Huyền thoại về ông Phan Tử Quang

14:31 | 10/08/2011

3,318 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ông Phan Tử Quang là Đại tá quân đội, từng là Cục trưởng Cục Xăng dầu quân đội, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Dầu khí Việt Nam. Nhìn ông già tóc bạc với dáng người nhỏ, giọng nói nhẹ nhàng cùng khuôn mặt đôn hậu ấy, ít ai nghĩ rằng, ông từng có rất nhiều năm bôn ba sóng gió, đi qua hai cuộc trường trinh cứu nước và làm nên nhiều huyền thoại với ngành Dầu khí Việt Nam.
Huyền thoại về ông Phan Tử Quang
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Phan Tử Quang vinh dự được đón dòng dầu đầu tiên ở mỏ Bạch Hổ.

Căn phòng tập thể nơi ông sinh sống trên phố Trần Nguyên Hãn chật kín những bức ảnh kỷ niệm một thời công tác và bề bộn sách vở, báo chí nói về ngành Dầu khí mà ông vẫn đọc, vẫn theo dõi hàng ngày, dù năm nay ông đã ngót 90 tuổi.

Đường ống xăng dầu vượt "tam giác lửa”

Phan Tử Quang sinh ra trong một gia đình cách mạng, có bố là ông đồ viết chữ nho đẹp nổi tiếng. Mẹ ông có một sạp vải ngoài chợ thị xã, thu nhập khá nên thường xuyên bí mật nuôi giấu, giúp tiền thuốc thang cho những người tù Cộng sản.

Năm 1938, Phan Tử Quang được bố mẹ cho ra Hà Nội học ở Trường trung học Thăng Long. Ở đây, ông đã được thầy giáo Võ Nguyên Giáp dạy môn Lịch sử. Từ những bài học lịch sử khuyến khích lòng yêu nước ấy, cậu thanh niên trẻ đã sớm giác ngộ cách mạng. Và khi mới chỉ 18 tuổi, Phan Tử Quang đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Cách mạng Tháng Tám thành công, cuối năm 1946, ông được cử về Hà Nội học chính trị khóa đầu tiên. Năm 1947, ông được điều động vào quân đội, làm Trưởng phòng Thanh tra, Cục Quân nhu, tiếp đó là Giám đốc Sở Quân nhu Quân khu 10 rồi Trưởng phòng Chính trị Cục Quân nhu. Cái nghiệp xăng dầu bắt đầu gắn bó với ông từ năm 1955 khi ông được điều sang làm việc Phòng xăng dầu thuộc Tổng cục Hậu cần.

Từ tháng 2/1967 đến tháng 3/1968, Đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang chiến tranh, đánh phá miền Bắc bằng không quân, hải quân và pháo binh. Ông Quang kể lại: Lúc đó, tình hình xăng dầu cung cấp cho chiến trường phía Nam vô cùng khó khăn, vất vả. Đoàn 559 có 2.000 xe nhưng chỉ sử dụng được một nửa, có lúc chỉ được 20% lượng xe do thiếu xăng. Có ngày, 500 chiến sĩ của ta chỉ vận chuyển được 10m3 xăng ra tiền tuyến. Hầu hết các chiến sĩ đều bị bỏng, số chiến sĩ bị thương và hy sinh khi vận chuyển xăng dầu cứ tăng dần lên. Cả nghìn chiếc xe tải trên tuyến 559 phải nằm “chết lặng chờ xăng”.

Những ngày cuối năm 1967, sau khi đường ống dã chiến do Liên Xô viện trợ đã vào Việt Nam rất nhiều anh em đã suy nghĩ đặt câu hỏi không biết nên dùng đường ống này vào đâu. Có người cho rằng, nên dùng nó để làm phương tiện tiếp nhận xăng dầu ở các cảng tàu biển để bơm vào đất liền.

Ông Quang nhớ lại, sau một thời gian suy tính, Quân ủy Trung ương đã đồng ý đưa đường ống vào lắp đặt để chuyển xăng dầu từ Lạng Sơn và Móng Cái đến Quảng Bình, vượt qua dãy Trường Sơn để vào miền Nam. Đường ống dự định dài hơn 5.000km. Thế là việc sử dụng đường ống dã chiến đã có hướng cụ thể.

Tiếp nhận chỉ thị làm đường ống chuyển xăng dầu vượt Trường Sơn trong điều kiện địch đánh ác liệt cũng là điều quá khó khăn, khó tin nổi. Khó khăn thì có nhiều, nhất là một số anh em hiểu biết về đường ống học ở Liên Xô về không có nhiều, lại chưa hề có kinh nghiệm lắp đặt đường ống phục vụ chiến đấu. Cuối năm 1967, Liên Xô cử hai chuyên gia đến Việt Nam giúp huấn luyện lắp ráp và sử dụng đường ống dã chiến. Ông Quang lập tức tổ chức ngay một lớp huấn luyện ở Đồng Quang, Phú Xuyên hướng dẫn anh em cách quản lý và vận hành đường ống.

Đúng 18 giờ ngày 22/6/1968 gần bến đò Vạn Rú trên dòng sông Lam chứng kiến một sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng: Tổ chức đưa đường ống vận chuyển xăng dầu vượt dòng sông Lam. Trong điều kiện thi công ngay trong khu vực địch bắn phá ác liệt, mọi động tĩnh của ta đều có thể bị chúng phát hiện và xả bom suốt ngày đêm. Ta phải thi công hết sức bí mật.

Thế rồi, những chiếc ống cứ nối đuôi nhau nhích dần về phía bờ nam trong sự hồi hộp, phấn chấn tột độ của mọi người. Đúng 5 giờ sáng ngày 23/6/1968, anh chị em hoàn thành việc đưa tuyến đường ống nặng gần 3 tấn qua sông Lam. Ông Quang nhớ lại: “Chỉ khi kéo đường ống vượt qua được sông Lam, chúng tôi mới tin rằng mình sẽ hoàn thành nhiệm vụ và có thể lắp ống đi xa hơn”.

Ông Phan Tử Quang vẫn còn nguyên cảm giác hạnh phúc của cái đêm 30 tết năm Kỷ Dậu, khi ông đang ngồi trong Sở Chỉ huy của Công trường 18 ở Cổng Trời chờ đón nghe Bác Hồ chúc mừng năm mới thì được đồng chí Tham mưu trưởng tác chiến của Đoàn 559 Phan Lang gọi điện chúc mừng: “Anh Quang ơi! Thật là tuyệt vời – dòng xăng ngầm đã được nối liền!”.

Cái duyên với ngành Dầu khí

Chỉ sau 3 tháng sau ngày miền Nam giải phóng, ngày 9/8/1975, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 244 về việc triển khai, thăm dò dầu khí trong cả nước. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3/9/1975, Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị ký Quyết định thành lập Tổng cục Dầu khí Việt Nam. Mặc dù bộ máy tổ chức lúc đầu còn đơn giản nhưng tất cả đều náo nức hăng say lao vào công việc, vừa làm, vừa học, vừa triển khai tổ chức thành lập các đơn vị kiện toàn bộ máy quản lý. Những kết quả khảo sát tìm kiếm thăm dò dầu khí thềm lục địa phía Nam được hoàn thành đã mở ra triển vọng to lớn cho ngành Dầu khí Việt Nam.

Ông Quang kể lại: “Tháng 11/1975, tôi nhận được điện của đồng chí Lê Văn Lương, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng yêu cầu tôi ra Bắc làm việc. Nhận được tin này, lòng tôi vô cùng phấn chấn”.

Ông Lê Văn Lương đã tiếp anh chiến sĩ trẻ Phan Tử Quang tại Văn phòng Trung ương Đảng. Hai anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng, thế rồi ông Lương nói: “Chiến tranh đã qua rồi, chúng ta phải lo hàn gắn vết thương và xây dựng nền kinh tế đất nước. Chúng tôi muốn điều động anh từ Bộ Quốc phòng sang Tổng cục Dầu khí công tác”.

Huyền thoại về ông Phan Tử Quang
Tuy tuổi đã cao nhưng ngày ngày ông Phan Tử Quang vẫn chăm chỉ đọc sách.

Ông Quang nghĩ hồi lâu rồi trả lời:

- Tôi là người của Đảng, tôi xin nhận nhiệm vụ mà Đảng giao cho

Ông Lương phấn khởi nói:

- Ban Tổ chức Trung ương Đảng quyết định điều anh sang làm Tổng cục phó Tổng cục Dầu khí. Trong khi chưa tìm được người thay anh, anh vẫn kiêm nhiệm làm Cục trưởng Cục Xăng dầu Quân đội.

Như vậy là từ tháng 11/1975, ông Phan Tử Quang đã chính thức tham gia điều hành một đơn vị hoạt động kinh tế. Mấy tháng sau, anh được Tổng cục Dầu khí cử sang Pháp nghiên cứu 3 tháng. Pháp là nước có nhiều kinh nghiệm kỹ thuật về lắp ráp.

Về nước, ông được phân công phụ trách tài chính và xây dựng cơ bản của ngành Dầu khí. “Công việc đầu tiên của tôi là cùng các chuyên gia nghiên cứu thành lập Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, lúc đó Việt Nam còn trắng tay, chưa hề có cơ sở hạ tầng nào ở Vũng Tàu. Trên cử tôi vào Vũng Tàu tổ chức xây dựng cơ bản. Công việc cần thiết đầu tiên là tổ chức xây dựng khu cảng dịch vụ dầu khí. Việc này gặp khó khăn bởi phía Liên Xô cũng không có nhiều kinh nghiệm trong mảng việc này”, ông Quang nhớ lại.

Trước khó khăn ấy, ông Quang tự mình cầm bản thiết kế sang Bộ Giao thông, bàn bạc và quyết định phía Việt Nam có thể tự mình xây dựng cảng. Cứ như thế, vừa làm vừa tham khảo, không làm được thì tiến hành làm lại, chỉ sau hơn 3 tháng, cảng dịch vụ dầu khí đầu tiên ở Vũng Tàu đã khánh thành. Trị giá công trình được đánh giá cao. Do không phải thuê nước ngoài nên đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỉ đồng.

Khi Liên Xô chỉ định đặt giàn khoan số 4 ở Vũng Tàu, một số đồng chí đã tỏ ý không tin tưởng và cho rằng, giàn khoan số 4 không có dầu, khoan chỉ tốn kém. Phía Liên Xô thì kiên quyết để giàn khoan mà không chịu rời đi. Đứng giữa tình hình một bên muốn khoan, một bên phản đối, ông Quang đã gặp anh em ở Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Dầu khí. Khi đó anh Quang có hỏi về nhận định của tôi. Tôi khẳng định rằng, phía Liên Xô đã khảo sát rất kỹ, chắc chắn là lỗ khoan số 4 có dầu”.

Và chỉ cần có thế, ngay ngày hôm sau, ông Quang bay ra Hà Nội để báo cáo với Phó thủ tướng Đỗ Mười. Từ ý kiến của ông Quang, đồng chí Đỗ Mười điện khẩn vào Vũng Tàu với nội dung: Kiên quyết khoan giếng khoan số 4, không dời đi đâu”.

Sau khi nhận được điện của Phó thủ tướng, anh em ai nấy đều rất mừng. Và thực tế đã chứng minh nhận định của phía Liên Xô, của ông Ngô Thường San và của ông Phan Tử Quang là hoàn toàn đúng đắn. Giếng khoan số 4 sau khi hoàn thành đã có thể khai thác 500 tấn dầu một ngày. Ông Ngô Thường San kể: “Nếu anh Phan Tử Quang không tích cực báo cáo sự việc lên cấp trên, chắc chắn giếng khoan số 4 sẽ bị ném vào im lặng”.

Những quyết định táo bạo

Ở mỏ dầu Bạch Hổ, ấn tượng về ông Phan Tử Quang cũng rất sâu đậm với phần đông anh em công nhân và kỹ sư lao động tại đó. Thời gian bắt đầu khai thác mỏ Bạch Hổ, khi chưa phát hiện ra tầng móng có sản lượng cao, nhiều nhà địa chất (kể cả Liên Xô và Việt Nam) cho rằng, mỏ Bạch Hổ trữ lượng còn mơ hồ, đầu tư để tiếp tục khai thác ở mỏ Bạch Hổ là không kinh tế. Nhiều người còn khẳng định: Đầu tư giàn khoan khai thác số 1 và số 2 cùng các công trình trên bờ trước đây tốn 600 triệu USD ở mỏ Bạch Hổ là đem vứt tiền xuống biển.

Trước tình hình căng thẳng đó, ông Phan Tử Quang bàn với các chuyên gia, cộng sự của mình chuẩn bị báo cáo về tình hình địa chấn của mỏ Bạch Hổ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ấy là Phó thủ tướng phụ trách Khoa học – Kỹ thuật đã bay vào Vũng Tàu vào ngay sau đó để bàn về vấn đề nên hay không nên đầu tư khai thác dầu ở mỏ này

Huyền thoại về ông Phan Tử Quang
Đồng chí Lê Duẩn (bên trái) Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam trao đổi với đồng chí Phan Tử Quang trước khi sang Liên Xô đàm phán về vấn đề dầu khí (1979)

Trong cuộc họp quan trọng về vấn đề này, ông Quang và nhiều chuyên gia khác kiên quyết giữ lập trường. Phó thủ tướng Võ Nguyên Giáp đã báo cáo Chính phủ và sau đó quyết định tiếp tục đầu tư tại mỏ Bạch Hổ. Kết quả là: khi khoan lại 4.000 tầng móng tại Bạch Hổ đã cho trữ lượng dầu thương phẩm rất lớn để cho đến nay, mỏ Bạch Hổ đã khai thác trên 100 triệu tấn dầu và vẫn đang tiếp tục khai thác.

Về việc xây dựng chân đế giàn khoan, với ông Phan Tử Quang cũng thật lắm kỷ niệm. Ông Quang kể: Chân đế giàn khoan của ta thường có tải trọng khoảng 140 tấn, cao 30m, kết cấu bằng kim loại, chịu tải lớn, mỗi giàn khoan phải có tuổi thọ từ 40-60 năm. Lúc đầu, nước ngoài cho rằng, với trình độ khoa học kỹ thuật của Việt Nam thì không thể xây dựng được chân đế giàn khoan trên biển, bản thân chúng tôi cũng thấy rằng, công việc này quá mới, không ai làm nổi. Tuy nhiên, về mặt chiến lược, ta không thể mãi bị phụ thuộc, ta phải vừa làm, vừa học rồi dần dần tự làm lấy. Qua việc lắp chân đế giàn khoan thử đầu tiên do Liên Xô tiến hành, các kỹ sư của ta cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm. Ta có thợ hàn giỏi, có thợ lái cần cẩu hạng nặng không thua kém bạn, ta hoàn toàn có thể tự tổ chức sản xuất và lắp đặt chân đế giàn khoan”.

Vào thời kỳ ấy, ông Đỗ Mười giao cho ông Phan Tử Quang trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng cơ bản chân đế giàn khoan thứ hai. Các lực lượng cơ giới, xây lắp chuyên ngành của Bộ Xây dựng được đưa sang hỗ trợ việc xây lắp chân đế giàn khoan. Và niềm vui ngoài mong đợi đã đế. Nhờ có quyết tâm cao, chỉ đạo thường xuyên, sử dụng đúng lực lượng, chúng ta đã tự xây dựng được chân đế giàn khoan thứ hai. Ông Quang kể: “Đối với những mối hàn quan trọng, định vị khung thép trên không, chúng tôi đều ghi tên từng người hàn. Bởi vì chỉ cần hàn sai một định vị thì các mối hàn không ghép nối được được sẽ bị cong. Việc chúng ta tự làm được chân đế giàn khoan đã tiết kiệm được rất nhiều tiền của cho đất nước”.

Rất nhiều đồng đội, đồng nghiệp của ông Phan Tử Quang đều nhận xét rằng, ông Quang là một người rất sáng tạo và linh hoạt trong công việc. Trước đây, mỗi khi bắc giàn khoan phải làm cầu, làm đường để đưa giàn khoan vào vị trí. Ông Quang thường cho rằng, làm nhưng vậy kinh phí quá lớn và lãng phí. Với các đoạn sông phải làm cầu, ông Quang thường yêu cầu bên công binh chi viện phà đưa qua sông, không phải bắc cầu.

Mỗi khi khoan địa chấn, anh em phải dùng một diện tích quá rộng nên thường ảnh hưởng đến hoa màu của nông dân. Ông Quang đã có sáng kiến dùng khoan nước nhanh hơn và tiết kiệm hơn.

Khi thiết kế nhà điện lạnh, ngay Liên Xô cũng lại phải thuê chuyên gia nước khác vào làm. Để tiết kiệm chi phí, ông Quang đã “liều lĩnh” yêu cầu để Việt Nam tự làm. Ông tự mình nghiên cứu toàn bộ bản thiết kế và kiểm tra các thiết bị. Ông cho mời hai kỹ sư của các xí nghiệp xây dựng nổi tiếng của Vũng Tàu để bàn bạc và mời ba chuyên gia của Phần Lan giúp đỡ lắp ráp.

Khi xây dựng trạm biến thế điện, Liên Xô yêu cầu đóng rất nhiều cọc xung quanh. Ông Quang nghiên cứu và cho rằng, hệ thống cọc sẽ tốn rất nhiều sắt thép, xi măng, công vận chuyển lớn nên ông đã yêu cầu Liên Xô bỏ hệ thống cọc này bởi chúng không ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

“Đến bây giờ, khi lượng dầu khai thác được của ta lên đến hàng triệu tấn để xuất đi các nước thì tôi vẫn luôn nhớ đến những chai dầu đầu tiên ở Đồng Ho được chưng cất ra từ đá ngậm dầu và nhớ tới lời của Bác Hồ: “Đất nước mình sẽ có dầu”, ông Quang bồi hồi nhớ lại.

Nói về mình, ông Quang chỉ cười: Tôi là người có duyên với ngành Dầu khí. Khi còn trẻ, tôi muốn học làm bác sĩ để chữa bệnh cứu người. Số phận run rủi, đẩy đưa, ông đã có 25 năm gắn bó với ngành Xăng dầu quân đội, 15 năm với ngành Dầu khí. Cả một đời cống hiến của ông đã gắn với xăng dầu.

Ông Quang nghỉ hưu ở tuổi 67, nhưng từ khi có quyết định nghỉ hưu đến nay, ông vẫn luôn nhận được nhiều lời mời làm việc của các công ty trong và ngoài nước. Người cựu chiến binh ấy luôn sống và làm việc hết mình bằng cái tâm, tài năng và nhiệt huyết để cống hiến thật nhiều cho đất nước.

{lang: 'vi'}

Vũ Minh Tiến

DMCA.com Protection Status