Kỷ niệm tìm dầu giữa sa mạc lửa

08:11 | 04/11/2022

7,491 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Cho đến bây giờ dự án khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) ở mỏ Bir Seba của Algeria được coi là dự án thành công và đây cũng là dự án mở đầu cho việc Petrovietnam đầu tư ra các dự án nước ngoài.

Ông Lê Văn Trương, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư - Phát triển Dầu khí (PIDC), nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu Khí (PVEP) là một trong những người đầu tiên đặt chân lên đất Algeria để thực hiện dự án này. Ông đã 18 lần sang Algeria và 5 lần đi xuống Hassi Messaoud để thực hiện dự án.

Ngày 3 tháng 11 năm 2022, ông đã về cõi vĩnh hằng.

Để tưởng nhớ ông, Tạp chí Năng lượng Mới/PetroTimes xin đăng lại hồi ức của ông về dự án Bir Seba!

Hồi ức của Lê Văn Trương

Nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư - Phát triển Dầu khí (PIDC)

Nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP)

Kỷ niệm tìm dầu giữa sa mạc lửa
Ông Lê Văn Trương

Dự án Bir Seba hay là dự án lô 433a & 416b là dự án đầu tiên mà PIDC (tiền thân của PVEP ngày nay) thực hiện. Dự án này chúng tôi có từ năm 2002 và cho đến bây giờ được đánh giá là dự án thành công của PVEP, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói chung và của Nhà nước Việt Nam nói riêng.

Năm tháng trôi đi, tôi không bao giờ quên những tháng ngày gian khổ nhưng rất hào hùng của những người dầu khí.

Algeria là 1 đất nước nằm ở Bắc Phi, cùng văn hoá với Trung Đông, các nước Trung Đông. Nền văn hoá của họ rất là khác biệt đối với chúng ta, rất là xa vời. Họ thì theo Đạo hồi, theo Thánh Ala, theo Muslim... còn chúng ta thì theo đạo Phật. Họ tụng Kinh Co-ran suốt ngày, họ ăn những cái chúng ta không ăn được. Họ không ăn thịt lợn thì đấy là phong tục của họ mà mình là nhà đầu tư thì mình phải theo họ và mình cũng phải như họ. Còn ở văn phòng có thể khác họ nhưng mà những nơi công cộng là mình phải theo họ.

Algeria là xứ rất là xa với chúng ta. Muốn bay sang Algeria, muốn đến mỏ thì bắt buộc mình phải theo lộ trình rất là phức tạp, rất là dài. Từ Hà Nội phải sang Pháp, rồi sang Algeria. Rồi từ Algeria xuống đến căn cứ dịch vụ là Hassi Messaoud là phải đi bằng máy bay mất 700 cây số nữa. Và từ Hassi Messaoud là từ căn cứ xuống đến giàn khoan là còn khoảng 120 cây số nữa là có thể đi bằng máy bay cỡ 5 chỗ hay có thể đi bằng ô tô. Nhàn hạ thì đi đường máy bay đi thẳng còn nếu mà đi bằng ô tô thì phải băng qua sa mạc nhấp nhô những đụn cát. Theo tôi phương tiện nào cũng có cái hay nhưng tựu chung lại là mất từ 3-4 ngày chúng ta mới đến được giàn khoan.

Ban ngày ở sa mạc nóng lắm. Có khi đến 55-58 độ, nhưng ban đêm chỉ có 10 hoặc 8oC mà thôi. Một cái sự thay đổi về nhiệt độ này nó làm cho sức khỏe chúng ta phải thích ứng mà nó cũng không phải là dễ. Bão cát ở sa mạc cũng là nỗi kinh hoàng. Đang nắng chang chang, vậy mà thoắt cái, trời đất tối sầm… Cát như dựng thành, dựng lũy trước mặt và tiếng gầm rú thì còn hơn máy bay phản lực.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh kỷ niệm với đoàn cán bộ Petrovietnam và Sonatrach tại Hải Phòng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh kỷ niệm với đoàn cán bộ Petrovietnam và Sonatrach tại Hải Phòng

Có môt lần chính tôi là đưa Phó TGĐ Nguyễn Xuân Nhậm và TGĐ Ngô Thường San xuống thăm Hassi Messaoud, xuống thăm giàn khoan. Chúng tôi đã đến Hassi Messaoud và ngủ ở đây một đêm. Sáng hôm sau do bão cát, tôi, anh em và anh San, các chuyên viên khác là phải đi đến thăm quan cái thành cổ La Mã thay vì đi đến giàn khoan bởi vì bão cát nó tấn công dữ dội không cho phép chúng tôi liều mạng.

***

Kỷ niệm mà tôi rất nhớ và không thể nào quên là ngày 10/7/2002, khi đấy tôi ký hợp đồng. Ông Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ của Algeria đã nói “ông Trương đâu rồi, mời ông phát biểu trước”. Trong 7 nhà thầu trúng thầu thì tôi được vinh dự là ngừơi phát biểu đầu tiên. Và khi chụp ảnh lưu niệm thì ông hỏi “ôi ông Trương đâu rồi, ông vào đây”. Thế là ông đặt cái bàn tay của ông ý trước, xong ông ý bảo ông Trương đặt tay lên đây, còn 6 người khác đặt tay lên tay chúng tôi. Điều đấy rất là cảm kích. Tôi vẫn giữ cái ảnh đấy. 1 tấm ảnh có thể nói rằng là không thể dễ gì có được. Không phải là thành tích của riêng tôi, mà thành tích này là thành tích của nhân dân chúng ta, thành tích của Đảng chúng ta. Thành tích này không phải của những người làm dự án, mà của chung tất cả bởi vì rằng là nó chính là kết tinh của những năm tháng mà cùng chiến hạm đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mới có được những cái tình cảm chan chứa đến như vậy. Đó là những cái điều mà tôi không bao giờ quên. Đấy là niềm tin.

***

Bir Seba là khu vực 433a&416b tại tỉnh Tuhu, Algeria. Nó nguyên là dự án thăm dò dầu khí. Cái dự án này là Mobil đã tìm thấy dầu, một công ty Mỹ đã tìm thấy dầu trước kia, chúng tôi tiếp quản nó và chúng tôi đánh giá nó các cái tài liệu có liên quan và chúng tôi đã ký kết hợp đồng với bạn, đã trúng thầu một cách sòng phẳng. Không phải là dự án thuộc Chính phủ, mà đây là một dự án chúng ta đã bỏ thầu, chúng ta đã trúng thầu bằng cái hệ số K, cái hệ số mà tôi xin miễn nói ra ở đây hệ số K đấy là cái gì và chúng ta đã bỏ thầu như thế nào. Nhưng mà tôi vẫn nhớ rất rõ là chúng ta đã trúng thầu một cách sòng phẳng. Không phải là món quà mà Chính phủ Algeria ban tặng cho Việt Nam. Đấy là một cái niềm vinh dự nhưng đồng thời cũng là một mối lo lắng. Vinh dự ở đây là lần đầu tiên chúng ta trúng thầu ở nước ngoài. Petrovietnam hay PIDC bé nhỏ lắm. Thế mà chúng ta đã trúng thầu quốc tế. Và chúng ta đã ký hợp đồng với bạn vào ngày 10/7/2002.

Và đến 2008, chúng ta kết thúc giai đoạn thăm dò, chúng ta đã tìm thấy hai mỏ. Mỏ thứ nhất là mỏ Bir Seba với trữ lượng là 180 triệu thùng, ở độ sâu 3.900 đến 4.100 trong tầng Quartzite Hamra.

Vậy hợp đồng là khoan 3 giếng. Vậy chúng ta khoan ở đâu? Chúng tôi thất bại ở giếng khoan đầu tiên, hoàn toàn khô. Tôi là người chủ dự án, tôi rất lo. Tôi bảo không khéo mình “dựa cột” bởi vì mỗi giếng khoan không có dầu là mất cỡ khoảng 20 triệu đô. Thế thì 3 cái giếng khoan mình mất khoảng 60 triệu đô thì hậu họa chưa biết thế nào. Nhưng may sao 2 giếng sau này dầu khí phun lên ầm ầm, lưu lượng là 10 ngàn thùng/ngày. Nhờ có kết quả của 2 giếng sau cùng này mà chúng tôi đi từ sự bế tắc, từ cái sự thất vọng sang giai đoạn rất là thăng hoa, rất là phấn khích trong công việc của mình. Và đối với tôi là 1 kỷ niệm, mà cái kỷ niệm lớn nhất chính là cái đó, chính là cái sự thành công của cái giai đoạn thăm dò, là chúng tôi đã tìm ra mỏ. Vào năm 2008, cái mỏ này đã tuyên bố thương mại cùng với cái mỏ bên cạnh nhỏ hơn 1 chút nhưng mà năm 2008, chúng tôi đã tuyên bố thương mại.

Và năm 2009, thì cái công ty gọi là Groupement Bir Seba ra đời và chúng tôi đã tiến hành thẩm lượng từ năm 2006 cho đến năm 2015 thì giọt dầu đầu tiên đã được đưa lên từ lòng đất Algeria với sản lượng hiện tại từ tròm trèm 18 ngàn thùng và sản lượng đỉnh của nó là 40 ngàn thùng. Bây giờ chưa đạt được sản lượng đỉnh nhưng điều mà chúng ta mong muốn là có một cái sản lượng đỉnh là 40 ngàn thùng, chúng ta còn phải phấn đấu, còn phải lao động. Nhưng đấy là những kết quả có thể nói rằng là đã động viên chúng tôi rất là nhiều trong việc triển khai dự án này.

Kỷ niệm tìm dầu giữa sa mạc lửa

Chúng tôi kí cam kết hợp đồng là có 3 giếng khoan, tức là chúng ta có 3 nước cờ phải đi. Vậy đi trước, đi sau như thế nào, vị trí nào, độ sâu nào, không phải là một sớm một chiều là có thể nói trước được. Nhưng giếng khoan đầu tiên là vô cùng quan trọng. Mà đã là đầu tiên thì phải nói là một cái vị trí..., để đảm bảo sự thành công mà thì giếng khoan đầu tiên nó phải ở vị trí tốt nhất, ngon lành nhất, khả dĩ nhất có thể. Thế thì tất cả những cái tin nghiên cứu lúc bấy giờ là rất là kỳ vọng vào kết quả riêng của giếng khoan này, kết quả tốt từ giếng khoan này. Nhưng đáp lại là khô không khốc. Buồn tê tái, buồn đến đau đớn. Chúng tôi họp ngay lại và đánh giá nguyên nhân thành công và thất bại của giếng khoan đầu tiên này. Tất cả đều cùng 1 khuôn mặt buồn rười rượi là tại sao ở vị trí đầu tiên, ngon lành nhất mà lại mình lại thất bại.

Nhưng không có cách nào khác là chúng ta phải tìm vị trí tiếp theo, ở một cái vị trí khả dĩ nhất. Thế thì chúng tôi phải đánh giá và mất 6 tháng đấy, mất 6 tháng để tìm được một cái vị trí khả dĩ thứ 2. May mà giếng khoan thứ 2 và giếng khoan thứ 3, tức là 2 nước cờ cuối cùng như tôi nói là nó cho lưu lượng 10 ngàn thùng/ngày. Có thể nói rằng là một cái ngọn lửa, một cái ngọn khói đốt lên, khi mà thử vỉa của 2 cái giếng sau này nó đã làm cho tôi nghẹt thở, có thể nói là như thế. Bởi vì cái sự sung sướng nó đến nghẹt thở, bởi vì không có một cái cảm xúc nào to lớn là thay vì mình phải dựa cột, thay vì mình phải chết thì bây giờ mình như được sống lại.

Nguyễn Như Phong (thực hiện)

Có một PV Drilling 11 giữa sa mạc Sahara (kỳ 2) Có một PV Drilling 11 giữa sa mạc Sahara (kỳ 2)
Có một PV Drilling 11 giữa sa mạc Sahara (kỳ 1) Có một PV Drilling 11 giữa sa mạc Sahara (kỳ 1)
Tuổi trẻ PVEP Algeria: Vững tâm, bền chí giữ ngọn lửa Dầu khí luôn rực cháy trên sa mạc Sahara Tuổi trẻ PVEP Algeria: Vững tâm, bền chí giữ ngọn lửa Dầu khí luôn rực cháy trên sa mạc Sahara
Tìm dầu trên sa mạc Tìm dầu trên sa mạc
Tìm dầu ở sa mạc lửa Tìm dầu ở sa mạc lửa
Bản lĩnh Petrovietnam ở Sahara Bản lĩnh Petrovietnam ở Sahara

DMCA.com Protection Status