JETP và những thách thức đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam

06:00 | 29/01/2023

15,330 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Sau Nam Phi và Indonesia, Việt Nam là quốc gia thứ ba đạt được thỏa thuận thành lập Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership - JETP). Những vấn đề liên quan cần được cân nhắc khi triển khai JETP tại Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris đúng thời điểm, đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng phù hợp với chính sách của Việt Nam. TS. Đặng Thị Thúy Hạnh - chuyên gia của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) trao đổi về chủ đề này.

PV: JETP là cơ chế hợp tác tài chính mới với mục đích giúp một số nền kinh tế mới nổi phụ thuộc nhiều vào than đá thực hiện quá trình chuyển sang sử dụng năng lượng sạch một cách công bằng. Xin chị cho biết các điểm chính trong JETP của Việt Nam?

TS. Đặng Thị Thúy Hạnh - chuyên gia của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI)
TS. Đặng Thị Thúy Hạnh - chuyên gia của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI)

TS. Đặng Thị Thúy Hạnh: Theo JETP được ký ngày 14/12/2022, có ít nhất 15,5 tỷ USD sẽ được tài trợ dưới hình thức chủ yếu là cho vay ưu đãi trong khoảng từ 3 - 5 năm để hỗ trợ cho quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng, một nửa số đó được huy động từ tài chính khu vực công với các điều khoản ưu đãi hơn thông thường. Một nửa còn lại được huy động và tạo điều kiện từ tài chính tư nhân, để Việt Nam:

Đạt đỉnh thải toàn bộ khí nhà kính vào năm 2030, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch. Đỉnh phát thải từ sản xuất điện, theo kế hoạch hiện tại là 240 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2035 với sự hỗ trợ quốc tế (giảm từ 280 triệu tấn CO2 tương đương trước COP26), sẽ được đẩy sớm lên năm 2030 với đỉnh phát thải không quá 170 triệu tấn CO2 tương đương.

Giới hạn công suất điện than, hiện theo kế hoạch là 37 GW, hướng giảm xuống còn 30,2 GW, đưa ra lộ trình giảm phát thải để loại bỏ dần sản xuất điện than sau đó. Phát triển các trung tâm (hubs) năng lượng tái tạo, sản xuất pin lưu trữ và thiết bị năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi kết hợp thủy sản… Hướng tới thành lập các trung tâm hàng đầu về năng lượng tái tạo (kiến thức kỹ thuật, pháp lý, quản lý…); tiềm năng ứng dụng thu hồi, tàng trữ và sử dụng CO2 (CCUS) của Việt Nam được đề cập.

Tỷ trọng năng lượng tái tạo theo kế hoạch hiện nay là 36%, hướng tới tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm tối thiểu 47% (bao gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời và thủy điện) vào năm 2030.

Về chính sách, cải thiện khung pháp lý nhằm mở rộng đầu tư công và tư nhân vào Việt Nam, tập trung vào năng lượng tái tạo và chuyển dịch năng lượng công bằng, có tính đến các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và củng cố lưới điện.

PV: Tại COP27, Nam Phi đã công bố Kế hoạch thực hiện JETP (JETP IP), trong đó đưa ra các yêu cầu đầu tư ưu tiên trong lĩnh vực điện, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng mới và lĩnh vực hydrogen xanh. Chị có thể cho biết Nam Phi đã xây dựng kế hoạch như thế nào?

TS. Đặng Thị Thúy Hạnh: Để đạt được các mục tiêu của JETP IP, khoản tài chính cần thiết Nam Phi đưa ra là 98 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 8,5 tỷ USD được cam kết hỗ trợ. Điều này cho thấy nhu cầu đầu tư cho chuyển dịch năng lượng rất cao, phần hỗ trợ theo JETP chỉ chiếm 1 tỷ trọng nhỏ. Khoản tài trợ 8,5 tỷ USD của IPG sẽ hướng tới việc hỗ trợ các nhu cầu cấp thiết được thể hiện trong Kế hoạch đầu tư (Just Energy Transition Investment Plan - JET IP), đó là i) tăng cường và mở rộng lưới truyền tải và phân phối; ii) ngừng hoạt động và tái sử dụng các nhà máy than; iii) đẩy nhanh đầu tư năng lượng tái tạo; iv) các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả và v) chuẩn bị và bố trí cơ sở hạ tầng xã hội để tạo điều kiện chuyển dịch năng lượng công bằng cho người lao động, cộng đồng và các địa điểm liên quan bị ảnh hưởng, bao gồm cơ hội tạo việc làm ở các khu vực khai thác than bị ảnh hưởng. Như vậy, JETP giống như 1 gói hỗ trợ mang tính khơi mào, thúc đẩy nhanh hơn quá trình dịch chuyển. Quốc gia nhận hỗ trợ vẫn phải tự lực, huy động mọi nguồn lực khác có thể, kể cả trong nước và quốc tế.

Cấu trúc các quốc gia trong JETP.
Cấu trúc các quốc gia trong JETP

PV: Theo chị, IPG có hỗ trợ cho việc chuyển từ sử dụng than sang sử dụng khí đốt như “cầu nối” trước khi chuyển hẳn sang sử dụng năng lượng tái tạo?

TS. Đặng Thị Thúy Hạnh: Quan điểm sử dụng khí từ nguồn hóa thạch làm cầu nối trong quá trình tiến tới Net Zero đang có thay đổi. Theo Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Liên bang, CHLB Đức, trong bản cập nhật mới nhất của Chiến lược hydrogen Quốc gia, lần đầu tiên hydrogen lam, sản xuất từ nguồn hóa thạch kết hợp sử dụng CCUS để khử thải CO2, cũng sẽ được xúc tiến. Điều này chưa được đề cập tới trong lần xuất bản thứ nhất vào năm 2020. Tuy nhiên, hydrogen lam sẽ không đủ điều kiện nhận các khoản trợ cấp theo Hợp đồng về chênh lệch (Contracts for Difference) đã được lên kế hoạch của EU.

Có thể thấy, việc ưu tiên năng lượng tái tạo là hàng đầu nhưng cũng cần tính đến khả năng đáp ứng của chúng trong trung hạn và dài hạn để xác định mức độ ưu tiên và có giải pháp thích hợp, như vậy sẽ đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng. Thêm vào đó, JETP cũng thừa nhận Việt Nam có thể sử dụng CCUS cho các ngành khó giảm thải để đạt mục tiêu.

Theo Viện Phát triển Bền vững Quốc tế (IISD), việc chuyển dịch từ than đá sang khí hóa thạch, thông qua JETP hoặc bất kỳ nguồn tài chính công quốc tế, sẽ không tạo thành sự chuyển dịch bền vững và công bằng mà mô hình JETP đại diện. Cho đến nay, các quốc gia tài trợ đã đồng ý rằng tài chính của JETP không được sử dụng cho nhiên liệu hóa thạch. Trong trường hợp này, nếu cần chuyển dịch từ than sang khí như một bước đệm cho quá trình chuyển dịch thì quốc gia chuyển dịch cần có kế hoạch huy động từ các nguồn khác.

PV: Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao, việc tăng mục tiêu giảm phát thải và đẩy nhanh đạt đỉnh thải vào năm 2030 của khí nhà kính nói chung và điện nói riêng là thách thức rất lớn. Theo chị, cần làm gì để thúc đẩy phát triển nhanh năng lượng tái tạo?

TS. Đặng Thị Thúy Hạnh: Giải pháp khả thi khi phải giảm bớt điện than là thúc đẩy triển khai nhanh năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió). Như vậy, cần phải tích hợp năng lượng tái tạo ở mức cao hơn, do đó đòi hỏi lượng vốn rất lớn đầu tư cho hệ thống lưới truyền tải, hạ tầng công nghệ điều độ hệ thống, công nghệ AI, phát triển công nghệ về dự trữ năng lượng như thủy điện tích năng, pin tích trữ điện, các công nghệ hydrogen, CCUS…

Vì chuyển dịch năng lượng sẽ tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới, nên hầu như chưa có hành lang pháp lý cho những lĩnh vực mới này. Cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các nước, xây dựng lộ trình để ban hành cơ sở pháp lý và chính sách, cơ chế cho những lĩnh vực mới này.

Bên cạnh đó, nhu cầu về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý, áp dụng công nghệ, vận hành trong chuỗi giá trị các lĩnh vực điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, CCUS, hydrogen. Việt Nam cần tranh thủ tài trợ để nhận chuyển giao công nghệ, đào tạo, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.

PV: Gói hỗ trợ đã công bố cho Nam Phi, Indonesia và Việt Nam là khởi điểm cho quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng. Theo chị, Việt Nam cần chuẩn bị những gì để triển khai JETP?

TS. Đặng Thị Thúy Hạnh: Trong thời gian 1 năm tới đây dành cho việc đàm phán chi tiết cụ thể về các điều khoản tài chính, kế hoạch cải cách, cơ cấu điều phối..., để xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực (Resources Mobilization Plan), Việt Nam cần lưu ý xây dựng RMP khả thi, khoa học, tận dụng nguồn tài trợ này phục vụ hiệu quả cho quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng.

Việc triển khai JETP cần được chú trọng và xem xét thấu đáo về cách thức hoạt động của các loại mô hình tài trợ sáng tạo này như thế nào, sẽ đạt được gì cho giảm thiểu biến đổi khí hậu và những nguy cơ nào cần tránh.

Các khía cạnh “công bằng” cần có tỷ trọng hợp lý trong gói tài trợ. Trong khi các khoản vay quốc tế, bảo lãnh và tài chính tư nhân sẽ giúp tăng quy mô đầu tư cơ sở hạ tầng, khoản tài trợ không hoàn lại (hoặc ưu đãi cao) quan trọng hơn để giảm bớt tác động đối với những cộng đồng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi quá trình chuyển dịch kinh tế.

Mọi chính sách đều có thể được điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế đối với cả hai bên, bên tài trợ và bên nhận tài trợ. Khi các nguyên tắc sử dụng tài chính công của JETP được áp dụng linh hoạt dựa trên những tư duy được cập nhật mới nhất để quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng sẽ tạo thuận lợi cho việc triển khai JETP đạt mục tiêu của Hiệp định Paris đúng thời điểm, đồng thời bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng, phù hợp với chính sách của Việt Nam.

Chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam theo đánh giá của UNDP, có thể cần đến 60 tỷ USD/năm từ nay cho đến 2050. JETP là bước đầu và sẽ cần nhiều chương trình hỗ trợ khác, cần huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế.

PV: Trân trọng cảm ơn chị!

JETP đầu tiên được công bố tại Hội nghị các bên về biến đổi khí hậu lần thứ 26 của Liên hợp quốc (COP26) ở Glasgow, theo đó Nam Phi được Pháp, Đức, Vương quốc Anh, Mỹ và EU cam kết tài trợ 8,5 tỷ USD. Sau Nam Phi sẽ là JETP với các quốc gia khác, bao gồm Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ (dự kiến vào tháng 7/2023) và Senegal.
“Xu hướng chuyển dịch năng lượng và hàm ý chính sách đối với ngành dầu khí Việt Nam”“Xu hướng chuyển dịch năng lượng và hàm ý chính sách đối với ngành dầu khí Việt Nam”
Công nghệ thúc đẩy xu hướng chuyển dịch năng lượng tại Việt NamCông nghệ thúc đẩy xu hướng chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam
NCSP tổ chức Hội thảo về chuyển đổi số và sáng tạo trong công việcNCSP tổ chức Hội thảo về chuyển đổi số và sáng tạo trong công việc
Cơ hội cho Petrovietnam trong chuyển dịch năng lượngCơ hội cho Petrovietnam trong chuyển dịch năng lượng

Việt Hà

DMCA.com Protection Status