Kỷ niệm đáng nhớ của những người "đi tìm lửa"

17:25 | 26/11/2018

1,975 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nhân dịp kỷ niệm 57 năm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí (27/11/1961 - 27/11/2018), phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có dịp trò chuyện, được lắng nghe những chia sẻ của các cán bộ lão thành trong ngành Dầu khí về những kỷ niệm một thời “đi tìm lửa” của mình và đồng nghiệp. Trân trọng giới thiệu với độc giả kỷ niệm sâu sắc của những người “đi tìm lửa” ngày ấy.

Nguyên Phó tổng giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, nguyên Ủy viên Ban Liên lạc Hưu trí Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Lê Quang Trung: Vẫn luôn theo dõi từng bước đi của ngành

ky niem dang nho cua nhung nguoi di tim lua

Tôi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1962, sau đó tôi về Tổng cục Địa chất và công tác địa chất của Đoàn 6 Tây Bắc. Đến tháng 5/1967 thì tôi là 1 trong 4 người của Tổng cục Địa chất được cử sang Liên Xô học về dầu khí, đến 1971 thì về nước và về Liên đoàn 36 Hưng Yên, đó là Liên đoàn Dầu khí đầu tiên của Việt Nam. Chúng tôi về đúng năm 1971 khi chiến tranh phá hoại miền Bắc đang diễn ra, lãnh đạo Liên đoàn Dầu khí đề nghị chúng tôi đứng ra thành lập Đoàn 36E, đó là đoàn làm dầu khí biển ở vịnh Bắc Bộ.

Chúng tôi lập phương án, báo cáo với Tổng cục Địa chất, xuống Hải Phòng liên hệ với UBND tỉnh Hải Phòng xin địa điểm để đặt Đoàn 36E làm dầu khí vịnh Bắc Bộ, nhưng mới làm xong dự án thì năm 1972 Mỹ đánh phá 12 ngày đêm phong tỏa vịnh Bắc Bộ, thả thủy lôi nên không thể nào làm được. Sau đó Liên đoàn 36 tách ra, tôi về đoàn 36B tiền thân của Viện Dầu khí bây giờ.

Đến 5/5/1975 sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi cùng 5 người bay vào Sài Gòn để tiếp quản tài liệu dầu khí của chính quyền ngụy Sài Gòn.

Kỷ niệm đầu tiên đối với tôi đó là khi vào tiếp quản tài liệu, đa số mọi người học ở các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô, Rumania và các nước khác nên chỉ biết tiếng Nga và các nước xã hội chủ nghĩa, không biết tiếng Anh. Vào đấy chúng tôi phải thuyết phục những người cùng ngành địa chất trước làm cho chính quyền ngụy Sài Gòn ở lại giúp việc dịch và báo cáo lại toàn bộ quá trình hoạt động dầu khí của thềm lục địa phía Nam và sau đấy chúng tôi thu thập được tài liệu và báo cáo ra ngoài Bắc, báo cáo với Tổng cục Địa chất. Sau đó Tổng cục Địa chất báo cáo với Chính phủ và ngày 3/9/1975 Chính phủ quyết định thành lập Tổng cục Dầu khí.

Sau đó, tôi được Tổng cục Dầu khí cử vào Nam bổ nhiệm làm Đoàn trưởng Đoàn Dầu khí 21 và là người đầu tiên cùng với 47 cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý xuống Vũng Tàu xây dựng căn cứ dầu khí, đặt cơ sở đầu tiền làm dầu khí ở Vũng Tàu.

Đến năm 1984 tôi được điều lên làm Phó tổng giám đốc Liên doanh Vietsovpetro, năm 1989 làm kiêm nhiệm Bí thư, Phó tổng bí thư cho đến năm 2000 và đến năm 2002 thì tôi nghỉ hưu.

Thời gian làm Liên doanh tôi tâm đắc nhất, khi thành lập Liên doanh Vietsovpetro, Đảng và Nhà nước ta yêu cầu phía Việt Nam cùng với bạn nhanh chóng tìm ra dầu bởi khi đó đất nước mình sau chiến tranh khó khăn lắm và năm 1986 niềm vui như vỡ òa đối với tất cả những người làm dầu khí, đó là việc tìm thấy và khai thác tấn dầu thương mại đầu tiên.

Thời kỳ tôi làm Liên doanh Dầu khí rất phấn khởi khi 2 lần Liên doanh được công nhận là đơn vị Anh hùng và có 2 Anh hùng Lao động là ông Ngô Thường San và ông Nguyễn Giao, vui vì cũng góp phần vào sự phát triển của Liên doanh Vietsovpetro.

Tôi về hưu đã lâu, nhưng với tình yêu nghề tôi vẫn luôn theo dõi từng bước đi của ngành. Mặc dù thời gian qua ngành Dầu khí đứng trước rất nhiều khó khăn, nhưng tôi luôn tin tưởng ngành Dầu khí sẽ vượt qua những khó khăn và tiếp tục phát triển, Dầu khí là ngành kinh tế mũi nhọn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.

Nguyên Viện trưởng Viện NIPI thuộc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Chủ tịch Chi hội Dầu khí Vũng Tàu Nguyễn Văn Đức: Mong những dòng dầu luôn tuôn trào như giàn hoa lửa trên biển

ky niem dang nho cua nhung nguoi di tim lua

Những kỷ niệm trong tôi về Vietsovpetro, đó là từ ngày đầu khi cùng đoàn chuyên gia của Petrovietnam và Zarubezhneft chuẩn bị hồ sơ kỹ thuật thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí vào năm 1979-1980 giữa Việt Nam và Liên Xô, sau này là Liên bang Nga. Làm việc trong tập thể mà tôi có thể gọi là “Thánh Gióng ngày nay”, từ một kỹ sư trẻ đến lúc về nghỉ với mái tóc nhuốm thời gian, biết bao kỷ niệm vui buồn đáng nhớ cùng những kỳ tích và thăng trầm của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro nói riêng, của ngành Dầu khí nói chung, có chuyện đôi khi dường như chỉ còn là huyền thoại…

Khoảnh khắc thứ nhất: Phát hiện dầu trong tầng Oligocen ở mỏ Bạch Hổ vào mùa xuân năm 1985. Niềm khát khao mong đợi của cả nước thực sự đã đến, giếng khoan thăm dò BH-4 đã phát hiện tầng dầu lớn trong Oligocen với tổng sản lượng thử các vỉa trên 1.000 tấn/ngày.

Đại diện cho Vietsovpetro giám sát giàn tự nâng Ekhabi khoan giếng thăm dò BH-4, tôi bay ra giàn từ ngày 13/12/1984 và cùng với tập thể giàn khoan tự hào mở vỉa dầu Oligocen đầu tiên ở mỏ Bạch Hổ từ độ sâu 3.082m. Đến ngày 22/12/1984, tôi thật sự xúc động, không nghi ngờ gì nữa, lần thứ 3 tận tay sờ vào những vết dầu thô đọng lại từ hiệp mẫu lõi thứ 3 trong Oligocen. Đồng đội bên tôi - các bạn Liên Xô cùng vui mừng, háo hức chỉ ra biển cả mênh mông và nói: “Đây rồi, có công việc cho chiếc “ghế đẩu” của Vietsovpetro rồi!” (ám chỉ chân đế giàn MSP-1 đang xây dựng).

ky niem dang nho cua nhung nguoi di tim lua
Giàn khai thác dầu khí của Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ

Khoảnh khắc thứ hai - hoa lửa: Vietsovpetro đã tìm ra và khai thác dầu trong móng, rất nhiều điều mới lạ phải tìm tòi, học hỏi. Trong tài liệu giáo khoa có sách in năm 1967 nói về mỏ Auguila khai thác dầu trong đá granit trước kỷ Cambri, có bài báo về mỏ La Pas cũng khai thác dầu trong tầng chứa nứt nẻ. Không như bây giờ có Internet, lúc đó phải tìm xin tài liệu về tầng dầu hóc búa này ở các công ty dầu và các hãng dịch vụ. Áp dụng kiến thức trường ứng suất vào thực tiễn, tôi đã đề xuất khoan giếng khai thác 81 từ giàn MSP-6 xuống tầng móng ở vị trí bề mặt móng gồ ghề nhất, nhưng không có sự đồng thuận.

Phải đến lãnh đạo Vietsovpetro can thiệp, rất may sau khi nghe trình bày, đồng chí Tổng giám đốc cũng rất nhẹ nhàng thuyết phục: “Lần này nghe Đức thử xem!”. Xuân Giáp Tuất 1994, giếng khoan 81 được đưa vào khai thác với dòng dầu mạnh từ móng lưu lượng 758 tấn/ngày, làm cho ngọn đuốc giàn MSP-6 đang leo lét bừng sáng, các giếng khoan khai thác khác tiếp tục được khoan vào khu mỏ này. Lãnh đạo Vietsovpetro đã không ngần ngại khao thưởng tầng dầu mới cho cán bộ, nhân viên. Tôi ngại lửa nên chưa bao giờ có ảnh chụp cạnh đuốc giàn, nhưng mỗi lần ra biển thấy ánh đuốc lại “cay cay mi mắt” thôi thúc làm sao duy trì được những ngọn lửa nhiệt huyết này.

Và khoảnh khắc thứ ba - Nam Côn Sơn: Mùa xuân đến, mọi gia đình đông vui, chỉ những người dầu khí đi ca biển thường đón tết sớm hơn hoặc muộn hơn. Ngày 27 tết Quý Mùi 2003, tôi bay ra mỏ Đại Hùng đổi ca cho anh em về ăn tết. Lúc này thời tiết xấu, sóng to, giàn Ocean General đang rời sang vị trí khoan mới nhưng anh em trên giàn rất hồ hởi vì vừa hoàn thành thắng lợi giếng thăm dò 10X, phát hiện tầng khí condensate mới lần đầu tiên trong móng khối Nam, góp phần tái sinh mỏ Đại Hùng. Cũng gặp nhiều anh em quen cũ từ Địa vật lý giếng khoan, Trung tâm Trắc địa bản đồ biển, nhà bếp... Đây là dịp tôi gần và tâm sự với anh em về mỏ Đại Hùng chìm nổi với bao gắn bó trong những thời khắc lịch sử của nó.

Đó là những kỷ niệm mà tôi sẽ chẳng bao giờ quên, nó là những ký ức thấm đượm tình yêu nghề của thế hệ chúng tôi. Mong rằng ngành Dầu khí sẽ vượt qua mọi khó khăn hiện nay, tiếp tục tìm thấy những dòng dầu tuôn trào với những giàn hoa lửa rực sáng trên Biển Đông, để mỗi cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí đều thấy ấm lòng. Tôi luôn hạnh phúc, tự hào khi bao năm cống hiến cho ngành Dầu khí, tôi đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đất nước mà bao lớp người đi trước và bạn bè tôi đã đổi bằng xương máu của mình để giữ gìn.

Trưởng ban Liên lạc Hưu trí - Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) Văn Đức Tờng: Tin tưởng sự trưởng thành và phát triển mạnh mẽ của ngành Dầu khí

ky niem dang nho cua nhung nguoi di tim lua

Tháng 6/1981, sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ ở Đại học Dầu khí Ploiesti - Rumania, tôi về nước và được Bộ Đại học khuyên về dạy tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất trên Phổ Yên - Thái Nguyên. Lấy lý do giọng địa phương tôi phát âm khá nặng nên có thể sinh viên không hiểu được, tôi lại được phân công xuống Công ty Dầu khí 1 - Thái Bình nhận nhiệm vụ.

Sau những giây phút háo hức của tuổi trẻ, thực trạng tại Công ty Dầu khí 1 lại khá ảm đạm và manh mún, không hoành tráng và đồ sộ như bức tranh trong suy nghĩ của tôi. Về đó tôi được đưa về Phòng Cơ điện. Ngày đó, Phòng Cơ điện phụ trách 4 bộ máy khoan 4LD, 2 bộ F200, 1 bộ F320 và 2 bộ T 50 của Rumania. Công tác khoan giếng mới hầu như không triển khai nữa vì hết kế hoạch, mà sửa giếng thì phải có giàn khoan nhẹ đặc thù mới tác nghiệp được, Phòng Cơ điện đề xuất hoán cải 1 giàn di động trên xe ôtô - nguyên l2 thiết bị thử vỉa để khoan sửa giếng và anh Tạ Quỳnh - Trưởng phòng Cơ điện giao cho tôi mày mò xem xét khả năng hoán cải cỗ máy thử vỉa AT 50 của Rumania thành bộ giàn khoan nhẹ sửa giếng.

Hồi đó khoảng đầu năm 1982, chưa có máy tính, tất cả mọi tính toán, bản vẽ đều bằng tay và thước tính logarit. Toàn bộ tài liệu của cỗ máy thử vỉa AT 50 này bằng tiếng Anh. Thời kỳ đó tiếng Anh chưa thịnh hành ở miền Bắc. Chúng ta đa phần biết tiếng Nga, may sao tôi lại biết tiếng Anh từ năm 1977 lúc làm luận án tiến sĩ bên Rumania và được sự giúp đỡ của các anh em kỹ sư trong phòng, nhất là anh Mậu, anh Nguyễn Văn Bình, anh Đỗ Văn Phúc nên mọi việc cũng suôn sẻ. Khi gần hoàn thành, tôi lại được điều đi công tác bên Viện Dầu khí Azerbaijan 6 tháng để chuẩn bị nhân lực cho Vietsovpetro.

Tôi giao lại các phần chưa giải quyết cho anh Nguyễn Văn Mậu thực hiện và sau 6 tháng công tác về, cỗ máy thử vỉa đã biến thành bộ giàn khoan nhẹ sửa giếng 1 cách ngon lành.

Ngày ấy, mọi thứ thiếu thốn, từ cái đinh ốc đến thép tốt đều khan hiếm, có khi phải ra chợ “Trời” tìm mua hàng cũ về gia công, nhiệt luyện lại mới lắp ráp đủ cho giàn khoan. Thật tiếc là qua năm tháng xa vời vợi, nay không còn lưu được hình ảnh trước và sau khi giàn 2 khoan AT 50 được hoán cải để chúng ta chiêm ngưỡng nó “xinh đẹp” như thế nào. Trước lúc khởi sự, ít người tin rằng chúng ta (Công ty 1) lại hoán cải được cỗ máy thử vỉa thành giàn khoan nhẹ để sửa giếng sâu 4.500m. Sức trẻ và lòng quyết tâm, cộng với sự đoàn kết tập thể chúng tôi đã thành công.

ky niem dang nho cua nhung nguoi di tim lua
Những người thợ khoan PV Drilling

Cuối 1982 tôi được điều vào Vũng Tàu chuẩn bị làm cho Vietsovpetro. Ngày đó đói kém, chúng ta không có đủ gạo ăn. Ban Đào tạo cán bộ cho Vietsovpetro gần 200 người không có việc làm, thậm chí anh em tối đến đốt đuốc đi bắt cua đá ven biển về cải thiện, trong khi đó gạo và cá dưới vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long thừa mứa, hỏi ra mới biết cơ quan không có phương tiện chuyên chở. Có 1 cái ôtô Zil 2 cầu duy nhất bị hư hỏng mà không có tiền sửa.

Tôi nói với anh Thị, anh Nhân trong Ban Giám đốc rằng: Các anh để tôi sửa xe cho, các anh chi tiền mua những thứ cần thiết và cho tôi mượn 2 ông thợ, tôi không lấy tiền công sửa. Sau 2 tuần mổ xẻ con xe Zil của Nga, sửa chữa lau chùi, cuối cùng nó ngoan ngoãn lăn bánh chạy vù vù xuống đồng bằng cõng về 5 tấn gạo nếp và bao nhiêu cá, chia cho anh em ăn tết Quý Hợi 1983. Từ đó Ban Đào tạo cán bộ cho Liên doanh Dầu khí Việt Xô không lo thiếu gạo và thực phẩm nữa, con xe Zil ngược xuôi Vũng Tàu - Vĩnh Long - Cần Thơ - Đà Lạt mỗi tuần 1 vài chuyến giải quyết dứt điểm vấn nạn thiếu gạo cho mấy trăm con người.

Những tháng ngày khó khăn từ thuở ban đầu gia nhập ngành Dầu khí dù đã gần 40 năm trôi qua vẫn còn đọng mãi trong tôi. Nay chúng ta có đủ các loại giàn khoan hiện đại, đủ sức vươn xa đến mọi đại dương sâu thẳm, gần chục giàn khoan tự nậng, hàng chục giàn khoan cố định sừng sững giữa biển trời bao la, minh chứng cho sự trưởng thành và phát triển mạnh mẽ của ngành Dầu khí Việt Nam.

Đó là những kỷ niệm từ trong gian khó khi mới bước chân vào ngành Dầu khí tới khi thành công mà tôi không thể nào quên. Với chiều dài lịch sử 57 năm, tôi tin rằng ngành Dầu khí của chúng ta sẽ không ngừng phát triển mà còn tiến xa hơn nữa.

Hồng Thắm

DMCA.com Protection Status