Ông Bùi Hải Ninh: "Dầu khí là bước ngoặt của đời tôi"

08:49 | 13/10/2011

196 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Bằng tất cả tâm huyết, trí tuệ và tình yêu dành cho ngành Dầu khí với 15 năm gắn bó, trải qua rất nhiều vị trí khác nhau nhưng lúc nào ông Bùi Hải Ninh (nguyên Phó tổng giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro từ năm 1989-1991) cũng đặt lợi ích chung lên hàng đầu. Mỗi nơi đi qua ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được cấp trên tín nhiệm, được cấp dưới nể trọng, yêu thương…

1. Căn nhà của ông nằm ven con đường nhỏ ở thành phố biển Vũng Tàu, nơi hằng ngày đón từng cơn gió biển mặn nhưng vẫn thấy ngọt ngào. Vì chính những cơn gió này cho người ta sống vui khỏe hơn, rộng rãi hơn và chính vùng biển Vũng Tàu đã mang về những dòng dầu giúp nơi này phồn vinh, đất nước phát triển.

Ngày ấy, anh Bùi Hải Ninh vừa tốt nghiệp cấp 3 Trường Bổ túc văn hóa công nông Trung ương (1960) thì Nhà nước cử đi học Đại học Kinh tế Quốc dân Kiép (Cộng hòa Ukraina thuộc Liên Xô cũ). Để có đủ vốn tiếng Nga du học, anh Ninh phải học tiếng Nga một năm dự bị tại Việt Nam, rồi khăn gói lên đường. Ukraina thời Xôviết, giờ nhớ lại vẫn là những kỷ niệm đẹp trong đời ông. Người Nga rất tốt, nhân hậu và rất thương sinh viên Việt Nam. Lúc đó, anh Ninh thấy nước Nga mà ước thầm cho dân tộc mình, mong Việt Nam sớm thống nhất, non sông hòa bình…

Có lẽ chính môi trường ở Kiép thời xã hội chủ nghĩa đã góp phần không nhỏ cho cách nghĩ và cách làm của ông sau này. Khi ở bất cứ địa bàn công tác, bất cứ địa vị nào, ông vẫn đặt cái chung lên hàng đầu.

Vì thế, khi đang yên đang lành ở Hà Nội, với hộ khẩu ở thủ đô là mơ ước của nhiều người lúc bấy giờ, thì được cấp trên yêu cầu về Vũng Tàu công tác. Nhiều người khuyên ông nên tìm cách từ chối, dại hay sao mà về cái vùng chưa có tiềm năng như thế. Nhưng ông vẫn vui vẻ nhận lời, với suy nghĩ rằng: “Đảng đã nuôi tôi ăn học nên người thì Đảng phân đi đâu tôi đi đấy”. Rời xa chốn kinh kỳ, ông vào Bà Rịa – Vũng Tàu công tác, để lại phía sau vợ và các con thơ.

Ông Bùi Hải Ninh (nguyên Phó tổng giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro)

Lúc đó, ông cũng chưa thể hình dung hết những khó khăn phải đối mặt nhưng đây là bước ngoặt lớn gắn cuộc đời ông với Vũng Tàu, với ngành Dầu khí mà như ông nói: “Dầu khí là bước ngoặt của đời tôi”.

Vào Bà Rịa – Vũng Tàu, ông được phân công làm trợ lý tài chính cho Giám đốc Công ty Dầu khí II (lúc đó ông Nguyễn Ngọc Sớm làm Giám đốc). Từ những kiến thức đã học ở Kiép về kế toán – tài chính cùng kinh nghiệm từng trải, ông đem vận dụng ở vùng đất mới, nắm tình hình tài chính của công ty có vấn đề gì thì kịp thời điều chỉnh.

2. Sau khi nước nhà thống nhất, Đảng và Nhà nước xác định dầu khí là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia và xây dựng ngành Dầu khí nước nhà là nhiệm vụ lớn lúc bấy giờ. Và đó cũng là mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, người luôn mong muốn đến một ngày không xa Việt Nam cũng xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu.

Do đó, ngày 9/8/1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 244/NQ/TƯ về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước, trong đó khẳng định: “Dầu khí trở thành một vấn đề kinh tế và chính trị có ý nghĩa chiến lược cần được Nhà nước coi là một trọng điểm ưu tiên trong kế hoạch kinh tế – tài chính và khoa học – kỹ thuật”. Nhưng lúc này, ta chưa có nhân lực và vật lực đầy đủ để xây dựng ngành, mà chỉ có một ít tài liệu của Mỹ – Ngụy để lại về việc thăm dò dầu khí ở Bạch Hổ nhưng cũng rất mơ hồ, chung chung.

Ngày 1/12/1979, Bộ Chính trị quyết định phương hướng hợp tác với Liên Xô về dầu khí. Đến ngày 17/12/1979, Việt Nam chính thức đề nghị Liên Xô giúp xây dựng ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam và hợp tác khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía nam Việt Nam.

Trong khi Việt Nam – Liên Xô đang trong quá trình đàm phán thì trong nước bắt đầu triển khai xây dựng những cơ sở vật chất như xây dựng căn cứ dịch vụ trên bờ (cảng hàng hóa, cảng dịch vụ đưa thiết bị giàn khoan ra biển…). Thế là, một Ban Quản lý được hình thành, chỉ mới hình thành chứ ban đầu thì chưa có gì cả. Ông Bùi Hải Ninh vẫn nhớ như in một kỷ niệm thuở ban đầu. Đó là cuộc họp giao ban về tiến độ xây dựng cảng dầu khí giữa Tổng cục Dầu khí và Bộ Giao thông Vận tải. Lúc đó, ông Phạm Văn Diêu (Tổng cục phó, phụ trách xây dựng cơ bản của Tổng cục) đang chủ trì cuộc họp, bỗng phát hiện ông Ninh ngồi khuất ở một góc phòng. Ông Diêu đến tận nơi, kéo tay ông Ninh lên ngồi ở hàng ghế đầu: “Anh là người quan trọng nhất trong lúc này, sao lại ngồi nép ở đây. Anh đã được đề bạt là Phó ban (Ban Quản lý công trình khu công nghiệp dầu khí), đặc trách công tác tài chính – kế toán”.

Nguyên một Ban mà chỉ có tướng, chưa có quân. Mọi thứ bắt đầu từ “không đến có”. Không có lính, không trụ sở, không tiền… tạm gọi là 3 không. Liên hệ mãi rồi Ban Quản lý mượn được một số phòng của Công ty Dầu khí, rồi mượn người, ngoài ông Ninh thì thêm một phó phòng phụ trách tổ chức, một kế toán viên.

Tiếp theo là công việc, nói nôm na là san lấp và giải phóng mặt bằng, làm hậu phương trên bờ cho việc khai thác dầu khí. Với sự giúp sức của Binh đoàn 318 với gần 2.000 binh lính, hơn 1.000 lính được điều sang làm dầu khí. “Binh đoàn dầu khí” tiến hành công việc san lấp, khai phá những bãi sú vẹt ven biển để làm bãi đáp, làm cảng. Chỉ trong vòng 1 tháng, các bãi sú vẹt đã được khai phá, dọn dẹp xong. Như vậy, có mặt bằng, cơ sở hậu cần cơ bản đã hoàn tất.

Ngày 19/6/1981, Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam – Liên Xô về việc thành lập XNLD Dầu khí được ký kết. Theo hiệp định khung thì mình có cái gì góp cái đó, bạn có tiền, có công nghệ còn mình có con người, sức lao động và lòng nhiệt huyết. Tất cả quy theo giá Nhà nước nên có chuyện mua một cây chổi cũng phải tìm cửa hàng bách hóa của Nhà nước mua, phải có hóa đơn chứng từ… Sau khi XNLD Vietsovpetro ra đời thì Ban Quản lý công trình khu công nghiệp dầu khí trở thành tổng thầu của XNLD.

Sau đó, Tổng cục Dầu khí đã thành lập Xí nghiệp Liên hiệp Xây lắp dầu khí (1983) với nhiệm vụ chủ yếu là chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ cho ngành Dầu khí. Quân và lính của Xí nghiệp được điều động từ nhiều nơi khác về nhưng sau một thời gian hoạt động thì nội bộ lủng củng, mất đoàn kết. Thời gian này, ông Bùi Hải Ninh mới đi học ở Trường Nguyễn Ái Quốc về, tình hình Xí nghiệp Xây lắp dầu khí vẫn chưa đi vào quy củ. Lúc đó ông Ninh đề nghị với ông Nguyễn Hòa (Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí) rằng: “Tôi đang là Tổng cục phó, nếu tôi về phụ trách là rất thuận, hợp lý, hợp tình. Không ai thắc mắc, kèn cựa được với tôi, thì nội bộ chắc chắn sẽ ổn định”. Nghe ông Ninh trình bày, ông Hòa nói với ông Ninh, đại ý rằng: “Tôi không băn khoăn điều đó, mà chính là anh đang tự nhảy vào một nơi nát bét, không khéo lại ngập trong đống bùn”. Nhưng ông Ninh không ngại và vẫn cứ “nhảy vào”, đó là tính cách của ông.

Lúc ông Ninh về, tình trạng Xí nghiệp Xây lắp dầu khí có nhiều vấn đề rất nan giải: Nhiều công trình không hoàn thành đúng tiến độ thi công. Còn những công trình đã hoàn thành thì chất lượng kém, thậm chí không nghiệm thu được. Nội bộ thì mất đoàn kết.

Thế là, ông bỏ công việc đang yên ổn để về điều binh khiển tướng một xí nghiệp đang rối ren, nhưng sau một thời gian, đâu vào đấy. Chuyện nội bộ lục đục mất đoàn kết của Xí nghiệp được giải quyết khá êm ái. Sau khi Xí nghiệp đã đi vào quy củ, hoạt động trơn tru thì ông tìm người thay thế vị trí của mình. Lấy ý kiến của anh em trong cơ quan cùng sự quan sát của mình, ông Ninh quyết định đưa anh Trần Hiển (Phó tổng giám đốc) thay ông làm Tổng giám đốc Xí nghiệp.

Sau đó, ông Bùi Hải Ninh được điều động về làm Phó tổng giám đốc thứ nhất XNLD Vietsovpetro (1989) thay ông Nguyễn Ngọc Cư, có duyên cớ này là vì: “Sở dĩ tôi phải thay anh Cư, vì theo Nghị quyết của Hội đồng Liên doanh, từ năm 1989, Phó TGĐ thứ nhất phải phụ trách kinh tế. Anh Cư là kỹ sư địa chất, tôi là Phó tiến sĩ kinh tế, đang là Tổng cục phó, nên anh Trương Thiên (Tổng cục trưởng) điều động tôi về, vì lý do như vậy”.

Lúc này liên doanh cũng có nhiều vấn đề khó khăn mà Ban Lãnh đạo mới phải đối diện và giải quyết sao cho êm thấm. Ông Ninh phải đối diện nội bộ phía Việt Nam đang “có vấn đề”. Một vài tờ báo phê phán XNLD. Nên “việc đầu tiên tôi làm là cùng với Đảng ủy, Ban Lãnh đạo phía Việt Nam giải quyết ổn thỏa tình hình tư tưởng cán bộ, công nhân viên chức trong XNLD Vietsovpetro”. May mà, ông Bùi Hải Ninh đã có kinh nghiệm trong việc giải quyết những vấn đề như vậy, với kinh nghiệm khi về lãnh đạo Xí nghiệp Xây lắp dầu khí.

Từ năm 1991 nước ta xóa cơ chế bao cấp, XNLD Vietsovpetro trả lương bằng đôla. Vì thế, lương cán bộ, công nhân viên Vietsovpetro bấy giờ thuộc hàng khủng ở nước ta. Nên có chuyện lương Thứ trưởng thời bấy giờ, chỉ từ 680-710 đồng, trong khi lương của TGĐ Vietsovpetro là 850USD. Do đó, rất nhiều bộ, ngành phản đối là sao lương ngành Dầu khí cao thế, vì ngay văn thư của ngành Dầu khí lúc này, lương từ 85-100USD/tháng. Ông cười vui thong thả: “Lúc đó lương tôi khi chuyển qua đôla (1991) là gần 5 triệu/tháng, trừ đi các chi phí là còn 3 triệu/tháng. Lương của tôi ngang lương Thứ trưởng lúc bấy giờ. Sự kiện này làm rung chuyển cả nước”.

Thời gian này, XNLD Vietsovpetro bắt đầu thay đổi. Trước đây Tổng giám đốc là người Nga, đến năm 1992, chuyển sang TGĐ là người Việt (ông Ngô Thường San làm TGĐ đầu tiên). Một số chức danh lãnh đạo cũng chuyển dần, như kế toán trưởng người Nga, chuyển sang là người Việt…

Cũng đang yên đang lành, với mức lương cao ngất ngưởng, nhiều người nghĩ rằng ông Ninh đang hưởng lộc. Thế rồi, cuối năm 1992, ông được điều sang làm Trưởng ban Quản lý công trình đường ống dẫn khí Bạch Hổ – Thủ Đức. Một đơn vị hoàn toàn mới. Lại một hành trình mới gian nan, ông lại bắt đầu xây dựng một cơ ngơi mới.

Khi tôi hỏi, thế vợ con ông có buồn không, ông cười xuề xòa, cũng có chút phàn nàn, bà nhà tôi hỏi: “Sao lương cứ càng ngày càng tụt chứ không tăng”. Vì lương từ mấy triệu, về đây còn mấy trăm thì các bà phàn nàn cũng không trách được. Nhưng tôi vẫn quan niệm rằng, tiền là phương tiện chứ không phải là mục đích”. Thế nên, ông cứ vui vẻ chuyển công tác. Mọi thứ ở đơn vị mới lại “vạn sự khởi đầu nan”.

Công trình đang làm dang dở, chưa bàn giao xong thì ông có quyết định về làm Phó tổng cục Kiểm toán Nhà nước (1994), lương còn 800 đồng/tháng. “Ông Tổng cục trưởng cứ nói vui “thiệt nhất là thằng Ninh, vì nếu tính theo giá trị kinh tế thì tôi thiệt thật, vì lương càng ngày càng giảm”, ông Ninh cho biết thêm.

3. Mặc dù, trước khi về hưu 5 năm, ông giã từ ngành Dầu khí để về phục vụ ngành Kiểm toán nhưng có thể nói, quãng thời gian ở ngành Dầu khí vẫn là khoảng thời gian nhiều kỷ niệm nhất với ông. Với 15 năm ấy rất nhiều niềm vui, nỗi buồn, thử thách, khó khăn và cả những giọt nước mắt hạnh phúc, hân hoan khi XNLD Vietsovpetro ăn nên làm ra, khi tình đồng chí ngày càng thắt chặt.

Phải công nhận một điều, trong ông tập hợp rất nhiều nhân tố để đảm nhiệm và hoàn thành tốt nhiều vai trò, trọng trách lúc bấy giờ: kiến thức vững chắc về kế toán – tài chính, quản lý tiền bạc chặt chẽ mà như ông nói: “cái gì đáng chi thì chi còn cái gì không đáng chi dù một xu tôi cũng không chi”. Thêm nữa, trong quá trình công tác, ông đã có những biện pháp xé rào khéo léo mà hợp lòng anh em đồng chí, phát huy tác dụng rất tốt, giúp nâng cao năng suất lao động. Công tác tổ chức cán bộ rất tốt. Cộng với thế mạnh là nhiều năm học ở Liên Xô đã giúp ông làm việc với các bạn Nga thuận lợi hơn, hiểu được tâm hồn, tâm lý và lối sống người Nga.

Là người được Đảng và Nhà nước nuôi ăn học, lòng ông luôn hướng về Đảng, phục vụ nhân dân hết mình. Lấy lợi ích chung đặt lên hàng đầu mà như ông khiêm tốn: “Tôi chỉ là anh con nhà nông, nhờ đi học, nhờ Đảng và Nhà nước cho đi học cộng với quá trình phấn đấu, may mắn và nỗ lực mà có được những gì như hôm nay”. Ông cũng tự hào nói rằng: “Tôi đi lên bằng chính nghị lực của bản thân với sự phấn đấu không ngừng chứ không dựa vào bất kỳ một ô dù nào cả. Đó cũng là cách mà tôi dạy mấy đứa con tôi bây giờ, phải học tập, rèn luyện rất nhiều và phải tự đi được trên đôi chân của mình”.

Ông rút ra kinh nghiệm sau những năm tháng lao động miệt mài, với nhiều chức vụ và trọng trách khác nhau: “Khi mình không đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, khi mình đặt lợi ích tập thể lên trên nhất, khi mà mình hành xử công việc theo nguyên tắc và không vị tình cá nhân thì mọi chuyện sẽ giải quyết tốt hơn”. Vì thế, mỗi đơn vị công tác, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được cấp trên tín nhiệm, được cấp dưới nể trọng, yêu thương. Vì thế, khi về vườn, ông vẫn nhận được tình cảm ấm nồng từ đồng nghiệp cũ, những người cùng kề vai sát cánh trong những năm tháng gian khó của ngành Dầu khí nước nhà.

Ông Bùi Hải Ninh

Sinh năm: 1937

Quê quán: Đại Đồng – Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc

Chỗ ở hiện nay: Thành phố Vũng Tàu

Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ kinh tế

Trình độ chính trị: Cao cấp

Từng tham gia các chức vụ:

- Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý công trình Dầu khí Vũng Tàu

- Tổng cục phó kiêm Trưởng ban Quản lý công trình dầu khí Vũng Tàu.

- Tổng cục phó kiêm Tổng giám đốc Liên hiệp Xây lắp dầu khí.

- Tổng cục phó kiêm Phó tổng giám đốc thứ nhất Liên doanh Dầu khí Việt – Xô.

- Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam kiêm Phó tổng giám đốc thứ nhất, sau đó Phó tổng giám đốc thương mại Liên doanh Dầu khí Việt – Xô.

- Phó tổng Kiểm toán Nhà nước.

- Đã nghỉ hưu.

Khen thưởng:

- Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.

- Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Ba.

- Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

- Huy chương Vì sự nghiệp Dầu khí.

- Huy chương Vì sự nghiệp Tài chính.

- Huy chương Vì sự nghiệp Kiểm toán.

- Huy chương Vì sự nghiệp Công đoàn.

- Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Bảo vệ Đảng.

Thiên Thanh

{lang: 'vi'}

DMCA.com Protection Status