Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng:

Kiến nghị xem xét chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng và thị trường LNG

10:27 | 12/10/2023

4,100 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Để thích ứng kịp thời với bối cảnh phát triển năng lượng trong giai đoạn mới, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh, chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng và thị trường LNG...

Sáng 12/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.

Kiến nghị xem xét chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng và thị trường LNG
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” trình bày báo cáo. Ảnh: quochoi.vn

Trình bày Báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, với định hướng chiến lược đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia, ủng hộ của người dân, ngành năng lượng nước ta đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực; bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu cụ thể đề ra.

Về cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Công nghiệp khai thác dầu khí, lọc hóa dầu tiếp tục phát triển, hình thành được một số cơ sở lọc hóa dầu quy mô lớn. Đã đầu tư xây dựng nhiều dự án mỏ than có công suất lớn; sản lượng khai thác than thương phẩm tăng. Thủy điện phát triển nhanh. Đặc biệt, gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao.

Đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng được quan tâm. Đã bước đầu thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường; huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước.

Đoàn giám sát nhận định, ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước. Theo báo cáo của Chính phủ, kịch bản phát triển bình thường với mức tăng trưởng GDP trung bình, tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng được dự báo là 113 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và đạt 194 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng chỉ ra việc triển năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, đặc biệt đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ năm 2022, thiếu điện một số thời điểm của năm 2023; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.

Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ. Trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hóa và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hóa cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động trong một số lĩnh vực còn thấp.

Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ. Công tác bảo vệ môi trường trong ngành năng lượng có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức, gây bức xúc xã hội.

Kiến nghị xem xét chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng và thị trường LNG
Toàn cảnh Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/10. Ảnh: quochoi.vn

Đoàn giám sát nhận định, những hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu; đồng thời nêu ra một số bài học kinh nghiệm.

Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, thích ứng kịp thời với bối cảnh trong giai đoạn mới, Đoàn giám sát kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Theo đó, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay giai đoạn 2024-2025:

Tập trung rà soát, trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật khác để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn khi triển khai đầu tư các dự án, hạ tầng năng lượng, cụ thể:

Về thị trường năng lượng, chính sách giá điện, giá than, giá xăng dầu, Đoàn giám sát kiến nghị nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh.

Về bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư và nguồn vốn thực hiện các dự án năng lượng, Đoàn giám sát kiến nghị rà soát, đánh giá tính khả thi của các dự án nguồn và lưới điện dự kiến thu hút đầu tư hoặc được cam kết đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2023-2030; Nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi về đầu tư, phát triển, quản lý hệ thống kho, cảng dự trữ xăng dầu tại khu vực Bắc-Trung-Nam để đáp ứng yêu cầu về dự trữ, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Về LNG, Đoàn giám sát kiến nghị xem xét ban hành chính sách ưu tiên triển khai xây dựng hạ tầng kho cảng nhập khẩu LNG theo hướng phát triển các kho cảng LNG trung tâm có công suất lớn, gần các trung tâm điện lực sử dụng LNG để tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng vận chuyển, phân phối khí, tối ưu hóa chi phí và giảm giá thành sản xuất điện...

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, điều tra và kết luận, xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng; trong năm 2023, làm rõ nguyên nhân gây ra khoản lỗ của các tập đoàn/tổng công ty nhà nước phát triển năng lượng trong thời gian vừa qua.

Đồng thời, Đoàn giám sát đã kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp trung và dài hạn (đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). Cụ thể: Hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng; Huy động nguồn lực trong xã hội, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; Nâng cao năng lực, trình độ khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng; Phát triển các nguồn cung năng lượng theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, đảm bảo tính hiệu quả, tin cậy và bền vững; Cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả; Phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; thúc đẩy nhanh xã hội hóa các cơ sở hạ tầng và dịch vụ trong ngành năng lượng;

Đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa; Phát triển công nghiệp, thiết kế, chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng với mục tiêu nâng cao nội lực, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa; Thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, chuyển dịch năng lượng công bằng; Chủ động và tích cực hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng.

Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng kiến nghị Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và các dự án trọng điểm cần tập trung tháo gỡ, giải quyết trong lĩnh vực năng lượng.

Cần làm rõ tình trạng phân tán, cục bộ, thiếu gắn kết giữa các phân ngành năng lượngCần làm rõ tình trạng phân tán, cục bộ, thiếu gắn kết giữa các phân ngành năng lượng
Sớm hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển ngành năng lượngSớm hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển ngành năng lượng
Petrovietnam cập nhật diễn biến của xu thế kinh tế tuần hoàn và Petrovietnam cập nhật diễn biến của xu thế kinh tế tuần hoàn và "hàm ý" đối với ngành năng lượng

P.V

DMCA.com Protection Status