Giá dầu trong tuần (29/7-4/8): Dầu thô ghi nhận tuần giảm giá
Giàn Murmanskaya - Tìm bến đỗ mới. Tác giả: Phạm Ngọc Phương |
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 4/8/2024 theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2024 ở mức 74,14 USD/thùng, giảm 2,17 USD trong phiên. Giá dầu Brent giao tháng 10/2024 ở mức 77,44 USD/thùng, giảm 2,08 USD trong phiên.
Giá dầu thế giới trong tuần (29/7-4/8) giảm trong phiên giao dịch đầu tuần. Tại phiên giao dịch giữa tuần, giá dầu giảm ở đầu phiên sau đó tăng trở lại ở cuối phiên. Thời điểm cuối tuần, giá dầu liên tục lao dốc, đồng thời ghi nhận tuần giảm giá.
Đầu tuần (29/7-30/7) giá dầu giảm khi các quan chức Israel cho biết họ muốn tránh việc kéo Trung Đông vào một cuộc chiến tranh toàn diện, sau khi phải ứng phó với một cuộc tấn công bằng tên lửa khiến nhiều người thiệt mạng ở Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng vào cuối tuần trước.
Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2024 ở mức 75,75 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 9/2024 đứng ở mức 79,76 USD/thùng.
Các quan chức Israel thông tin, Israel cho rằng nhóm Hezbollah của Lebanon do Iran hậu thuẫn là thủ phạm gây ra cuộc tấn công trên, đồng thời tuyên bố sẽ có nhiều động thái đáp trả nhóm này.
Nội các an ninh của Israel đã ủy quyền cho Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu quyết định "cách thức và thời điểm" ứng phó với vụ tấn công trên. Tuy nhiên, nhóm vũ trang Hezbollah được Iran hậu thuẫn đã phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.
Căng thẳng ở Trung Đông đã làm dấy lên mối lo ngại của các nhà đầu tư về tác động tiềm tàng đến sản lượng dầu thô từ khu vực khai thác dầu lớn nhất thế giới, nhưng cho đến nay sản lượng dầu vẫn chưa bị ảnh hưởng.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận định: "Bất chấp căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông, việc không có bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào cũng hạn chế mọi phản ứng tích cực về giá".
Bob Yawger, Giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho ở New York cho biết: "Các vấn đề kinh tế ở Trung Quốc cũng đang làm giảm sức hấp dẫn của thị trường dầu mỏ".
Dữ liệu công bố trong tháng này cho thấy tổng lượng dầu nhiên liệu nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 11% trong nửa đầu năm 2024, làm dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu chung tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Đà giảm giá của dầu thô cũng được hỗ trợ khi có tin nhà máy lọc dầu Dangote ở Nigeria đang bán lại các lô hàng dầu thô của Mỹ và Nigeria sau sự cố kỹ thuật tại nhà máy.
Ảnh minh họa |
Giữa tuần (31/7-1/8) giá dầu giảm ở đầu phiên sau đó tăng trở lại ở cuối phiên.
Ngày 31/7, giá dầu giảm nhẹ với mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2024 ở mức 75,68 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 9/2024 ở mức 79,42 USD/thùng.
Chính phủ Israel tuyên bố đã giết chết chỉ huy cấp cao nhất của Hezbollah trong một cuộc không kích vào Beirut hôm thứ Ba (30/7) để trả đũa vụ tấn công bằng tên lửa xuyên biên giới của Hezbollah vào Israel tuần trước.
Cuộc tấn công mới nhất diễn ra bất chấp những nỗ lực ngoại giao của các quan chức Mỹ và Liên Hợp Quốc, nhằm ngăn căng thẳng leo thang có thể lan rộng cho toàn bộ Trung Đông.
Các nhà phân tích của ANZ cho biết, tại Venezuela, chiến thắng của Tổng thống Nicolas Maduro trong cuộc bầu cử là trở ngại đối với nguồn cung toàn cầu, vì điều này có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn từ Mỹ. Các nhà phân tích ước tính, xuất khẩu dầu của Venezuela có thể giảm 100.000 -120.000 thùng/ngày trong thời gian tới.
Sang đến ngày 1/8, giá dầu tăng trở lại khi những dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu mạnh mẽ của Mỹ và liên tiếp các vụ ám sát lãnh đạo của Hamas và Hezbollah làm dấy lên mối đe dọa về một cuộc xung đột lan rộng hơn ở Trung Đông.
Mức cao nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2024 ở mức 78,4 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 10/2024 ở mức 81,22 USD/thùng.
Các vụ tấn công nhằm vào các lãnh đạo đã làm dấy lên lo ngại rằng cuộc chiến kéo dài 10 tháng ở Gaza giữa Israel và Hamas, đang biến thành một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở Trung Đông, có khả năng dẫn đến gián đoạn nguồn cung dầu từ khu vực này.
Phó đại diện Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc Shino Mitsuko phát biểu hôm thứ Tư (31/7) khi hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi tăng cường các nỗ lực ngoại giao rằng: "Chúng tôi lo ngại Trung Đông đang bên bờ vực chiến tranh toàn diện”.
Đà tăng của dầu cũng được hỗ trợ sau một loạt dữ liệu được công bố từ Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, và đồng đô la yếu hơn.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, trong tuần tính đến ngày 26/7, tồn kho dầu của Mỹ đã giảm 3,4 triệu thùng, cao hơn gấp 3 lần so với mức dự báo giảm 1,1 triệu thùng của các nhà phân tích và là tuần giảm thứ 5 liên tiếp. Tồn kho xăng của Mỹ cũng giảm 3,7 triệu thùng.
Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu tại Kpler, nhận xét báo cáo của EIA có tác động hỗ trợ khiêm tốn cho giá dầu, đồng thời nhấn mạnh rủi ro địa chính trị vẫn là động lực chính của đợt tăng giá trong phiên.
Ảnh minh họa |
Thời điểm cuối tuần (2/8-4/8), giá dầu liên tục giảm khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ tạo ra ít việc làm hơn dự kiến vào tháng trước, và dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc càng gây thêm áp lực cho thị trường dầu.
Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2024 ở mức 74,14 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 10/2024 ở mức 77,44 USD/thùng.
Tăng trưởng việc làm tại Mỹ chậm hơn dự kiến vào tháng 7 và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%, làm gia tăng lo ngại về khả năng suy thoái.
Tim Snyder, nhà kinh tế trưởng tại Matador Economics cho rằng: "Thị trường do nhu cầu thúc đẩy đã bị chuyển sang thị trường địa chính trị trong khoảng hai ngày trước tình hình chiến sự tại Trung Đông, sau đó hoàn toàn lao dốc vì tất cả dữ liệu kinh tế này".
Dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu và các cuộc khảo sát cho thấy hoạt động sản xuất yếu hơn trên khắp Châu Á, Châu Âu và Mỹ đã làm tăng nguy cơ kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp, ảnh hưởng đến mức tiêu thụ dầu.
Hoạt động sản xuất suy giảm tại Trung Quốc cũng kìm hãm giá cả, làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng nhu cầu sau khi dữ liệu tháng 6 cho thấy hoạt động nhập khẩu và lọc dầu thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Dữ liệu từ LSEG Oil Research cho thấy lượng nhập khẩu dầu thô của châu Á trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm, do nhu cầu yếu ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Cuộc họp của các bộ trưởng hàng đầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã kết thúc với chính sách sản lượng dầu được giữ nguyên, bao gồm cả kế hoạch bắt đầu dỡ bỏ một đợt cắt giảm sản lượng từ tháng 10.
Theo chính sách của OPEC+, một số thành viên được khuyến khích sẽ loại bỏ dần dần mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày từ tháng 10 năm nay đến tháng 9 năm sau. Nhóm cũng đồng ý gia hạn mức cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày trước đó cho đến cuối năm 2025.
Trong khi đó, sản lượng dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã tăng vào tháng 7, do nguồn cung của Ả Rập Xê-út phục hồi và mức tăng nhỏ ở những nơi khác đã bù đắp cho tác động của việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện đang diễn ra của các thành viên khác và liên minh OPEC+.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.616 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 22.603 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 19.878 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 20.095 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.886 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 1/8. Trong đó, xăng E5 RON 92 giảm 284 đồng/lít, xăng RON 95-III giảm 281 đồng/lít. Dầu diesel giảm 316 đồng/lít. Giá dầu mazut giảm 292 đồng/kg. Dầu hỏa giảm 231 đồng/lít.
Giá dầu hôm nay (31/7): Dầu thô tiếp tục giảm nhẹ |
Giá dầu hôm nay (1/8): Tăng trở lại |
Giá dầu hôm nay (2/8): Dầu thô quay đầu giảm |
Giá dầu hôm nay (3/8): Tiếp đà giảm |
Minh Đức