Hoàng Long JOC: Giữ đúng lời hứa "khai thác sớm"

10:39 | 20/08/2012

1,356 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Trước tết Nguyên đán Nhâm Thìn, khi Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Đỗ Văn Hậu ra kiểm tra công tác tại một giàn khoan của Công ty Liên doanh Điều hành Hoàng Long (Hoàng Long JOC), TS Ngô Hữu Hải, Tổng giám đốc Hoàng Long JOC đã nói “chắc như đinh đóng cột” rằng: “Xin hứa với lãnh đạo Tập đoàn sẽ đưa vào khai thác sớm khu vực H4 mỏ Tê Giác Trắng!”.

Mặc dù biết năm 2011, Hoàng Long JOC đã đưa vào khai thác sớm khu vực H1 mỏ TGT, nhưng với khu vực H4 này, không ai dám tin là có thể vượt sớm hơn thời gian. Bởi đơn vị đang gặp không ít khó khăn về kỹ thuật, đặc biệt trên thế giới, thị trường dầu khí và trang thiết bị có sự biến động rất mạnh. Nhưng Hoàng Long JOC đã làm được điều này! Ngày 17/8, tại TP HCM, Lễ Đón dòng dầu khí đầu tiên tại giàn H4 - mỏ TGT đã được Hoàng Long JOC tổ chức trọng thể. 

Lời hứa danh dự

Vào đúng 9 giờ 30 phút sáng ngày 6/7/2012, dòng dầu khí thương mại đầu tiên từ giàn đầu giếng H4 đã được Hoàng Long JOC đưa vào khai thác. Đây là sự kiện đánh dấu một thành công tiếp theo trong hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dầu khí của các bên đối tác tham gia đề án gồm: Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP-Việt Nam - 41% cổ phần), SOCO Vietnam Ltd. (Vương Quốc Anh- 28.5%), PTTEP Hoang Long Co. Ltd. (Vương Quốc Thái Lan – 28,5%), và Công ty OPECO Vietnam Ltd (Hoa Kỳ - 2,0%). Hoàng Long JOC là doanh nghiệp thay mặt cho các bên đối tác, được thành lập năm 1999 để điều hành đề án.

Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu (thứ 2 từ bên trái) kiểm tra công tác trên một giàn khoan của Hoàng Long JOC

Các hạng mục công việc của dự án H4 đã được Hoàng Long JOC và các đối tác hoàn tất và đạt cả 4 tiêu chí quan trọng về đảm bảo tuyệt đối an toàn, mỏ TGT đã đạt mốc hơn 1 triệu giờ làm việc, không xảy ra bất kỳ sự cố tai nạn nào; Đảm bảo chất lượng quốc tế, được Nhà kiểm định Germanischer Lloyd cấp chứng chỉ vận hành; Đảm bảo vượt tiến độ trước 7 ngày so với kế hoạch Tăng tốc, trước 37 ngày so với yêu cầu của Ủy ban Quản lý Hoàng Long JOC và của PVN giao năm 2012, về đích trước 11,5 tháng so với Kế hoạch Phát triển sớm của Bộ Công Thương phê duyệt; Đảm bảo tiết giảm chi phí 10 triệu USD so với ngân sách đã được phê duyệt. Như vậy, Hoàng Long JOC giữ đúng lời hứa với PVN và các nhà đầu tư về việc đưa mỏ TGT vào khai thác sớm.

Giàn đầu giếng H4 được đặt tại  phía nam mỏ TGT của Lô 16-1, trong bồn trũng Cửu Long, cách Vũng Tàu 100km về phía đông nam, ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, cách mỏ Bạch Hổ 20km và cách mỏ Rạng Đông 35km. Việc đưa H4 vào khai thác trước tiến độ 37 ngày với sản lượng ổn định đã giúp gia tăng doanh thu thêm 66,6 triệu USD, mang lại lợi nhuận kinh tế cho Dự án TGT hơn 20 triệu USD và hứa hẹn sẽ mang lại doanh thu khá trong năm 2012. Hiện doanh thu bán dầu so với tổng chi phí đầu tư của mỏ TGT đã ở mức cân bằng khi chưa đến một năm đưa vào khai thác. Đây là cột mốc cực kỳ ấn tượng đối với một dự án như H4 mỏ TGT.

TS Ngô Hữu Hải đón dòng dầu đầu tiên từ giàn H4 được chuyển về tàu FPSO Armada TGT 01

Những nỗ lực vượt bậc

TS Ngô Hữu Hải, Tổng giám đốc Hoàng Long JOC chia sẻ, đây là một “dự án trong mơ” đã trở thành sự thật. Bởi trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng giảm đột ngột, khó kiểm soát và khủng hoảng kinh tế chung hiện nay, có rất ít các dự án khai thác dầu khí đảm bảo chi phí bằng hoặc thấp hơn dự kiến. Khó khăn về chi phí và sự thất thường của giá cả thiết bị cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án. Hoàng Long JOC đã phải theo dõi sát sao tới hàng ngàn đầu việc, trong đó, chỉ cần việc nhỏ nhất như có một thiết bị về chậm hay sai chủng loại, cũng có thể gây chậm tiến độ cả dự án. Tổng thầu cho dự án H4 là Công ty Cổ phần Kết cấu Kim loại và lắp máy Dầu khí (PVC- MS) – đơn vị có lịch sử 28 năm hoạt động nhưng chưa bao giờ làm hợp đồng trọn gói, chưa có nhà xưởng, bến bãi hoàn chỉnh, tất cả đều vừa làm vừa xây dựng… Tuy nhiên, Hoàng Long JOC chứng tỏ họ đã đúng khi “chọn mặt gửi vàng”, tổng thầu PVC-MS đã nỗ lực không kể ngày đêm, làm việc vượt hơn khả năng vốn có để đáp ứng tất cả các yêu cầu gắt gao nhất. Có thời điểm, 500-600 lao động ở nhiều trình độ khác nhau cùng làm việc cả trên, dưới, trong và ngoài không gian chật chội của khối thượng tầng giàn H4, nhưng Hoàng Long JOC và PVC-MS đã không để xảy ra một sự cố, tai nạn đáng tiếc nào. Việc giàn H4 được đưa vào khai thác sớm không chỉ là một thành công mới của Hoàng Long JOC, mà còn tạo cơ hội rất quý giá cho PVC-MS, đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong việc thực hiện các hợp đồng EPCI (hợp đồng thiết kế, mua sắm, thi công, lắp đặt, hoàn thiện và chạy thử).

Tàu FPSO Armada TGT 01

Để có được thành công ấn tượng này, Hoàng Long JOC đã nỗ lực và quyết tâm hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn từ khâu thiết kế, mua sắm, chế tạo, lắp đặt, kết nối, chiến dịch khoan khai thác, bắn vỉa và vận hành thử các thiết bị khai thác... với một quy trình nghiêm ngặt, đòi hỏi rất gắt gao về tiến độ và chất lượng trong vòng một năm qua. Đây là kết quả tất yếu của một môi trường làm việc chuyên nghiệp, thực sự đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” của tập thể lao động quốc tế Hoàng Long JOC. Bên cạnh đó, một yếu tố rất quan trọng khác giúp Dự án H4 về đích sớm là Hoàng Long JOC luôn nhận được sự chỉ đạo, quan tâm sâu sắc của lãnh đạo PVN và các đối tác trong những tình huống khó khăn nhất, từ việc đàm phán, ký kết hợp đồng EPCI với Tổng thầu PVC-MS, cho đến việc thường xuyên trực tiếp kiểm tra, đôn đốc ngay tại công trường, chỉ đạo các nhà thầu Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình dầu khí biển (PTSC-POS) thi công ngoài khơi ưu tiên cho Dự án TGT.

Dự án H4 ghi dấu lần thứ hai Hoàng Long JOC về đích sớm hơn so với kế hoạch. Trước đó, vào 6 giờ 55 phút sáng ngày 22/8/2011, dòng dầu khí đầu tiên từ giàn H1 thuộc mỏ TGT cũng được đưa vào khai thác sớm 18 ngày, sau 12 năm đi tìm dòng dầu thương phẩm. Cùng với sản lượng khai thác ổn định từ mỏ Cá Ngừ Vàng của Hoàn Vũ JOC, Hoàng Long và Hoàn Vũ JOC trở thành nhà điều hành khai thác dầu khí đứng vị trí thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.

Phía trước còn nhiều thách thức lớn, nhưng hiện Hoàng Long JOC đang khẩn trương tiến hành thăm dò thẩm lượng, đưa vào khai thác thương mại khu vực H5 của mỏ TGT, nhằm gia tăng sản lương khai thác trong những năm tiếp theo, đồng thời hoàn thành việc kết nối các mỏ Hải Sư Đen và Hải Sư Trắng của Thăng Long JOC vào mỏ TGT nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho cả hai công ty. Chắc chắn khối lượng công việc lớn phía trước sẽ đặt ra nhiều thách thức, khó khăn, nhưng với một tập thể lao động quốc tế rất đoàn kết, năng động và sáng tạo, mong rằng Hoàng Long JOC sẽ tiếp tục ghi những dấu mốc ấn tượng trên con đường điều hành khai thác dầu và khí.

Thanh Loan

(Năng lượng Mới số 147, ra thứ Sáu ngày 17/8/2012)

DMCA.com Protection Status