ngón chân cũng không hề hấn gì.

Tôi hỏi anh Nguyễn Văn Hùng, phụ trách khoan nghiêng rằng, tại sao ở chỗ sắt thép như thế này, dầu mỡ như thế này mà lại mặc đồ trắng như vậy, thì anh cười mà rằng: “Phải mặc đồ trắng để cho người trên giàn khoan nhìn là biết ngay đây người mới đến và chưa biết gì về giàn khoan, cho nên phải có trách nhiệm “để mắt” đến và nhắc nhở kịp thời anh nếu như cảm thấy có nguy cơ mất an toàn”.

Trên giàn khoan có ba thứ cấm. Thứ nhất là, cấm câu cá. Thứ nhì là, cấm bia rượu. Và thứ ba, là cấm hút thuốc. (Có chỗ dành riêng cho người hút thuốc và tại những chỗ này, luôn lủng lẳng mấy bình… chữa cháy). Cấm thuốc lá, cấm bia rượu thì dễ hiểu, nhưng cấm câu cá, cấm cái thú vui tao nhã ấy thì thật… tiếc và cũng khó.

Cá ở đây nhiều vô kể, và rất dễ câu. Nhất là khi bộ phận nấu cơm cho nghiền thức ăn thừa rồi đổ xuống biển theo đường ống, cá lao vào tranh ăn, nom mặt biển như đặc lại bởi… lưng cá. Đứng trên giàn khoan, thả lưỡi câu xuống, ngày kiếm đôi ba tạ cá là… đơn giản. Nhưng đấy là chuyện “ngày xưa câu cá ở giàn khoan”, còn bây giờ bị cấm tiệt. Sở dĩ câu cá bị cấm là bởi vì sợ mất an toàn. Đã có vài trường hợp câu cá bị ngã xuống biển... chết. Có anh bị sóng cuốn, có anh đâm cá, buộc sợi dây nối với mũi lao vào cổ tay, đâm phải con cá to, nó lôi nghiến xuống biển… Rồi nếu câu được cá, thì lại phải kho, phải nấu, phải phơi khô, phải làm ruốc… Như thế mất thời gian và nhếch nhác. Tất nhiên, cũng có anh câu trộm, nhưng hãn hữu lắm.

Vào những ngày này, giàn khoan RP2 đang khoan thêm một giếng thứ bảy trong điều kiện thời tiết khá xấu. Gió đông bắc mạnh cấp 7, cấp 8 thổi xiêu cả người. Mặt biển lúc nào cũng tối rầm rầm, cau có. Bầu trời sũng nước và hầu như không có nắng. Những người thợ phải rút gần 3.000m ống từ dưới biển lên rồi lại lắp một mũi khoan đặc biệt xuống để làm sao mũi khoan xuống đến độ sâu nhất định rồi bắt đầu đi nghiêng. Nghe cái chuyện khoan nghiêng này, tôi không thể nào hiểu nổi rằng tại sao mũi khoan cắm thẳng xuống đáy biển khoảng 3.000m rồi lại chạy nghiêng được. Rồi có khi chạy nghiêng hàng cây số, mũi khoan lại cắm thẳng xuống, thậm chí có mũi khoan còn đi theo đường... xoắn trôn ốc. Nói mãi tôi cũng không hình dung được, anh Hùng phải lấy giấy bút ra vẽ cho tôi hiểu thế nào là khoan nghiêng. Để giúp cho cái đầu tối tăm của tôi về nghề khoan lộ sáng, anh phải ví von thế này: Những mũi khoan thép hợp kim dài 12m thế kia là rất cứng, nhưng nếu bây giờ ta nối các mũi khoan lại thành một sợi dây dài khoảng 3km, thì sợi dây đó mềm như một sợi chỉ dài 2m và có thể cuốn quanh một trục có đường kính 200m. Anh bảo rằng, nếu như có người khổng lồ nào cầm… 3km mũi khoan giơ lên lên thì nó cũng sẽ bay như sợi chỉ vậy. À, hóa ra là thế. Lâu nay tôi cứ nghĩ rằng, mỗi một giếng khoan là người ta cứ khoan thẳng xuống rồi hút dầu lên. Nhưng hóa ra đấy là công nghệ xưa rồi, còn bây giờ, người ta khoan nghiêng. Mũi khoan được cắm xuống một độ sâu nhất định theo thiết kế rồi bắt đầu chạy ngang theo độ dốc 5% và người thợ ở trên sẽ điều khiển mũi khoan chạy ngang đó tới một khoảng cách nhất định rồi có khi lại cắm thẳng xuống. Nói nôm na như vậy thì có thể hiểu rằng, từ giàn khoan RP2, với diện tích nhỏ như một sân bóng đá thì đã có 7 giếng khoan vươn xa ra dưới đáy biển và nếu tính tổng diện tích của nó lại thì cũng phải hàng chục cây số vuông.

Nhưng điều làm tôi kinh ngạc nhất ở đây, đó là hệ thống máy móc, thiết bị. Trong 2 ngày ở giàn khoan, tôi lần mò đi xem đủ mọi ngóc ngách và mới phát hiện ra rằng, ở đây có những thiết bị khoan mà tuổi đời của nó còn hơn cả tuổi tôi, nghĩa là được chế tạo từ những năm 50 của thế kỷ trước. Có những cỗ máy phát điện trên giàn khoan mang nhãn hiệu của Rumani được chế tạo năm 1967. Rất nhiều các loại thiết bị khác không còn nhãn hiệu và năm sản xuất, nhưng cứ nhìn cải vẻ cóc cáy, xù xì, han rỉ của nó, thì chắc chắn chẳng có loại nào dưới… 40 năm tuổi? Già cỗi đến tội nghiệp là cần khoan và bàn xoay. Thiết bị này già đến mức độ mà theo các kỹ sư ở đây thì chí ít nó cũng có gần… 60 năm tuổi. Ấy thế mà nó vẫn quắp chặt mũi khoan, cần mẫn xoáy vào lòng biển hàng cây số. Tôi để ý thấy anh Hậu, thợ điều khiển cần khoan cứ chốc chốc lại nhìn vào tấm gương nhỏ trước mặt. Lúc đầu, tôi cho rằng anh soi gương để “chỉnh sửa” dung nhan của mình chăng? Nhưng rồi tôi nghĩ ở môi trường này, lại chẳng có bóng hồng nào thì việc quái gì phải lo cho dung nhan? Đến khi tôi đến hỏi anh thì mới biết là do thiết bị cũ quá, cho nên người thợ cứ phải ngẩng đầu lên nhìn cần khoan cao bằng ngôi nhà 5 tầng, nên mỏi cổ, mỏi gáy lắm. Vì thế, các anh mới nghĩ ra cách là đặt tấm gương trước mặt và nhìn vào đó để điều chỉnh cần khoan… Một sáng kiến tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại rất có ý nghĩa.

Một kỹ sư bảo tôi rằng, các chuyên gia ở các nước tư bản họ sẽ không thể nào tưởng tượng nổi rằng, tại sao ở một giàn khoan cho sản lượng hơn 1.000 thùng dầu/ngày như thế này mà lại sử dụng những thiết bị cũ như vậy. Cũ nhưng mà vẫn chạy tốt, đó mới là sự tài giỏi của người công nhân trên giàn khoan. Tất nhiên, ở giàn khoan cũng không thiếu những thiết bị rất hiện đại và với những người thợ của Vietsovpetro thì thực hiện tiết kiệm được coi là một nhiệm vụ.

3. Ở giàn khoan không có khái niệm ngày hay đêm, lúc nào cũng máy nổ rầm rầm. Ban đêm thì đèn sáng rực và những người thợ làm việc 12 tiếng một ca, nửa chừng họ được nghỉ một tiếng để thay nhau vào ăn giữa ca, còn tất cả đều tập trung cao độ cho công việc. Công việc của giàn khoan chỉ được dừng khi có gió bão tới cấp… 15.

Giàn RP2 đang có 6 giếng khoan và tiếp tục mở thêm 2 giếng nữa, Dầu từ dưới tầng đá móng phụt lên có màu cánh gián và nóng tới 700. Nếu để ở nhiệt độ bình thường thì dầu sẽ đặc quánh lại, các kỹ sư cho tôi biết, dầu ở mỏ Bạch Hổ là loại dầu ngọt, tốt nhất thế giới. Nghe nói rằng, trước đây Nhật Bản rất thích mua dầu Bạch Hổ, họ mang về và chẳng cần lọc gì cả, cho vào chạy máy phát điện ngay.

Kỹ sư Trần Văn Thắng, Đốc công khai thác giàn RP2, người đã có hơn 20 năm làm nghề khoan và từng “lang thang” ở 14 giàn khoan trên khu mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng đưa tôi đi thăm giàn khoan và giảng giải cho tôi biết. Hiện nay giàn đang cho sản lượng từ 800 đến 1.000 thùng/ngày. Sản lượng như thế là vào loại khá ở mỏ Rồng. Sau này, nếu đưa thêm hai giếng nữa vào khai thác thì sản lượng có thể tăng gần gấp rưỡi. Dầu hút lên từ RP2 sẽ chuyển theo đường ống đến giàn công nghệ trung tâm và rồi mới rót xuống tàu chở về Dung Quất hoặc mang đi bán. Ngoài dầu, hàng ngày, RP2 còn lấy thêm được 370 ngàn m3 khí đồng hành để chuyển vào đất liền, bơm xuống vỉa dầu 70 nghìn m3. Tôi chỉ vào ngọn lửa đang cháy rừng rực và phụt dài tới 13m, hỏi anh là sao vẫn phải đốt bỏ, anh cho biết: Đó là khi đốt lấy không hết. Ngọn lửa cháy mạnh như thế nhưng mỗi ngày cũng chỉ đốt hết khoảng…1.000m3. Tỉ lệ thu gom khí đồng hành ở RP2 là trên 90%, đây là một tỉ lệ cao lý tưởng. Các giàn khoan trên khu mỏ Rồng và Bạch Hổ cũng đều thu gom được khí đồng hành, thứ mà trước đây, ta đành đốt bỏ.

Tôi chỉ mấy kỹ sư người Nga, trong đó có một anh chàng đẹp trai như diễn viên điện ảnh và hỏi: “Các chuyên gia Nga làm việc ở đây thế nào?”, anh Thắng cười và bảo: “Bây giờ chẳng có chuyên gia nào cả. Họ cũng là công nhân, kỹ sư và sang đây làm bình thường. Thậm chí còn sang để học nghề khoan, nhất là khoan nghiêng từ những người thợ Việt Nam”.

Câu trả lời của anh nghe thật đơn giản, nhưng nếu như những ai hiểu biết về quá trình xây dựng và trưởng thành của Vietsovpetro thì sẽ thấy đó quả là một bước tiến vĩ đại. Những người thợ Việt Nam của Vietsovpetro trên các giàn khoan đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ tiên tiến nhất, thậm chí còn có nhiều sáng tạo về công nghệ thăm dò, khai thác dầu và đóng góp vào lịch sử khai thác dầu khí trên thế giới những kinh nghiệm quý báu.

Ghi chép của Nguyễn Như Phong

DMCA.com Protection Status